Người Việt ở Thái Lan chuẩn bị Giáng sinh và năm mới

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016.12.23
040_bkp131216n2g.jpg Chuẩn bị đón Giáng Sinh ở Thái Lan năm nay trước CentralWorld với hai màu trắng và vàng để tưởng nhớ nhà vua Bhumibol Adulyadej. Trắng tượng trưng cho tang và vàng ngày sinh của ông.
AFP photo

Tại Thái lan hiện nay, số lượng những người Việt Nam theo đạo Công giáo sinh sống và làm việc rất đông đảo. Cộng đồng người Công giáo Việt Nam đón lễ Giáng sinh và năm mới 2017 ra sao và họ có suy nghĩ cũng như các mong muốn gì trong dịp này?

Lễ Thiên Chúa giáng sinh - Noel là dịp lễ lớn và trọng đại của những người Công giáo trên toàn thế giới. Tại Thái lan hiện nay, trong số lượng đông đảo những người Việt nam sang sinh sống và làm việc có một số những người theo đạo Công giáo khá đông, họ là những thanh niên trẻ sang học tập và làm việc tại đây.

Trong những ngày cuối tháng 12, trong không khi náo nhiệt của những ngày sắp bước sang một năm mới. Những người bạn trẻ theo đạo Công giáo người Việt Nam hồ hởi cùng nhau đi mua sắm ở các trung tâm thương mại, để chuẩn bị cho việc đón Noel và năm mới 2017.

Tôi hy vọng đất nước sẽ thay đổi sớm, người dân sẽ có quyền tự do ... để tôi và anh em bạn bè cũng như những người đang lao động ở Thái Lan không phải làm ăn khổ sở trên mảnh đất quê người.
- Anh Nguyễn Trịnh

Anh Nguyễn Trịnh, một người Công giáo quê ở Nghệ An sang học Đại học tại Thái Lan đã 3 năm, cho chúng tôi biết về việc tổ chức thánh lễ đón mừng lễ Giáng sinh Noel và đón năm mới của cộng đồng người Việt Nam theo đạo Công giáo diễn ra hàng năm. Anh nói với chúng tôi:

“Lực lượng người VN trẻ ở Thái Lan hiện nay là công nhân, đa phần là người Công giáo. Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này thì các bạn trẻ đã chuẩn bị trước và đến đêm ngày 24 và ngày 25 hàng năm, thì tất cả anh em đều quy tụ về Nhà thờ để đón Chúa hài đồng. Ngoài ra còn có thêm lễ các đoàn con quy tụ về bên Chúa để mừng ngôi hai cũng như tạo tư thế giúp đỡ nhau trong những ngày quan trọng này.”

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có rất nhiều người sang Thái Lan làm việc và sinh sống bất hợp pháp, vì lý do an ninh nên việc đón Giáng Sinh và năm mới của họ cũng không được thuận lợi như những người khác. Anh Đặng Ân, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, đang tỵ nạn chính trị tại TháiLan bày tỏ:

“Bản thân tôi vì liên quan đến vấn đề an ninh cá nhân, cho nên tôi không thể đến tham dự cùng cộng đồng được. Thay vào đó thì tôi cùng một số anh chị em cũng làm một bữa tiệc nho nhỏ để mừng đêm Giáng sinh và chúng tôi cũng tặng quà cho nhau. Sau đó thì tất cả cùng đi tham dự thánh lễ với người Thái.”

Tại khu vực Băng cốc, nơi tập trung đông đảo người lao động Việt Nam, tại một số nhà thờ của người Việt, không khí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và đón chào năm mới được chuẩn bị rất nhộn nhịp. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực các Nhà thờ đã được các bạn trẻ đến trang hoàng và chuẩn bị chu tất các điều kiện, để đón mọi người đến cùng chung vui trong đêm lễ Giáng sinh. Cha Hùng, ở Nhà thờ thánh Juse khu vực PhRama 3, thủ đô Băng cốc cho biết:

“Vâng, đây là Nhà thờ thánh Juse, bây giờ anh em và bà con mình cũng về VN nhiều rồi. Còn một số còn ở lại thì cũng tụ họp ở Nhà thờ Thánh Juse ở Phrama 3. Hàng năm lễ Giáng sinh cũng đều diễn ra như vậy, có tổ chức 2 ngày, nhưng ngày Chúa nhật 25 là ngày chính để các nhóm anh em lao động khác nhau ở Thái lan họ đến để chung vui nhân ngày lễ.”

Không có điều kiện về Việt Nam

Sao giấy đầy màu sắc được bán ở Thái Lan trước Giáng Sinh.
Sao giấy đầy màu sắc được bán ở Thái Lan trước Giáng Sinh.
AFP photo

Nhân dịp lễ Giáng Sinh và chuẩn bị đón mừng năm mới 2017, những người Việt theo đạo Công giáo ở Thái Lan lúc này, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Song đa phần trong số họ không có điều kiện trở về Việt Nam để sum họp cùng cha mẹ, anh em trong gia đình cũng như các bạn bè của họ. Tuy vậy, mỗi người đều có những nguyện ước của riêng mình và muốn chuyển những lời chúc dành cho người thân. Anh Nguyễn Trịnh bày tỏ:

“Ước nguyện của tôi trong dịp này là mong được về bên gia đình, bạn bè và không muốn xa quê hương. Bản thân tôi cầu mong cho gia đình sức khỏe và bình an. Tôi hy vọng đất nước sẽ thay đổi sớm, người dân sẽ có quyền tự do, tôi mong rằng chế độ này sớm chấm dứt để tôi và anh em bạn bè cũng như những người đang lao động ở Thái Lan không phải làm ăn khổ sở trên mảnh đất quê người.”

Trong một tâm trạng xúc động, anh Đặng Ân, một người đã sống ở Thái lan 5 năm, nói với chúng tôi rằng con đường về quê Mẹ đối với anh giờ sao quá mịt mù. Nhưng bản thân anh cùng các bạn bè vẫn vững chí và hy vọng một ngày không xa, tương lai tươi sáng sẽ về với đất nước và dân tộc VN. Anh khẳng định:

“Điều mà tôi mong mỏi nhất là được quay trở về VN, tôi cầu mong cho cha mẹ cũng như anh chị em được bình an. Đặc biệt, tôi đang có một người anh còn đang ở trong chốn lao tù của Cộng sản vì bất đồng chính kiến, nhân dịp này tôi cũng cầu chúc cho anh tôi được bình an trong mùa Giáng sinh này. Điều cuối cùng mà tôi mong ước là, năm 2017 là năm cuối cùng mà chế độ cộng sản còn cai trị trên đất nước VN.”

Qua làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do, Cha Hùng đã bày tỏ tâm tình và chuyển lời chúc lành tới toàn thể cho các con chiên của Thiên Chúa. Cha Hùng nói:

“Nhân dịp Noel ở nơi đất khách quê người, anh em sang đây lao động xa nhà thì nhớ nhà, không có điều kiện về dự lễ Noel cùng gia đình thì họ tụ họp ở đây để chung mừng lễ và chia sẻ niềm vui với nhau. Nhân dịp này tôi cũng miễn xin Chúa chúc lành cho mọi người cùng gia đình bình an, có tâm hồn vui vẻ đón một Noel xa gia đình nhưng vẫn có những niềm vui riêng nhân mùa Noel.”

Trong tiết trời se lạnh của một buổi đêm cuối năm giữa trung tâm thủ đô Băng cốc, chúng tôi đã gặp nhiều nhóm các bạn trẻ người Việt Nam đi dạo chơi, họ cười đùa rất vui vẻ. Biết chúng tôi là người Việt Nam, các chàng trai cô gái cùng cất tiếng “Chào anh”. Chỉ một lời chào đó thôi cũng làm cho những người Việt xa quê hương như chúng tôi, ấm lòng thêm rất nhiều, vì tình cảm của những người Việt xa quê hương ngàn dặm song vẫn luôn thương mến nhau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.