Về Phù Lãng làm gốm xem cô dâu thèm váy cưới cách tân

Xã Phù Lãng, một làng quê thơ mộng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có những tục lệ khá thú vị mà khi nghe đến, nhiều người phải tròn mắt ngạc nhiên.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2013.01.14
000_158268522-305.jpg Ảnh minh họa váy cưới.
AFP photo

Làng gốm truyền thống

Hiếm có ai đến làng Phù Lãng mà không ấn tượng bởi ngôi làng mộc mạc hiền hòa gắn liền sông núi bên các con đường nhỏ quanh co và các ngôi nhà ngói đỏ quê mùa, ấn tượng với các sản phẩm gốm cổ truyền tinh xảo. Vào mùa thu, đường làng trải rơm vàng, nắng heo may thoảng nhẹ thổi bay mùi lúa mới khiến cái quê mùa nơi đây trở nên quen thuộc đến lạ kỳ. Nằm bên hữu ngạn sông Cầu hữu tình, chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 50 cây số về phía Bắc mà sự hiện đại dường như còn khá xa vời với làng quê Kinh Bắc đã vài trăm tuổi.

“Khi đến làng thì vẫn còn những nét dân gian, văn hóa rất đơn sơ mộc mạc. Thứ hai là toàn bộ sản phẩm gốm ở đây là làm thủ công”.

Anh Phạm Văn Trường, chủ cơ sở Gốm Xưa nói với vẻ tự hào. Phù Lãng từ xa xưa đã hội đủ các điều kiện để nghề gốm phát triển. Tương truyền rằng ông tổ nghề gốm nơi đây là Lưu Phong Tú khi ông học được nghề gốm trong một lần sang Trung Quốc vào cuối thời Lý.

Gốm Phù Lãng thanh nhã với sắc thái nâu, vàng nhạt, vàng thẫm hay còn gọi chung là men da lươn. Nét nổi bật đặc trưng là kỹ thuật đắp nổi theo hình thức chạm bong. Anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở Gốm Ngọc nói:

Khi đến làng thì vẫn còn những nét dân gian, văn hóa rất đơn sơ mộc mạc. Thứ hai là toàn bộ sản phẩm gốm ở đây là làm thủ công
Anh Phạm Văn Trường

“Thứ nhất là do chất đất, thứ hai là do lò đốt, do các nguyên vật liệu được pha chế”.

Đất sét dùng tạo các sản phẩm gốm nơi đây được pha có màu hồng nhạt. Khác với gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Chu Đậu… chất gốm Phù Lãng mộc mạc từ chất liệu cho đến cách làm. Nếu gốm Bát Tràng làm bằng men sứ, tạo nên sự quý phái và được đúc chủ yếu bằng khuôn thì gốm Phù Lãng lại làm bằng men da lươn và làm hầu như bằng tay theo cách thủ công, đặc biệt là từ khâu tạo mẫu.

Gốm Phù Lãng xưa chỉ tập trung sản xuất các vật dụng theo văn hóa miền Bắc. Các chum nâu được những cô gái mặc áo tứ thân đội đi lấy nước bên sông, những vại dưa, vại cà, niêu cơm… đều từng là những sản phẩm chủ đạo của làng.

“Đến bây giờ thì những vật đó không được sử dụng nữa thì người trong làng lại sản xuất những sản phẩm mới như đồ trang trí chẳng hạn, phù điêu, tượng gốm, những sản phẩm về nghệ thuật”, anh Trường nói.

Nếu ghé làng Phù Lãng ngày nay sẽ thấy có sự thay đổi trong các sản phẩm theo hướng mỹ nghệ hơn ứng dụng. Nhưng chất gốm, màu sắc và nét chạm trổ vẫn giữ được sự đặc trưng vốn có mấy trăm năm.

Đậm nét xưa

Một góc làng gốm Phù Lãng. Photo courtesy of bacninh.gov.vn
Một góc làng gốm Phù Lãng. Photo courtesy of bacninh.gov.vn
Một góc làng gốm Phù Lãng. Photo courtesy of bacninh.gov.vn
Các thế hệ trước đã truyền lại cho ngôi làng hữu tình Phù Lãng cái nghề đặc trưng mà đối với nhiều người đã trở thành truyền thống cha truyền con nối lâu đời. Và họ cũng để lại cho người dân xứ Kinh Bắc này những nét văn hóa đậm đà khiến những người có trách nhiệm tìm mọi cách để bảo tồn.

“Những cái gì cần đổi mới thì đổi nhưng những gì thuộc về truyền thống thì vẫn đậm nét xưa”, bà Nhung – một người địa phương gần 60 tuổi nói.

Bà Nhung cười hiền hòa kể về cái ngày bà lên xe hoa về nhà chồng cách đây hơn ba mươi năm. Lúc đó, bà mặc áo ngắn, quần rộng bằng lụa trắng, điệu bộ vừa đơn sơ vừa khép nép. Hơn 3 thập kỷ trôi qua, bà đón con dâu của mình về nhà. Hình ảnh cô con dâu bà cũng không khác chính bà khi xưa là bao.

"Con dâu tôi lúc cưới cũng mặc áo dài tân thời chứ không mặc váy cưới”, bà vui vẻ chia sẻ.

Bà kể, từ khoảng nhiều năm đổ lại đây, làng có qui định cô dâu không được mặc váy cưới tân thời, hay còn gọi là áo soiree. Thay vào đó cô dâu chỉ được mặc áo dài truyền thống. Nếu muốn, cô dâu chỉ có thể mặc váy  cưới trong các buổi chụp hình ngoại cảnh mà thôi. Ngoài ra, đám cưới cũng không được bày thuốc lá và bánh kẹo. Làng có 5 thôn thì tất cả trai gái đến tuổi cập kê hầu như đều thuộc nằm lòng qui định này.

Làng cũng qui định trước khi cưới, các cặp đôi trong làng phải đặt cọc số tiền 2 triệu đồng ở cơ quan xã. Nếu không đi ngược lại các qui định trên thì sau khi cưới họ được nhận lại tiền cọc. Ngược lại, số tiền cọc sẽ bị mất đi. Anh Trường ôn hòa giải thích.

“Người ta muốn để có trách nhiệm với nhau”.

Từng phát biểu với truyền thông trong nước vào giữa năm ngoái, Chủ tịch xã Nguyễn Tiến Lên cho rằng qui định do người dân đề nghị, giải thích rằng chiếc áo dài sẽ phù hợp với sự mộc mạc của làng Phù Lãng hơn.

“Đây chỉ là qui định của từng xã thôi, không phải là qui định chung. Ví dụ người ta có thể qui định con gái trong làng lấy chồng nơi khác thì được mặc váy cưới nhưng nếu trai lấy vợ từ nơi khác về thì cô dâu lại không được mặc váy cưới”.

Những cái gì cần đổi mới thì đổi nhưng những gì thuộc về truyền thống thì vẫn đậm nét xưa.
Bà Nhung

Anh Nguyễn Minh Ngọc vừa giải thích thêm, như để tránh tạo một ấn tượng xấu cho người đối diện về tục lệ khá lạ này. Qui định chỉ có giá trị trong năm thôn của xã nên có nhiều cô dâu lấy chồng đi nơi khác vẫn được mặc áo cưới về nhà chồng trước ánh mắt thèm thuồng của nhiều thôn nữ cùng làng.

Tuy nhiên dường như qui định về cấm mặc váy cưới không làm phiền lòng tất cả mọi người. Vợ anh Nguyễn Minh Ngọc, chị Đoàn Minh Ngọc cũng chẳng tỏ ra khó chịu khi nhớ lại ngày chị lên xe hoa cách đây mấy năm với chiếc áo dài truyền thống:

“Ơ ̉ đâu thì âu đấy. Cái váy cưới hay áo dài thì không quan trọng đến đời sống. Khi lấy nhau về chủ yếu hai bên thuận thảo và làm sao để phát triển cổ truyền. Như thế là đủ mãn nguyện rồi”.

Quy định đã được thay đổi

Một thiếu nữ Phù Lãng đang trang trí sản phẩm gốm. Photo courtesy of bacninh.gov.vn
Một thiếu nữ Phù Lãng đang trang trí sản phẩm gốm. Photo courtesy of bacninh.gov.vn
Một thiếu nữ Phù Lãng đang trang trí sản phẩm gốm. Photo courtesy of bacninh.gov.vn
Cả anh Ngọc và anh Trường cũng đã lập gia đình vài năm trước đây và các anh đều đón người phối ngẫu về nhà trong chiếc áo dài truyền thống. Tuy nhiên, dường như qui định này không quá gây quan ngại cho họ. Anh Trường giải thích:

“Cũng một phần là do phong tục của các cụ thời xưa, muốn các cô gái có ý tứ và giữ nét truyền thống chứ cũng không có gì lạc hậu cả. Nhưng mà qui định này đã được thay đổi rồi”.

Không ai có thể chối bỏ vẻ đẹp thanh lịch và quyến rũ của chiếc áo dài dân tộc. Nhưng cũng khó ai cưỡng lại được sức hấp dẫn của chiếc áo cưới màu trắng tinh khôi. Nhiều thiếu nữ trong làng mơ ước được trở thành một cô dâu vừa truyền thống vừa hiện đại nên trong vòng khoảng một năm trở lại đây, bắt đầu có nhiều cô dâu lên xe hoa với chiếc váy trắng điệu đà. Qui định từ đó cũng được nói là nới lỏng đi.

“Tôi nghĩ đây là một tin vui. Có thể chúng tôi không quan trọng váy cưới nhưng có lẽ giới trẻ bây giờ họ thích hơn và nhu cầu làm đẹp cao hơn. Tôi nghĩ qui định này được bỏ thì rất nhiều người ủng hộ”.

Có thể chúng tôi không quan trọng váy cưới nhưng có lẽ giới trẻ bây giờ họ thích hơn và nhu cầu làm đẹp cao hơn. Tôi nghĩ qui định này được bỏ thì rất nhiều người ủng hộ.
Chị Minh Ngọc

Chị Minh Ngọc nói chuyện hòa nhã, vốn mang nét đặc trưng của dân xứ gốm Phù Lãng. Người Phù Lãng đơn thuần một cách tự nhiên. Dường như sự mộc mạc, chân tình và sự hiền hòa của nơi thiên nhiên hữu tình cũng làm người Phù Lãng trở nên giản dị và bình yên đến khó ngờ. Họ chia sẻ, bất cứ ai sinh ra và lớn lên nơi đây cũng cảm thấy như con người và thiên nhiên cùng hòa quyện như thịt da và như cảm thấy sự tươi mát của con sông Cầu như chảy trong huyết quản. Đối với họ, không có điều gì quan trọng hơn được sống bình yên và phát triển nghề truyền thống của làng.

Về Phù Lãng, sẽ thấy bên bờ sông Cầu, bên các con đường quanh co là cơ man nào những sản phẩm gốm màu da lươn. Những cơ sở, những ngôi nhà lúc nào cũng mở rộng cửa. Trong đó, các nghệ nhân, thợ gốm tay đỏ au, mặt đầy bùn đất say mê tạo hình cho các sản phẩm trong tiếng cười nói an bình. Nhìn họ, mới thấy một tình yêu nghề, yêu quê hương đến lạ.

“Ai cũng có quê hương. Cái tình quê hương lúc nào cũng vậy. Cho dù quê hương có đẹp hay xấu đến đâu chăng nữa thì cũng là quê hương của mình”, anh Trường chia sẻ.

Nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy các sản phẩm gốm tinh xảo của làng Phù Lãng; lại càng lạ lẫm với những tục lệ thú vị. Tuy nhiên có lẽ người ta sẽ không nhớ nhiều về ngôi làng này nếu như không có những con người hòa nhã, mộc mạc, yên bình với một tình yêu quê hương sâu sắc. Ai dám nói rằng con người sẽ vui vẻ hơn khi cuộc sống hiện đại hơn?

Liên lạc với tác giả tại Quynhchi@rfa.org.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.