Việt Nam làm gì để bảo vệ ngư dân?

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013.03.26
0-d70a6-305.jpg Tàu cá VN bị truy đuổi và bị tàu TQ bắn cháy hôm 20 tháng 3.
Courtesy vneconomy

 

Dư luận trong nước tiếp tục phẫn uất trước việc tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt tại khu vực vùng biển Hoàng Sa, bị tàu Trung Quốc xua đuổi, cướp bóc và bắn cháy. Cơ quan chức năng đang làm gì để bảo vệ ngư dân Việt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam?

Cơ quan chức năng lên tiếng

Lên tiếng mới nhất của chính quyền Việt Nam đối với việc Trung Quốc sử dụng các tàu bắn vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam được đưa ra vào ngày 25 tháng 3.

Cũng tương tự như những lần lên tiếng trước đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị nói tại Hà Nội rằng hành động truy đuổi và nổ súng bắn cháy ca bin tàu chiếc tàu QNg 96382TS của ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông, DOC.

Vào ngày 26 tháng 3, văn phòng Trung ương Hội Nghề Cá Việt Nam chính thức gửi công văn đến cho Văn phòng chính phủ, Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương kiến nghị bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất của ngư dân.

Ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký của Hội này xác nhận về việc làm đó như sau:

Không những bắt bớ và cướp bóc tài sản khi mà ngư dân Việt Nam khai thác trên vùng biển chủ quyền, cao hơn nữa bây giờ người ta đã dùng vũ lực tức dùng súng để bắn vào tàu thuyền.
Trần Cao Mưu

“Nhận được báo cáo từ ngư dân, chúng tôi có văn bản gửi cho các cơ quan chức năng Nhà nước đề nghị có tiếng nói để hỗ trợ ngư dân; cũng đề nghị bình thường như vậy thôi, chứ chưa có gì cả.”

Lý do phải có công văn của Hội như vừa nêu được ông Trần Cao Mưu cho biết vì những hoạt động lấn át của Trung Quốc ngày càng tăng cao:

“Họ ngày càng có những hành động  nâng cao sự lấn át của họ, ví dụ như không chỉ xua đuổi tàu chuyền của ngư dân Việt Nam, không những bắt bớ và cướp bóc tài sản khi mà ngư dân Việt Nam khai thác trên vùng biển chủ quyền, cao hơn nữa bây giờ người ta đã dùng vũ lực tức dùng súng để bắn vào tàu thuyền, đốt cháy cả tàu thuyền chẳng hạn. Đó là những hành động có hệ thống, và  là những hành động ngày càng được nâng cao; vì vậy phía Việt Nam cũng cần phải có thái độ và trách nhiệm để bảo vệ được ngư dân; đặc biệt tính mạng và tài sản của ngư dân khai thác trên vùng biển chủ quyền được an toàn hơn. Chứ nếu cứ để tình trạng này xảy ra nữa thì ngư dân Việt Nam sẽ rất khó khăn.”

Biện pháp chưa hiệu quả

Không phải đến lúc này, ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản tại những ngư trường truyền thống lâu nay trên vùng biển của Việt Nam bị tàu Trung Quốc sách nhiễu và thậm chí bắn chết ngư dân, như vụ ở Vịnh Bắc Bộ hồi năm 2005 đối với các ngư dân Thanh Hóa.

Gần đây tình hình mỗi lúc trở nên thường xuyên hơn. Tuy nhiên các biện pháp từ phía chính quyền Việt Nam chưa được hiệu quả, trong lúc phía Trung Quốc càng ngày càng cho thấy rõ chủ mưu của họ trong việc khống chế toàn bộ Biển Đông.

Tàu cá VN bị truy đuổi và bị tàu TQ bắn cháy hôm 20 tháng 3. Courtesy nld.
Tàu cá VN bị truy đuổi và bị tàu TQ bắn cháy hôm 20 tháng 3. Courtesy nld.

Ngay sau khi Việt Nam lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi lên tiếng tại Bắc Kinh việc hành động của phía Trung Quốc là hợp pháp và cần thiết chống lại việc ngư dân Việt Nam đi vào vùng biển của Trung Quốc.

Hồi đầu năm nhiều người, nhất là ngư dân tỏ ra vui mừng khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn lên tiếng nói lực lượng kiểm ngư Việt Nam được thành lập để bảo vệ cho ngư dân đi đánh bắt tại khu vực Biển Đông. Thế nhưng đã qua gần ba tháng, lực lượng này vẫn chưa thể ra đời như xác nhận của ông tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam như sau:

“(Cười) Nói chung đã có quyết định thành lập lực lượng kiểm ngư rồi. Nhưng nói chung đến thời điểm này mọi thứ đang chuẩn bị, chứ chưa triển khai thực hiện. Tổ chức này chưa ra mắt. Chắc cũng phải có những lực lượng để cùng với ngư dân bảo vệ quyền lợi cũng như chủ quyền của đất nước ở vùng biển cho tương xứng với khả năng của mình. Hai nữa phải tập trung nâng cao năng lực của những đơn vị được giao trách nhiệm bảo vệ vùng biển, bảo vệ ngư dân. Bây giờ đang cố gắng thực hiện việc đó, nhưng thời gian chắc cũng phải có thời gian. Như lực lượng kiểm ngư đã có quyết định thành lập rồi nhưng đến thời gian này vẫn chưa được đầy đủ lắm. Nghĩa là đến bây giờ vẫn chưa đi vào hoạt động. Đó là khó khăn hiện nay.”

Ngư dân thiệt thòi

Hầu như mọi người đều thấy rõ thế yếu của ngư dân Việt trên những chiếc tàu cá bằng gỗ mong manh so với những đội tàu ngư chính, hải giám hiện đại của phía Trung Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều tại khu vực Biển Đông.

Nói chung đã có quyết định thành lập lực lượng kiểm ngư rồi. Nhưng nói chung đến thời điểm này mọi thứ đang chuẩn bị, chứ chưa triển khai thực hiện.
Trần Cao Mưu

Tuy nhiên đối với những ngư dân Việt Nam để có được chiếc tàu để đi đánh bắt ở biển khơi là một cố gắng vượt bực. Nhiều người cả đời cũng chưa thể có đủ số tiền để làm chủ một chiếc tàu như thế.

Một ngư dân tại Đà Nẵng, sau nhiều năm đi khơi cùng với các chủ tàu khác, nay về sắm được một chiếc thuyền nhỏ và chỉ đi đánh bắt gần bờ trong ngày mà thôi. Người này cho biết trước đây mỗi khi đang đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa mà thấy tàu của Trung Quốc thì tự động tàu của ngư dân Việt Nam phải tìm đường chạy trốn dù rằng đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam và là nơi có nguồn cá dồi dào:

“Cái chỗ đó họ cũng ít ra. Đi làm nhưng cũng né khu vực mà ‘họ’ đi qua đi lại,họ sợ.”

Trong những năm gần đây, cứ vào mùa từ giữa tháng 5 cho đến đầu tháng 8, phía Trung Quốc lấy lý do bảo vệ nguồn lợi hải sản đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực Biển Đông. Mới hồi năm ngoái, Trung Quốc công khai lên tiếng cho phép các tàu chấp pháp của nước này thi hành nhiệm vụ đối với tàu nước ngoài trong khu vực mà họ cho là vi phạm vùng biển của Trung Quốc. Ví dụ cụ thể nhất là họ đã ra tay đối với tàu QNg 96382TS của ngư dân Bùi Văn Phải, người của đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20 tháng 3 vừa qua.

Có nhiều ngư dân sau khi bị phía Trung Quốc bắt nộp tiền phạt, họ trở nên dường như trắng tay. Tuy nhiên, làm nghề đánh bắt cá là nghề truyền thống từ bao đời qua, họ không còn con đường nào khác khi đất chật, người đông và cơ quan chức năng cũng chưa có những biện pháp hữu hiệu nào giúp đỡ họ trong cuộc mưu sinh; nhưng ra khơi để rồi lại bị xua đuổi, tước đoạt hết mọi tài sản; thậm chí phải đổi cả sinh mạng thì đó là một giá quá cao mà ngư dân tại nhiều vùng biển Việt Nam đang phải đối diện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.