Sự thất bại của gói 30 ngàn tỷ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.03.12
Một công trình xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội năm 2012. Một công trình xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội năm 2012.
RFA

Nghe bài này

Sau một thời gian phân phối, 30 ngàn tỷ của gói hỗ trợ bất động sản tỏ ra không chút gì hiệu quả đến nỗi quốc hội đã yêu cầu Bộ xây dựng trả lại số tiền này để dùng vào việc khác. Sự bất cập từ đâu khiến cho số tiền to lớn này không thể làm đúng chức năng kích thích thị trường của nó. Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đực, giám đốc công ty Bất động sản Đất Lành để tìm hiểu thêm vấn đề.

Mặc Lâm: Thưa ông đã nhiều lần giới chuyên gia địa ốc cho là sự xuống đáy của bất động sản Việt Nam là đã gần kề thậm chí có người còn chắc chắn rằng nó đã chạm đáy, theo ông thì sao?

Ông Nguyễn Văn Đực: Xuống đáy hay không xuống đáy thì nó tùy thuộc vào phân khúc, tôi lấy ví dụ, các phân khúc giá thấp, thì hiện nay có nhiều đơn vị bán 11, 12, 13 triệu thì tôi cho là đáy rồi, bởi vì để làm ra một sản phẩm thì giá thành thật gồm giá xây dựng, giá đầu tư hạ tầng và giá đền bù giải tỏa nó phải cao hơn giá 11, 12, 13 triệu đồng một mét vuông này. Còn riêng đối với dòng sản phẩm cao cấp, ví dụ có giá bán 30, 40 triệu thì khả năng nó còn xuống nữa, cho nên khi nói lũng đáy hay không lũng đáy thì nó tùy thuộc vào phân khúc, đối với những phân khúc giá thấp thì tôi cho rằng gần như đã đến đáy, còn đối với những phân khúc trung và cao nó sẽ còn xuống hơn nữa,

Xuống đáy hay không xuống đáy thì nó tùy thuộc vào phân khúc, tôi lấy ví dụ, các phân khúc giá thấp, thì hiện nay có nhiều đơn vị bán 11, 12, 13 triệu thì tôi cho là đáy rồi

Ông Nguyễn Văn Đực

Mặc Lâm: Có người cho rằng một nguyên nhân rất lớn khiến cho phân khúc nhà giá thấp không hấp dẫn được cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp vì đến chỗ làm quá xa, liệu có giải pháp nào rút bớt khoản cách từ nhà tới nơi làm việc, chẳng hạn xây dựng những căn hộ gần khu trung tâm với một cái giá cao hơn một chút?

Ông Nguyễn Văn Đực: Không bao giờ anh, không có thể đòi hỏi rằng mua nhà giá thấp mà sát quận trung tâm được, bởi vì các quận trung tâm 1 mét vuông đất lên đến hàng trăm triệu, và thậm chí có khi hàng tỷ đồng một mét vuông thì không bao giờ có chuyện nhà giá thấp ở trung tâm. Thường thường nhà giá thấp thì ở quận ven, thậm chí về các huyện.

Một công trình xây dựng bị tạm ngưng ở Hà Nội. RFA
Một công trình xây dựng bị tạm ngưng ở Hà Nội. RFA
RFA

Tôi lấy ví dụ như nhà giá thấp ở Tp. Hồ Chí Minh như ở quận Tân Phú, Quận 12, và một phần nào Quận Gò Vấp, chứ nếu ở Quận 3, Quận Phú Nhuận, Quận Tân Bình thì không bao giờ có nhà giá thấp được do cơ cấu của một căn hộ gồm có tiền xây dựng và tiền đất. Tiền đất ở vùng xa trên dưới 5 triệu đồng một mét vuông thì có thể làm nhà giá thấp được, còn ở những vùng trung tâm giá trên 100 triệu đồng một mét vuông thì không có khả năng làm nhà giá thấp, do đó những ai có tiền ít thì buộc lòng phải đi vùng xa và sự đi lại của họ vào trung tâm khó khăn hơn,

Mặc Lâm: Gần đây báo chí rộ lên chuyện Việt kiều mua nhà tại Việt Nam như là một cú hích cho bất động sản, nhưng theo tôi thấy đã 5 năm rồi không có sự thay đổi nào đáng chú ý đối với phong trào vể Việt Nam mua nhà, ông thấy sao về việc này?

Ông Nguyễn Văn Đực: Cái chuyện cho người Việt Kiều cũng như người nước ngoài mua nhà thì mình đã cho 5 năm rồi, nhưng mà kết quả không nhiều, nếu mà muốn nói thì quá ít. Bây giờ mà cho người Việt Kiều mua nhà tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua người Việt Kiều đã mua nhà dưới hình thức là Bà con, anh em hay thậm chí vợ của họ đứng tên, cho nên đến khi này cho Việt kiều mua nhà thì tác động đó đối với tình hình bất động sản không nhiều, có thể chỉ khoảng 1, 2, hay 3 phần trăm mà thôi.

Mặc Lâm: Chúng tôi được biết Đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng trả lại gói 30.000 tỷ vì tốc độ giải ngân quá chậm, ông nhận xét thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Văn Đực: Chúng ta thấy kết quả là hiện nay đã giải ngân cho doanh nghiệp và người dân khoảng một ngàn tỷ, tức là chưa đến 4% của cái gói 30 ngàn tỷ này, thì tôi cho gói này thất bại vì có nhiều lý do, trong đó có 2 lý do vì không có sản phẩm phù hợp với hai gói này và cái thứ hai nữa là thủ tục vay ngân hàng quá khó khăn.

Kết quả là hiện nay đã giải ngân cho doanh nghiệp và người dân khoảng một ngàn tỷ, tức là chưa đến 4% của cái gói 30 ngàn tỷ này, thì tôi cho gói này thất bại...trong đó có 2 lý do vì không có sản phẩm phù hợp với hai gói này và cái thứ hai nữa là thủ tục vay ngân hàng quá khó khăn

Ông Nguyễn Văn Đực

Tôi nghĩ rằng, đất nước này cần nhiều tiền cho các nghành nghề khác ví dụ: Nông nghiệp người ta cũng kêu gọi, nông dân người ta vẫn có nhu cầu vay tiền, rồi mấy ông trồng cà phê, mía đường, đánh bắt thủy hải sản cũng có nhu cầu.

Khi mà nhà nước quá ưu ái khi trao cho ngành bất động sản này 30 ngàn tỷ, mà không tiêu được thì quốc hội sẽ nóng ruột xin rút lại để chuyển cho người khác, và đấy cũng là một lời động viên hoặc một lời cảnh báo để nhắc nhở Bộ xây dựng, ngân hàng. Nhắc nhở các địa phương phải tích cực lên bởi vì cái thời gian đã tám tháng trôi qua mà anh mới tiêu thụ có 4% thôi. Do đó tôi nghĩ rằng đấy là một loại thẻ vàng đối với ngành xây dựng, đối với ngành ngân hàng, với các điạ phương.

Nếu anh không thực hiện được thì người ta sẽ rút lại và bắt buộc những người đó phải tích cực hơn, năng động hơn, và thậm chí mở nhiều thông thoáng hơn để người dân tích cực để có nhiều sản phẩm dưới bảy mươi mét vuông chẳng hạn.

Mặc Lâm: Theo ông thì sự thất bại của gói 30 ngàn tỷ này có sự nhúng tay của ngân hàng hay nhóm lợi ích hay không?

Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi không nghĩ là có một nhóm lợi ích nào nhúng tay vào cái chuyện này, bởi vì đây là một chuyện xã hội nó có ích cho bản thân ngành bất động sản, có ích cho người dân. Tuy nhiên Bộ xây dựng cũng như ngân hàng khi đưa ra cái đề thì cũng không chính xác, cái đề giải đó cũng không đúng và cuối cùng người dân và doanh nghiệp không ai đạt được điều kiện để tiếp cận đến gói này. Tôi thấy đấy là  một thất bại của ngành ngân hàng, ngành xây dựng của các địa phương.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.