Việt Nam xích gần Hoa Kỳ sau vụ giàn khoan Trung Quốc

Việt Hà, phóng viên RFA
2014.10.01
20141001_144720.jpg Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại buổi hội thảo về hiện tình quan hệ Việt - Mỹ do Trung Tâm Nguyên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược của Hoa Kỳ tổ chức ở thủ đô Washington DC chiều thứ Tư 01/10/2014.
RFA PHOTO

 

Kể từ sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ HD 981 trong vùng nước Việt Nam đòi chủ quyền ở biển Đông hồi tháng 5 vừa qua, mối quan hệ Việt Trung đã trở nên căng thẳng hơn nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lại cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn. Quan hệ hai nước còn có thể tiến xa đến đâu?

Những dấu hiệu mới

Những ngày qua, sự có mặt của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Mỹ chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng với Ngoại trưởng John Kerry đã gây sự chú ý của nhiều người quan tâm đến quan hệ Việt Mỹ. Đây là chuyến đi được trông đợi từ lâu, kể từ sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Những người mong muốn một quan hệ nồng ấm giữa hai nước cựu thù cũng có thể hy vọng đây là một dấu hiệu cho thấy những bước biến chuyển quan trọng trong quan hệ hai nước để đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc.

Trong bài viết được đăng trên trang Yale Global hôm 25 tháng 9 vừa qua, nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ, David Brown, viết đại ý rằng trong cuộc gặp tới, ông Phạm Bình Minh và ông Kerry sẽ phải tìm ra một tiến trình trung gian bảo vệ sự tự chủ của Mỹ về chính sách trong khi vẫn duy trì sự cân bằng trong khu vực.

Ngay trước cuộc gặp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 tới, trong một bài phát biểu tại Hiệp hội châu Á (Asia Society) ở New York hôm 24 tháng 9, ông Phạm Bình Minh cũng đã kêu gọi Mỹ phải tiếp tục đóng vai trò quan trọng và không nên bỏ qua trách nhiệm của mình ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển quan hệ ngoại giao đa dạng, đa phương:

Gần đây chúng ta có thể quan sát các chuyến đi của những quan chức Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng như ngược lại. Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ đó là tự nhiên tại vì khi Việt Nam có cảm giác có thể cần thiết quan hệ với Hoa Kỳ tốt hơn do một số vấn đề xảy ra với Trung Quốc.
-TS Lê Thu Hường

“Những bên có liên quan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Hoa Kỳ nên duy trì cam kết và trách nhiệm của họ đối với tương lai của châu Á Thái Bình Dương… các cường quốc lớn nên gánh tránh nhiệm lớn hơn để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á Thái Bình Dương…”

Kể từ sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam và sử dụng các đội tàu hung hậu xua đuổi các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động trong khu vực, khước từ các đề nghị đối thoại của lãnh đạo Việt Nam, người ta cũng thấy có những dấu hiệu mới tích cực hơn trong quan hệ Việt Mỹ.

Trả lời biên tập viên Gia Minh của đài Á châu Tự do hôm 29 tháng 9, tiến sĩ Lê Thu Hường, thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét:

“Gần đây chúng ta có thể quan sát các chuyến đi của những quan chức Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng như ngược lại. Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ đó là tự nhiên tại vì khi Việt Nam có cảm giác có thể cần thiết quan hệ với Hoa Kỳ tốt hơn do một số vấn đề xảy ra với Trung Quốc, nhất là tại biển Đông thì tôi nghĩ đó là điều tự nhiên thôi. Những người quan sát cũng nghĩ rằng đây là một hy vọng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đi đến gần nhau hơn.”

Ngay từ tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng John Kerry và được mời sang Hoa Kỳ để có những thảo luận với phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên chuyến đi được nhiều người trông đợi đã bị hoãn lại. Thay vào đó, Việt Nam cử ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, sang Mỹ từ ngày 23 đến 28 tháng 7.

Ngay sau chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ, ngày 8 tháng 8, hai Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse đã đến thăm Việt Nam. Điểm đáng chú ý trong chuyến thăm này là phát biểu của Thượng nghị sĩ John McCain ủng hộ việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội Châu Á (Asia Society) hôm 24/9/2014. Courtesy Asia Society.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội Châu Á (Asia Society) hôm 24/9/2014. Courtesy Asia Society.

Tiếp theo sau chuyến thăm của hai Thượng nghị sĩ là chuyến thăm của tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Nhận định về ý nghĩa của chuyến thăm này, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc nói:

“Chuyến thăm của tướng Dempsey đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong quan hệ hai nước vì chưa từng có một Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nào đã từng đến Việt Nam kể từ sau thống nhất. Theo tôi biết thì lần cuối là vào năm 1971. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai nước vẫn chưa đạt đến mức độ đó. Năm ngoái tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Đỗ Bá Tỵ đến thăm Washington và đi cùng ông là những viên chức cấp cao. Cho nên chuyến thăm này từ phía Mỹ là chuyến đáp trả. Cho nên ý nghĩa của chuyến thăm này chính là hai bên đã đạt được mức cao hơn trong quân đội chỉ thấp hơn mức Bộ trưởng quốc phòng.”

Mới đây hôm 23 tháng 9, hãng tin Reuters trích lời một số quan chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ sắp tới sẽ bán cho Việt Nam những chiếc máy bay tuần tiễu  P-3 đã bỏ vũ khí để giúp gia tăng khả năng thám sát trên không ngoài biển của Việt Nam. Theo các quan chức giấu tên này thì đàm phán giữa hai bên về việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đang tiếp diễn và có nhiều khả năng sẽ có kết quả vào cuối năm nay.

Những trở ngại

Trong khi thái độ hung hăng của Trung Quốc ngoài biển Đông đang làm Hoa Kỳ và Việt Nam cho thấy có những dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, người ta cũng nhận thấy những khác biệt nhất định còn tồn tại giữa hai nước trên con đường hướng tới việc phát triển quan hệ sâu rộng hơn nữa.

Một trong những trở ngại lớn nhất chính là vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain dù tuyên bố ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam cũng tỏ ra thận trọng khi nói đến vấn đề này. Phát biểu với báo giới tại Hà Nội hôm 8 tháng 8, Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng mức độ nới lỏng lệnh cấm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam cải thiện hơn nữa vấn đề nhân quyền.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế hiện vẫn chỉ trích vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Human Rights Watch cho biết số người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị kết án vẫn tiếp tục gia tăng kể từ năm 2010 trở lại đây. Chỉ riêng trong năm ngoái đã có ít nhất 63 người bị bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa.

Vấn đề thứ hai chính là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ hai nước đã có những dấu hiệu nồng ấm trở lại kể từ sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào giữa tháng 7 vừa qua. Cuối tháng 8, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, đặc phái viên Tổng Bí thư đảng Cộng sản, đã sang Trung Quốc. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã được thỏa thuận 3 điểm, theo đó hai bên cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai đảng và nhà nước, duy trì ổn định ở biển Đông.

Ngay trong phần trả lời câu hỏi ở Hiệp hội châu Á hôm 24 tháng 9, ông Phạm Bình Minh cũng khẳng định quan hệ Việt Trung là tốt đẹp.

“Chúng tôi có quan hệ rất tốt đẹp về chính trị.  Về mặt kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mai hai nước vào khoảng 50 tỷ đô la chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và thế giới. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi có quan hệ ở mọi kênh giữa hai đảng, nhà nước và người dân.”

Chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC cho rằng, mối quan hệ với Trung quốc có thể chính là rào cản trong việc Việt Nam có thể mua được vũ khí sát thương từ Mỹ vì những người trong Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Mặt khác, với chính sách 3 không, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống lại nước khác, việc Việt Nam ngả về phía Mỹ hoàn toàn để chống lại Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra vào lúc này. Và đây cũng là điều mà ông Phạm Bình Minh đã nói tại Hiệp hội châu Á khi ông nói rằng các nước nhỏ không muốn phải lựa chọn giữa các cường quốc, ý ông muốn nói đến Mỹ và Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.