VN thắng lớn tại Liên hoan Múa rối Quốc tế Bangkok

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014.11.14
vie-show-2-622.jpg Đoàn Việt Nam tại Liên hoan Múa rối Quốc tế diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 11 vừa qua tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh chụp hôm 6/11/2014.
RFA PHOTO

 

Nhiều nước tham dự

Liên hoan Múa rối Quốc tế diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 11 vừa qua tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Việt Nam cũng có một đoàn tham gia và được Giải thưởng lớn Grand Prix của Liên hoan.

Qui mô Liên hoan Múa Rối Quốc tế năm nay tại Bangkok được nói có qui mô đông đảo nhất kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2008 cho tới nay. Đó là do có sự tham gia của 165 nhóm múa rối từ 80 quốc gia trên thế giới tham dự.

Có nước như Nhật Bản cử 4 nhóm tham gia liên hoan. Đoàn Campuchia dự liên hoan với hơn 30 nghệ sĩ. Đại diện tham dự Liên hoan năm nay ở Bangkok của Việt Nam là 10 nghệ sĩ múa rối thuộc Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Nhiều người biết đến múa rối Việt Nam đều nghĩ rằng loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam là múa rối nước sẽ được mang đi thi thố với các đoàn khác trên thế giới. Tuy nhiên lần nay Nhà Hát Múa rối Việt Nam tham gia liên hoan với loại hình múa rối cạn. Buổi biểu diễn đầu tiên của đoàn diễn ra vào chiều tối ngày 6 tháng 11 tại sân khấu nhỏ của Nhà Hát Quốc gia Thái Lan.

Có đoàn ánh sáng không hoàn chỉnh, có đoàn lượng âm thanh không hoàn chỉnh, có đoàn thì là technique, có đoàn do diễn viên không hoàn chỉnh… Nói chung đoàn nào cũng có cái để nói, nhưng theo ông ta (giám khảo) thì đoàn Việt Nam rất hài hòa và không có gì để chê trách.
-Nguyễn Tiến Dũng

Ngay sau buổi diễn, trưởng đoàn là ông Nguyễn Tiến Dũng, phó giám đốc Nhà Hát Múa Rối Việt Nam, cho biết lý do lần này đoàn không mang múa rối nước mà lại biểu diễn múa rối cạn như sau:

“Thực ra múa rối nước là một đặc sản ‘độc nhất vô nhị’ của Việt Nam. Theo chúng tôi được biết thì múa ruối cạn ở Việt Nam cũng có nhiều phường rối cạn ra đời cũng lâu rồi. Đến năm 2016, Nhà hát Múa Rối Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát và chúng tôi có nhiều dịp để tham khảo, giao lưu với các đoàn múa rối quốc tế trong những đợt đi công tác liên hoan nước ngoài. Múa rối nước quá đặc sắc; cho nên khi đứng bên cạnh cái gì quá độc đáo, những thứ khác bao giờ cũng chịu phần thiệt thòi hơn. Nhưng trong thời gian gần đây, Nhà hát Múa Rối tại Hà Nội là một địa chỉ quen thuộc, đặc biệt với các em thiếu nhi, vì chúng tôi xây dựng những chương trình múa rối cạn dành cho các em thiếu nhi. Hiện nay nhiều người không còn nghĩ rằng Việt Nam chỉ có múa rối nước thôi, mà có múa rối cạn và thậm chí múa rối cạn của Việt Nam cũng làm rất tốt.”

Chúng tôi nhận thấy sau buổi biểu diễn của đoàn Việt Nam có những khán giả là người Pháp đích thân đến mời trưởng đoàn Nguyễn Tiến Dũng vào thời gian tới đưa đoàn sang Pháp biểu diễn.

Tuy không mang nghệ thuật độc đáo múa rối nước đi tham gia liên hoan, thế nhưng, những tiết mục biểu diễn múa rối cạn với những cảnh dựng đặc trưng về đời sống nông thôn, cũng như sinh hoạt văn hóa thờ mẫu của Việt Nam thông qua những con rối sinh động và âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam đã mang lại giải thưởng lớn ( Grand Prix) cho đoàn Việt Nam. Trị giá giải thưởng là 10 ngàn đô la. Ngoài giải thưởng lớn còn có 13 giải thưởng phụ khác vì dụ như giải thưởng cho diễn viên nam, nữ xuất sắc nhất, tiết mục rối hoạt hình hay nhất… cho nhiều đoàn khác.

Bản sắc dân tộc Việt

Đoàn Việt Nam trình diễn tại Liên hoan Múa rối Quốc tế diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 11 vừa qua tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh chụp hôm 6/11/2014. RFA PHOTO.
Đoàn Việt Nam trình diễn tại Liên hoan Múa rối Quốc tế diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 11 vừa qua tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh chụp hôm 6/11/2014. RFA PHOTO.

Các giám khảo và ban tổ chức cho biết họ trao giải thưởng lớn duy nhất của liên hoan cho chương trình biểu diễn mang tên ‘Giai điệu quê hương’ của đoàn Việt Nam vì kết hợp được nhiều loại rối trong một chương trình, sử dụng những chất liệu đặc trưng của khu vực như tre, rơm, lụa… mà nhiều đoàn khác trong khu vực Đông Nam Á cũng dùng; thế nhưng chương trình biểu diễn của đoàn Nhà hát Múa rối Việt Nam làm toát lên được bản sắc riêng của dân tộc Việt. Khán giả khi nghe âm nhạc và nhìn những nghệ nhân biểu diễn, điều khiển những con rối. Họ có thể nhận ra đó là sinh hoạt của người Việt tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ chứ không phải ở một nơi nào khác.

Phó giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng trình bày lại những đánh giá mà các giám khảo và nhà tổ chức nói với ông sau khi trao giải cho đoàn Việt Nam:

“Tất cả những đoàn khác chưa được hoàn hảo, ví dụ có đoàn âm nhạc chưa hoàn chỉnh, có đoàn ánh sáng không hoàn chỉnh, có đoàn lượng âm thanh không hoàn chỉnh, có đoàn thì là technique, có đoàn do diễn viên không hoàn chỉnh… Nói chung đoàn nào cũng có cái để nói, nhưng theo ông ta (giám khảo) thì đoàn Việt Nam rất hài hòa và không có gì để chê trách.

Thứ hai là sự chuyển động trên sân khấu trong cả chương trình biểu diễn. Đó là sự chuyển động rất tốt, là sự hài hòa giữa âm nhạc, con rối, với bài hát truyền thống rồi tạo hình con rối, màu sắc. Mà con rồi thì nhiều loại hình trong chương trình: rối que, rối điều khiển ngang, rối sân khấu đen, rối điều khiển bằng chân… Loại rối nào các nghệ sĩ Việt Nam cũng làm rất tốt.

Hiện nay nhiều người không còn nghĩ rằng Việt Nam chỉ có múa rối nước thôi, mà có múa rối cạn và thậm chí múa rối cạn của Việt Nam cũng làm rất tốt.
-Nguyễn Tiến Dũng

Người ta nói chất liệu làm con rối rất phù hợp với đề tài. Chất liệu mây, tre đan thì các đoàn châu Á cũng có sử dụng; nhưng đoàn Việt Nam sử dụng để nói lên được tên của chương trình, nói lên được bức tranh Việt Nam mà không lẫn đâu được.”

Trong niềm vui nhận được giải thưởng lớn cho chuyến tham gia Liên hoan Múa rối Quốc tế năm nay, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa rối ở Việt Nam và đào tạo đội ngũ trẻ kế thừa như sau:

Bảo tồn là việc đương nhiên chúng tôi đang phải làm. Đó là một món ăn tin thần rất quí giá, một nét đặc trưng, rất đặc sắc của Việt Nam. Đó là trách nhiệm của những người làm nghề như chúng tôi. Chúng tôi luôn có chương trình mới dựa vào sân khấu múa rối nước truyền thống, dựa vào mặt nước truyền thống của múa rối nước và phát triển lên. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đưa một số yếu tố hiện đại vào, nhưng đưa vào như thế nào cho đúng, cho đủ đối với chúng tôi, người làm nghề, phải suy xét rất kỹ.

“Bên cạnh đó còn có nhiệm vụ phải chuyển lửa, làm thế nào cho thế hệ trẻ cũng thích thú với nghệ thuật này để theo. Làm nghệ thuật mà không thích thì sẽ không hay. Cho nên luôn có đội ngũ kế cận. Khi đi nhiều festival quốc tế thì họ rất ngạc nhiên tại sao múa rối quốc thường là người lớn tuổi mà đoàn Việt Nam có những người rất trẻ như thế. Chúng tôi cũng làm được việc là thu hút lớp trẻ đến với nghệ thuật của mình, họ đến một cách thực sự say sưa và yêu nghề. Đó là điều chúng tôi mừng cho một giai đoạn và không cảm thấy lo lắng cho một giai đoạn tới về đội ngũ kế cận. Chúng tôi luôn có học sinh gửi học tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, được đào tạo chính quy bởi các thầy và giáo trình bài bản. Khi tốt nghiệp về Nhà hát chúng tôi lại tiếp tục phát triển các tài năng trẻ.”

Trong 10 ngày liên hoan, các đoàn múa rối của các nước ngoài việc trình bày những tiết mục múa rối độc đáo của chính quốc, họ còn tham gia sinh hoạt hội thảo chia sẻ kỹ thuật múa rối của nước họ cho các đoàn khác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.