Điều xấu nhất nếu TQ cô lập kinh tế VN là gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014.05.16
bd-0002-600.jpg Một công ty Đài Loan với tấm bảng viết vội hôm 14/5/2014
Photo by Tuấn Khanh

 

Sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam những cuộc bạo loạn đã xảy ra tại Bình Dương và Vũng Áng gây thiệt hại tài sản cho nhiều công ty nước ngoài quan trọng nhất là Đài Loan và Trung Quốc. Liệu những hậu quả mà nó để lại sẽ ra sao? Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương để biết thêm ý kiến của ông về vấn đề nghiêm trọng này.

Mặc Lâm: Trước tình hình các công ty Trung Quốc bị bạo động, tẩy chay và cuối cùng đốt phá theo TS giới doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam sẽ có phản ứng như thế nào, họ có bỏ tài sản để mà rời đi hay không, hay trong thời gian sắp tới họ sẽ có trả đũa nào có thể làm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Việc người biểu tình có một số các hành vi bạo động, cướp bóc ở Bình Dương và có sự xung đột cảm tính là những biểu hiện hết sức đáng tiếc. Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp bảo vệ các nhà đầu tư, bảo vệ các công nhân. Doanh nghiệp Trung Quốc thật sự không đầu tư nhiều ở Việt Nam và các nhà đầu tư của Đài Loan mới là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Đài Loan đã có phản ứng và Việt Nam đã bảo đảm với Đài Loan rằng Việt Nam không bao giờ cho phép xuất hiện những hiện tượng đó nữa.

Tôi rất hi vọng với những nỗ lực của Việt Nam thì các doanh nghiệp của Đài Loan sẽ không bỏ Việt Nam để ra đi. Và tôi nghĩ rằng phía Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hạn chế những thiệt hại đó.

Tôi rất hi vọng với những nỗ lực của Việt Nam thì các doanh nghiệp của Đài Loan sẽ không bỏ Việt Nam để ra đi. Và tôi nghĩ rằng phía Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hạn chế những thiệt hại đó.
- TS Lê Đăng Doanh

Mặc Lâm: Thưa ông các chuyên gia kinh tế từng lo ngại là nếu sự xung đột với Trung Quốc xảy ra thì thiệt hại kinh tế Việt Nam rất lớn vì những mối ràng buộc kinh tế với Trung Quốc rất sâu và bám rễ khó dứt ra được. Ông nhận xét vấn đề này ra sao?

TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại rất là bất bình đẳng với Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu năm 2013 sang Trung Quốc là 13 tỷ 360 triệu đô la, chủ yếu là các sản phẩm nông sản và sản phẩm thô. Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 36 tỷ 960 triệu đô la và chủ yếu là các nguyên vật liệu cho may mặc, da giày, và các trang thiết bị cho các nhà máy điện cũng như là các nhà máy khác.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam thì chỉ bằng 1% xuất khẩu của Trung Quốc thôi, còn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm đến 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy cho nên chắc chắn nếu như mà Trung Quốc có những biện pháp cấm vận hoặc hạn chế xuất khẩu sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại tương đối nặng nề trong thời gian nhất định.

Tuy vậy, trong họa cũng có phúc, trong nguy cũng có cơ. Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế trên thế giới và nếu như Trung Quốc ngừng xuất khẩu các linh kiện đó cho Việt Nam thì Việt Nam cũng có thể tìm kiếm linh kiên thay thế ở các thị trường khác, và sau đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục; kinh tế Việt Nam sẽ có một vị thế cân bằng hơn đối với Trung Quốc.

Dĩ nhiên Trung Quốc là một nước láng giềng và có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Việt Nam rất mong muốn có mối quan hệ thương mại và hợp tác bình đẳng hai bên cùng có lợi đối với lợi ích kinh tế Trung Quốc. Việt Nam không bao giờ chủ trương có hành vi cự tuyệt trong hợp tác đối với Trung Quốc.

Mặc Lâm: Thưa ông đối với những dự án mà Trung Quốc đang đầu tư dang dở tại Việt Nam liệu sau khi biến cố HD 981 xảy ra nó có ảnh hưởng gì tới những dự án đó không và nhà nước đã có biện pháp đối phó ra sao nếu tình trạng trở nên tồi tệ?

Dĩ nhiên Trung Quốc là một nước láng giềng và có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Việt Nam rất mong muốn có mối quan hệ thương mại và hợp tác bình đẳng hai bên cùng có lợi đối với lợi ích kinh tế Trung Quốc.
- TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tìm đủ mọi cách để duy trì các mối quan hệ đầu tư và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp, còn nếu như Trung Quốc có biện pháp đơn phương về phía mình thì điều đấy tôi không thể loại trừ được. Cho đến nay trong hành động thực tế họ đang tiếp tục leo thang, họ điều thêm tàu và họ có những hành vi càng ngày càng gay gắt hơn đối với các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam. Vì vậy tôi chưa thể loại trừ rằng họ sẽ có thể sử dụng các biện pháp kinh tế để có thể gây hại cho Việt Nam.

Mặc Lâm: Thưa TS như ông đã biết sau khi giàn khoan 981 của Trung Quốc đưa vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì phản ứng của thị trường tài chính Việt Nam rất tồi tệ cụ thể là thị trường chứng khoán đã rơi xuống chưa từng có. Cạnh đó giá vàng trong nước người dân tìm mua khiến giá vọt lên rất cao, theo TS tình hình này có đáng quan ngại lắm hay không thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì phản ứng của thị trường chứng khoán của Việt Nam là một phản ứng có tính chất tâm lý và trong khi người Việt Nam đua nhau bán cổ phiếu, cổ phiếu xuống thì các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào.

Tôi nghĩ rằng thái độ đó là một cái thái độ có căn cứ và bình tĩnh hơn. Họ mua vào là vì giá cổ phiếu xuống rất thấp và họ hi vọng rằng sẽ hồi phục. Tôi nghĩ thị trường chứng khoán ở Việt Nam vẫn còn non trẻ và nó là một cái tấm gương lồi, phản ánh một cách phóng đại các diễn biến kinh tế xã hội ở Việt Nam. Phóng đại là bởi vì khi mà nền kinh tế chưa hồi phục mạnh lắm thì thị trường chứng khoán đã vọt lên, khi mà kinh tế có một số dấu hiệu khó khăn thì thị trường chứng khoán sụp xuống. Tôi hi vọng rằng với các diễn biến sẽ không quá xấu thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ hồi phục trong thời gian sắp tới.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.