Dải nước màu đỏ ở Quảng Bình có phải là thủy triều đỏ?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.05.05
051_XxjpbeE001483_20110715_TPPFN1A001.jpg Thủy triều đỏ tại một bãi biển ở Trung Quốc hôm 15/7/2011. Ảnh minh họa.
AFP photo

Để tìm hiểu nguyên nhân cá chế hàng loạt ở miền Trung, Việt Nam cho thành lập Hội đồng Chuyên gia Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia với hơn 100 chuyên gia của trên 30 viện nghiên cứu. Tuy nhiên đến lúc này vẫn chưa có kết luận cụ thể cá chết là do hóa chất độc hại hay do tảo độc.

Chậm chạp và lúng túng

Trả lời Thanh Trúc chiều ngày 5 tháng Năm vừa qua, một thành viên trong Hội đồng Chuyên gia Khoa học và Công nghệ, giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm thuộc Viện Hải Dương Học ở Nha Trang, nói rằng dải nước màu đỏ xuất hiện ở Quảng Bình chưa chắc là thủy triều đỏ mà cũng không liên quan đến chuyện cá chết hàng loạt trước đó:

Sự thật mà nói vấn đề ở đây là khi lần đầu tiên xảy ra việc lớn như thế này, hàng loạt cá chết như thế này, thật ra nhà nước Việt Nam có sự lúng túng, các nhà khoa học vào cuộc rất chậm, rất là chậm chạp.

Rồi đến khi mà các nhà khoa học vào cuộc thì cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, người thì do chất độc hóa học, người thì do chất độc sinh học, người thì do yếu tố môi trường khác. Chính nhiều cái nguyên nhân này tạo ra một tình thế rất khó khăn cho nhà nước, cho các nhà quản lý để đưa ra quyết định. Đó cũng là lý do mà Bộ  Khoa học Công nghệ cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam phải liên kết thành  lập một hội đồng nhiều chuyên gia tư vấn cho vấn đề này tại vì giải quyết vấn đề này là vấn đề đa ngành chứ không phải một ngành.

Tôi nghĩ vấn đề chết cá hiện nay cũng gần đến giai đoạn kết thúc khi các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tìm thấy một nguyên nhân có thể có khả năng xảy ra là hiện tượng nở hoa của một số loài tảo gây hại làm chết cá.
- Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm

Tôi nghĩ vấn đề chết cá hiện nay cũng gần đến giai đoạn kết thúc khi các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tìm thấy một nguyên nhân có thể có khả năng xảy ra là hiện tượng nở hoa của một số loài tảo gây hại làm chết cá. Đây là loài tảo có tên là Heterosigma Akashiwo từng được ghi nhận trong vùng biển một số nơi của thế giới. Tuy nhiên vấn đề cá chết của một số vùng biển nào ở ta hiện nay, các nhà khoa học hiện vẫn không tìm được nguyên nhân cụ thể độc tố nào đã gây ra chết cá. Người ta chỉ biết khi loài tảo xuất hiện trong một số vùng thì cá chết rất nhiều. Cái yếu tố đó nhìn chung đến lúc này vẫn chưa được nói đến một cách rõ ràng.

Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Ngọc Lâm, khi loài tảo này xuất hiện và độc tố của nó làm cho cá chết thì người ta có thể chụp ảnh từ vệ tinh và người ta cũng có thể phân chất nước biển. Việt  Nam có đủ máy móc để có thể tìm ra, có thể phân tích mẫu nước và mẫu cá chết, mẫu trầm tích...phải không?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm: Sự nở hoa của tảo có thể được ghi nhận qua ảnh vệ tinh, đồng thời cũng có thể nhầm lẫn nữa. Tại vì ảnh vệ tinh cũng ghi nhận cả những vật lơ lửng có trong môi trường nước, tảo có màu mà những vật chất khác cũng có màu nữa, thành ra đôi khi cũng có nhầm lẫn từ ảnh vệ tinh.

Thường khi quan sát qua ảnh vệ tinh thì đồng thời cũng quan sát qua ảnh thực tế. Riêng về lãnh vực độc tố của tảo thì ở Việt Nam hầu  như là lãnh vực còn rất mới. Ngay cả đơn vị ở Viện Hải Dương Học cũng có một phòng thí nghiệm để làm về độc tố tảo. Nhưng đôi khi chúng tôi vẫn thiếu hóa chất, muốn làm độc tố thì phải có chuẩn của nó, chúng tôi phải gởi mẫu sang Nhật chẳng hạn, hoặc sang Pháp sang Đức để phân tích, chứ Việt Nam hoàn toàn không làm được cái độc tố tảo.

Chưa thể kết luận

Thanh Trúc: Thưa ông, về giả thuyết lâu nay mà mọi người cho rằng nguyên nhân chính yếu việc cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là hóa chất độc hại thải từ đường ống xả thải của Formosa thẳng ra biển, đã có nhiều chuyên gia nói phải loại trừ yếu tố tảo độc hay tảo nở hoa đi, ông nghĩ như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm: Nói như thế rất là hơi vội vàng vì hiện nay chưa có kết luận nào chính thức cả. Những người phát biểu, ngày cả Hội Nghề Cá, khi phát biểu cũng chưa có phân tích nào cả. Hay một số nhà khoa học khi phát biểu thì họ cũng chẳng có một số liệu nào, chẳng có một phân tích nào cả. Đến giờ thì Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao trọng trách phải đưa ra những chứng cứ rõ ràng. Tôi nghĩ trong phiên họp ngày mai và phiên họp cuối cùng nữa các nhà khoa học sẽ ngồi lại cùng phân tích số liệu, dữ liệu có được, tôi nghĩ trong ngày mai thì mọi việc sẽ rất rõ ràng. Khi mà chưa có bằng chứng cụ thể thì các nhà khoa học khoan đưa ra những kết luận. Ở đây tại vì có quá nhiều kết luận đổ dồn vào Formosa nên phải thật là khách quan thì mới thấy được vấn đề.

Thanh Trúc: Được được biết ông đang trên đường ra Quảng Bình tìm hiểu về hiện tượng vệt nước màu đỏ trên bờ biển Quảng Bình. Báo chí trong nước ngày hôm nay nói rằng diện tích của vệt nước màu đỏ đã thu hẹp dần và cá chết cũng không nhiều...

Tôi muốn nói lần nữa là cái hiện tượng dải nước màu đỏ ở Quảng Bình chưa chắc nó là thủy triều đỏ mà cái này cần phải kiểm chứng lại.
- Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm: Tôi nghĩ hiện tượng cá chết thì có lẽ đó là di chứng của những ngày trước còn sót lại thôi, còn vết màu đỏ này không hẳn là thủy triều đỏ. Tôi có đọc báo và có hỏi trực tiếp giáo sư Dương Đức Tiến, thầy cũng xác nhận đó là triều hồng hay thủy triều đỏ. Có một chuyên gia người Nhật cũng xác nhận đó là thủy triểu đỏ.

Tôi xin nhắc lại vệt màu đỏ này không hẳn là thủy triều đỏ, chuyện nó thu hẹp lại cũng là chuyện rất bình thường. Thủy triều đỏ cũng có thể bị thu hẹp lại khi nó tàn lụi nó chết đi. Hoặc là khi thủy triều lên nó tấp vào bờ thì tất nhiên dưới biển không còn nữa. Tôi muốn nói lần nữa là cái hiện tượng dải nước màu đỏ ở Quảng Bình chưa chắc nó là thủy triều đỏ mà cái này cần phải kiểm chứng lại. Có thể nó do những vật liệu màu từ sông đổ ra, nó tạo thành những vệt có thể gọi là phù sa. Cái này cần kiểm chứng cẩn thận, còn khoảng 2 tiếng nữa tôi mới đến Quảng Bình và tôi sẽ kiểm tra lại cái mẫu người ta thu ngay trong thời kỳ đấy thì mới xác định được đó là cái gì.

Thanh Trúc: Theo ông liệu có liên quan gì đến việc cá chết hàng loạt đã xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung hay không?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm: Cái việc này tôi nghĩ không có liên quan gì đâu tại vì khi nó xảy ra như thế thì cá có chết người ta chỉ thấy rải rác vài con. Vài con này có thể là tồn dư những ngày trước còn mà nó trôi vào thôi chứ không hẳn do nguyên nhân từ dải nước màu đỏ này.

Tất nhiên khi mà "cho rằng" thì mình chỉ mới có cảm quan thôi chứ chưa có gì cụ thể cả. Tôi nghĩ rằng trong tối nay và sáng ngày mai thì tôi sẽ tìm hiểu thêm và có những thông tin  có những thông tin chính xác hơn.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.