Hoa Kỳ ràng buộc TPP với Nhân quyền Việt Nam

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015.05.21
000_Hkg10111988.jpg Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Mỹ, Tom Malinowski, trong một hội nghị bàn tròn tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 10 năm 2014.
AFP photo

Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Mỹ Tom Malinowski nói rằng Việt Nam sẽ phải thay đổi về nhân quyền trước khi có thể gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Hải Ninh có cuộc phỏng vấn với ông Malinowski sau cuộc gặp gỡ của ông với cộng đồng người Việt ở thủ đô Washington D.C. tối 20/5.

Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Xin hỏi ông câu đầu tiên. Ông có nói trong cuộc trò chuyện với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ vừa rồi rằng chúng ta có nhiều cơ hội tốt trong năm nay về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?

Tom Malinowski: Đây là một năm rất quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam, không chỉ vì nó là dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ mà là năm chúng ta có những quyết định quan trọng cần đưa ra về TPP, về việc liệu chúng ta có thể có một mối quan hệ gần gũi hơn về kinh tế, an ninh hay không; liệu hai bên có thể tiến tới quan hệ đối tác chiến lược hay không. Chúng tôi đã tỏ rõ quan điểm với chính phủ Việt Nam rằng tất cả điều đó phụ thuộc vào những tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Vì thế, tôi cho rằng có cơ hội cho cả hai nước vì cả hai đều muốn thu lợi được từ mối quan hệ này, cả hai đều muốn xích lại gần nhau hơn. Chúng ta đều muốn điều này xảy ra và chúng tôi muốn tận dụng điều đó.

Hải Ninh: Vậy ta có thể chờ đợi những thay đổi gì từ Việt Nam khi TPP kết thúc?

Chúng tôi đã tỏ rõ quan điểm với chính phủ Việt Nam rằng tất cả điều đó phụ thuộc vào những tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền.
- Tom Malinowski

Tom Malinowski: Đây là một tiến trình dài và khó khăn. Đầu tiên, Quốc hội cần thông qua Dự luật về Quyền thúc đẩy thương mại TPA. Nó sẽ cho Tổng thống Barack Obama nhiều quyền lực hơn để đàm phán thoả thuận cuối cùng với Việt Nam và các quốc gia khác. Sau đó, Quốc hội cần thông qua hiệp ước cuối cùng. Điều quan trọng là xuyên suốt tiến trình này chính phủ Việt Nam có những thay đổi về những vấn đề như cải cách luật pháp, thả tù nhân lương tâm, cho phép tự do tôn giáo, vân vân. Và đi đến cuối cùng, nếu chúng ta có thể đi đến bước ấy, tôi nghĩ nó sẽ tốt cho Việt Nam, Việt Nam sẽ giàu có hơn, sẽ có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, và tôi cũng cho rằng các tổ chức dân sự ở Việt Nam cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Tôi tin rằng cần phải có những thay đổi trong luật lao động, Việt Nam phải có một công đoàn tự do và độc lập. Hy vọng đây sẽ là một tiến trình khó có thể thay đổi để đi tới sự cởi mở hơn về lâu dài ở Việt Nam.

Hải Ninh: Vâng, đúng là Việt Nam cần phải thay đổi nhiều. Thế nhưng như ông vừa nói trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt là ngay khi ông đang ở Việt Nam, một nhà hoạt động bị đánh. Sau khi ông về lại Mỹ thì có vài nhà hoạt động nữa bị tấn công và bị tra hỏi và bị cấm xuất cảnh. Theo ông Việt Nam đang gửi đi thông điệp gì và Mỹ có thể làm gì?

Tom Malinowski: Tôi nghĩ họ đang gửi nhiều thông điệp tới chính người dân nước họ, rằng đúng ở VN có nhiều thay đổi nhưng cũng có những chống đối việc đổi thay. Có những người hiểu rằng đất nước họ sẽ hùng mạnh hơn, ổn định hơn, thịnh vượng hơn nếu người dân được tự do, được phép nói lên tiếng nói của mình và sống cuộc đời theo ý họ. Nhưng cũng có những người bị đe doạ bởi viễn cảnh thay đổi. Vì thế chúng ta thấy những căng thẳng và đấu tranh trong đó. Chúng ta thấy họ thả tù nhân nhưng cũng thấy những nhà hoạt động khác bị đe doạ hay bị đánh. Tôi tin rằng khả năng hai nước gần gũi nhau chỉ càng khiến những người muốn cởi mở, muốn tôn trọng luật và nhân quyền trở nên mạnh mẽ hơn và chúng tôi đang cố gắng giúp nhóm này nhiều hơn.

Tù nhân lương tâm hay ...

Hải Ninh: Chuyển sang một khía cạnh khác của vấn đề nhân quyền. Việt Nam liên tục nói họ không có tù nhân lương tâm. Vậy Mỹ làm sao có thể trò chuyện với họ khi Việt Nam không thừa nhận vấn đề này?

Tom Malinowski: Chúng ta nói những tiếng nói khác nhau. Tôi nói tiếng Anh, họ nói tiếng Việt. Tôi nhắc đến tù nhân lương tâm, họ dùng thuật ngữ nào đó khác. Điều đó cũng không sao miễn là chúng ta đạt đến một kết quả tốt cho cả hai nước và quan tâm của hai bên được giải quyết. Khi ai đó được thả, tôi vui mừng, không cần biết chính phủ Việt Nam gọi họ là gì. Tất nhiên, nói vậy nhưng về lâu dài, điều quan trọng nhất là cải tổ luật pháp, và Việt Nam cần thay đổi những định nghĩa về các loại tội cùng hiến pháp thuận theo một hiệp ước mà chúng tôi đã ký. Đó là điều chính phủ Việt Nam hứa sẽ làm và chúng tôi muốn khuyến khích họ thực hiện lời hứa đó.

Hải Ninh: Và có một chuyện nữa rằng các tù nhân này khi được được đưa sang Mỹ tị nạn. Chẳng phải điều đó biến Mỹ thành chỗ chứa chấp những người làm trái pháp luật ở VN hay sao? Mỹ có cách nào khác để giúp họ ở lại Việt Nam và hoạt động tiếp không?

Tôi nói tiếng Anh, họ nói tiếng Việt. Tôi nhắc đến tù nhân lương tâm, họ dùng thuật ngữ nào đó khác... Khi ai đó được thả, tôi vui mừng, không cần biết chính phủ Việt Nam gọi họ là gì.
- Tom Malinowski

Tom Malinowski: Một số người được thả với điều kiện rằng họ đến Mỹ, điều đó không hay chút nào. Nhưng chúng tôi cũng nói rõ với chính phủ Việt Nam rằng để thúc đẩy phát triển về nhân quyền, họ cần thả người và cho phép những người đó được tiếp tục cuộc sống của họ ở trong nước. Thực ra cũng có một số người được thả và tiếp tục sống ở Việt Nam rồi. Tất nhiên, chúng tôi muốn thấy nhiều sự việc như thế này hơn.

Hải Ninh: Thưa ông, chính phủ Việt Nam bị mang tiếng là hay nuốt lời, hứa rồi sau khi đạt được thoả thuận rồi là thay đổi ngay. Vậy Mỹ có cách nào để Việt Nam không thể quay lại đường cũ một khi đã ký kết xong TPP?

Tom Malinowski: Để TPP được hoàn tất thì họ cần phải có những thay đổi đã. Một khi thoả thuận hoàn tất, cả hai bên sẽ bị ràng buộc về pháp lý, Mỹ sẽ có nghĩa vụ với chính quyền Việt Nam và Việt Nam cũng có nghĩa vụ với Mỹ, về kinh tế, về luật lao động và những vấn đề khác. Trong trường hợp có tranh cãi, cả hai bên sẽ có cơ chế để xác định bên nào đúng, bên nào sai. Đây là một thoả thuận có ràng buộc về pháp lý.Tôi nghĩ rằng sẽ có gặp những trở ngại, không có gì là dễ dàng cả, nhưng tôi nghĩ có nhiều công cụ để buộc Việt Nam và cả Mỹ nữa giữ lời.

Hải Ninh: Và cuối cùng xin hỏi ông về vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam. Mỹ làm gì giúp những tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn?

Tom Malinowski: Chúng tôi hoạt động gần gũi với nhiều tổ chức xã hội dân sự ở nhiều nước trên thế giới và cung cấp hỗ trợ cho họ để giúp họ phát triển, giúp họ trở nên hiệu quả hơn và học từ lẫn nhau, kết nối với nhau. Chúng tôi thực hiện điều đó ở hơn chục nước trên thế giới và chúng tôi thuyết phục chính phủ các nước cho họ nhiều cơ hội không gian hơn. So với 10 năm trước thì các tổ chức dân sự ở Việt Nam đã có nhiều “đất” hơn. Những tổ chức này không chỉ vận động cho dân chủ mà còn nhiều mặt phát triển nữa cho Việt Nam. Họ bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, họ đang làm rất nhiều điều tốt cho đất nước và tôi nghĩ nhiều người trong chính phủ bắt đầu nhận ra rằng họ nên hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự để đạt được mục tiêu của chính họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.