Giảm-chuyển đất trồng lúa: Quyết định muộn màng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.03.24
000_Hkg10259022 Nông dân cấy lúa cho vụ đông xuân trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 02 tháng 3 năm 2016.
AFP photo

Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam tán thành kế hoạch giảm và chuyển đổi tổng cộng 670.000ha đất trồng lúa tới năm 2020. Vấn đề này được Chính phủ đưa ra giữa khi đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn và xâm nhập mặn trên 40% diện tích đất tự nhiên. Tuy vậy các chuyên gia cho rằng, chính quyền đang rất lúng túng với các giải pháp chuyển đổi diện tích trồng lúa, còn nông dân thì hoang mang chưa biết xoay sở ra sao.

Theo báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm từ 2016 tới 2020 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11, diện tích đất trồng lúa sẽ còn 3,76 triệu ha, có nghĩa bị cắt hẳn 270.000 ha so với diện tích đất lúa năm 2015. Ngoài ra sẽ có 400.000ha đang trồng lúa ở những vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, sẽ được qui hoạch cây trồng khác nhưng khi cần thiết có thể quay lại cây lúa.

Trả lời Đài RFA, Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho rằng, Chính phủ có nhiều giải pháp dài hạn để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy vấn đề thay thế cây lúa ở những nơi cần chuyển đổi, hiện vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. GS Bùi Chí Bửu tiếp lời:

“Điều hiện nay chưa làm được là quy hoạch lại sản xuất thay lúa bằng cái gì. Hai năm nay Bộ Nông nghiệp chỉ đạo trồng cây bắp, nhưng  bắp tụt giá ghê quá, trồng thì đầu tư lớn hơn lúa, giá bán không hơn bao nhiều, về mặt kinh tế không có lợi. Cho nên bị lúng túng phải xác định trồng cây gì nơi cao trình chỉ có 0,7 tới 0,9 mét so với mực nước biển, mực thấp đất sét nặng từ hồi nào tới giờ chỉ phù hợp cây lúa thôi. Bây giờ chuyển đổi nó phải có thời gian nghiên cứu, chứ không thể sốt ruột được. Thực sự nói thì rất dễ nhưng khi làm trên diện lớn thì khó vô cùng, bởi vì diện tích bị nhiễm mặn bây giờ lên tới 700.000 ha rồi và thậm chí nó sẽ lên tới 1 triệu ha nếu chúng ta cứ để như thế này.

Đó là bài toán không dễ một chút nào, các viện nghiên cứu thủy lợi, nông nghiệp người ta làm việc rất tích cực và có sự hợp tác quốc tế như hợp tác với Hà Lan đang rất mạnh, có thể chúng ta phải vay vốn Ngân hàng Thế giới hoặc IMF để đầu tư các công trình trọng điểm về mặt thủy lợi nữa.”

Kiên Giang là tỉnh ven biển chịu xâm nhập mặn nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Người nông dân ở đây đã từng nhiều phen cay đắng với cả cây lúa lẫn con tôm nước lợ. Những người bám trụ vào đồng lúa Kiên Giang hết sức lo lắng nếu như không thể làm lúa được nữa. Một nông dân Kiên Giang phát biểu:

“Chỉ có Vĩnh Long người ta trồng cây ăn trái thôi, vùng tôi chỉ trồng lúa, trồng rau cũng rất ít. Nhưng bây giờ không trồng lúa thì biết làm nghề gì để sống…Nông dân tụi tôi 100% thiếu nợ ngân hàng cầm cố đất. Hầu như 10 năm nay không có ai trả được nợ ngân hàng, nợ càng ngày càng nhiều…cuộc sống nông dân càng ngày càng khó khăn…có thể sau này bán đất để trả nợ ngân hàng nhưng bán đất chưa chắc gì có người mua, nếu tình hình canh tác tốt thì bán đất nông nghiệp mới có giá, chứ còn tình hình xâm nhập mặn như thế này bán đất cũng không có người mua ….”

Cần qui hoạch tổng thể

Trên Vietnam Net, GSTS Võ Tòng Xuân, một nhà nông học nổi tiếng của Việt Nam nhận định rằng, chính sách phát triển cây lúa bằng mọi giá để bảo đảm an ninh lương thực sau thời gian chiến tranh là đúng đắn. Tuy nhiên chính sách này không còn thích hợp nữa, vào khi Việt Nam đã dư thừa lúa gạo để xuất khẩu với khối lượng lớn.

Nông dân thu hoạch su hào ở ngoại ô Hà Nội hôm 6/1/2016. AFP photo
Nông dân thu hoạch su hào ở ngoại ô Hà Nội hôm 6/1/2016. AFP photo
Nông dân thu hoạch su hào ở ngoại ô Hà Nội hôm 6/1/2016. AFP photo

Theo lời GS Võ Tòng Xuân Việt Nam bỏ qua chuyện phải thay đổi chính sách an ninh lương thực cho phù hợp tình hình mới. Lẽ ra từ hơn 20 năm qua phải lo cho người trồng lúa tăng lợi nhuận, thay vì mãi cột chặt họ với cây lúa. Hiển nhiên là trồng lúa không có lợi tức cao, nhất là trồng lúa chạy theo năng suất tối đa như tại Việt Nam. Theo GS Võ Tòng Xuân việc chuyển đổi theo hướng bớt trồng lúa sẽ giúp để dành nước ngọt sử dụng cho các mục đích như khác sinh hoạt, phục vụ tưới cây ăn trái hay chăn nuôi…

GS Võ Tòng Xuân nói rằng, hạn xâm nhập mặn hiện nay là lúc thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp một cách thực tế, thay vì nằm trên giấy tờ. Trên báo chí Việt Nam GS Võ Tòng Xuân đưa ra một thí dụ về việc ở những vùng nhiễm mặn, nông dân thay vì trồng 2 vụ lúa thì có thể trồng một vụ lúa trong mùa mưa và khi hết mưa thu hoạch xong sẽ bơm nước mặn vào nuôi tôm. Mô hình lúa – tôm thịnh hành ở Sóc Trăng nhưng ở các nơi khác còn ít phổ biến.

Trong dịp trao đổi với chúng tôi, GS Bùi Chí Bửu chuyên gia nghiên cứu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho rằng vấn đề hoàn toàn không đơn giản như thế. Ông nói:

“Phải có qui hoạch tổng thể, bởi vì nếu đưa nước mặn vào thì sẽ khó sửa lắm, thà ngăn không cho nó vào. Ngày xưa nuôi tôm ở vùng nước mặn khoảng dưới 100.000 ha thì hiện nay đã khoảng 370.000 ha rồi, có nghĩa là không phải chính phủ không biết khai thác tài nguyên nước mặn. Thậm chí ngay ở vùng nước mặn đó người ta cũng phải khoan giếng lấy nước ngọt pha thì mới nuôi tôm được…và trong trường hợp nuôi tôm như vậy chỉ có 10% thành công giàu có thôi, 60% là dạng 5 ăn ăn 5 thua và còn lại 30% là dạng hầu như phá sản. Do vậy không phải nuôi tôm hay khai thác mặn là thành công đâu….”

GS Bùi Chí Bửu phân tích thêm về sự kiện hạn mặn ngày càng trầm trọng hơn ở đồng bằng sông Cửu Long, mà nguyên nhân theo ông là do sự sai lầm của con người. Ông nói:

“Điều sai lầm là từ 1975 chúng ta khai thác nước ngọt một cách mạnh ai nấy làm không có kế hoạch chung. Tỉnh nào cũng tự khai thác, ở đồng bằng sông Cửu Long mà thiếu nước ngọt là một chuyện lạ…mỗi một địa phương tự khai thác dẫn đến khi gặp hạn mặn không có nguồn nước ngọt để dự trữ… Trong quản lý chung có một nguyên tắc là mình không được phá vỡ tình trạng tự nhiên, mà phải biết cách lợi dụng nó khai thác nó mới có thể tốt được. Có nhiều giải pháp lắm không chỉ có nuôi tôm, thực tế đồng bằng sông Cửu Long chỉ khai thác cây lúa là cái dở rồi. Bây giờ đưa cây màu vô thì nông dân làm được ngay, nhưng mà rồi thị trường ở đâu, không có thị trường… hiện nay cây mè dùng ít nước và có thị trường rõ ràng, còn đậu nành, đậu xanh…nói thì rất dễ, nhưng khi làm trên diện lớn mình không giải quyết bài toán thị trường thì không làm gì được cả…”

Tình trạng giảm lưu lượng nước sông Mekong khi vào lãnh thổ Việt Nam được cho là do biến đối khí hậu và tình trạng thủy điện bậc thang nắn dòng chảy cả ở Trung Quốc lẫn các nước trong lưu vực sông Mekong. Thêm vào đó ở Việt Nam, tư duy sai lầm về đê bao chống lũ để làm vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng được xem là câu chuyện phá vỡ thiên nhiên. Các túi trữ nước tự nhiên ở Đồng Tháp Mười và khu tứ giác Long Xuyên không còn dồi dào lượng nước ngọt, để có khả năng rửa mặn trong mùa khô hạn.

Câu chuyện thời sự đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước, bị xâm nhập mặn 700.000 ha được giới chuyên gia xem đó là tối hậu thư để Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược về cây lúa và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.