Dư luận trong nước về bản án Anh BaSàm

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016.03.24
000_909HZ Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016.
AFP photo

Sau gần 2 năm giam giữ, hôm 23/03/2016 ông Nguyễn Hữu Vinh (Blogger Anh Ba Sàm) và cô Nguyễn Thị Minh Thúy, đã bị đưa ra xét xử tại tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, và bị tuyên án tù.

Tòa án Hà Nội cáo buộc ông Nguyễn Hữu Vinh (Blogger Anh Ba Sàm) và cô Nguyễn Thị Minh Thúy đã  "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, vi phạm vào khoản 2, điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam với mức án là 5 năm tù giam với ông Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm tù giam đối với cô Nguyễn Thị Minh Thúy.

Ngay sau phiên xử, Đài Á Châu Tự do ghi nhận phản ứng nhanh của một số người người dân trong nước về bản án này.

Bản án nặng nề, bất công

Từ Hà Nội, anh Nguyễn Chí Tuyến – một người đấu tranh cho nhân quyền  tại Việt Nam, anh có mặt ở bên ngoài tòa án rất sớm để theo dõi phiên xử hai nhà bất đồng chính kiến. Không đồng tình với bản án do nhà cầm quyền Hà Nội áp đặt lên ông Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy, anh nói:

“Tôi thấy rằng việc cáo buộc của họ là quá nặng nề, tôi cực lực phản đối cái lời tuyên án đó, và nó mang đầy bất công, nó thể hiện qua cái bản án của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Minh Thúy.

Trong cái việc mà họ cáo buộc 24 bài viết đó và theo cáo trạng họ đưa ra, tôi thấy họ không có phạm vào tội gì cả, mà họ chỉ lấy bài viết của những tác giả khác, người ta đã từng đăng trên website và blog khác để đưa về Blog của họ. Tức là nó không phải do chính tay họ viết ra, nó không phải là quan điểm của họ, đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai là cái việc mà anh chị đưa những thông tin đó lên Blog đó chỉ mang tính ‘tự do ngôn luận’, đưa những quan điểm của rất nhiều người chứ anh ấy không áp đặt cái ý chủ quan, quan điểm của anh lên những bài viết đó.

Cho nên việc nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội kết án hai người, họ dùng những bài viết mà hai người từng đăng trên Blog, như thế thì nó hoàn toàn bất công.”

Anh Nguyễn Chí Tuyến còn nhận xét thêm, do nhà cầm quyền Hà Nội lo sợ sức lan tỏa về thông tin đến người dân cho nên họ đã áp dụng bản án nặng nề đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy, và cũng để thể hiện ý chí của nhà cầm quyền Hà Nội rằng, họ sẽ bóp nghẹt những tiếng nói của đối kháng trong xã hội.

Là một người từng bị nhà cầm quyền Hà Nội Cáo buộc vào điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung, anh có mặt ở bên ngoài tòa án Hà Nội để theo dõi phiên tòa bất công.

Cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội đã áp dụng điều luật mơ hồ để kết tội hai nhà bất đồng chính kiến, ông Đỗ Nam Trung chia sẻ:

“Đây là một bản án bất công và vô lý với điều luật 258 hết sức mơ hồ. Ngay khi mà chúng ta đọc điều luật, trong nội dung điều luật ta thấy không có một căn cứ gì cụ thể.

Điều luật đó thể hiện sự mơ hồ, chính nhờ sự mơ hồ này nên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể áp dụng với bất cứ ai, nếu ai lên tiếng nói điều gì đó khác với tiếng nói, khác với lợi ích của họ thì họ sẽ bắt bớ và bỏ tù.”

Người dân biểu tình bên ngoài tòa đòi trả tự do cho blogger Basàm và cộng sự của anh. AFP photo
Người dân biểu tình bên ngoài tòa đòi trả tự do cho blogger Basàm và cộng sự của anh. AFP photo
Người dân biểu tình bên ngoài tòa đòi trả tự do cho blogger Basàm và cộng sự của anh. AFP photo

Từ Sài Gòn, Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh – một người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam nhận định về bản án:

“Trước tiên, tôi nhận xét ngay, bản án 5 năm cho anh Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm cho cô Nguyễn Thị Minh Thúy là một bản án oan sai, vì hai người này ngay trong quá trình tranh tụng giữa viện kiểm sát và luật sư đều không chứng minh được hai người này có tội.

Do đó, chỉ xét riêng về luật pháp của họ (luật pháp Việt Nam) thì việc kết tội này đã không phù hợp với sự công bằng. Điều thứ hai là công việc của anh Vinh và chị Minh Thúy là không sai, do đó việc kết tội họ vài điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam thể hiện sự cố chấp và sự cố tình dùng luật pháp để khống chế người dân của nhà cầm quyền.”

Công an ngăn cản bắt bớ

Trong buổi sáng ngày 23/3/2016, nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng an ninh mặc sắc phục, thường phục, dân phòng để câu lưu, ngăn chặn những người đến tham dự phiên tòa.

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung cho biết:

“Trong buổi sáng nay, an ninh Hà Nội đã câu lưu Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, anh Nguyễn Đình Hà, nhà báo Đoan Trang, và một số dân oan khác.

Hiện nay, tôi chỉ biết an ninh đã thả Tiến sĩ Nguyễn Quang A và anh Nguyễn Đình Hà, còn những người khác vẫn bạt vô âm tín.

Bên cạnh đó, an ninh Hà Nội cũng ngăn chặn rất nhiều người khi họ đi xem phiên xử, điển hình là Blogger Nguyễn Tường Thụy, Facebooker Lê Hoàng… và còn nhiều người khác.”

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung nhận xét về hành động của an ninh Hà Nội:

“Tôi thấy rằng đấy là điều hết sức là vô lý và tôi cảm giác là họ đang ngồi xổm trên pháp luật, họ giẫm đạp lên hiến pháp, họ thích bắt thì bắt, thích thả thì thả, không có áp dụng điều nào, khoản nào của bộ luật nào về việc đó cả, điều đó là điều mà không thể chấp nhận được.”

Anh Nguyễn Chí Tuyến kể lại, mặc dù gọi phiên tòa ‘công khai’ nhưng rất nhiều người đã không được vào bên trong tòa án. Phía Đại Sứ Quán của một số quốc gia dân chủ như Đại Sứ Quán Đức, Úc, Thụy Điển, Phần Lan… đều phải ở bên ngoài tòa án.

Một số nhà báo quốc tế cũng có chung tình trạng với nhân viên các Đại Sứ Quán.

Anh Nguyễn Chí Tuyến nói về cái gọi phiên tòa ‘công khai’ của nhà cầm quyền Việt Nam:

“Về cái chuyện họ tuyên bố là phiên tòa ‘công khai’ thì theo luật thì người dân được phép tham dự, hoặc người nhà, bạn bè liên quan được tham dự phiên tòa.

Ví dụ như chị Đoan Trang, anh Nguyễn Tuấn Anh, anh Trịnh Hữu Long là những người nói rằng, chúng tôi là một trong những tác giả trong 24 bài viết nêu trong bản cáo trạng, chúng tôi cần được tham gia phiên tòa với tư cách là người liên quan, thì người ta (nhà cầm quyền) cũng ngăn cản.

Cho nên việc đó thể hiện ‘bộ mặt’ hai mặt của đảng cộng sản Việt Nam là nói một đàng làm một nẻo.”

Mặc dù bản án rất nặng nề đối với hai người bất đồng chính kiến, nhưng việc nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam hòng ‘răn đe’ người dân đã không còn hiệu quả, như lời chia sẻ của Linh Mục An Tôn Lê Ngọc Thanh:

“Có thể nói là từ năm 2012 đến nay, những phiên tòa xét xử những nhà hoạt động vào điều 258, 88 hay 79 đã không còn tác dụng như nhà cầm quyền mong muốn là ‘răn đe’ dân chúng nữa, bởi vì dân chúng đã thấy rõ bản chất.

Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh là ‘nhà tù’ đã không còn tác dụng ‘răn đe’ nữa, và do vậy hãy thay đổi cơ chế xã hội.”

Qua trao đổi với chúng tôi, độc giả của trang Anh Ba Sàm cũng cho rằng, bản án đối với anh Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy là một bản án oan sai, hết sức bất công, và nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm pháp luật ngay từ việc bắt giam cho đến việc xét xử, bên cạnh đó họ (chính quyền) còn tiếp tục vi phạm pháp luật khi câu lưu, ngăn chặn người dân khi họ đến tham dự phiên tòa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.