Nhân quyền Việt Nam trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

RFA
2017.05.24
043_dpa-pa_170405-99-957444_dpai.jpg Chủ tịch nước Đức, ông Frank-Walter Steinmeier (phải), trao Giải Nhân Quyền cho luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang bị cầm tù, qua người đại diện là ông Vũ Quốc Dũng, tại Cung điện Bellevue ở Berlin, Đức, 05 tháng 4 năm 2017.
AFP photo

Thành tích nhân quyền của Việt Nam gần đây bị các tổ chức và quốc gia dân chúng đánh giá tồi tệ. Hoa Kỳ là một trong những nước có nền dân chủ được cho là mạnh và lâu nay những vị lãnh đạo Nhà Trắng thường kêu gọi các quốc gia như Việt Nam phải tôn trọng quyền con người, cải thiện tình trạng nhân quyền.

Liệu vào dịp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này và có buổi gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump, chủ nhân mới của Nhà Trắng có đề cập đến vấn đề nhân quyền với phía lãnh đạo Việt Nam như các vị tiền nhiệm thường làm hay không?

Nhân quyền ngày càng nhức nhối

Ngay trước khi buổi đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội hôm 23/5 vừa qua, Các Tổ chức Xã hội Dân sự Việt Nam gửi một Tuyên bố chung tới bà Virginia Bennett, quyền trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Hoa Kỳ. Tuyên bố nêu rõ chỉ trong vòng 4 tháng gần đây, công an Việt Nam đã bắt giữ 8 nhà hoạt động và ra lệnh truy nã 2 người. Những người này bị kết vào các tội danh như tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia, kích động gây rối trật tự công cộng,…

Ngoài những người bị bắt còn một loạt các nhà hoạt động khác thường xuyên bị hành hung chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa. Tuyên bố cũng nêu rõ hiện tại Việt Nam vẫn còn duy trì một hệ thống truyền thông chính thống do nhà nước quản lý và không công nhận những nhà báo độc lập. Ngoài ra, hàng năm hàng chục nhà báo độc lập bị đánh đập đến trọng thương.

Tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn giống như nhiều năm về trước nhưng có điều bây giờ có mạng xã hội nên người ta biết đến nhiều hơn.
- Phạm Đoan Trang

Tuyên bố cũng lên án tình trạng người dân không có quyền tự do lập hội, ngoại trừ những tổ chức được cho là hoạt động vì lợi ích quốc gia. Quyền tự do tôn giáo cũng được đề cập trong tuyên bố, theo đó những người theo tôn giáo thiểu số thường bị phân biệt đối xử, ngăn chặn không cho thực thi tôn giáo, hành hung, cướp đất đai, tài sản.

Nhận xét về tình hình nhân quyền Việt Nam, nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết:

Tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn giống như nhiều năm về trước nhưng có điều bây giờ có mạng xã hội nên người ta biết đến nhiều hơn.

Cụ thể từ tháng giêng đến tháng 5 họ đã bắt 8 người và truy nã 2 người. Tất cả những người này đều là những nhà hoạt động dân chủ của Việt Nam. Đó là một chỉ dấu cho thấy sự xấu đi rất rõ ràng của nhân quyền Việt Nam. Ngoài ra có những vụ tấn công các blogger của lực lượng an ninh và những người gọi là ủng hộ chế độ. Chẳng hạn như chị Lê Mỹ Hạnh bị tấn công, hành hung đến 2 lần. Các bạn trẻ như Trần Hoàng Phúc, Huỳnh Tấn Phát cũng bị công an tấn công gây thương tích.

Chị Đoan Trang giải thích tình trạng nhân quyền của Việt Nam năm nay xấu hơn các năm trước ở một điểm đó là kế sách dùng dân đánh dân của nhà cầm quyền. Tức là họ huy động cả những côn đồ và những người ít hiểu biết, không có một khái niệm gì về dân chủ nhân quyền, để tấn công các nhà hoạt động. Chị đánh giá đây là một xu hướng nguy hiểm bởi vì:

Giả sử những nhà hoạt động chỉ đối diện với lực lượng an ninh không thôi cũng là khó khăn rồi nhưng ít ra họ không phải đối diện với những người khác cũng là dân. Lúc đó rất khó nói chuyện bởi vì nếu nói chuyện với an ninh thì còn có thể nói về pháp luật hay ít ra cũng còn rõ quan hệ là một bên đàn áp một bên bị đàn áp.

Bản thân chị Đoan Trang cùng một số nhà hoạt động khác như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà báo Phạm Thành,… đều bị an ninh thường phục chặn không cho ra khỏi nhà ngay trước buổi đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ hôm 23/5 vừa qua tại Hà Nội.

Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh (giữa) và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý tại tòa án Hà Nội vào ngày 22 tháng 9 năm 2016.
Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh (giữa) và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý tại tòa án Hà Nội vào ngày 22 tháng 9 năm 2016.
AFP photo

Tháng 3 năm nay, Mỹ đã công bố phúc trình nhân quyền Việt Nam 2016, nêu rõ Việt Nam vẫn tiếp tục giới hạn quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, ngôn luận, và vẫn giam giữ người tùy tiện. Tình trạng đối xử dã man, vô nhân đạo, tra tấn trong tù khiến ít nhất 9 người thiệt mạng trong lúc bị tạm giam. Những nhà hoạt động và thân nhân của họ thường xuyên bị hành hung và sách nhiễu.

Hoa Kỳ nhận xét hệ thống tư pháp thiếu minh bạch và thiếu sự độc lập, và thường bị ảnh hưởng bởi sức ép từ các nhóm kinh tế và chính trị.

Việt Nam ngay lập tức phản đối, cho rằng báo cáo trên của Hoa Kỳ thiếu tính khách quan không phản ánh đúng tình hình Việt Nam, nói thêm là Việt Nam luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân.

Hy vọng gì từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

Nhà Trắng và Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31 tháng Năm. Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/5.

Nhiều ý kiến cho biết họ mong đợi Tổng thống Donald Trump sẽ nhân chuyến thăm này gây sức ép để Việt Nam thay đổi tình hình nhân quyền.

Nói với RFA, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, cho rằng để Tổng thống Donald Trump quan tâm đến nhân quyền Việt Nam không phải là một điều dễ dàng. Ông giải thích:

Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nói là an ninh và thương mại là những lĩnh vực ưu tiên hơn nhân quyền.
- Ông Murray Hiebert

Tổng thống Donald Trump đã bỏ bê những nguyên tắc về nhân quyền ngay cả trong các chính sách của Mỹ. Ông ấy đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề về nhân quyền. Tôi sẽ thấy rất ngạc nhiên nếu bất cứ ai quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thể trông hòng bất cứ sự ủng hộ nào từ ông Trump bởi vì ông ấy đang rút quân khỏi chiến trường nhân quyền của các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia,…

Tuy nhiên ông Robertson cũng trấn an rằng chính phủ các nước độc tài không nên vội vui mừng vì ông Trump lên nắm quyền, vì sau ông Trump còn có Quốc hội Mỹ luôn luôn coi vấn đề nhân quyền của các quốc gia như Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của họ.

Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế CSIS cũng cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không bàn luận đến vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp gỡ này:

Tổng thống Trump không hề nhắc đến chuyện nhân quyền khi ông Tập Cận Bình qua thăm Mỹ. Tuần rồi ông ấy đi Ả Rập Xê Út nhưng cũng không đề cập gì đến vấn đề này. Ngay cả trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan- Ocha cũng như với Tổng thống Phi Duterte trong khi Phi đang xáo động vì chiến dịch thanh trừng ma túy của ông này. Chính vì vậy tôi không nghĩ là ông ấy sẽ ưu tiên nói chuyện nhân quyền với Việt Nam. Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nói là an ninh và thương mại là những lĩnh vực ưu tiên hơn nhân quyền.

Trước buổi gặp mặt của lãnh đạo hai nước ngày 31/5, trợ lý đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ kiêm giám đốc cấp cao về Á châu Sự vụ Hội đồng An Ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Matt Pottinger, vào chiều ngày 26 tháng 5 sẽ chủ trì một cuộc nói chuyện bàn tròn với một số vị đứng đầu các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại Mỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.