Bài học cho VN từ sự cố Fukushima

Tin tức về những sự cố tại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật đang là tâm điểm sự chú ý của thế giới những ngày qua.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.03.24
vn-nuclear-power-305.jpg Mô hình của lò phản ứng hạt nhân Mitshubishi của Nhật Bản tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28 Tháng 5 năm 2010.
AFP photo

Chính phủ một số nước đã ngay lập tức đưa ra quyết định xem xét độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân, thậm chí cho đóng cửa các lò phản ứng quá cũ. Những diễn biến này có tác động thế nào đối với người dân và chính phủ  Việt Nam hiện cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình?

Người dân lo lắng

Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật kéo theo những sự cố tại các lò phản ứng hạt nhân đang khiến người dân ở nhiều nước trên thế giới phải chú ý và lo lắng về khả năng một thảm họa hạt nhân Chernobyl thứ hai. Người thì lo về mức độ phóng xạ lan xa, người khác thì lo về các lò phản ứng hiện tại ở gần khu vực mình sống có an toàn không. Những người dân ở tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam cũng có những nỗi lo không kém bởi chẳng bao lâu nữa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ thành hình tại đây.

Ông Ngô Khắc Liên, một người dân ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh thuận cho biết ngày nào ông cũng coi thời sự để biết tình hình bên Nhật ra sao. Ông nói:

Tối nào tôi cũng theo dõi thời sự hết, tôi cũng sợ, … mà mới thời sự vừa rồi nói là lò hạt nhân này làm tiên tiến hơn lò bên Nhật. Vùng này thì chưa có động đất, nhưng cũng có một cơn chấn.

Ông Ngô Khắc Liên - Ninh Thuận

"Tối nào tôi cũng theo dõi thời sự hết, tôi cũng sợ, … mà mới thời sự vừa rồi nói là lò hạt nhân này làm tiên tiến hơn lò bên Nhật. Vùng này thì chưa có động đất, nhưng cũng có một cơn chấn."

Theo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân được Quốc hội Việt Nam phê duyệt hồi năm 2009, Việt Nam sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận với tổng số vốn lên đến 11 tỷ đô la. Việt Nam dự kiến sẽ xây 8 lò phản ứng với công suất 8000 mwh và hoàn tất vào năm 2030.

Chính phủ vẫn xúc tiến dự án

Trước những diễn biến phức tạp đang xảy ra tại Nhật, nơi có trình độ công nghệ và khoa học kỹ thuật phát triển rất cao, giới chức Việt Nam cho biết sẽ vẫn tiếp tục dự án nhà máy điện hạt nhân và sẽ coi thảm họa tại Nhật là một bài học để xem xét trong quá trình nghiên cứu dự án. Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng viện năng lượng nguyên tử cho biết:

"Quan điểm của tôi thì chủ trương nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã được nghiên cứu rất lâu, chính phủ và quốc hội đã quyết định. Bây giờ cái sự cố ở Nhật bản thì mình xem xét ở đây là mình nên phát triển như thế nào. Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu. Sự cố này xảy ra thì ta cần phải có các cân nhắc những yếu tố để tính đến vấn đề bảo đảm an toàn."

NinhThuan-250.jpg
Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. RFA file
Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. RFA file
Theo ông Tấn thì các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật được sử dụng là lò thế hệ thứ hai, được xây dựng từ khoảng năm 1966 đến 1970. Các lò này áp dụng nguyên lý về an toàn thụ động nên có những hạn chế nhất định. Việt Nam sẽ sử dụng lò thế hệ thứ 3 hoặc 3 cộng theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế.

Ông Tấn cũng cho rằng Việt Nam cũng chưa cần phải thay đổi gì trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của mình vì vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, một chuyên gia hàng đầu về lò phản ứng hạt nhân của Mỹ là ông Arnold Gundersen gần đây lại khuyến cáo các nước nên ngưng việc dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Ông nói:

"Ngay lúc này tôi nghĩ là không nên xây dựng thêm một nhà máy điện nguyên tử nào cả, cho tới khi chính phủ định lượng lại xem mức độ nguy hiểm tối đa thế nào. Bởi vì điều rõ ràng là chúng ta đã không định lượng đúng mức những nguy hiểm do thiên tai gây nên và cần phải lượng định xem nếu gặp động đất thì sao, gặp bão lụt, sóng thần thì sao, để có thể đảm bảo nhà máy đó đứng vững trong bất kỳ mọi tình huống. Đó là điều phải làm nhưng chúng ta chưa làm."

Ông Gundersen cho biết khi khởi công xây dựng thì nhà máy điện Fukushima I không nằm trong danh sách có thể chịu được mức nguy hiểm tối đa.

Mặc dù Việt Nam không nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của núi lửa và động đất như Nhật Bản nhưng những số liệu thống kê cho thấy những thảm họa này cũng đã từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm thông tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc viện Vật lý địa cầu Việt Nam cho biết:

Quan điểm của tôi thì chủ trương nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã được nghiên cứu rất lâu, chính phủ và quốc hội đã quyết định. Bây giờ cái sự cố ở Nhật Bản thì mình xem xét ở đây là mình nên phát triển như thế nào.

Ông Vương Hữu Tấn

"Tại Việt Nam từ trước đến nay đã có những trận động đất hơn 6 độ richter như trận động đất tại Điện Biên hồi năm 1935 với cường độ 6,8, rồi năm 1983 tại Tuần giáo với cường độ 6,8 độ richter. Ngoài ra những trận động đất nhỏ cũng rất nhiều. Trong năm 2010 cũng xảy ra cả chục trận động đất nhỏ hơn 5,5 độ richter tại khắp các vùng có thể có động đất ở Việt Nam. Các vùng khác như Thanh Hóa, Nghệ An và ngoài khơi bờ biển Việt Nam đều là những nơi có thể xảy ra động đất."

Ông Minh nói khi xây dựng các công trình lớn như thủy điện hay nhà máy điện hạt nhân thì viện Vật lý địa cầu đều có cung cấp những thông tin về nguy cơ động đất và sóng thần tại vùng liên quan để có thiết kế phòng chống hợp lý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16 tháng 3 nói với báo chí là trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đặt an toàn hạt nhân lên ưu tiên hàng đầu.

Hệ thống quản lý

Tuy nhiên, các chuyên gia về hạt nhân tại Việt Nam lại tỏ ra lo ngại về khả năng đảm bảo vận hành an toàn điện hạt nhân tại Việt Nam do thiếu nhân lực và cơ sở pháp lý cần thiết. Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó viện năng lượng nguyên tử quốc gia cho biết:

000_Hkg3626161-250.jpg
Một người đang xem xét mô hình lò phản ứng điện hạt nhân Đông Phương của Trung Quốc tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 5 năm 2010. AFP photo
Một người đang xem xét mô hình lò phản ứng điện hạt nhân Đông Phương của Trung Quốc tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 5 năm 2010. AFP photo
"Tất cả những sự cố điện hạt nhân là cái mà mọi người đều biết và phải cố tránh không xảy ra. Đó là vấn đề quan trọng. Và cái này đòi hỏi người hiểu biết. Đội ngũ vừa hiểu biết, vừa đạo đức nghề nghiệp, chủ yếu là kỷ luật nghề nghiệp nghiêm minh. Mà cái kỷ luật này ở Việt Nam thì thường khó có thể đảm bảo được.
Hệ thống quản lý mà hệ thống đó đưa ra dựa trên một cơ sở pháp lý, các pháp quy và các tiêu chuẩn và các cái đó đều phải tôn trọng. Nói chung là cả một hệ thống đó phải đầy đủ. Cái quan ngại hiện nay là ta chưa có đầy đủ cái đó."

Về phần này, ông Vương Hữu Tấn cho rằng Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị gửi người đi học tại Nhật Bản và Nga để đảm bảo khi nhà máy điện được xây xong có thể được vận hành an toàn.

Trong thảm họa tại Nhật, người ta cũng phải chú ý đến một yếu tố quan trọng khác. Đó là người dân được cập nhật thông tin và huấn luyện trong trường hợp có thảm họa rò rỉ hạt nhân. Liệu những người dân ở tỉnh Ninh Thuận đã biết được những thông tin này hay chưa? Ông Ngô Khắc Liên cho biết:

"Người ta dạy hay nói gì đâu, người ta tới chỉ khuyến khích mình là nhà máy hạt nhân này có lợi ích cho tổ quốc hay đất nước thôi."

Đội ngũ vừa hiểu biết, vừa đạo đức nghề nghiệp, chủ yếu là kỷ luật nghề nghiệp nghiêm minh. Mà cái kỷ luật này ở Việt Nam thì thường khó có thể đảm bảo được.

Giáo sư Phạm Duy Hiển

Ông nói chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với người dân nhưng vấn đề chính trong các cuộc họp là khuyến khích di dời người dân khỏi khu vực xây dựng nhà máy. Hiện những người dân ở xã Vĩnh Hải biết rằng họ sẽ được di dời ra ngoài Hòn Mun, cách nhà máy điện khoảng 3 km.

Phần lớn những thông tin về an toàn hạt nhân mà ông Liên thu thập được là từ báo chí, xem truyền hình hoặc nói chuyện với bà con trong xã. Ông nói thông tin mới nhất mà truyền hình Việt Nam đưa lên rằng lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam sẽ hiện đại hơn Nhật Bản đã làm ông yên tâm phần nào. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng có rò rỉ phóng xạ trong khi nhà máy điện vận hành, vì suy cho cùng Nhật hiện đại như vậy mà vẫn có tai nạn huống gì là các nước khác.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.