TPP và chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Việt Nam

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013.07.18
000_DV1076362-305.jpg Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk (phải) trong một cuộc họp với các lãnh đạo Trans Pacific Partnership (TPP) ở Honolulu, Hawaii, vào ngày 12 tháng 11 năm 2011.
AFP photo

Một trong những nội dung của lịch trình Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ lần này là đề cập đến Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang là các đối tác đàm phán.

Vậy nội dung này sẽ có ý nghĩa ra sao trong chuyến viếng thăm của ông Trương Tấn Sang, Vũ Hoàng trao đổi với ông Ernest Z. Bower, Cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ.

Quan điểm của hai nước

Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn ông đã dành thời gian cho đài RFA, theo ông khi chủ tịch VN Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ liệu vấn đề TPP có phải là phần cốt lõi nhất hay không?

Earnest Bower: Quan điểm của Washington là Việt Nam ngày càng trở thành một trong những quốc gia có tầm chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có những cam kết cấp cao về thương mại cũng như tăng cường sức mạnh cho khối ASEAN, vì thế, TPP có vai trò rất quan trọng trong chuyến thăm này của chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ.

Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan điểm là cần thiết phải tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong khu vực ASEAN, và đây cũng là một trong những nỗ lực để Trung Quốc thấy rằng khi họ tạo ra luật lệ cho các nước trong khu vực thì họ cũng phải tuân thủ những luật đó, chứ không thể áp đặt quan điểm của họ lên vùng chủ quyền lãnh thổ ngoài biển Đông. Tôi nghĩ rằng điều này cũng tạo ra một cảm giác an toàn về mặt kinh tế và chính trị trước Trung Quốc. An toàn trước Trung Quốc là những điều kiện cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Châu Á – TBD, Hoa Kỳ và Việt Nam đều chia sẻ quan điểm này.

Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan điểm là cần thiết phải tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong khu vực ASEAN.
- Earnest Bower

Cũng trên quan điểm đó, theo tôi, các chính trị gia của cả Hà Nội và Washington cần phải nỗ lực hơn để đưa ra những quyết định khó khăn về TPP, để hiệp định này có thể được thông qua trong vòng 2 năm tới.

Vũ Hoàng: Báo chí cũng như nhiều luồng thông tin từ cả Việt Nam và Hoa Kỳ cho là hai phía đang ráo riết muốn kết thúc các vòng đàm phán vào tháng 10 năm nay. Theo ông liệu điều đó có khả thi không?

Earnest Bower: Theo tôi hiện tại Tòa Bạch Ốc đang rất muốn hoàn tất hiệp định về TPP trong năm nay, tuy vậy, tôi không biết liệu điều này có diễn ra vào tháng 10 năm nay hay không, là thời điểm mà Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ được tổ chức tại Brunei. Tôi nghĩ là Tổng thống Obama và Đại diện Thương mại mới là ông Mike Froman đang cam kết để Hiệp định này được Quốc Hội bước đầu thông qua vào năm 2014, ngay trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ diễn ra.

Hiện tại, thì chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam cũng như các nước đàm phán khác đang nỗ lực để kết thúc các vòng đàm phán càng sớm càng tốt, đó là mục tiêu thực sự.

Vũ Hoàng: Một trong những yếu tố thường được các đối tác đàm phán khi nhắc tới Việt Nam là “một nền kinh tế phi thị trường”, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Earnest Bower: Tôi nghĩ ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam đang sử dụng TPP như một động lực để thúc đẩy hơn nữa tiến trình cải cách kinh tế của mình, cả Chính phủ lẫn đảng Cộng sản Việt Nam đang cố gắng đưa nền kinh tế của mình trở nên cạnh tranh hơn nữa. Thật khó để cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước, là khu vực đang có vai trò chi phối trong nền kinh tế quốc gia nếu không có sự ủng hộ về mặt chính trị. Tôi nghĩ dưới góc độ này, TPP sẽ là một đòn bẩy quan trọng để cả Đảng Cộng sản và Chính phủ thay đổi khu vực doanh nghiệp NN trước những sức ép đòi hỏi từ bên ngoài, kể cả việc thu hút sự quan tâm của các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Khối doanh nghiệp nhà nước

Trụ sở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN Vinashin tại Hà Nội. Ảnh minh họa. RFA photo
Trụ sở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN Vinashin tại Hà Nội. Ảnh minh họa. RFA photo
Trụ sở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN Vinashin tại Hà Nội. Ảnh minh họa. RFA photo

Vũ Hoàng: Cũng liên quan đến chuyện này, hồi tháng 3, chúng tôi có được đọc bản tin của CSIS, ông nhận xét khá nhiều về khối doanh nghiệp Nhà nước VN, vậy, mối quan hệ của khu vực này trong việc đàm phán TPP của Việt Nam ra sao rồi thưa ông?

Earnest Bower: Các doanh nghiệp NN của Việt Nam cũng giống với Trung Quốc là đang kéo nền kinh tế quốc gia đi xuống. Tôi nghĩ là tất cả các nhà kinh tế Việt Nam đều cho rằng khối doanh nghiệp Nhà nước phải đổi mới. Vì thế, một lần nữa đàm phán TPP sẽ mang lại cơ hội chiến lược, cộng với sức ép đổi mới từ bên ngoài và những đòi hỏi đổi mới chính trị kinh tế từ các nước đối tác đàm phán, buộc Việt Nam phải thay đổi khối doanh nghiệp này.

Ngoài ra, thông qua TPP cũng khiến Việt Nam hội nhập hơn nữa với Châu Á, ý tôi muốn nói là những nỗ lực về hội nhập kinh tế, đảm bảo Việt Nam tiếp tục tiến lên chứ không bị tụt hậu, nhất là khi Việt Nam muốn trở nên cạnh tranh hơn và đối mặt với những sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, TPP ngoài các điều khoản về đàm phán “nền kinh tế thị trường” thì còn nhiều yếu tố khác nữa như bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền người lao động rồi cả tham nhũng nữa. Vậy đến lúc này, những điều khoản trên đã được đàm phán ra sao rồi?


Các doanh nghiệp NN của Việt Nam cũng giống với Trung Quốc là đang kéo nền kinh tế quốc gia đi xuống. Tôi nghĩ là tất cả các nhà kinh tế Việt Nam đều cho rằng khối doanh nghiệp Nhà nước phải đổi mới.
- Earnest Bower

Earnest Bower: Tôi chỉ muốn nhắc anh cũng như muốn để thính giả hiểu rằng, việc đàm phán không chỉ là giữa 2 quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ mà là giữa 11 quốc gia đàm phán. Tôi nghĩ các vòng đàm phán bao gồm cả những cam kết về tính minh bạch và quản lý hay giám sát để tăng cường những cam kết về lao động và môi trường nữa.

Nếu để ý chúng ta có thể thấy người dân Việt Nam rất quan tâm đến việc cải thiện những lĩnh vực như chống tham nhũng, nước sạch, môi trường, an toàn lao động, an toàn thực phẩm…và đây cũng là những mối quan tâm giống với mọi quốc gia khác. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã truyền tải và đưa những mối quan tâm này của người dân vào trong tiến trình đàm phán và như vậy là chính phủ Việt Nam đang mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Vũ Hoàng: Vâng cám ơn lời nhắc nhở của ông về 11 nước đang tham gia đàm phán, câu hỏi cuối cùng của chúng tôi chỉ liên quan đến 2 đối tác Hoa Kỳ và Việt Nam là: Việt Nam đặt trọng tâm nhiều đến việc đàm phán lĩnh vực may mặc và giày dép khi xuất sang Hoa Kỳ trong khi đó, Hoa Kỳ lại ưu tiên đến hàng nông sản khi xuất sang thị trường Việt Nam. Vậy đánh giá của ông về việc điều hòa những khác biệt trong các ưu tiên này ra sao?

Earnest Bower: Hoa Kỳ, Việt Nam cũng như mọi quốc gia đàm phán khác đều có những quan tâm cụ thể đến từng lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn, Việt Nam quan tâm nhiều đến tiếp cận thị trường cho hàng dệt may, giày dép và cá tra. Tôi nghĩ đặt các ưu tiên khác nhau cũng là bản chất của quá trình đàm phán, nếu Hoa Kỳ muốn thấy được Hiệp định TPP vào mùa thu năm nay thì Hoa Kỳ cần phải hiểu được những yêu cầu trong chính trị nội bộ Việt Nam là họ đang cần những gì. Nói thực lòng, ngay cả tôi hay bất cứ một người nào khác ở thời điểm này, đều không biết được khi kết thúc đàm phán thì Hiệp định sẽ ra sao. Những người đàm phán và cả các nhà lãnh đạo quốc gia đều hiểu rằng cả 2 phía phải có những hi sinh nhiều hơn những gì mà họ muốn để có thể có được Hiệp định TPP thành hình.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông rất nhiều.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.