Tham nhũng vẫn… ổn định là gì?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2014.12.12
toa_dam_tr_BVDG-622.jpg Buổi tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra ngày 9.12. 2014 tại Hà Nội.
Courtesy VOV

Gần đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đánh giá về thực trạng tham nhũng ở VN có nói rằng, trong 3 năm qua, tham nhũng có tính ổn định. Vậy tham nhũng vẫn ổn định có nghĩa là gì?

Không tụt, không tăng là ổn định

Ngày 3.12. 2014, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013, theo đó Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số bằng năm ngoái: 31/100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch).

Đánh giá về thực trạng tham nhũng ở VN,  TS. Đinh Văn Minh Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ nhận định:

“Ở VN có đủ loại tham nhũng, đã gây ra sự bức xúc cho người dân, bởi vì tham nhũng nhỏ đa số ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong việc liên hệ với các cơ quan công quyền. Cái đó làm cho hình ảnh cơ quan hành chính công bị méo mó và người dân thiếu sự tin tưởng, thậm chí là họ rất khó chịu. Nguyên nhân không phải do nhà nước không quan tâm đến cái đó đâu, mà vấn đề là thiếu giải pháp đồng bộ hơn.”

Tôi nghĩ tại sao lại nói là tham nhũng ổn định? Vì thông thường từ ổn định được dùng khi nói về những vấn đề tốt chứ không phải là những mặt tiêu cực.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Trong buổi tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra ngày 9.12. 2014 vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói rằng, trong 3 năm qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng không tụt, không tăng có nghĩa là có tính ổn định.

Nhận xét về phát biểu này của ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, từ Nha trang Nhà báo Võ Văn Tạo nói với chúng tôi:

“Tôi cũng như nhiều người khác rất ngạc nhiên và không tin vào tai của mình nữa, tôi nghĩ tại sao lại nói là tham nhũng ổn định? Vì thông thường từ ổn định được dùng khi nói về những vấn đề tốt chứ không phải là những mặt tiêu cực. Tôi nghĩ phát biểu đó là sự chọc giận công luận, chọc giận những người tiến bộ và có tâm huyết đối với đất nước. Vậy mà ông ấy nói tình hình tham nhũng mấy năm qua vẫn ổn định thì không ai, kể cả dư luận trong nước cũng không thể hiểu nổi? Còn nhớ, khi lên giữ chức Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng có nói rằng nếu không chống được tham nhũng ông ấy sẽ từ chức. Giờ chỉ cần nói như ông Huỳnh Phong Tranh là tham nhũng ổn định, thì thử hỏi ông Nguyễn Tấn Dũng có từ chức hay không?”

Trả lời câu hỏi nguyên nhân chính do đâu khiến cho việc chống tham nhũng ở VN không phát huy được hiệu quả?

TS. Đinh Văn Minh thấy rằng: đây là vấn đề nhạy cảm vì có liên quan đến tiền bạc và quyền lực. Theo ông người tham nhũng hầu hết là người có chức vụ, có quyền lực và cả một hệ thống nên không dễ có thể làm được. Song theo ông quan trọng là nhà nước chưa có các biện pháp xử lý thích đáng.

Quan khách tham dự Buổi tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra ngày 9.12. 2014 tại Hà Nội. Courtesy thanhtra.gov.vn
Quan khách tham dự Buổi tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra ngày 9.12. 2014 tại Hà Nội. Courtesy thanhtra.gov.vn

TS. Đinh Văn Minh nói:

“Chúng tôi dưới góc độ nghiên cứu cũng như trong quá trình cải cách thể chế và tình hình thực tế diễn ra thì có một nhận xét là hiện nay chúng ta chống tham nhũng nhưng tham nhũng “chay”nhiều quá. Tham nhũng thực chất là hành vi hướng tới chiếm đoạt tiền và tài sản, cho nên chống tham nhũng là chúng ta phải hướng tới việc đòi lại hay giành lại những cái tài sản mà những kẻ tham nhũng lấy lại của nhà nước và nhân dân. Mục đích của nó phải là như vậy và điều đó phải được nhấn mạnh, nhưng tiếc rằng do các thiết chế từ trước tới nay của chúng ta chưa được quan tâm đến một cách đúng mức và thỏa đáng cho nên kết quả hết sức hạn chế.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản nhất là vấn đề tham nhũng chính trị, mà theo ông nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định:

“Tôi nghĩ rằng đây là hệ quả của cái gọi là tham nhũng chính trị. Vì ở những xứ sở độc tài thì những kẻ cầm quyền nắm quyền lực bằng bạo lực, bằng quân đội, nhà tù, cảnh sát, bằng tuyên truyền nhồi sọ… và họ vơ hết vào tay họ, bắt toàn dân phải nói như họ nói, phải tuyên truyền như họ tuyên truyền. Nghĩa là không được ai nói khác, chính vì thế mà họ nắm được quyền lực chính trị trong tay, từ tham nhũng chính trị mới đẻ ra tham nhũng mọi thứ khác. Còn những nước phi độc tài thì chính trị cũng chỉ là một quyền lực cũng như các quyền lực khác. Ở VN hiện nay đang còn độc tài chính trị, thì theo tôi không còn cách nào để chống tham nhũng.”

Theo báo Tuổi trẻ, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa , giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết: “Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ: phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không nên phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì vạch áo cho người xem lưng. Vậy là cuộc chiến chống tham nhũng có nguy cơ triệt tiêu trên diễn đàn Quốc hội".

Tham nhũng là chủ trương của Đảng CSVN?

Khi được hỏi, liệu tham nhũng có là một chủ trương của Đảng CSVN nhằm tạo ra một tầng lớp có đặc quyền đặc lợi để trung thành với Đảng hay không?

Theo tôi nghĩ về mặt kinh tế thì Đảng CSVN dung túng, dung dưỡng cho tham nhũng, họ chỉ trừng phạt khi không còn khả năng che đậy được nữa.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:

“Theo tôi nghĩ về mặt kinh tế thì Đảng CSVN dung túng, dung dưỡng cho tham nhũng, họ chỉ trừng phạt khi không còn khả năng che đậy được nữa. Và cũng như các Đảng CS trên thế giới họ sử dụng chống tham nhũng để tiêu diệt các phe cánh mà thôi. Nên nói là chủ trương thì tôi nghĩ không tới mức độ như thế.”

Nói về giải pháp chống tham nhũng trong điều kiện thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo hiện nay, TS. Nguyễn Quang A – Nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS cho rằng một khi bản thân thể chế chính trị đã tạo điều kiện sinh ra và khuyến khích tham nhũng thì khó có thể chống tham nhũng được.

TS. Nguyễn Quang A cho biết:

“Muốn chống tham nhũng thì phải có tự do ngôn luận, phải có sự kiềm chế quyền lực từ bên ngoài hoặc là giữa các bên ở bên trong, như các bên trong nội bộ của Đảng. Nhưng kiềm chế thì phải cương quyết, chứ không phải là sợ vỡ cái bình vôi. Và những người ấy phải được lựa chọn theo tài năng và đức độ, chứ không phải theo tiêu chuẩn vừa Hồng vừa Chuyên. Các điều kiện như thế đã không có ở chính quyền hiện nay ở VN thì làm sao mà chống tham nhũng được? Do vậy những hô hào chống tham nhũng từ trước đến nay chỉ là mị dân mà thôi.”

Tham nhũng đã trở thành một vấn nạn trầm trọng của xã hội VN hiện nay và được ví như giặc nội xâm, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Điều này đã được Đảng CSVN công khai thừa nhận. Tuy nhiên, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng CSVN chưa được coi trọng và được quan tâm ở một mức độ cần phải có. Đặc biệt là vấn đề thể chế chính trị cũng là nguyên nhân chính khiến cho tham nhũng ở VN ngày càng trở nên phổ biến và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.