Chăn nuôi Việt Nam đang chết trong hội nhập

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015.09.17
Chăn nuôi theo kiểu gia đình thu nhập thêm Chăn nuôi theo kiểu gia đình thu nhập thêm
AFP

Hàng chục triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ của Việt Nam có thể bị xóa sổ với quá trình hội nhập nhanh và sâu đang diễn ra. Phải chăng Việt Nam chấp nhận hy sinh ngành chăn nuôi không có khả năng cạnh tranh, để đổi lại các mối lợi lớn hơn trong các ngành sản xuất khác.

Nỗi lo của ngành chăn nuôi

Theo số liệu chính thức Việt Nam hiện có 10,9 triệu hộ chăn nuôi  gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng  2,5 triệu hộ chăn nuôi bò, cộng chung là gần 18 triệu hộ. Nhược điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là giá thành cao, do thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu với tỷ trọng lớn. Thí dụ điển hình là trong 7 tháng tính từ đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 4,1 tỷ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Ngoài ra phần lớn qui mô chăn nuôi gia đình là quá nhỏ bé, không áp dụng được công nghệ hiện đại và khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Đại học Quốc gia Hà Nội công bố hôm 9/9/2015 cho thấy, các mặt hàng  sữa, thịt bò, thịt heo, gà vịt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không thể cạnh tranh khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành hình với thuế suất nhập khẩu trở về 0.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Bình ở Đồng Nai, nhận định về những nguyên nhân làm cho ngành chăn nuôi có thể bị phá sản vì không thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Ông nói:

“Tôi làm trong ngành chăn nuôi nhiều năm, thứ nhất là về năng suất tại Việt Nam rất thấp kém. Ở trong nghề chúng tôi xác định là năng suất ở Việt Nam chỉ bằng 25% đến 30% của thế giới, so sánh với nền sản xuất cao như nước Mỹ thì bằng 30%. Như vậy không thể tồn tại được. Vấn đề thứ hai, tất cả những nguyên vật liệu cơ bản như bắp, đậu nành là hai nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi thì đều nhập khẩu từ nước ngoài, từ Mỹ và Nam Mỹ là chính. Từ đó dẫn tới giá thành rất là cao. Ngoài ra con giống cũng phải nhập khẩu, những chất phụ gia thuốc thú y…cũng đều nhập khẩu hết cho nên giá thành chăn nuôi Việt Nam gần như cao nhất thế giới. Tính cạnh tranh hầu như không có và khi hội nhập  nếu nói xóa xổ thì quá đáng nhưng thiệt hại rất nặng nề.”

Tất cả những nguyên vật liệu cơ bản như bắp, đậu nành là hai nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi thì đều nhập khẩu từ nước ngoài, từ Mỹ và Nam Mỹ là chính. Từ đó dẫn tới giá thành rất là cao. Ngoài ra con giống cũng phải nhập khẩu, những chất phụ gia thuốc thú y…cũng đều nhập khẩu hết

Ông Phạm Đức Bình

Hiện nay thuế suất nhập khẩu thịt các loại còn cao, trâu bò sống cũng chịu một mức thuế nhất định. Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 150.000 con bò Úc phục vụ tiêu dùng, nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm 2015 đã nhập khẩu tới 115.000 trâu bò. Riêng về sản phẩm thịt, trong 7 tháng tính từ đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 93.000 tấn thịt trâu bò dê cừu và gà. Riêng sản phẩm đùi gà đông lạnh từ Mỹ là hơn 45.000 tấn. Giá đùi gà Mỹ quá rẻ so với đùi gà công nghiệp nội địa làm người chăn nuôi lao đao.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Đức Bình dẫn thông tin đàm phán TPP với Hoa Kỳ. Theo đó Việt Nam hưởng lợi từ các ngành dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ với thuế suất bằng 0. Ngược lại Việt Nam sẽ hy sinh chăn nuôi, thuế suất bằng 0 sẽ tiêu diệt ngành chăn nuôi. Theo ông chăn nuôi bò chắc chắn phá sản vì Việt Nam không có đồng cỏ, tận dụng cỏ khô cho năng suất thịt thấp. Thịt heo thì sẽ phải cạnh tranh không chỉ từ Mỹ mà sắp tới sẽ là châu Âu. Vẫn theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, chỉ một số ít người nuôi heo theo phương thức VAC vườn ao chuồng kết hợp trồng trọt, nuôi thủy sản và nuôi heo thì mới có thể có giá thành cạnh tranh. Còn nuôi gà sẽ chỉ tồn tại những trại nuôi gà ta, gà đồi, gà tam hoàng không phải cạnh tranh sản phẩm ngoại nhập. Còn gà công nghiệp thì câu chuyện đùi gà Mỹ nhập khẩu với giá 0,9 tới 1 đô la/kg đã là sự kiện quá rõ ràng. Sản phẩm của Mỹ rẻ như thế nhưng đã được xác định là chất lượng tốt và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở đây có vấn đề tập quán tiêu dùng, giá đùi gà cánh gà ở Mỹ rẻ hơn ức gà, trong khi ở Việt Nam là ngược lại.

Một trại nuôi gà ở Hốc Môn ngoại ô Saigon
Một trại nuôi gà ở Hốc Môn ngoại ô Saigon
AFP

Nuôi gia công cho công ty nước ngoài

Lấy kinh nghiệm bản thân, bà Nguyễn Thị Lạc chủ trại nuôi gà công nghiệp qui mô 100.000 con ở Hốc Môn TP.HCM chọn hình thức nuôi gia công cho công ty nước ngoài. Theo đó nếu tự sản xuất bà sẽ gặp quá nhiều khó khăn vì giá thành luôn cao hơn giá thị trường. Bà Lạc cho biết công ty nước ngoài mà bà liên kết, có vùng nguyên liệu ở tây nguyên và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi rải khắp các vùng nuôi. Do vậy họ ít ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi, ngoài ra kỹ thuật nuôi an toàn sinh học được chú trọng. Bà Lạc cho rằng người nuôi gà muốn tồn tại sẽ phải liên kết với các công ty lớn và đầu tư trại nuôi hiện đại sử dụng công nghệ tin học.

Bà Lạc cho rằng người nuôi gà muốn tồn tại sẽ phải liên kết với các công ty lớn và đầu tư trại nuôi hiện đại (Công ty nước ngoài mà bà liên kết, có vùng nguyên liệu ở tây nguyên và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi rải khắp các vùng nuôi. Do vậy họ ít ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi, ngoài ra kỹ thuật nuôi an toàn sinh học được chú trọng)

“ Đầu tư nuôi kỹ thuật tự động hoàn toàn thì 15.000 con một trại nuôi giá 1,7 tỷ đồng. Trại chăn nuôi tự động giống như mô hình bên Mỹ người ta đang tổ chức chăn nuôi, là ăn tự động uống tự động, các điều kiện như nhiệt độ ẩm độ, máy tự động đưa điều kiện đó vào trong trại nuôi….cám tốt và trong điều kiện thuận lợi như vậy thì con gà phát triển rất là tốt, năng suất tốt…”

Rõ ràng việc liên kết chọn nuôi gia công cho công ty nước ngoài, tuy lợi nhuận thấp nhưng tồn tại được với chăn nuôi, như trường hợp bà Nguyễn Thị Lạc ở Hốc Môn TP.HCM.

Trong ví dụ khác, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Bình ở Đồng Nai cho biết Thanh Bình vừa sản xuất thức ăn chăn  nuôi, vừa có trại nuôi 20 ngàn con heo và 1 triệu con gà, nhưng nay đã phải dẹp hết để chuyển đổi kinh doanh. Ông nói:

“ Hiện nay đó là mặt tiêu cực, nhưng phải nói măt tích cực… người Việt Nam nghèo 70% làm sản xuất nông nghiệp, còn lại là thành phần ở thành thị… Nếu giá thịt heo xuống, tiêu diệt mấy triệu hộ nông dân, nhưng tôi khẳng định mấy triệu hộ nông dân này không sống bằng nghề chăn nuôi. Người ta chăn nuôi là chăn nuôi cải thiện, nuôi con heo như bỏ ống, chứ không phải nuôi heo là thu nhập chính. Với mấy triệu hộ này so 90 triệu dân thì cái nào sẽ lớn hơn. Tôi nói mặt tiêu cực mặt tích cực, ngành nuôi heo Việt Nam có thể chết nhưng quyền lợi lớn là quyền lợi của 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng giá thành thịt heo rẻ. Người Việt Nam vẫn còn đói nghèo thịt heo ăn vẫn chưa đủ, nếu giá thành thịt heo có rẻ xuống thì quyền lợi kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn, quyền lợi của 90 triệu người tiêu dùng vẫn lớn hơn.”

Phó Chủ tich Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Phạm Đức Bình kể ra một câu chuyện khá lạ lùng. Trong khi người chăn nuôi gà chống lại việc nhập khẩu thịt gà. Nhưng trên thực tế hiện nay gần như tất cả ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Từ đây đặt ra vấn đề ngươi tiêu dùng ăn thịt gà nhập khẩu từ Mỹ với giá rẻ, hay là chúng ta ăn thịt gà giá đắt tại Việt Nam mà do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sản xuất. Hai điều này chả khác gì nhau và nên ăn thịt gà Mỹ giá rẻ thì tốt hơn!    

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.