Cải lương sanh nghề tử nghiệp

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013.07.06
NamChauPhungHa-305.jpg Từ trái sang: Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong Tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc ở Cần Thơ diễn trên sân khấu khoảng năm 1931.
Ngành Mai sưu tầm

 

Ở Nam Vang Lúc kép chánh Tư Út vướng phải chứng bệnh đậu mùa truyền nhiễm đáng sợ, thì Má Bảy Phùng Há chạy chơn không bén gót, vì chủ mua giàn hăm đòi bồi thường, họ cho rằng thiếu Tư Út nên họ phải chịu lỗ lã. Chủ rạp hát cũng đòi đuổi Tư Út ra, bởi sợ Sở Vệ Sinh hay được có bệnh truyền nhiễm sẽ đốt rạp hát! Bao nhiêu chuyện dồn dập càng làm cho gánh Phụng Hảo xơ xác hơn lên.

Đi Miễu Mới cầu may

Lúc bấy giờ các nghệ sĩ cùng sống với Tư Út đến phút cuối cùng vẫn không hiểu Bà Cốt ở Miễu Mới (Nam Vang) đã lên “đồng” thật hay giả. Qua ngày thứ sáu, Tư Út cứ mê luôn, không còn biết trời trăng gì nữa, nằm cứ tuột gối. Mọi người mới rước Bà Cốt đến lên “đồng” xem cho. Không hiểu hồn “cô cậu” có nhập chăng mà bà cũng trùm khăn đỏ, run lên cầm cập cũng chắc lưỡi cũng khè khè. Một lúc sau, bà ứng lên nói thao thao bất tuyệt và quyết chắc rằng sẽ cứu Tư Út thoát chết. Hồn “cô cậu” bảo đem Tư Út vào miễu.

Ngôi miễu mới cất, chưa từng được khách thập phương đến viếng, bỗng dưng được hân hạnh rước người kịch sĩ đệ nhất Việt Nam trong giờ hấp hối. Xe đưa Tư Út đến miễu, anh em vừa khiêng xuống để nằm ở nhà khói của miễu, thì Bà Cốt chủ ngôi miễu cũng về tới. Hồn “cô cậu” đã thoát xác nên Bà Cốt trở lại kiếp phàm và nhìn rõ Tư Út, bà hiểu hơn ai hết cái nguy cơ của ngôi miễu. Một khi nhà cầm quyền biết được người chết mắc bệnh truyền nhiễm, chắc chắn là ngôi miễu không thoát được ngọn lửa hung tàn.

Quyền lợi bị va chạm, “cốt đồng” của “cô cậu” đã phản lại lệnh truyền của “cô cậu” là: “cứu nhân độ thế”. Bà Cốt nhất định đuổi Tư Út ra khỏi miễu. Trước tình cảnh ấy, anh em nghệ sĩ vô cùng đâu xót, cô Phùng Há xin bà chủ miễu cho mua đứt cái nhà “khói” để Tư Út nằm, và cam đoan sẽ đền tiền nếu ngôi miễu vì Tư Út mà bị “hỏa thiêu”. Nhưng Bà Cốt nhứt định không nghe.

Tư Út như hiểu được nỗi khổ tâm của hầu hết anh chị em nghệ sĩ trong giờ phút ấy, nên anh tắt thở tại miễu, để cho Bà Cốt không còn cớ gì để tống cổ một xác chết...

Nhưng số Tư Út còn lận đận. Không hiểu ai đã rơi thơ cho nhà cầm quyền biết, anh đã đau bệnh “trái mùa” nên Sở Vệ sinh phải người đến điều tra. Thật là tai họa. Nhưng không biết nhờ một lý do gì khi người thừa hành nhiệm vụ giở mặt anh ra, anh vẫn lành lặn, không một vết tích gì chứng tỏ anh chết vì bệnh trái, bao nhiêu mụt đen đều lặn hết.

Sau đó thì có tin đồn là nhờ cô đào Phùng Há tài sắc, làm say mê các đấng mày râu nam tử. Các người ở Sở Vệ Sinh muốn lấy lòng cô Phùng Há, nên đã chứng nhận Tư Út không phải bệnh đậu mùa truyền nhiễm, cho mọi chuyện được êm xuôi. Biết đâu nhờ vậy mà tạo được sự quen biết, kết thân với cô đào nổi tiếng tên tuổi lẫy lừng. Buổi chiều hôm ấy, gánh hát được quyền tẩn liệm Tư Út và chiếc quan tài được quàn ở nhà khói miễu Kim Biên. Vài ba người bạn công nhân ở lại với anh, tất cả phải trở về rạp Kim Phụng để sửa soạn đêm hát.

Đêm ấy lại diễn tuồng “Trảm Trịnh Ân”, vở hát mà trước đây mấy tuần trong vai “Nhử Nam Vương” Tư Út đã làm rơi lệ hàng ngàn khán giả. Mọi người ra sân khấu mà vẫn nhớ đến quan tài Tư Út, lù lù trong gian nhà khói, ngôi miễu đèn đuốc quạnh hiu.

Đào hoa vắn số

Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Ảnh tư liệu gia đình

Hôm sau, một ngày quang đãng, trời xanh, mây trắng, gió nhẹ nhàng qua những cành cây rậm, trong nghĩa địa Việt kiều Kim Biên. Một đoàn người đông không tưởng được, đến đưa Tư Út về nơi an nghỉ cuối cùng. Tất cả những nghệ sĩ có mặt ở Kim Biên vào ngày hôm ấy, không thiếu một ai. Một số đông Việt kiều chẳng ngại chứng bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo, tự động đến đưa Tư Út ra mộ phần. Và những vũ nữ từ Sài Gòn lên làm việc ở Kim Biên, Nam Vang, luôn theo cạnh quan tài, những tấm áo màu sặc sỡ bay trong gió, gợi nhớ đến những hình ảnh tươi đẹp một thời qua...

Người ta bảo Tư Út có số đào hoa, anh yêu nhiều và cũng lắm người yêu. Trong đám tang hôm ấy, biết đâu không có mặt những người đã từng yêu anh, từng sống với anh những giờ phút êm đẹp nhất đời. Có chắc họ đến đưa tiễn anh lần cuối cùng chăng? Nào ai biết! Xe tang đi trong nắng đường về nghĩa địa lê thê... Nghệ sĩ tài danh Tư Út vắn số, thân xác gởi nơi xứ người, đến ngày gánh Phụng Hảo về nước Tư Út phải... ở lại. Hơn mười năm sau, năm 1961 vợ Tư Út lên Nam Vang cải táng cho chồng, cùng đi theo có ký giả Trần Tấn Quốc, người sáng lập Giải Thanh Tâm, chủ bút tờ báo Buổi Sáng, và nhà khảo cổ Vương Hồng Sển. Hài cốt Tư Út được đưa về Sài Gòn.

Năm 1950 gánh hát Phụng Hảo dọn xuống tàu đò Nam Vang về nước (tàu chạy Nam Vang – Tân Châu), bà con đưa tiễn khá đông, nước mắt cũng khá nhiều, bởi ở lâu ngày ai cũng có kỷ niệm, người đi kẻ ở ai buồn hơn ai? Về lần đó coi như là về luôn, gánh Phụng Hảo và Má Bảy không có trở lại Nam Vang lần nào nữa.

Về đến Việt Nam, thiên hạ, người quen hỏi đi Nam Vang lần đó gánh Phụng Hảo có khá hơn không, dư được bao nhiêu tiền Đông Dương, cũng như nghệ sĩ có ai làm giàu nhờ chuyến đi Nam Vang không? Má Bảy nói chỉ đỡ thôi chớ làm gì có dư nhiều, không mắc nợ là phước đức lắm rồi, bởi khi hát có tiền vô thì xây xài, mua này sắm nọ, may thêm đồ hát, mua thêm dụng cụ cho gánh hát. Còn đào kép cải lương thì cũng như lính vậy, “tiền lính tính liền” hát bữa nào trang trải bữa nấy, không thiếu nợ ấp lẫm là mừng rồi.

Về nước hát ở quê nhà đào kép ai cũng mừng, khán giả cũng mừng, xa vắng thời gian lâu gánh Phụng Hảo về Sài Gòn, năm sau mới bắt đầu đi lưu diễn. Các tỉnh Miền Tây trước, kế đó là Miền Đông, Miền Trung, Miền Bắc. Lúc bấy giờ có xe lửa chạy từ Sài Gòn ra Hà Nội, mướn nguyên một toa vừa chở đồ đạc gánh hát vừa cho người ngồi luôn. Khi đoàn trở về thì tỉnh nào cũng dừng lại hát nên đi bằng tàu biển, có chỗ đi bằng xe, như vậy mà đi giáp vòng cũng hết cả năm trời.

Hát được vài năm thì khán giả hằng đêm giảm xuống khá nhiều, Má Bảy xin giấy tờ đi Nam Vang lần nữa, nhưng chưa đi thì Hiệp Định Genève 1954 ra đời, hòa bình lập lại trên đất nước chỗ nào cũng yên, dân chúng nông thôn đổ ra thành thị coi hát đông quá nên chuyện đi Miên gác lại. Chừng một năm sau thì nhiều gánh hát mới ra đời chia bớt khán giả, tình trạng tài chánh khó khăn, Má Bảy lại lo giấy tờ đi Miên thì lúc bấy giờ tình hình đã đổi khác. Trước đây 3 nước Đông Dương cũng như một, cùng một chính quyền thuộc địa, giấy tờ do chính quyền Pháp cấp đi lại dễ dàng. Giờ đây nước nào cũng có chủ quyền riêng, đi Nam Vang phải có thông hành. Kế đó Việt Nam và Miên đoạn giao, coi như không còn vấn đề đi Nam Vang nữa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.