Giới trẻ VN tham dự Dự Án Hữu Nghị Mekong tại Thái Lan

Lễ khai mạc Dự Án Hữu Nghị Mekong, The Mekong Friendship Project, một chương trình sinh hoạt do Bộ Ngoại Giao Thái Lan khởi xướng chủ yếu nhắm vào giới trẻ các nước, khai mạc hôm thứ Năm vừa qua tại thủ đô Bangkok, trùng hợp với sự kiện hợi nghị cấp bộ trưởng ASEAN ở Kampuchia.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012.07.14
mekong-friendship-project-305.jpg Lễ khai mạc Dự Án Hữu Nghị Mekong, The Mekong Friendship Project, ngày 12/07/2012 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Photo courtesy of Tanee Sangrat's facebook

 

Đây cũng là chủ đích của nước chủ nhà Thái Lan, một trong những quốc gia tiên phong của ASEAN.

Dự Án Hữu Nghị Mekong, có thể nói chính xác hơn cuộc du ngoạn hữu nghị Mekong, là một chương trình sinh hoạt do Bộ Ngoại Giao Thái Lan khởi xướng, qui tụ hai mươi lăm sinh viên các viện đại học tại các nước thuộc tiểu vùng Mekong là Thái Lan, Lào, Kampuchia, Miến Điện, Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một chương trình sinh hoạt và giao lưu giữa giới trẻ năm nước ASEAN diễn ra qua sáng kiến của Bộ Ngoại Giao Thái Lan, song song với hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN kéo dài gần một tuần ở Xứ Chùa Tháp.

Hôm thứ Năm tuần này, lễ khai mạc Dự Án Hữu Nghị Mekong đã chính thức diễn ra tại Bộ Ngoại Giao Thái Lan, dưới sự chứng kiến của đại sứ Lào, Kampuchia, Miến Điện và đại diện đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok.
Đại diện Việt Nam đến Dự Án Hữu Nghị Mekong là năm bạn trẻ từ các đại học lớn trong nước. Bắt đầu là trưởng toán Nguyễn Minh Châu:

“Em tên Nguyễn Minh Châu, sinh viên năm cuối của Học Viện Ngân Hàng ở Việt Nam. Chủ yếu là trên trường người ta có thông báo thì bọn em tất cả năm người đều gởi CV và sau đấy em nghĩ chắc là CV được lọc và được gọi.

Em là Nguyễn Hải Minh, sinh viên năm thứ ba Đại Học Y Tế Công Cộng.

Em là Vũ Đình Huy, sinh viên năm thứ nhất Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.Trong CV của em chỉ có thành tích học tập của những năm Cấp Ba rồi cũng có những hoạt động mà em từng tham gia.

Em là Phạm Nguyễn Phương Linh, sinh viên năm thứ nhất Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.

Em tên Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên năm thứ nhất của Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.”

Giao lưu hữu nghị cho giới trẻ

Trước lúc khai mạc, trong vài phút trò chuyện với báo chí, ông Thanee Sangrat, giám đốc Phòng Chuyên Trách Đông Nam Á Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại Giao Thái Lan, cũng là trưởng ban tổ chức Dự Án Hữu Nghị Mekong lần đầu tiên này, cho biết:

“Chúng tôi nhận thấy các quốc gia trong khu vực Mekong có nhiều điểm tương đồng, có những thử thách giống nhau, có chung phong tục và tập quán tương tợ nhau nhưng chừng như người dân trong vùng không hiểu rõ về nhau mấy.

Điều này dẫn đến ý tưởng là tại sao không thành lập mạng lưới tuổi trẻ giữa các nước để từ đó tạo sự hữu nghị, duy trì nền tảng đồng thời phát huy nền tảng hữu nghị đó trong tương lai. Thái Lan mong muốn những sự kiện như thế này diễn ra hàng năm.”

Điều này dẫn đến ý tưởng là tại sao không thành lập mạng lưới tuổi trẻ giữa các nước để từ đó tạo sự hữu nghị, duy trì nền tảng đồng thời phát huy nền tảng hữu nghị đó trong tương lai.

Ông Thanee Sangrat

Vẫn theo lời ông Thanee Sangrat, Thái Lan ý thức rõ ASEAN đang nhắm tới một sân chơi chung, một nền kinh tế chung là AEC, Asean Economy Community vào năm 2015. Vì lẽ đó, ông nói tiếp, Dự Án Hữu Nghị Mekong là một trong những phương cách đạt tới ước mơ AEC, qua đó thế hệ trẻ của năm quốc gia tiểu vùng Mekong có thể hiểu biết rõ hơn về kinh tế, kiến trúc và những cơ sở hạ tầng nối kết bên cạnh tình hình xã hội và sự phát triển lớn mạnh của các nước ASEAN trong tiểu vùng Mekong.

Trong diễn văn khai mạc, ông Chalermpol Thanchitt, phụ tá thường trực ngoại trưởng Thái Lan, tuyên bố mục đích của Dự Án Hữu Nghị Mekong nhằm khuyến khích một sự hợp tác gần gũi hơn giữa con người với con người đồng thời tạo một nền hữu nghị mới giữa giới trẻ năm quốc gia dọc sông Mekong, đó là Kampuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam:

“Ông nói Dự Án Hữu Nghị Mekong sẽ giúp thế hệ đang lên của năm quốc gia có được nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của sự kết nối mà năm quốc gia cùng chia sẻ, thể hiện cả hai mặt là cơ sở hạ tầng như kiến trúc, cầu, đường, và mặt kia là nền văn minh cổ đại hay đương đại của từng nước.

Hơn thế nữa, ông thứ trưởng ngoại giao Thái Lan nói tiếp, Dự Án Hữu Nghị Mekong không chỉ là cơ hội cho giới trẻ các nước học hỏi về phong tục tập quán của từng quốc gia bạn mà còn giúp họ hiểu thêm thế nào là ASEAN, thế nào là tinh thần đoàn kết và hợp tác trong tiến trình phát triển của toàn khối ASEAN.”

Sau diễn văn của ông thứ trưởng Charlermpol Chanthitt, hai mươi lăm sinh viên từ năm nước, được chia thành ba nhóm, lần lượt đại diện mỗi nước trong từng nhóm phải lên trình bày và giới thiệu về quê hương đất nước hoặc phong tục truyền thống của quốc gia mình.

Học hỏi chia sẻ

Được hỏi về cảm tưởng trong ngày đầu khai mạc Dự Án Hữu Nghị Mekong, các bạn nghĩ thế nào khi đã bắt đầu và sẽ phải tiếp cận với sinh viên các nước, các bạn trẻ Việt Nam phát biểu:

Minh Châu: “Đây là một chương trình rất thú vị tại vì không phải bản thân gia đình nào cũng được đến được tất cả các nước ở ASEAN. Được nhìn thấy môi trường hiện đại như thế này và làm quen được nhiều bạn. Với tư cách sinh viên thì em chỉ muốn chứng tỏ là bản thân sinh viên Việt Nam cũng giỏi giao tiếp, cũng giỏi tiếng Anh, và cũng giỏi làm project như các bạn, và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nước khác.”

Minh: “Em nghĩ trong chuyến đi này qua năm nước mình không chỉ thấy những nơi du lịch mà qua đó còn thấy được xã hội và đời sống của những nước đó. Nhất là em hiện đang học ngành Y Tế Công Cộng thì nói chung em cũng sẽ học thêm được phần nào đấy ở trong nước bạn, xem rằng hệ thống y tế người ta như thế nào, và so sánh với hệ thống y tế ở Việt Nam. Trong tư cách một người trẻ em muốn chứng tỏ với các bạn rằng giới trẻ Việt Nam sẵn sàng học hỏi và cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm để cùng nhau phát triển.”

Huy: “Cá nhân em thì chuyến đi này em được tham quan những địa điểm rất là thú vị, gặp gỡ những người bạn ở các nước xung quanh mình và được học hỏi nhiều hơn và hiểu biết nhiều hơn về khối ASEAN.”

Hiện nay giới trẻ có một số người ít quan tâm đến vấn đề xã hội. Em nghĩ chương trình này rất bổ ích đối với giới trẻ bọn em. Bọn em có thể học hỏi được nhiều về kinh tế, xã hội và nhất là trau dồi khả năng ngoại ngữ.

Phương Linh

Phương Linh: “Hiện nay giới trẻ có một số người ít quan tâm đến vấn đề xã hội. Em nghĩ chương trình này rất bổ ích đối với giới trẻ bọn em. Bọn em có thể học hỏi được nhiều về kinh tế, xã hội và nhất là trau dồi khả năng ngoại ngữ. Em muôn chứng tỏ là người Việt Nam luôn biết học hỏi, lắng nghe và có thể đoàn kết với tất cả mọi người.”

Quỳnh Trang: “Điều em thích thú nhất là kết hợp tham quan các địa điểm của các nước khác nhau, bọn em được tham gia những hoạt động nhóm này, rồi hiểu hơn về các quốc gia và lãnh thổ bên cạnh mình như thế nào và tất nhiên qua đó sẽ học tập được rất nhiều. Còn đối với em thì luôn năng động, em muốn chứng tỏ người trẻ Việt Nam luôn có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh và có thể giao tiếp học hỏi từ các nước bạn.”

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Thái Lan, trong Dự Án Hữu Nghị Mekong lần đầu tiên này, hai mươi lăm sinh viên thuộc năm quốc gia tiểu vùng Mekong sẽ được nới rộng cảm quan và tầm nhìn bằng một cuộc du ngoạn và sinh hoạt lý thú kéo dài chín ngày qua năm địa danh du lịch quan trọng như khu nông nghiệp Doi Tung của Thái Lan gần vùng Tam Giác Vàng, Trạm Kiểm Soát Biên Giới giữa Thái Lan và Miến Điện, Cánh Đồng Chum ở Luang Prabang của nước Lào, Làng Hữu Nghị Thái Việt tại Nakhon Phanom, Đền Cổ Angkor Wat ở Seam Reap, Kampuchia.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính được sử dụng giữa các bạn sinh viên Lào, Miến Điện, Thái Lan, Kampuchia và Việt Nam. Mọi chi phí về sinh hoạt, ăn uống, di chuyển trong chương trình tham quan du ngoạn chín ngày qua năm địa điểm liên quan đến năm quốc gia tiểu vùng Mekong đều do Bộ Ngoại Giao Thái Lan tài trợ.

Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.