Quốc phòng Việt - Mỹ: Đầu tư liên kết chiến lược

Đầu tư chiến lược vào hợp tác quốc phòng là ưu tiên để phát triển quân sự, an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012.07.27
000_Hkg7226632-305.jpg Hải quân Việt Nam (áo trắng) trên tàu USS Chafee trong đợt tập huấn kiểm soát thảm họa với các thủy thủ Mỹ tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm 25/4/2012
AFP photo

Vì sao đầu tư chiến lược này của Hoa Kỳ lại quan trọng, đó là vấn đề chính được giải quyết trong bài viết của T.S Walter Lohman, giám đốc Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage. Bài viết có sự tham gia của Đại tá Williams Jordan và T.S Lewis Stern thuộc Cục Tình Báo Trung Ương (CIA). Để hiểu thêm về bài viết này, mời quí vị nghe cuộc phỏng vấn của Vũ Hoàng và T.S Lohman.

Chung lợi ích chiến lược

Trước tiên T.S Lohman cho biết những điểm chính:

"Điểm chính trong bài viết của chúng tôi là cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều có chung một lợi ích chiến lược trong khu vực liên quan đến chuyện cân bằng thế lực với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như hạn chế tham vọng của quốc gia này đặc biệt là ngoài biển Đông.

Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ có chung lợi ích chiến lược như vậy mà còn có mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc. Việt Nam không phải là kẻ thù của Trung Quốc, mặc dù như chúng ta thấy là những gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, những tranh chấp lãnh hải giữa 2 quốc gia, rồi thì Việt Nam mua vũ khí để phòng bị trước Trung Quốc, thế nhưng, Việt Nam vẫn giữ mối giao hảo với Trung Quốc, đặc biệt là mối quan hệ Cộng Sản của 2 nước anh em.

Về phần mình, Hoa Kỳ cũng có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, cũng thấy họ gây hấn với các nước đồng minh của mình, thấy sự lấn lướt của họ trên Biển Đông, nhưng ngược lại, Hoa Kỳ vẫn có mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, chẳng hạn về mặt kinh tế hay trên các diễn đàn quốc tế.

Mục đích bài viết của chúng tôi là lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ với Việt Nam về mặt dài hạn, xây dựng mối quan hệ chiến lược sẽ cho phép quốc phòng hai quốc gia có thể tiến gần lại với nhau, tạo nên mối quan hệ vững mạnh hơn để đối phó với sự đe doạ của Trung Quốc."

Vũ Hoàng: Trong bài viết, ông nhắc đến Hoa Kỳ và Việt Nam cần đầu tư chiến lược quân sự, ông có thể nói rõ hơn những điểm này được không ạ?

T.S Lohman: "Việt Nam rất muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ nhưng hiện tại luật pháp Hoa Kỳ lại không cho phép họ mua các loại vũ khí sát thương. Nhưng trở ngại hiện nay chính là vấn đề nhân quyền mà Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang rất quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá thì vấn đề lớn nhất lại nằm ở vấn đề hợp tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ vẫn không rõ ràng, chúng tôi thực sự không biết là đảng Cộng Sản Việt Nam có toàn tâm toàn ý liên kết với Hoa Kỳ trước sự đe doạ của Trung Quốc hay không. Tôi nghĩ chính vì lý do đó mà vấn đề mua bán vũ khí vẫn bị đình lại.

Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ có chung lợi ích chiến lược như vậy mà còn có mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc.
T.S Lohman

Trong bài viết, chúng tôi cũng đề cập đến nhiều điểm mà chúng tôi đang nỗ lực để hiểu hệ thống quân sự cũng như cải thiện tiêu chuẩn quân sự của Việt Nam, hi vọng phần nào có thể bắt kịp với tiêu chuẩn quân sự của Hoa Kỳ trên các phương diện hợp tác như tập trận chung trên hoặc tìm kiếm và cứu nạn…Nói chung vấn đề đầu tư chiến lược là vấn đề về mặt dài hạn."

Chuyện mua vũ khí của Hoa Kỳ

Vũ Hoàng: Một điểm vẫn còn khiến dư luận chú ý là việc tàu chiến của Hoa Kỳ muốn cập cảng nhiều hơn ở Cam Ranh và cùng với đó là chuyện Việt Nam muốn mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ. Làm thế nào để đôi bên cùng có lợi trong chuyện này ạ?

T.S Lohman: "Như chúng tôi trình bày trong bài viết thì không thấy rõ là liệu Việt Nam có thực sự muốn để tàu chiến Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh hay không, phần vì giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những dấu tích lịch sử, phần vì nó cũng liên quan đến chiến lược đối đầu với sự đe doạ của Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa quyết định sẽ giải quyết mối đe doạ của Trung Quốc ra sao và chưa sẵn sàng liên kết chiến lược với Hoa Kỳ để “ngăn chặn” Trung Quốc.

Vì thế họ không sẵn sàng cho phép Hoa Kỳ sử dụng vịnh Cam Ranh. Chuyện hợp tác chiến lược bây giờ chỉ dừng trên góc độ tượng trưng thôi, mỗi năm chỉ cho phép 1 tàu chiến sử dụng thì thực sự cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Có thể nói ngắn gọn thế này, nếu như Việt Nam không thể quyết định cách giải quyết vấn đề Trung Quốc, cộng thêm cả vấn đề nhân quyền thì chẳng có lý do gì Hoa Kỳ lại bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cả."

Vũ Hoàng: Vậy với những khác biệt như vậy, cách thức giải quyết vấn đề của Hoa Kỳ sẽ ra sao?

T.S Lohman: "Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ở góc độ dài hạn. Phía Hoa Kỳ sẽ đầu tư dài hạn chẳng hạn như việc đào tạo binh sĩ Việt Nam, giúp Việt Nam chuẩn bị đối phó trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, phía Hoa Kỳ cũng có thể giúp Việt Nam về mặt giáo dục quốc phòng, chẳng hạn cử sĩ quan đi tập huấn tại Hoa Kỳ…

Tôi cũng muốn nhắc lại, cho đến khi nào Việt Nam xây dựng được quyết định chiến lược thì lúc đó Hoa Kỳ mới có thể bán vũ khí được cho Việt Nam.
T.S Lohman

Nói chung, là Hoa Kỳ sẽ tự một mình đứng ra tạo nên một “thói quen” về mặt quan hệ an ninh và quốc phòng với Việt Nam mà không cần quyết định chiến lược của Việt Nam. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng muốn nhắc lại, cho đến khi nào Việt Nam xây dựng được quyết định chiến lược thì lúc đó Hoa Kỳ mới có thể bán vũ khí được cho Việt Nam."

Vũ Hoàng: Ông nhắc nhiều đến vấn đề đầu tư, quay lại vấn đề Biển Đông đang căng thẳng, Hoa Kỳ đã “đầu tư” được những gì cho Việt Nam trên Biển Đông?

T.S Lohman: "Tôi có thể nói rằng hai quốc gia cũng đã có những hợp tác với nhau nhưng vẫn chưa nhiều. Chủ yếu những gì mà Hoa Kỳ và Việt Nam làm vẫn chỉ trên phương diện ngoại giao, tôi muốn nói là những trao đổi ngoại giao quốc phòng, chẳng hạn, những chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam trong 2 năm vừa qua, hay tuyên bố về vai trò của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á của bà Clinton trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội năm 2010…

Những gì mà hai nước đang làm hiện nay đã gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có cùng mối quan tâm về bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông, những gì chúng ta đang làm là cho Trung Quốc hiểu rằng cả Hoa Kỳ và Việt Nam đang cùng đứng cùng về một phía.

Đồng thời, phía Hoa Kỳ cũng vẫn có những thông điệp riêng rẽ khác đến Trung Quốc để họ hiểu được sự có mặt của Hoa Kỳ trên Biển Đông, chẳng hạn Hoa Kỳ bảo vệ quyền tập trận của mình trên vùng biển này. Mặc dù, Hoa Kỳ làm điều đó chỉ là trên quyền lợi của bản thân nước mình, nhưng một cách gián tiếp, điều này cũng có lợi cho Việt Nam."

Ngoại giao và quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tại cảng Cam Ranh hôm 03/6/2012. AFP photoVũ Hoàng: Cám ơn ông, những gì ông giải thích là trên góc độ ngoại giao, thế còn về mặt quốc phòng hay an ninh quân sự thì ra sao?

T.S Lohman: "Phải nói là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ ủng hộ việc Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nói chung là người ta không thể tách rời giữa hợp tác ngoại giao và hợp tác quốc phòng. Mặc dù chúng tôi không ủng hộ việc Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng những nước đồng minh của Hoa Kỳ như Philippines hay Đài Loan thì vẫn có những tuyên bố chồng lấn lãnh hải ngoài Biển Đông. Theo tôi, thì Hoa Kỳ có thể dựa trên mối quan hệ ngoại giao để xây dựng mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam, để cho Trung Quốc thấy khả năng hợp tác quân sự của 2 nước, để Trung Quốc thấy rằng họ không phải nắm thế thượng phong về mặt quân sự.

Một điểm khác mà hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể làm là tăng cường khả năng của Việt Nam đối phó với Trung Quốc. Dù rằng, Hoa Kỳ không trực tiếp can dự như trong trường hợp của Philippines là trực tiếp giúp nước này phòng vệ và tuyên bố chủ quyền, thì ít nhất là Hoa Kỳ có thể đứng phía sau giúp Việt Nam tự đứng ra bảo vệ chủ quyền, không để Trung Quốc vào vùng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, về điểm này, thì phía Hoa Kỳ làm được."

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cùng, thưa T.S, theo ông nguyên nhân nào khiến Việt Nam vẫn chần chừ trong vấn đề hợp tác chiến lược quân sự?

T.S Lohman: "Tính cho đến bây giờ hai quốc gia đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao được 15 năm còn kinh tế thì trước cả đó, thế nhưng quan hệ hợp tác quốc phòng thì còn lâu hơn, không thể trong một sớm một chiều. Nhất là Việt Nam vẫn chưa rõ ràng trong vấn đề Trung Quốc, Đảng Cộng Sản của 2 quốc gia vẫn thân thiết như anh em.

Tính cho đến bây giờ hai quốc gia đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao được 15 năm còn kinh tế thì trước cả đó, thế nhưng quan hệ hợp tác quốc phòng thì còn lâu hơn, không thể trong một sớm một chiều.
T.S Lohman

Có thể những người trong Bộ quốc phòng hay Bộ Ngoại giao Việt Nam không thích Trung Quốc hay quan ngại về toàn vẹn lãnh thổ, thế nhưng phía Đảng Cộng Sản thì quan tâm hơn đến tính giao hảo. Vì thế mà vấn đề hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn cho đến khi mọi quyết định của Việt Nam trở nên rõ ràng."

Thưa quí vị, viết chung cùng tác giả Walter Lohman, là Đại tá đã nghỉ hưu của Quân đội Hoa Kỳ William H. Jordan, ông từng đi lính ở Việt Nam 2 năm và T.S Lewis M. Stern, T.S Stern làm việc 10 năm trong Cục Tình Báo Trung Ương 10 năm và 20 năm là chuyên gia về Đông Nam Á của Văn Phòng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.