Thảm họa Nhật tác động dệt may da giày?

Dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Nhật năm 2010 đạt 1 tỷ 200 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam có duy trì được thị trường Nhật Bản hay không, khi nước bạn chịu thảm họa kép ô nhiễm phóng xạ hạt nhân sau động đất và sóng thần.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011.03.26

Nam Nguyên trao đổi với ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM và cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam. Trước hết ông Diệp Thành Kiệt phân tích tình hình:

Sẽ không bị ảnh hưởng nhiều

garment-200.jpg
Công nhân xưởng Dệt 10 đang sản xuất quần áo may sẵn để xuất khẩu ra nước ngoài. Photo AFP/Hoang Dinh Nam.
Ô. Diệp Thành Kiệt: Về mặt cơ sở hạ tầng thì theo các đánh giá của các chuyên gia nước Nhật cần trên 200 tỷ USD để có thể phục hồi. Tuy nhiên khu vực thiệt hại lượng dân cư không tập trung. Hơn nữa sự phát triển kinh tế chủ yếu nằm ở Trung và Nam Nhật.

Nhận định của chúng tôi đưa ra trước đây, bây giờ đã được minh chứng tức là xuất khẩu dệt may từ Việt Nam qua Nhật sẽ không có sự sụt giảm trầm trọng, nếu có chăng là bị chững lại. Đến giờ này một số thông tin chúng tôi ghi nhận từ các doanh nghiệp có làm hàng sang Nhật cho thấy là chưa có dấu hiệu sút giảm.

Nam Nguyên: Các đơn hàng dệt may đi Nhật thì hiện nay các doanh nghiệp đã ký đến quí mấy?

Ô. Diệp Thành Kiệt: Thường cách làm của người Nhật là họ đặt trước năng lực thị trường khoảng 1 năm. Còn các đơn hàng thì theo kinh nghiệm của chúng tôi, người Nhật khi đến không phải là đặt một vài đơn hàng rồi thôi, họ đến để xem xét trước khả năng của đơn vị, họ đưa làm mẫu thử, rồi họ mở điều tra có trường hợp phải đưa các lãnh đạo cao cấp, chủ tịch khu vực đến rồi sau đó họ mới quyết định đặt hàng.

Kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam làm hàng cho người Nhật, thì hầu hết không có chuyện đơn hàng đã đặt tới đâu, thường thì khi đã quyết định đặt hàng thì họ bảo đảm đặt hàng suốt cả năm luôn. Chỗ này có đặc thù so với các thị trường khác.

Người Nhật cũng có điểm khá nổi bật trong thương trường là giữ uy tín tốt. Cho nên chỉ trừ khi nào thực sự khó khăn thí dụ như năm 1997 khủng hoảng tài chính thì họ mới phải thông báo cắt đơn hàng, chứ thường họ tìm cách bảo đảm đơn hàng dù chúng tôi biết rằng có lúc họ chịu lỗ để duy trì nhà sản xuất cho họ.
Xin nói là đến lúc này chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào nhận được thông báo từ Nhật là năm nay không có hàng. Và khi họ im lặng không thông báo thì có nghĩa đơn hàng kéo dài đến hết năm.

Nam Nguyên: Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Nhật cơ cấu như thế nào, sản phẩm cao cấp trung cấp?

Ô. Diệp Thành Kiệt: Hầu hết là cao và trung, không có loại thấp. Trong dệt may phân loại rõ ràng cao, trung và thấp. Hàng Việt Nam sang Nhật tỷ lệ cao cấp nhiều hơn một số nước khác, về cơ cấu hàng cao cấp nhiều hơn cả Trung Quốc, dù Trung Quốc chiếm lĩnh 70% tới 80% thị trường dệt may nhập khẩu ở Nhật.

Đến giờ này một số thông tin chúng tôi ghi nhận từ các doanh nghiệp có làm hàng sang Nhật cho thấy là chưa có dấu hiệu sút giảm.

Ô. Diệp Thành Kiệt

Nam Nguyên: Nhật Bản lúc đầu ước tính cần hơn 200 tỷ để tái thiết, người dân sẽ phải tiết kiệm chi tiêu có lẽ thực phẩm là nhu cầu ưu tiên trước khi lo các thứ khác. Nhưng có thể may mặc vẫn là một nhu cầu thiết yếu. Thưa ông nhận định gì?

Ô. Diệp Thành Kiệt: Rõ ràng một đất nước qua thiên tai lớn và thiệt hại lớn như ở Nhật thì miếng ăn là thứ phải lo đầu tiên rồi mới đến mặc. Tuy nhiên như tôi đã phân tích, mặc dầu tổng nhu cầu của nước Nhật có thể sút giảm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam không phải là một số lượng lớn.

Nói về ảnh hưởng thì chúng tôi nghĩ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn Việt Nam, mỗi năm Nhật nhập khẩu hơn 70% hàng dệt may từ TQ. Hện nay nền kinh tế Trung Quốc đang được cơ cấu lại. trong vòng 5 năm gần đây những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may da giày thì họ đang giảm bớt do chính phủ có kế hoạch cơ cấu lại.

Mặt khác do chính sách một con lực lượng lao động TQ cũng giảm bớt, kế đến tiền lương của người lao động TQ cũng đang tăng nhanh và sau hết với kết quả cơ cấu lại TQ đang dần không tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động mà tập trung vào những ngành thâm dụng vốn.

Chính vì vậy những đơn hàng dệt may và da giày sẽ ra khỏi Trung Quốc và địa chỉ tìm đến gần nhất là Việt Nam. Vì thế chúng tôi có nói có thể hàng xuất khẩu Việt Nam vào Nhật có thể bị ảnh hưởng nhưng nó không làm sút giảm hàng dệt may nói riêng vào thị trường Nhật. Và cũng không ảnh hưởng toàn cục xuất khẩu Việt Nam ra thế giới.

shoes-200.jpg
Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất giày ở ngoại ô Sài Gòn. AFP PHOTO.
Nam Nguyên: Ông có nói tới ngành da giày, vậy xuất khẩu da giày của Việt Nam vào Nhật có bị ảnh hưởng gì không?

Ô. Diệp Thành Kiệt: Xuất khẩu da giày Việt Nam vào Nhật rất ít. Cách đây hai năm Việt Nam và Nhật ký hiệp định song phương, phía Nhật cho Việt Nam hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0 đối với những mặt hàng sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc là sử dụng nguyên liệu ở Nhật và sau đó được rộng ra là nhập nguyên liệu ASEAN.

So sánh giữa dệt may và da giày thì việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước, ở ASEAN kể cả được cung cấp từ Nhật thì ngành dệt may có lợi thế hơn. Trong khi hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 15% - 18% tổng kim ngạch dệt may vào Nhật thì Da giày chỉ chiếm mức khiêm tốn chỉ vài phần trăm trong tổng kim ngạch Việt Nam ra thế giới.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông rất nhiều về thời gian dành cho Đài chúng tôi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.