Tình hình kinh tế chính trị VN năm 2015?

Mặc Lâm, RFA
2015.02.20
000_Hkg9227512.jpg Ảnh minh họa chụp một con đường ven sông Sài Gòn, hướng về trung tâm TPHCM hôm 19/11/2013.
AFP

Trong những ngày đầu năm mới Ất Mùi, chúng tôi hỏi chuyện Tiến sĩ  Phạm Chí Dũng, một chuyên gia kinh tế và cũng là nhà báo tại Việt Nam về các biến chuyển của tình hình chính trị và kinh tế trong năm 2014 sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến năm 2015 như thế nào?

Hy vọng năm mới

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, trong năm nay 2015, dấu hiệu nào ông thấy rằng sẽ là nguồn hy vọng cho một biến chuyển có thể gây ảnh hưởng tới nếp nghĩ hay hành động của các viên chức chính phủ?

TS Phạm Chí Dũng: Hôm qua tôi có nghe một người bạn kể một câu chuyện như thế này. Người bạn của tôi có một người bạn là nhà báo, một nhà báo lớn mà tôi xin phép không tiện nói tên, cách đây hai năm nhà báo ấy từ chối đăng một bài của Le Monde tại vì cho rằng bài của Le Monde là khác với đảng cộng sản nên không dám đăng. Nhưng mà chỉ cách đây có mấy ngày thôi bạn của tôi gặp người bạn nữ nhà báo ấy còn nói thẳng rằng cần phải bỏ Điều 4 Hiến Pháp.

Nói ra như vậy đó là một minh chứng để cho thấy rằng không phải chỉ trong giới đấu tranh chính trị, nhân quyền mà kể cả những người trong nội bộ nhà nước hiện nay đã có những chuyển biến rất khác so với trước đây và tôi cho đó là những động thái, động lực chính để xoay chuyển đảng cầm quyền hiện nay. Nó bắt buộc thay đổi sang một xu thế mới ít nhất phải có một số cải cách nhất định nếu không muốn nói thay đổi về mặt bản chất.

Không phải chỉ trong giới đấu tranh, mà cả những người trong nội bộ nhà nước hiện nay đã có những chuyển biến rất khác so với trước đây, và đó là những động thái, động lực chính để xoay chuyển đảng cầm quyền hiện nay.
TS Phạm Chí Dũng, TP.HCM

Điều đó cũng liên quan đến những vấn đề mà như anh Mặc Lâm và tôi thường xuyên trao đổi là vấn đề đối thoại. Năm nay sẽ diễn ra một năm đối thoại tưng bừng kỷ niệm 20 năm quan hệ bình thường hóa Việt Mỹ. Có thể kể cả về việc TPP được ký kết sau gần 10 năm đàm phán.

Cũng có thể đánh dấu một bước chuyển biến lần đầu tiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đặt chân lên Hoa Kỳ và cho đến cuối năm không loại trừ là Tổng thống Obama trong chuyến sang châu Á trước khi chấm dứt nhiệm kỳ có thể sẽ đặt chân đến Việt Nam.

Cho nên trong các yếu tố đối thoại như vậy cộng với những vấn đề như hiệp định FTA với Liên minh châu Âu sẽ làm cho Việt Nam có cái gì đó xao lãng những việc như điều 4 hiến pháp. Tôi cũng hy vọng rằng những dấu nhấn hay những tiền lệ như “Chân dung quyền lực” sẽ là mầm mống đầu tiên làm cho những người trong đảng họ nhìn ra rằng đảng bây giờ không phải như đảng trước đây.

Mặc Lâm: Ông Trọng được xem là người rất thiên về Trung Quốc liệu chấp nhận đi Mỹ có làm cho vị trí của ông ấy dưới mắt Bắc Kinh sẽ xấu đi hay không? Trong tình hình phe Trung Quốc còn khá mạnh như bây giờ Tiến sĩ có thể dự báo được hay không?

TS Phạm Chí Dũng: Hoàn toàn có thể dự báo được vì trước đây những người trong đảng họ không đặt vấn đề đi Mỹ. Bản thân họ không tha thiết với vấn đề đi Mỹ còn bây giờ một vế đối kháng chính là vấn đề đi Mỹ. Mặc dù một số tờ báo nhà nước vừa rồi khá là kênh kiệu cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn đi Mỹ hay chọn đi Trung Quốc? Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa rồi đã đề đạt và nhắc lại việc Tổng bí thư Trọng đi Mỹ đó là bình luận và phân tích của Giáo sư Carl Thayer.

Động thái thúc đẩy chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Trọng từ phía Việt Nam kỳ này cho thấy rằng có một sự cân bằng hơn so với sự gần như mất cân bằng trước đây trong mối quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ.

Việt Nam đã đến lúc không thể đi giây cả hai nước song song với nhau mà dần dần phải thỏa mãn những điều phương Tây và Mỹ đặt ra.
TS Phạm Chí Dũng

Tôi cho rằng đó là một tín hiệu, một dấu hiệu khá là sắc bén để cho thấy rằng Việt Nam đã đến lúc không thể đi giây cả hai nước song song với nhau mà dần dần phải thỏa mãn những điều phương Tây và Mỹ đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Obama đã cứng cỏi tuyên bố rằng Mỹ có thể làm những điều mạnh mẽ đối với quốc gia nào không nghe lời họ.

Kinh tế quyết định Chính trị

Mặc Lâm: Tiến sĩ vừa nói có một tín hiệu tốt trong việc nhìn nhận lại mối quan hệ giữa ba nước làm cho tôi liên tưởng tới việc báo chí Việt Nam trong những ngày trước tết đã đồng loạt đi những bài kỷ niệm cuộc chiến Biên giới phía Bắc vào ngày 17 tháng Hai vừa qua. Phải chăng có sự cho phép ngầm nào đó trong nội bộ đảng vốn rất sợ phật lòng Trung Quốc?

TS Phạm Chí Dũng: Năm nay nếu mà so với năm trước, sự lên tiếng của truyền thông nhà nước đối với cuộc chiến biên giới vào năm 1979 và lên án Trung Quốc vẫn  không được bao nhiêu. Có, nhưng chưa hơn được bao nhiêu, có lẽ chỉ nhích hơn được 5%. Chỉ có một ít bài viết hay trong khi đó đại đa số báo nhà nước gần như im lặng, tuyệt đối im lặng cho nên tôi nghĩ vấn đề này không khí đổi mới và cởi mở dân chủ hơn trong việc phản kháng với Trung Quốc vẫn chưa thật sự rõ nét ở Việt Nam.

Có lẽ phải chờ trong thời gian tới nếu thật sự ông Trọng quyết định đi Mỹ và kết quả chuyến đi được coi là tốt đẹp thì hy vọng ngày 17 tháng Hai năm sau thì vấn đề cuộc chiến biên giới có thể được nêu một cách rõ nét hơn.

Mặc Lâm: Riêng về lĩnh vực kinh tế TS có nghĩ rằng đây là động lực rất lớn thúc đẩy những quyết định chính trị của ông Tổng bí thư hay không, Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam rất khó khăn trong lĩnh vực nợ xấu ảnh hưởng lớn đến ngân sách trong năm 2015?

TS Phạm Chí Dũng: Chắc chắn. Triết học kinh tế và triết học Mác Lê vẫn xác định kinh tế quyết định chính trị. Năm 2015 là năm mà kinh tế Việt Nam tiếp tục khó khăn, bất chấp những báo cáo luôn tô hồng của chính phủ về GDP về nợ công vẫn an toàn và nợ xấu giảm sút.

Thực ra nợ xấu không có gì thay đổi như là một chuyên gia về ngân hàng là ông Bùi Kiến Thành nhận xét là tất cả đều trên giấy tờ thôi. Tất cả những việc được coi là giảm nợ xấu nó chỉ là trên giấy tờ và Công ty quản lý tài sản quốc gia nếu có mua được nợ xấu thì cũng không biết giải quyết như thế nào, không thể bán được nợ xấu.

Năm 2015 là năm mà kinh tế Việt Nam tiếp tục khó khăn, bất chấp những báo cáo luôn tô hồng của chính phủ.
TS Phạm Chí Dũng

Anh thấy rồi hai năm qua gần như không bán được nợ xấu, không có ngân hàng nước ngoài nào gọi là xếp hàng mua nợ xấu của Việt Nam. Thời gian gấp gáp lắm rồi và theo yêu cầu chỉ đạo của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến cuối năm phải giảm nợ xấu. Đó là quyết tâm trên giấy tờ còn có giảm được nợ xấu hay không thì vẫn chưa biết.

Theo những thông tin mà tôi nhận được nợ xấu hoàn toàn chưa giảm được 1% nào cả. Điều đó sẽ gây tác động lớn lên kinh tế Việt Nam. Ảnh hưởng nặng nề nguồn thu ngân sách, duyệt chi ngân sách và nhiều vấn đề như là truy tiền lương chứ đừng nói tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức. Có nhiều nơi khá là trầm buồn so với cái tết năm trước, mặc dù cái tết năm trước đã rất buồn. Đó là vấn đề lương thưởng tết của cán bộ viên chức rất khó khăn.

Ví dụ như cơ quan cũ của tôi là Viện Nghiên cứu và Phát triển. Những cái tết trước họ nhận được từ 15 tới 20 triệu đồng thưởng tết cho mỗi đầu người năm nay khi tôi về thăm lại cơ quan cũ thì người ta nói cho tôi biết với vẻ hết sức bức xúc, năm nay chỉ có được hai triệu mốt thôi, tức là hai triệu một trăm ngàn, cộng với tiền một triệu hai trăm ngàn đồng cùa UBND thành phố cho, như vậy mỗi người được tất cả là ba triệu ba thôi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Phạm Chí Dũng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.