Việt Nam ảnh hưởng khủng hoảng lương thực

Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới đang chịu ảnh hưởng tăng vật giá từ cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, dù đó là thật hay ảo.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011.02.24
rau-305.jpg Một quầy bán rau ở chợ Gò Vấp, ảnh chụp tháng 2/2011
RFA photo

Quy luật kinh tế chung

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những nước thực hiện tốt về bảo đảm an ninh lương thực. Tuy thừa lúa gạo để có thể xuất khẩu tới 6,8 triệu tấn gạo trong năm ngoái trị giá 3,23 tỷ USD, nhưng giá gạo ở Việt Nam đã tăng 46% trong sáu tháng cuối năm 2010 theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới.

Giá thành sản xuất lúa, cây lương thực khác cũng như rau quả ở Việt Nam tùy thuộc vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón thuốc bảo vệ thực vật, những mặt hàng này phải nhập khẩu ở một tỷ lệ khá lớn. Trả lời Nam Nguyên tối 23/2, từ Hà Nội Ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định:

“Giá đầu vào tùy thuộc những yếu tố trong đó có tỷ giá hối đoái, tỷ giá đô la và mặt bằng giá các loại vật tư đó trên thế giới. Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu với thế giới nên phải chấp nhận những điều đó. Như thế đồng nghĩa với giá đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp phải tăng, giá nông sản trong chừng mực nào đó cũng phải chấp nhận tăng lên so với giá mặt hàng đầu vào, điều này phù hợp với qui luật kinh tế chung.”

Ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh, phải giải bài toán khó là ổn định vật giá nhưng vẫn phải hài hòa lợi nhuận nông dân. Ông nói:

Giá đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp phải tăng, giá nông sản trong chừng mực nào đó cũng phải chấp nhận tăng lên so với giá mặt hàng đầu vào, điều này phù hợp với qui luật kinh tế chung.

Ông Nguyễn Trí Ngọc

“Đứng về giác độ của người sản xuất, chúng tôi mong muốn người nông dân thu lại được phần bỏ ra trên đồng ruộng của mình. Việc này đồng nghĩa với việc giá cả của nông sản phẩm đầu ra phải tăng tương ứng với giá đầu vào.”           

Thực phẩm như thịt gà, thịt heo, tôm cá là thành phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi đó chăn nuôi gia cầm gia súc và thủy sản tùy thuộc phần lớn vào thức ăn công nghiệp, ở nhiều loại vật nuôi cứ 1kg thịt có được cần tới 1,6kg thức ăn chăn nuôi. Nói chung giá thành chăn nuôi lệ thuộc 70%-80% lượng thức ăn đầu vào, trong khi công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lại tùy thuộc hầu hết vào nguyên liệu nhập khẩu.

Tác động của lạm phát

Trả lời chúng tôi tối 23/2, từ Hà Nội ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam xác nhận là giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng theo mặt bằng giá nguyên liệu đầu vào cũng như sự điều chỉnh tỷ giá đô la-tiền đồng. Theo lời ông Lịch năm ngoái Việt Nam phải nhập khẩu 2,7 tỷ USD nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi như khô dầu đậu nành, bắp, các dưỡng chất và thức ăn bổ sung. Ông Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết sẽ cố gắng ổn định giá sản phẩm cung cấp cho nông dân:

thitbo-250.jpg
Quầy bán thịt bò ở chợ Gò Vấp những ngày cận Tết Nguyên Đán 2011. RFA photo
Quầy bán thịt bò ở chợ Gò Vấp những ngày cận Tết Nguyên Đán 2011. RFA photo
“Nhà nước dự kiến mức lạm phát, chúng tôi cố giữ dưới mức đấy để góp phần vào việc chống lạm phát. Chúng tôi tìm biện pháp kềm chế tăng giá như tăng cường cải tiến công tác quản lý để giảm giá thành.”     

Cuộc khủng hoảng giá lương thực trên thế giới sẽ tác động đến mức tăng vật giá lạm phát ở Việt Nam như thế nào. TS Lê Đạt Chí, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra quan điểm đáng chú ý:

“Tác động lạm phát của Việt Nam năm nay 2011 là nhập khẩu lạm phát. Bởi vì tác nhân của Việt Nam là tình trạng nhập siêu rất là lớn, mà trong đó các yếu tố về hàng hóa nguyên liệu cơ bản trên thế giới dự kiến gia tăng trong năm nay. Điều đó sẽ góp phần gia tăng lạm phát của Việt Nam. Nhóm ngành thứ hai tác động nữa là thực phẩm, bởi vì cơ cấu chi tiêu cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, người dân dành phần lớn chi tiêu cho nhóm lương thực thực phẩm. Cho nên sự biến động của giá lương thực thực phẩm trong nước cũng như thế giới sẽ là một yếu tố tác động lớn thứ hai.”

Theo thông tin trong nước, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực kềm chế lạm phát với một số biện pháp được hứa hẹn như, giảm bội chi ngân sách dưới 5%, giảm chi tiêu công 10%, kềm tăng trưởng tín dụng dưới 20%, điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, tỷ giá ngoại hối sẽ được điều chỉnh thích hợp.

Theo các chuyên gia, nếu chính phủ Việt Nam thực hiện những cam kết này một cách nghiêm túc, tức là không còn chú trọng triệt để tăng trưởng kinh tế thì có thể ghìm cương con ngựa lạm phát bất kham. Tuy nhiên giá lương thực sẽ vẫn là một ẩn số đối với mức tăng vật giá tiêu dùng trong năm nay.          

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.