Cần làm gì để người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng?

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016.02.11
nghien.jpg Chăm sóc, điều trị cho người nghiện ma túy trong một trung tâm cai nghiện.
Courtesy of tiengchuong.vn

12.000 người nghiện ma túy mỗi năm là con thống kê của bộ Công an trong năm 2015 về số lượng người nghiện ma túy trên khắp cả nước. Những người nghiện ma túy sẽ đi cai nghiện dưới hai hình thức ‘tự nguyện’ và ‘bắt buộc’. Trong đó có khoảng 90 % người nghiện tái sử dụng ma túy sau khi hòa nhập cộng đồng, là con số thống kê của Trung tâm Giáo dục – Lao động, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc được đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc.

Tỉ lệ tái nghiện cao

Anh Nguyễn Văn Tâm, một người nghiện ma túy hơn 10 năm, quê ở TP.Vinh – Nghệ An, hiện anh đang sống ở nước Ả Rập cho biết, lý do anh qua đây là để tránh tình trạng tái sử dụng ma túy, bởi nếu ở Việt Nam, anh sẽ tái sử dụng ma túy sau khi cai nghiện. Anh từng đi cai nghiện rất nhiều lần, nhưng cứ ra khỏi trại cai nghiện khoảng một tháng là anh lại tái sử dụng ma túy. Nên lần này anh quyết tâm đi sang Ả Rập cùng với vợ bằng Visa Lao động, tuy nhiên chỉ có vợ lao động, còn anh thì không thể làm việc được vì sức khỏe của anh không cho phép.

Anh Tâm nói thêm về vấn đề tái sử dụng ma túy:

“Tỷ lệ thành công rất ít, ví dụ trong trường cai nghiện có khoảng 100 người, trong vòng khoảng một tháng người ta sẽ nghiện lại. Anh tính cứ 100 người thì có khoảng 20 người không tái sử dụng ma túy.”

Nguyên nhân

Anh A, một người làm việc tại sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM (đề nghị được giấu tên) chia sẻ về nguyên nhân tái sử dụng ma túy, anh cho rằng nguyên nhân là do sự thờ ơ, thói vô cảm của gia đình, hàng xóm nơi người nghiện ma túy sinh sống, anh nói:

Xin việc cho người nghiện rất là khó, mọi người vẫn còn e dè lắm, mọi người chưa thực sự tin tưởng vào những người nghiện.
- Ông Anh

“Cả thế giới đều bị hết, không kể Việt Nam hay nước nào, tôi qua Mỹ, người ta cũng có ánh mắt nhìn đối với người nghiện nó khác, nó không bình thường, ở Việt Nam cũng vậy. Nhà này đi làm, đóng cửa lại, tới tối về nhà đóng cửa lại, ăn tối xong, đi ngủ cũng đóng cửa lại, có biết nhà hàng xóm có chuyện gì đâu mà nói ‘cộng đồng trị liệu’ hay ‘cộng đồng giúp đỡ nhau’?

Cả thế giới đều bị chuyện như thế này, chứ không chỉ ở Việt Nam, chuyện nhà mình còn không biết rõ hết thì làm sao mà biết chuyện hàng xóm để mà giúp đỡ?”

Ông Anh, một người đang làm việc tại trung tâm cai nghiện Làng Bình Minh ở TP. HCM cho biết, sau khi hoàn thành việc cắt cơn và đào tạo nghề cho các học viên, công tác tìm kiếm việc làm cho những người nghiện ma túy là rất khó bởi còn sự kỳ thị của xã hội đối với họ, ông nói:

“Xin việc cho người nghiện rất khó, mọi người vẫn còn e dè lắm, chưa thực sự tin tưởng vào những người nghiện. Nhu cầu lao động cũng không cần thiết để phải thuê người nghiện nữa, cho nên họ vẫn phải suy nghĩ đắn đo giữa người nghiện và người không nghiện.”

Cô Bình, đang làm việc tại một Trung tâm Tư vấn và Điều trị Cai nghiện ma túy tại Hà Nội cho rằng, do nhà nước, bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội chưa chú tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người nghiện sau khi cai nghiện tại các trung tâm, nên tỉ lệ tái nghiện sau khi hòa nhập cộng đồng là rất cao do không có việc làm ổn định, cô nói:

“Những giải pháp đưa ra, và những định hướng chưa đồng bộ ở các địa phương cho nên tỉ lệ có việc làm, hay thu nhập từ người nghiện tương đối là thấp và không đồng đều.”

Treem_matuy_bd00-400.jpg
Treem_matuy_bd00-400.jpg
Courtesy of quangngai.gov.vn

Sau nhiều lần tái sử dụng ma túy sau khi cai nghiện, anh Nguyễn Văn Tâm khẳng định rằng, môi trường sống hết sức quan trọng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Bởi đó là nơi người nghiện luôn có mặc cảm với gia đình, hàng xóm, và quan trọng hơn người nghiện biết tất cả những địa điểm buôn bán ma túy trên địa bàn. Đây cũng chính là nguyên nhân mà anh rời khỏi Việt Nam để tìm kiếm môi trường sống mới. Anh nói:

“Môi trường sống là quan trọng nhất, như mình giờ ở đây thì không có, nhưng ở Việt Nam thì mình vẫn lo, vẫn sợ. Bản thân mình rất sợ, mình không sung sướng gì, mình khổ, mình nhục… nhưng mà nhiều lúc trong một giây lát mình không kiềm chế được thì sẽ nghiện lại, nên mình rất sợ.”

Hướng giải quyết

Đại tá Phạm Văn Chình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đưa ra một số giải pháp trên trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mãi dâm với đại ý:

“Lực lượng công an cần làm tốt hơn công tác điều tra tội phạm ma túy, ngăn chặn, xóa những tụ điểm buôn bán ma túy ở trong nước cũng như những đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia.

Tăng cường chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc vùng cao để họ không bị những kẻ buôn bán ma túy lôi kéo.

Môi trường sống là quan trọng nhất, nhiều lúc trong một giây lát mình không kiềm chế được thì sẽ nghiện lại, nên mình rất sợ.
- anh Nguyễn Văn Tâm

Chính phủ, Quốc hội cũng cần xem xét lại những điều luật, quy định đang gây khó khăn cho việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện.”

Anh A nhận định rằng, chẳng ai giúp được ai cả, chủ yếu là do người nghiện tự giúp đỡ chính mình, anh nói:

“Chỉ có người nghiện tự giúp đỡ bản thân, qua quá trình đó thì sự hỗ trợ của trung tâm cai nghiện, gia đình, xã hội, mỗi người phải hỗ trợ cho người nghiện một phần nào đó, mỗi người chung tay trong khả năng của mình. Còn người nghiện phải học tập và cố gắng.”

Ông Anh đề nghị ‘truyền thông nhà nước’ cần làm tốt hơn công tác phổ biến kiến thức ma túy, tâm lý người nghiện ma túy để cộng đồng hiểu được và cảm thông cho người nghiện khi họ tái hòa nhập:

“Cần truyền thông sâu, rộng, tránh được kỳ thị thì tỉ lệ tái nghiện sẽ bớt đi và họ sẽ hòa nhập tốt hơn”.

Ông cũng cho rằng, gia đình cần quan tâm nhiều hơn tới người nghiện ma túy, đặc biệt là tâm lý của họ, bởi gia đình là nơi tiếp xúc với người nghiện ma túy cách tốt nhất.

Qua trao đổi với chúng chúng tôi, những người công tác trong ngành đều cho rằng, để khắc phục tình trạng này cần sự quan tâm của toàn nếu xã hội, và nếu như không sự quan tâm thì số người nghiện sẽ tăng cao hơn và kéo theo những tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, mãi dâm, bệnh HIV/AIDS…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.