Lãng phí ngân sách nuôi Hội đoàn nhà nước

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.06.11
MG_0211-622.jpg Văn phòng Hội cựu chiến binh Quảng Ngãi.
RFA PHOTO

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Viện Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố báo cáo cho thấy, Nhà nước đã bao cấp 14 ngàn (14.000) tỷ đồng mỗi năm cho các tổ chức quần chúng công, điển hình như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Công đoàn. Ước tính phần chi ngân sách cho các tổ chức quần chúng công cao gấp đôi dự toán ngân sách cho Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và gấp 5 lần cho Bộ Khoa học Công nghệ.

Không làm được gì cho lợi ích của nhân dân

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập, về vấn đề liên quan. Từ Sài Gòn, trước hết TS Phạm Chí Dũng nhận định:

TS Phạm Chí Dũng: Tôi thấy về cơ bản số tiền chi như vậy là vô ích, tại vì từ rất nhiều năm qua các hội đoàn nhà nước đã gần như không làm được gì cho lợi ích của nhân dân, đơn cử là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ trước tới giờ chưa bao giờ họ chủ động tổ chức một cuộc đình công, lãn công nào để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại nghiễm nhiên được hưởng ít nhất là 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp, một con số rất lớn, vừa rồi ngay cả một vài tờ báo nhà nước cũng phải phản ứng về chuyện này.

Tôi thấy về cơ bản số tiền chi như vậy là vô ích, tại vì từ rất nhiều năm qua các hội đoàn nhà nước đã gần như không làm được gì cho lợi ích của nhân dân, đơn cử là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
-TS Phạm Chí Dũng

Cho nên việc các tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ… mà nhận được số tiền khủng khiếp như vậy trong tình hình hiện nay ngân sách vô cùng khó khăn và dân vẫn phải nai lưng ra đóng thuế để bổ túc vào ngân sách như vậy, thì có thể nói đó là việc rất là nhẫn tâm. Tôi cho rằng các tổ chức như vậy nếu mà biết tự trọng thì nên chấm dứt sự hoạt động. Tại vì họ hoạt động như một sự vô nghĩa, nói như vậy chắc chắn sẽ đụng chạm tự ái của họ, nhưng mà tôi cho rằng liêm sỉ còn cao hơn cả tự ái.

Nam Nguyên: Quan niệm về xã hội dân sự độc lập còn quá mới mẻ và bị ngăn cấm ở Việt Nam, trong khi các tổ chức như Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên hay Hội Nông dân được mô tả là cánh tay nối dài của Đảng, công cụ của Đảng nên tự thân không phải là những tổ chức xã hội dân sự như đúng ý nghĩa của nó, ngân sách nhà nước chi như Tiến sĩ vừa nói  là từ tiền thuế của người dân. Nhưng đây là cơ chế mà Đảng Cộng sản, chế độ cộng sản lập ra, thì cho đến khi nó còn tồn tại liệu có khả năng cải cách sửa đổi được hay không?

TS Phạm Chí Dũng: Tôi cho rằng có một ít phần trăm có thể thay đổi, thay đổi chẳng qua là vì sức ép của quốc tế, bởi các định chế mà Việt nam tham gia ký kết như là vấn đề TPP. Chẳng hạn nếu tham gia vào TPP Việt nam sẽ phải thay đổi cơ chế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Có nghĩa là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không còn độc quyền với nhiệm vụ gọi là “bảo vệ quyền lợi lợi ích hợp pháp của công nhân” nữa mà sẽ phải san sẻ một phần cho công đoàn độc lập.

Tôi cũng nghĩ rằng, các tổ chức nhà nước như vậy đã xài một số tiền quá lớn, thật ra số tiền 14.000 tỷ chi cho họ nhưng mà đổi lại được cái gì? Tại vì những vấn đề thiết thân, thiết thực như chủ quyền quốc gia thì họ hầu như không đụng chạm tới. Chúng ta có thể điểm lại vấn đề phản đối Trung Quốc gây hấn, những tổ chức của nhà nước hoàn toàn không dám lên tiếng. Vấn đề cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, họ cũng không lên tiếng. Rất nhiều vấn đề khiếu kiện của nông dân, của công nhân, các tổ chức nhà nước không hề lên tiếng. Họ như bị níu kép theo não trạng sợ sệt, sợ hãi và thủ thế, chỉ biết có lợi ích bản thân mà thôi. Thành thử tôi nghĩ rằng khả năng thay đổi sắp tới của họ là do áp lực, chủ yếu từ quốc tế, những định chế quốc tế mà Việt Nam phải tham gia, chứ không phải bản thân họ muốn thay đổi. Khả năng thay đổi trong thời gian sắp tới của họ, theo tôi, tối đa chỉ vào khoảng từ 5% tới 10% mà thôi.

Nam Nguyên: Trong thời gian qua, Quốc hội khoá trước, Dự luật về Hội  khi được bàn thảo cho thấy có ghi rõ là không chi phối các tổ chức quần chúng công như Tổng Liên đoàn lao động, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ , Đoàn Thanh niên ..v..v Tiến trình Việt nam hội nhập thế giới đòi hỏi phải có Luật về hội. Nhưng ghi rõ như thế cho thấy Việt Nam muốn duy trì quan niệm bao cấp các tổ chức này để phục vụ Đảng và Nhà nước. Rõ ràng là vấn đề này không phù hợp với tiến trình cải cách mà người ta nói tới. TS nhận định gì?

TS Phạm Chí Dũng: Tôi cho đó là sự khiên cưỡng và chủ ý rõ ràng là cánh tay nối dài của Đảng. Cho dù Quốc hội, Luật không chi phối nhưng mà Đảng chi phối. Và như ông Nguyễn Phú Trọng nói trước đây là Cương lĩnh Đảng còn quan trọng hơn cả Hiến pháp, thì việc Đảng chi phối những tổ chức như Mặt trận, các đoàn thể như vậy là đương nhiên và mặc dầu Đảng vẫn phải có lộ trình mở dần từng chút về hướng dân chủ hóa và đáp ứng những điều kiện của phương Tây, nhưng mà Đảng vẫn muốn các tổ chức do Đảng lập ra chiếm phần chi phối ở trong đó, chứ không phải các tổ chức xã hội dân sự của dân tự phát hoạt động.

Tôi nghĩ sắp tới là một tiến trình phức tạp hỗn mang và giao thoa lẫn nhau và nếu như muốn phát triển được, thì xã hội dân sự Việt Nam phải có sự thống nhất. Hiện nay chưa có sự thống nhất cao, chỉ có sự thống nhất cao thì mới có thể đối trọng với các tổ chức hội đoàn nhà nước và có thể thu hút được quần chúng mà thôi.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Phạm Chí Dũng đã trả lời phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.