Phóng sự tại Quốc hội EU: Nghị Quyết về Tự do Ngôn luận tại Việt Nam

Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2017.12.15
2017-12-13T132638Z_1_LWD0012W8TA2V_RTRWNEV_C_3176-BRITAIN-EU-EUROPEAN-PARLIAMENT-VOTE.-960.jpg Quốc hội Châu Âu ở thành phố Strasbourg miền Đông Bắc Pháp, trong một phiên họp ngày 13/12/2017. (Ảnh minh họa)
REUTERS

Vào đúng 12 giờ trưa ngày 14 tháng 12, Quốc hội Châu Âu ở thành phố Strasbourg miền Đông Bắc Pháp, thông qua Nghị quyết về Tự do Ngôn luận tại Việt Nam, đặc biệt đưa ra trường hợp Nguyễn Văn Hoá, người tù vừa lãnh án 7 năm tù giam hôm 27 tháng 11 vừa qua.

Thông qua với đa số tuyệt đối

Nghị quyết được thông qua với đa số tuyệt đối với sự hậu thuẫn của các nhóm chính trị tại Quốc hội, như Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR), Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu (ALDE), Đảng Bình dân Châu Âu (PPE), Đảng Tự do Dân chủ Châu Âu (EFDD) . Tại cuộc thảo luận, 14 Dân biểu đại diện tất cả các nhóm chính trị kể cả nhóm cực tả Thống nhất Tả phái Châu Âu và Tả Xanh Bắc Âu (GUE) đã lên tiếng bày tỏ quan điểm hậu thuẫn Nghị quyết.

Không một Dân biểu nào cất tiếng bênh vực cho Việt Nam trong cuộc thảo luận, trước khi Nghị quyết thông qua.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không đươc thưc hiện mà ngày càng xấu hơn. Với con số công dân Việt Nam bị giam, bị bắt, và bị kết án vì biểu tò ý kiến họ ngày càng tăng.
-DB. Andrikiene

Một Nghị quyết có tính quyết liệt tố cáo án tù bất công 7 năm tù giam vừa giáng xuống cho blogger 22 tuổi, Nguyễn Văn Hoá, xử kín và mất quyền bào chữa. Nghị quyết lấy làm tiếc vì anh Hoá bị kết tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa  Việt Nam” (Điều 88 trong Bộ Luật Hình sự) trong khi Hoá chỉ “phổ biến thông tin trên trực tuyến, kể cả Video, về thảm trạng môi sinh do công ty Formosa, một hãng chế thép Đài Loan, gây ra tại Hà Tĩnh hồi tháng Tư năm 2016, thải chất độc công nghệ ra biển, gây nhiễm độc suốt 200 cây số biển bốn tỉnh miền Trung, ảnh hưởng trầm trọng sức khoẻ ngư dân Việt Nam.”

Nghị quyết cũng nêu lên trường hợp của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Quỳnh, bị kết án 10 năm tù, chiếu Điều 88 trong Bộ Luật Hình sự, vì Mẹ Nấm “đã viết những bài phê phán hậu quả thảm trạng sinh thái, chính trị, và nạn tù nhân chết trong đồn Công an khi bị tạm giam.”

Một chuỗi vi phạm nhân quyền khác được nêu qua Nghị quyết như:

- Thiếu tự do báo chí – Việt Nam được khai rõ là quốc gia không có báo chí hay truyền thông tư nhân, đứng vào hạng chót trên bảng vị tự do báo chí theo tổ chức Ký giả Không biên giới (thứ 175 trên 180 quốc gia);

- Hạn chế pháp lý, qua các Luật Tiếp cận Thông tin, Quy định cấm biểu tình trước các toà án khi phiên xử đang xẩy ra, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, toàn những luật vi phạm tiêu chuẩn luật pháp nhân quyền quốc tế;

- Vi pham quyền tự do tôn giáo, đặc biệt đối với những tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận, Nghị quyết ân hận rằng các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như Cộng đồng Người Thượng thiểu số “tiếp tục bị đàn áp tôn giáo nghiêm trọng”.

Quan tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Nghị quyết vừa thông qua, bước khỏi hội trường, Nữ Dân biểu Soraya Post, người Thuỵ Điển, vừa có chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 2 vừa qua trong Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đến điều tra tình trạng nhân quyền, bà cũng là một trong những Dân biểu chấp bút bản dự thảo Nghị quyết, tiết lộ với Ỷ Lan rằng bà rất quan tâm tới thảm trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đặc biệt đối với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, bà nói:

Quốc hội Châu Âu ở thành phố Strasbourg miền Đông Bắc Pháp, trong một phiên họp ngày 13/12/2017. (Ảnh minh họa)
Quốc hội Châu Âu ở thành phố Strasbourg miền Đông Bắc Pháp, trong một phiên họp ngày 13/12/2017. (Ảnh minh họa)
REUTERS

“Tôi đã rất muốn nói lên sự quan tâm của tôi đối vị Cao tăng Phật giáo Thích Quảng Độ. Lúc tới Việt Nam tôi yêu cầu được viếng thăm Ngài, nhưng chuyện không thể thực hiện. Ngài trải qua biết bao chục năm trường bị cấm cố. Ngài chẳng làm chi nguy hại, đơn giản Ngài chỉ là một Tăng sĩ.”

Bài phát biểu của bà được hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Bà nói:

“Ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới, người hoạt động bảo vệ nhân quyền đang phải đối diện với sự áp đè kinh khủng cho sự kiên cường của họ. Thực tế, là nhân quyền trong toàn cảnh đang phải đối diện với sự áp đè kinh khủng của nền tộc tài toàn trị, phát xít và những diễn viên chính trị chẳng coi trọng chi dân chủ và quyền tự do.

Chúng ta, những người làm chính trị, chúng ta cần hành động. Chúng ta nhất quyết như thế. Nhưng nên nhớ cho rằng, làm cho nhân quyền sống dậy chính là các xã hội dân sự, những người hoạt động bảo vệ nhân quyền trong vùng – những kẻ đang đối diện với thực tế. Chỉ vì làm những công việc đơn giản, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, nhà báo, bloggers, nhà văn và nhà hoạt động đã bị liên tiếp tấn công, liên tiếp bắt bớ. Hơn 100 người Việt như thế đang đứng sau chấn song nhà tù vì niềm tin chính trị và tôn giáo của họ.

Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả họ ra.

Các nhà hoạt động bảo vệ  nhân quyền trong thế giới đang chờ đợi Quốc hội Châu Âu đứng lên cạnh họ, trong công tác của họ, và yêu sách những chế độ như Việt Nam ngưng ngay tức khắc việc sách nhiễu những ai đang chiến đấu cho công lý.”

Nữ Dân biểu Andrikiene, người Lithuana, cùng quan điểm, nói tiếp:

Lúc tới Việt Nam tôi yêu cầu được viếng thăm Ngài, nhưng chuyện không thể thực hiện. Ngài trải qua biết bao chục năm trường bị cấm cố. Ngài chẳng làm chi nguy hại, đơn giản Ngài chỉ là một Tăng sĩ.
-DB. Soraya Post

“Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không đươc thưc hiện mà ngày càng xấu hơn. Với con số công dân Việt Nam bị giam, bị bắt, và bị kết án vì biểu tò ý kiến họ ngày càng tăng. Một hoàn cảnh như thế, cùng những hạn chế nhà cầm quyền giăng ra, chúng ta không thể nào chấp nhận được nữa. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và những người bị giam giữ. Sẽ không thể nào có được mối quan hệ gắn bó giữa Liên Âu và Việt Nam khi chưa có sự tôn trọng các quyền cơ bản tại Việt Nam.”

Bản Nghị quyết của Quốc hội Châu Âu không quên  nhắc tới những điểm mơ hồ trong Bộ Luật hình sư Việt Nam khi bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền. Nữ Dân biểu Neena Gill, người Vương quốc Anh phát biểu:

“Tại Quốc hội này tôi từng nhấn mạnh mối liên hệ quan trọng và chặt chẽ với Việt Nam. Nhưng trong cương vị người hậu thuẫn mạnh mẽ mối quan hê  này, tôi thực sự quan ngại trầm trọng cho sự xấu đi trong các quyền dân sự và chính trị mà chúng ta vừa chứng kiến. Tôi thúc gọi chính phủ Việt Nam hãy  nghiêm trọng nghe những lời gọi khẩn cấp vang lên trong nghị trường này hôm nay và xét lại cách dùng các điều luật trong chương “an ninh quốc gia” đàn áp giới bất đồng chính kiến, trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ vì các điều luật này, và không ngăn trở sự tiếp cận của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Ngôn luận và Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Người hoạt động bảo vệ nhân quyền đến viếng thăm Việt Nam.”

Trong cuộc thảo luận, nhiều Dân biểu nhắc tới Hiệp Ước Mậu dịch Tự do Liên Âu – Việt Nam. Dân biểu David Martin, chuyên gia kinh tế mà cũng là thành viên trong Phái đoàn Quốc hội Châu Âu điều tra nhân quyền Việt Nam hồi đầu năm, cho biết ông ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng Quốc hội Châu Âu không thể ký kết Hiệp ước nếu Việt Nam cứ tiếp tục các cuộc đàn áp. Ông nói:

“Việt Nam và Liên Âu tùng ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Hiện tại, tôi thấy bản chất Hiệp ước tốt, một HIệp ước thoả đáng cho cả hai bên Liên Âu và Việt Nam. Nhưng tôi nhớ tới người Việt Nam khi họ nghĩ rằng Quốc hội Châu Âu sẽ không chỉ quan tâm tới những lời chữ và nội dung Hiệp ước mà còn phải thấy cả bối cảnh chính trị tại đất nước VIệt Nam. Chúng ta hãy chiếu cố tới tình trạng nhân quyền  đồng thời với tình trạng công nhân và những tiêu chuẩn môi sinh khi ta đưa tay bỏ phiếu cho HIệp ước Tự do Mậu dịch tại Quốc hội này. Cách Việt Nam tiếp cận với tự do ngôn luận là không thể nào chấp nhận đươc. Thật quá đáng. Việt Nam phải hiểu rằng nếu họ muốn mở cửa ra phương Tây – mà chúng ta giang tay tiếp đón họ đến với phương Tây – tất nhiên là phải chịu sự phê bình ngay trong nội địa. Phê bình đâu phải lúc nào cũng chống đối. Phê bình là xây dựng, nếu được đối xử trọng thị.”

Đại diện cho Hội đồng Châu Âu, ông Karmenu Vella, cho biết Liên Âu đã nêu rõ các vi phạm nhân quyền tại cuôc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam vừa qua tại Hà Nội, ông kể:

“Trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam hôm mồng 1 tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Liên Âu nhắc lại các yêu cầu đòi hỏi trả tự do cho mọi công dân Việt Nam bị giam giữ vì đã hành xử ôn hoà quyền tự do ngôn luận, đồng thời đưa ra một số trường hợp cụ thể. Liên Âu cũng nhấn mạnh rằng ‘hướng tiêu cực cho tư do ngôn luận cần được xét lại’, đặc biệt vào thời điểm Liên Âu và Việt Nam cam kết hợp tác để thắt chặt quan hệ.

Phó chủ tịch Quốc hội Châu Âu, đặc trách Nhân quyền, Dân biểu Pavel Telicka, Cộng hoà Czech, cho biết sự kiện, là hôm qua, Đại sứ quán thường trực Việt Nam tại Liên Âu gửi thư đến các Dân biểu Quốc hội Châu Âu vận động phản đối việc thông qua bản Nghị Quyết:

“Tôi phải nói rằng tôi đã sửng sốt với những gì tôi nhận được từ Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Quốc hội Châu Âu. Nó phơi phong sự thiếu hiểu biết về những chi Quốc hội Châu Âu đem ra thảo luận hôm nay, và cách nào chúng tôi muốn bỏ phiếu. Vói Nghị quyết này, chúng tôi sẽ cho một thông điệp chính trị mạnh mẽ và minh bạch. Sự hồi đáp có thể chấp nhận từ Việt Nam, nếu họ muốn phát triển quan hệ, muốn thế, họ phải trả tư do cho những người bị giam giữ và thay đổi thái độ chính trị cũng như cách tiếp cận pháp lý. Đây là hồi đáp duy nhất có thể, mà chúng tôi chấp nhận.”

Hỏi về nội dung bức thư Phái đoàn Thường trực Việt Nam gửi tới các Dân biểu Quốc hội Châu Âu trước ngày dự thảo Nghị quyết đưa ra bàn cải, Dân biểu Pavel Telicka, Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu tiết lộ với Ỷ Lan rằng :

“Trọng tâm là sự pha trộn của thứ ngôn ngữ ngoại giao tuyên truyền. Qúa khứ tôi từng biết thứ ngôn ngữ đó. Tôi là người Tiệp Khắc. Họ muốn khẳng định rằng tất cả những việc đó chỉ là những hành động chống phá Nhà nước, chống lại nhân dân Việt Nam, còn trường hợp một blogger thì tham chiếu cho thấy ý đồ khủng bố chống Nhà nước. Khi mà người ta sử dụng loại ngôn ngữ táo tợn đó, người ta đã làm nhỏ đi những chi liên quan đến cuộc tranh luận mà Phái đoàn Thường trực Việt Nam sử dụng.”

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu, Strasbourg.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.