Người Việt nghĩ gì về ‘Cách mạng cây Dù’ tại Hong Kong

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.10.05
Người biểu tình ủng hộ dân chủ ngủ trên một con đường bị phong tỏa tại Hồng Kông vào ngày 03 tháng 10, năm 2014. Hồng Kông đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997. Người biểu tình ủng hộ dân chủ ngủ trên một con đường bị phong tỏa tại Hồng Kông vào ngày 03 tháng 10, năm 2014. Hồng Kông đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997.
AFP

Cuộc biểu tình ‘Cách mạng cây Dù’ tại Hong Kong tiếp tục là đề tài thời sự đối với nhiều người Việt Nam trong suốt những ngày qua.

Cho đến lúc này những người quan tâm trong nước rút ra được những gì từ một sinh hoạt dân chủ như thế và họ nghĩ gì về một khả năng tương tự tại Việt Nam?

Bài học từ người: nể phục!

Những cư dân mạng Việt Nam quan tâm tình hình trong những ngày qua cập nhật nhanh chóng lên tài khoản facebook, twitter hay trang cá nhân mọi thông tin về cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong đòi dân chủ cho đặc khu này thông qua việc bầu cử trực tiếp vị chưởng quan hành chánh tại đó, chứ không như cách mà Bắc Kinh đặt cho họ.

Một trong những facebookers đó hiện là một sinh viên tại Việt Nam cho biết:

Phong trào dân chủ ở đâu em cũng đặc biệt theo dõi rất sát. Hong Kong có đặc biệt hơn nữa đây là cuộc xuống đường mà đa phần là sinh viên, họ là thành phần khởi xướng. Tôi tin khi theo sát tôi học được rất nhiều kinh nghiệm, nắm được tâm lý của những người sinh viên xuống đường để sau này khi tại Việt Nam có xuống đường, tôi có thể rút ra được những bài học của riêng mình.

Tôi rút ra được văn hóa xuống đường của lực lượng sinh viên Hong Kong, rút ra được cách ứng xử của họ khi bị trấn áp, đánh đập hay khi bị xịt lựu đạn cay. Tôi học được ở họ sự vị tha và nhiệt huyết yêu dân chủ, yêu tự do đến cháy bỏng.

Một sinh viên ở Việt Nam

Sau khi theo dõi diễn tiến của đợt biểu tình của những người cùng trang lứa tại Hong Kong, người sinh viên Việt Nam chia xẻ một số điều mà bạn này rút ra được từ hoạt động đòi hỏi quyền dân chủ của những sinh viên Hong Kong:

Tôi rút ra được văn hóa xuống đường của lực lượng sinh viên Hong Kong, rút ra được cách ứng xử của họ khi bị trấn áp, đánh đập hay khi bị xịt lựu đạn cay. Tôi học được ở họ sự vị tha và nhiệt huyết yêu dân chủ, yêu tự do đến cháy bỏng. Đó là những bài học rất lớn và tôi cần phải nhìn lại bản thân và tôi nghĩ cần phát huy hơn nữa quá trình đấu tranh của bản thân tôi.

Một nhà đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam và từng phải trả giá cho hoạt động của bản thân bằng tù tội, luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng theo dõi tình hình Hong Kong và có những điều học hỏi được cho đến lúc này mà ông cho biết:

Bản thân tôi và nhiều anh em khi nhìn thấy sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình đòi dân chủ, chúng tôi rất mong muốn, thèm khát điều đó xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta biết không phải bỗng dưng hôm nay sinh viên Hong Kong xuống đường mà trải qua một quá trình rất lâu năm. Tôi còn nhớ vào những đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi mà Anh và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận chuyển giao Hong Kong về lại cho Trung Quốc, ông toàn quyền người Anh lúc đó đã khuyến khích người dân Hong Kong quan tâm đến chính trị, thành lập các tổ chức chính trị. Họ hoạt động trong suốt hơn 20 năm vừa qua, đến nay họ gặt hai được những thành tựu về vận động người dân tham gia vào tiến trình dân chủ. Nên không phải bỗng dưng mà tại Hong Kong có những chuyện đó.

Họ hoạt động trong suốt hơn 20 năm vừa qua, đến nay họ gặt hai được những thành tựu về vận động người dân tham gia vào tiến trình dân chủ. Nên không phải bỗng dưng mà tại Hong Kong có những chuyện đó

LS Nguyễn Văn Đài

Ở Việt Nam hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt sự phát triển của các trang mạng xã hội cũng giúp rất nhiều cho những người đấu tranh trong nước. Nếu chúng ta vận dụng tốt những công cụ đó chúng ta có thể rút ngắn rất nhiều thời gian so với Hong Kong mất 20 năm vừa qua.

Tôi cũng hy vọng những tổ chức xã hội dân sự, những người đấu tranh tại Việt Nam hãy quan tâm đến điều đó để làm sao tạo nên được một mạng lưới liên kết xã hội, học tập kinh nghiệm từ Hong Kong để có thể thay đổi đất nước của mình, đem lại lợi ích không chỉ cho những người Việt Nam hôm nay mà cho cả các thế hệ Việt Nam mai sau.

Nhìn lại chuyện mình: chưa thể!

Do truyền thông Việt Nam đợt  này được phép thông tin khá đầy đủ và kịp thời về những diễn tiến tại Hong Kong, rất nhiều người dân tại Việt Nam biết đến những gì đang xảy ra tại đó.

Tuy vậy nhận thức và phản ứng của mỗi người rất khác biệt nhau. Luật sư Nguyễn Văn Đài trên facebook của ông cho biết vào một buổi ăn sáng ông gặp hai vị viên chức cao cấp về hưu. Hai ông này khen sinh viên Hong Kong dũng cảm và nêu câu hỏi với luật sư Nguyễn Văn Đài sao không thấy sinh viên, thanh niên Việt Nam đứng lên. Theo facebook của luật sư Nguyễn Văn Đài thì hai người này nói rằng họ muốn đất nước thay đổi nhưng già rồi không làm gì được, mong những người trẻ cố lên.

Khi chúng tôi nêu lại vấn đề đó, luật sư Nguyễn Văn Đài bày tỏ:

Hầu hết các cán bộ cao cấp của Việt Nam nằm trong bộ máy chính quyền trong hằng chục năm trời, họ hiểu rất rõ thể chế chính trị cộng sản này tốt hay xấu. Bản thân họ nắm rất rõ điều đó, nhưng khi còn tại chức họ không dám lên tiếng, họ đành ngậm miệng để hưởng những lợi ích, quyền lợi do chế độ này đem lại. Nhưng khi về hưu họ nhìn nhận thực trạng xã hội và tiếp cận những thông tin trên hệ thống mạng Internet, họ hiểu rõ rằng đất nước này cần phải thay đổi, nhưng thường tuổi họ già rồi, họ cũng muốn thay đổi để con cháu của họ, thế hệ mai sau được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp hơn của đất nước, dân tộc; thế nhưng họ không dám dấn thân đấu tranh trong những năm tháng còn lại của cuộc đời họ, họ mong muốn những người trẻ tuổi hơn dấn thân đấu tranh để trước khi họ nhắm mắt xuôi tay có thể nhìn thấy đất nước Việt Nam thay đổi.

Để có quá trình như Hong Kong hôm nay phải có trải qua sự chuẩn bị rất nhiều và yếu tố văn hóa cũng tác động rất lớn. Những sinh viên Hong Kong từ lâu họ được giáo dục trong một xã hội dân chủ nên việc quan tâm đến dân chủ đã trở thành lối sống của họ rồi

Một sinh viên ở Việt Nam

Người sinh viên trẻ cho biết bạn cũng có câu hỏi vì sao ở Việt Nam hiện nay có ít người dám dấn thân công khai lên tiếng đòi hỏi những quyền con người; và bạn này cũng cố tìm ra câu giải đáp như sau:

Để có quá trình như Hong Kong hôm nay phải có trải qua sự chuẩn bị rất nhiều và yếu tố văn hóa cũng tác động rất lớn. Những sinh viên Hong Kong từ lâu họ được giáo dục trong một xã hội dân chủ nên việc quan tâm đến dân chủ đã trở thành lối sống của họ rồi. Chứ ở Việt Nam thì khác, những người sinh viên như tôi mà tôi tiếp xúc cũng có người khao khát được như Hong Kong hôm nay. Họ cũng muốn được cống hiến, đóng góp nhưng hệ thống giáo dục, hệ thống an ninh- mật vụ có những hạch sách lớn như đe dọa. Kể cả nhà trường. Bản thân tôi cũng bị an ninh văn hóa, an ninh tỉnh, an ninh Bộ về Nhà trường gây sức ép. Sức ép này rất lớn không phải ai cũng đủ sức để vượt qua. Nhiều bạn trẻ còn đang sợ!

Nhà báo Đoan Trang trong một bài viết đăng trên trang cá nhân của cô cho rằng lực lượng an ninh Việt Nam hiện cũng đang theo dõi sát phong trào biểu tình ở Hong Kong. Theo nhà báo này thì dù kết quả của cuộc biểu tình ở đó ra sao đi chăng nữa thì an ninh và tuyên giáo Việt Nam sẽ thêm cảnh giác và càng xiết chặt kiểm soát giới trẻ Việt Nam, nhất là các sinh viên.

Nhà báo Đoan Trang cũng cho rằng một ‘mua thu Hương Cảng’ chưa thể đến Việt Nam lúc này được.

Diễn tiến giống nhau.

Dù thừa nhận những khác biệc giữa hai nền chính trị tại Hong Kong và Việt Nam hiện nay; những người theo dõi tình hình sinh viên biểu tình đòi quyền bầu cử trực tiếp người đại diện của họ tại đặc khu này nhận thấy đã có những kịch bản tương tự từ phía đại diện thân Trung Quốc ở Hong Kong và nhà cầm quyền Hà Nội đối với người biểu tình tại Việt Nam trong mấy năm qua.

Từ hôm thứ sáu tuần rồi ở Hong Kong đã xuất hiện những phần tử chống người biểu tình đỏi dân chủ. Thành phần này hành xử thô bạo đối với những sinh viên bất bạo động; đó là dùng lời lẽ bất nhã, phá lều và ra tay hành hung sinh viên. Nhiều người trong số họ bịt mặt và bị phát hiện từ lục địa sang, số khác bị cho là những phần tử của các nhóm bất hảo trong xã hội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.