Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Úc

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.03.18
Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng Úc Tony Abbott tại cuộc họp báo sáng 18/3. Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng Úc Tony Abbott tại cuộc họp báo sáng 18/3.
Nguyentandung.org

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến Sydney vào tối 16-03-2015 mở đầu chuyến viếng thăm chính thức nước Úc đến ngày 18-03. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với nhà báo Lưu Tường Quang hiện đang sống tại Sydney để biết thêm về các hoạt động của ông Thủ tướng cũng như các phản ứng của truyền thông và cộng đồng người Việt tại Úc.

Mặc Lâm: Thưa anh ngày hôm qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Toàn quyền Peter Cosgrove và Thống đốc bang New South Wales là David Hurley, anh có chi tiết đặc biệt gì về các cuộc gặp này hay không?

Nhà báo Lưu Tường Quang: Thưa đúng như anh nói trong chuyến đi chính thức thăm viếng Úc châu hai ngày 17 và 18 tháng Ba thì trong ngày hôm qua tại Sydney, thủ phủ của bang New South Wales thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp khá nhiều các giới chuyên gia, kinh tế tài chánh và đặc biệt là cuộc viếng thăm nghi lễ đến ông Toàn quyền tiểu bang là Tướng David Hurley và ông Toàn quyền Liên bang là cựu đại tướng Peter Cosgrove.

Tôi cũng xin nhắc thêm Peter Cosgrove từng là một trung úy trong chiến đoàn đặc nhiệm Anzac tại tỉnh Phước Tuy trong cuộc chiến Việt Nam mà ông tham chiến vào cuối thập niên 1960. Sau này khi ông trở thành Đại tướng và Chỉ huy trưởng quân đội Hoàng gia Úc Đại Lợi thì ông cũng đã thăm viếng Việt Nam hai lần cho nên sự hiểu biết của Tướng Peter Cosgrove về Việt Nam cả Nam lẫn Bắc Việt Nam tương đối khá rộng rãi. Tuy nhiên hai vị này chỉ giữ vai trò nghi lễ nhiều hơn là phương diện chính trị cho nên cuộc thăm viếng của ông Nguyễn Tấn Dũng nó có tính cách xã giao nhiều hơn về mặt chính trị.

Tuy nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhân cơ hội này bày tỏ sự tán đồng chính sách của nước Úc trong việc cải thiện bang giao hay thiết lập chặt chẽ hơn sự hợp tác giữa các quốc gia tại vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp gỡ với các nhà nghiên cứu tại Viện Lowy, là Viện nghiên cứu chính sách quốc tế hàng đầu của Úc...thì ông NTD đã trình bày không những vấn đề bang giao giữa Australia và Việt Nam mà còn là tầm nhìn của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nữa

nhà báo Lưu Tường Quang

Tôi nghĩ rằng trong ngày hôm qua 17 tháng Ba sinh hoạt quan trọng của ông Nguyễn Tấn Dũng là về đầu tư và kinh tế tài chánh vì Sydney là thủ đô kinh tế lớn nhất của nước Úc. Riêng về công luận chính trường thế giới thì sự xuất hiện của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp gỡ với các nhà nghiên cứu tại Viện Lowy, là Viện nghien cứu chính sách quốc tế hàng đầu của Úc mà cũng là một trong những viện nghiên cứu lớn trên thế giới, thì ông Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày không những vấn đề bang giao giữa Australia và Việt Nam mà còn là tầm nhìn của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nữa.

Mặc Lâm:Anh vừa nhắc tới vấn đề tranh chấp Biển Đông, có vẻ quan điểm của Úc và Việt Nam rất gần nhau, anh có thể cho biết trong đợt công du lần này Thủ tướng Dũng chương trình bàn vấn đề quan trọng này với Thủ tướng Tony Abbot không?

Nhà báo Lưu Tường Quang: Đúng như vậy, theo dự trù thì ngày hôm nay 18 tháng Ba tại thủ đô Canberra Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc thảo luận chính thức với Thủ tướng Úc Tony Abbot. Tôi nghĩ đây là ngày quan trọng trong vấn đề ngoại giao. Biển Đông là một trong các vần đề mà lãnh tụ hai nước đã thảo luận. Tôi tin rằng như anh nói và đồng ý với anh là lập trường của Úc và lập trường của Việt Nam về Biển Đông không khác nhau nhiều. Tuy Australia không có tranh chấp biển đảo, thềm lực địa cũng như vùng kinh tế chuyên biệt đối với Trung Quốc hay với Việt Nam.

Lập trường của Úc và của Hoa Kỳ, Nhật Bản là Biển Đông phải có quy chế thông thương hàng hải một cách tự do. Vì đe dọa của Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông cho nên ngày nay khi người ta nói tới vần đề tự do lưu thông thì người ta không chỉ nói tới hàng hải mà còn là hàng không nữa. Cũng vì lý do này mà Úc, Nhật và Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu rõ vấn đề này và khuyên các quốc gia tranh chấp cố giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng phương tiện hòa bình thương thuyết theo đúng luật quốc tế và đặt biệt là luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Chính ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tiếp xúc với Viện nghiên cứu Lowy vào ngày hôm qua, đã lập lại lập trường Việt Nam về cuộc tranh chấp Biển Đông là các quốc gia phải hành xử theo luật quốc tế và theo luật biển 1982 cũng như theo cách ứng xử trong khu vực dựa theo bảng tuyên bố về nguyên tắc ứng xử DOC mà tổ chức ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận để may ra có thể tiến tới quy luật ứng xử COC.

Mặc dù Việt Nam là nước có rất nhiều quyền lợi tại Biển Đông và đã bị mất chủ quyền một phần nào tại Hoàng Sa và Trường Sa, mà Úc không phải đối diện với các vấn để khó khăn này,  nhưng hai bên như anh nói và tôi đồng ý là lập trường của Úc và Việt Nam không có nhiều khác biệt.

Ngày hôm qua Thứ Ba tại tiền đình Quốc hội Tiểu bang New South Wales, nơi ông Nguyễn Tấn Dũng tới để sinh hoạt với giới chính trị của tiểu bang thì khoảng 1.000 người đã tới biểu tình với quốc kỳ Úc và cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm nay tại thủ đô Canberra một cuộc biểu tình tương tự

nhà báo Lưu Tường Quang

Mặc Lâm:Theo quan sát của anh thì chính giới và truyền thông của Úc có phản ứng gì về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo hay Internet trong chuyến đi này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...

Nhà báo Lưu Tường Quang: Vâng, về vấn đề này thì báo chí Úc vẫn thường xuyên theo dõi tình trạng nhân quyền tự do dân chủ tại Việt Nam, đặc biệt nhân chuyến công du Úc châu lần này của ông Nguyễn Tấn Dũng, đây là lần thăm viếng thứ hai của ông Dũng tại Australia, thì báo chí Úc cũng đã đặt lại vấn đề nhân quyền. Tờ Guardian Oline đã viết một bài bình luận rất rõ ràng, yêu cầu Thủ tướng Tony Abbot không chỉ nhìn sự phát triển của Việt Nam trên phương diện kinh tế hay đầu tư mà cũng phải nhìn các vấn để tự do dân chủ và nhân quyền, và tờ báo đã nêu nhân quyền như là một điều căn bản mà Thủ tướng Tony Abbot phải nêu lên với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi không hiểu là ông Abbot có thể làm việc này hay không, tuy nhiên nếu ông có làm việc này, mà tôi nghĩ có thể ông sẽ làm, thì có lẽ ông cũng không tuyên bố công khai vì Úc từ trước tới nay vẫn giữ lập trường là vấn đề nhân quyền mà họ tranh đấu hay bàn thảo, vận động theo đường lối ngoại giao một cách thầm lặng hơn là công khai.

Vấn đề này là mối quan tâm chính yếu của người Việt tại Úc. Hiện nay có khoảng 300 ngàn người Việt sinh sống tại Úc châu và vấn đề tự do, dân chủ và nhân quyền của Việt Nam luôn luôn là quan tâm hàng đầu của cộng đồng. Cũng vì lý do đó mà ngày hôm qua Thứ Ba tại tiền đình Quốc hội Tiểu bang New South Wales, nơi ông Nguyễn Tấn Dũng tới để sinh hoạt với giới chính trị của tiểu bang thì khoảng 1.000 người đã tới biểu tình với quốc kỳ Úc và cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm nay tại thủ đô Canberra một cuộc biểu tình tương tự của cộng đồng người Việt cũng đang xảy ra vào sáng hôm nay trước tiền đình Quốc hội Liên bang.

Mặc Lâm:Vâng đó là hình ảnh mà chúng ta thấy trên Internet rất nhiều về những lá cờ vàng phản đối chuyến công du của ông Dũng. Tuy nhiên bên cạnh 300 ngàn người Việt còn có 30 ngàn du học sinh từ Việt Nam sang, thái độ của những du học sinh này ra sao thưa anh, có rõ ràng lắm hay không?

Nhà báo Lưu Tường Quang: Thái độ của họ tương đối rõ ràng. Nhưng khi chúng ta nói tới 30 ngàn du sinh hoặc nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang Úc, đứng về mặt nhân số thì điều đó đúng nhưng không phải mọi người trong số 30 ngàn du sinh đó đều công khai ủng hộ chế độ CHXHCN Việt Nam trong khi họ ở nước ngoài. Cũng có người ủng hộ một cách rất nhiệt thành chế độ và trong góc cạnh này thì chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Dũng đã là cơ hội cho ông ấy gặp gỡ những kiều bào của họ hay những phần tử ủng hộ trong hàng ngũ 30 ngàn sinh viên đang du học tại Úc.

Tôi cũng xin nói thêm là trong hàng ngũ người tỵ nạn Việt Nam cũng có một số thương gia ngày nay cũng tỏ ra ủng hộ chế độ CHXHCN Việt Nam vì lý do làm ăn buôn bán của họ đối với Việt Nam. Con số này tương đối rất nhỏ nhưng cũng đã được mời tới tham dự những cuộc tiếp tân, những lễ lạc, dạ tiệc mà tòa đạisứ CHXHCN Việt Nam tổ chức, hoặc do từ phía Úc tổ chức.

Nhìn chung tôi thấy đa số người Việt Nam bất kể tị nạn hay du học sinh họ đều mong muốn nước Việt Nam được ổn định, hòa bình và phát triển kinh tế đồng thời có những tiến bộ cụ thể về nhân quyền, tự do dân chủ. Đó là mong mỏi của tất cả mọi người bất kể người Việt Nam định cư tại Úc hay người đang có mặt trong tư cách tạm trú.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Lưu Tường Quang.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.