Minh bạch và chống lạm phát

Việc các tổng công ty nhà nước được giao cho quyền hạn quá lớn mà không có biện pháp giám sát thích hợp đã và đang gây nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.05.11
DSC_0595-305.jpg Trụ sở công ty Petro Việt Nam tại TPHCM.
RFA PHOTO

Thua lỗ, mất tín nhiệm

Sau con tàu Vinashin, hậu quả thấy được ít nhất cũng đang làm cho nền kinh tế Việt Nam tròng trành. Về mặt tín dụng, ngay lập tức nhiều định chế tài chính lớn đánh tụt hạng tín nhiệm của Việt Nam điều này có nghĩa là tín dụng Việt Nam có vấn đề và từ kết quả này nếu còn được vay vốn tiếp theo Việt Nam bắt buộc phải chấp nhận một lãi suất cao hơn nhiều so với trước đó.

Bộ mặt kinh tế mà Việt Nam cố gắng kiến tạo đã trong một sớm một chiều bị Vinashin làm cho lem luốc trước thị trường tài chính thế giới. Từ sự thật này nhà nước không thể tiếp tục bao che cho những tập đoàn khác như đã từng bao che cho Vinashin trước đây.

Trong nghị quyết 11 chính phủ ra lệnh “thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011.”

Hơn nữa nghị quyết này còn nhấn mạnh phải “kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài.”

Từ nhiều năm nay, dư luận báo chí và giới quan sát quốc tế không tin tưởng lắm về những mệnh lệnh thanh kiểm tra mà chính phủ ban hành đối với các tập đoàn kinh tế.

Báo chí liên tiếp đưa tin hàng trăm phái đoàn kiểm tra đã gặp khó khăn vì vị thế các tập đoàn nhà nước quá lớn, bao trùm cả luật pháp và bất cứ mệnh lệnh nào được đưa ra từ văn phòng Thủ tướng chính phủ. Điều này từng đựơc nhiều đời thủ tướng xác nhận bởi vị trí các Bộ trưởng do đã đựơc Bộ chính trị cơ cấu cho nên Thủ tướng không thể kỷ luật hay sa thải một bộ trưởng.

Vị trí lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế hiện nay thường có liên hệ mật thiết đến các bộ trưởng đương nhiệm, thậm chí cả Thủ tướng hay Phó thủ tướng cho nên việc không tuân thủ những đề nghị của phái đoàn thanh tra là điều không khó suy đoán.

Phát suất từ tình hình thực tiễn này liệu những mệnh lệnh trong nghị quyết 11 sẽ đựơc thực hiện tới đâu hay cũng sẽ trở về nguyên trạng?

Công khai, Minh bạch

friends-094-200.jpg
Tòa nhà Tổng công ty Hằng hải Việt Nam tại Hà Nội. RFA PHOTO.
Liệu có cần một văn bản pháp luật cụ thể để đối phó với tình trạng này hay không? TS Lê Đăng Doanh nguyên tư vấn cho Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết:

“Theo tôi phải hoàn thiện một cách ráo riết các quy định về pháp luật. Thí dụ như phải công khai minh bạch. Phải công bố cho công luận biết chứ không phải chỉ có thông báo với cầp trên. Thứ hai nữa phải thay đổi cơ bản cơ chế giám sát

Người ta hỏi rằng trong tất cả các vụ việc này thì đảng ủy ở đâu? Ban kiểm tra ở đâu? Ban giám sát ở đâu? Và trách nhiệm của chủ sở hữu như thế nào? Thứ ba nữa là phải làm rõ một loạt các tiêu chí đòi hỏi người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải đáp ứng và phải thực hiện.

Thí dụ như trong thời gian bổ nhiệm anh thì anh có nâng cao lợi nhuận bao nhiêu, giảm chi phí bao nhiêu, hiện đại hóa công nghệ bao nhiêu… Tất cả cái đó phải có cam kết và bổ nhiệm người vào vị trí đó là để nhằm thực hiện cam kết đó chứ không phải bổ nhiệm rồi ông ta muốn làm gì thì làm.

Trong tình hình hiện nay, những thất thoát như vậy đã làm tổn hại cho nền kinh tế và chưa ai biết đựơc rằng đằng sau Vinashin, sau công ty thuê mua tài chính của Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp thì sẽ còn có đại gia thiếu gia nào nữa đang sắp hàng và không thể nào loại trừ được bởi vì tình hình hiện nay hết sức không rõ ràng.”

Tuy vai trò minh bạch là không thể bàn cãi trong các chính sách vận hành của một nền kinh tế hay nhỏ hơn là điều phối một tập đoàn hay tổng công ty, nhưng đối với ông Nguyễn Trần Bạt, giám đốc công ty tư vấn đầu tư InvestConsult thì vấn đề minh bạch thật ra rất tế nhị, cần phải soi xét kỹ lưỡng hơn trước khi có những phản ứng đối với nó, ông cho biết:

“Tôi nghĩ rằng để nghiên cứu một cách triệt để thì vai trò của vấn đề minh bạch nó giữ một địa vị khá lớn trong thái độ và phản ứng của các nhà đầu tư nước ngoài. Đấy là điều không thể tránh đựơc. Đấy là đòi hỏi khách quan, tất yếu của các nhà đầu tư. Vì thế để phấn đấu có một nền kinh tế có chính sách minh bạch là nhu cầu lâu dài.

Tuy nhiên minh bạch là một khái niệm khá tương đối trong điều kiện xã hội, chính trị khác nhau. Độ minh bạch và khả năng minh bạch của xã hội đối với nên kinh tế là khá khác nhau, vì thế chúng ta cực đoan hóa, chúng ta cố gắng đấu tranh hoặc đòi hỏi một sự minh bạch lý thuyết trong điều kiện xã hội hiện nay là rất khó.

Chúng ta phấn đấu đạt được những ngưỡng khác nhau, mức độ khác nhau trong quá trình minh bạch hóa đời sống kinh tế xã hội là đúng đắn. Nhưng đòi hỏi triệt để ngay lập tức là một thái độ tương đối chủ quan.”

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tư vấn cho văn phòng Thủ tướng chính phủ nhìn vấn đề minh bạch qua lăng kính của một doanh nghiệp bình thường trước các chính sách của chính phủ đưa ra và hình như họ luôn có những câu hỏi không dễ trả lời. Tất cả các chính sách của chính phủ hầu như không được minh bạch ngay cả nơi thượng tầng chưa kể thông qua cấp dưới và từ đó các biểu hiện lệch lạc đã xuất hiện ngày một dày đặc hơn, bà nói:

“Tôi mong là chính phủ trước hết phải minh bạch giữa các chính sách của mình và các chính sách đó phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình ở đây, tức là phải nói rõ những cơ quan nào, tổ chức nào chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề của nên kinh tế kể cả khi quyết định những chính sách.

000_Hkg3844410-250.jpg
Trụ sở Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội.
AFP PHOTO
Cho dù quyết định đó có thể nó trúng nhưng chưa thực hiện đựơc tới nơi tới chốn thì các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm. Trong các nhóm giải pháp của chính phủ về kiềm chế lạm phát thì có nói đến các giải pháp về tín dụng. Kềm chế tăng trưởng tín dụng chẳng hạn. Nhưng kềm chế tăng trưởng tín dụng theo cách nào? NHNN đưa ra kềm chế tăng trưởng tín dụng chủ yếu là sẽ giảm tín dụng ở những lĩnh vực phi sản xuất như là bất động sản, chứng khóan….nhưng đấy là một phần thôi, và thực tế đã kiểm soát được ra sao để mà tín dụng cũng vẫn còn tăng ở một số nơi.

Cũng trong chính sách đó của NHNN nói là ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng trên thực tế thì lãi suất vẫn tiếp tục tăng cao và vẫn gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận với vốn tín dụng để kinh doanh. Chuyện đó nó thuộc về trách nhiệm của ai thì phải làm rõ.”

Tuy nhiên ông Nguyễn Trần Bạt lại có một cái nhìn khác, theo ông vấn đề minh bạch cần phải có thời gian và lộ trình để chính phủ theo đó mà thực hiện:

“Về vấn đề minh bạch tôi nghĩ rằng chính phủ cần có một chương trình phấn đấu, có lộ trình minh bạch cái đã. Tức là xây dựng một lộ trình minh bạch, phấn đấu tạo ra một xã hội có nền kinh tế minh bạch là việc phải làm ngay.

Nhưng phấn đấu đến những ngưỡng khác nhau, mức độ khác nhau của sự minh bạch cụ thể thì hoàn toàn có thể làm một cách từ tốn không bắt buộc và không nên làm mọi giá để cho minh bạch.

Bởi vì làm mọi giá để cho minh bạch sẽ dẫn đến minh bạch ngay chính ý đồ của mình. Tôi nghĩ rằng đây là một vần đề rát khó, hơi lý thuyết. Chính phủ cần phải phấn đấu để có một xã hội kinh tế minh bạch và giúp cho người làm ăn người ta có thể tin được, đánh giá được và có thể chuẩn hóa, hiện thực hóa các lộ trình kinh doanh đầu tư của người ta. Lúc ấy thì tâm lý tin tưởng mới có thể trở lại và khi tin tưởng trở lại thì mới có được đầu tư tích cực.”

Bà Phạm Chi Lan nói về sự độc quyền của các tập đoàn hay tổng công ty xuất phát từ sự thiếu minh bạch khi thực hiện chính sách của nhà nước đang làm cho cả xã hội mất niềm tin. Bà đưa ra những thí dụ hết sức gần gũi với thực trạng kinh tế xã hội hôm nay như sau:

“Chính phủ nói hỗ trợ giá điện, giá xăng dầu cho người nghèo nhưng trên thực tế thì nó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vậy thì có nên tăng giá theo cách này hay không? Hiện nay việc tăng giá thì có lợi cho tập đoàn mà bất lợi cho tất cả các nền kinh doanh khác.

Hoặc là trong tình trạng chưa có thị trường thì phải kiểm soát độc quyền như thế nào để mọi sự tăng giá của họ phải có kiểm soát.

Nếu không thực hiện được một cách đầy đủ những giải pháp như đã nêu thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Hai nguyên nhân cốt lõi nhất là về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải được thực hiện một cách triệt để. Tất cả chính sách này phải được minh bạch hóa cao hơn nữa và phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn nữa.”

Chính sách minh bạch trước tiên dùng để chứng minh với thế giới về độ uy tín của một nền kinh tế, thứ đến nó là vũ khí tiêu diệt những âm mưu của người thực hiện theo diễn tiến khác có lợi cho một nhóm lợi ích hay một tập đoàn.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.