Tết và những người tranh đấu đang lưu vong

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016.02.06
ml-dc-chhv-622.jpg Từ trái qua: Biên tập viên Mặc Lâm, Blogger Điếu Cày và TS Cù Huy Hà Vũ tại trụ sở RFA ở Washington DC hôm 21/11/2014.
RFA

Đối với những người vì tranh đấu cho dân chủ nhân quyền phải lìa bỏ quê hương sống nơi xứ lạ quê người mỗi lần tết đến là một thử thách vì họ không còn tiếp cận được với quê nhà và vì vậy cái tết khó thể nói là dịp để họ sống lại những thời khắc truyền thống của quê hương. Mặc Lâm gửi đến quý vị sự chia sẻ của ba khuôn mặt tiêu biểu đó là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ và Tạ Phong Tần với những suy nghĩ khác nhau về Tết mặc dù hoàn cảnh rất giống nhau khi sang Hoa Kỳ.

TS luật Cù Huy Hà Vũ

Ngày 29 tết năm nay TS luật Cù Huy Hà Vũ có cái tết thứ hai xa quê kể từ ngày 6 tháng 4 năm 2014 khi ông bị dẫn độ từ trại giam thẳng ra phi trường Nội Bài sống cuộc sống lưu vong dưới cái tên gọi mỹ miều là đi chữa bệnh.

TS Cù Huy Hà Vũ có thể xem là một khuôn mặt nổi bật trong những người đấu tranh trong lòng chế độ. Ông liên tục có những hoạt động chính trị vượt trội khi trực tiếp đâm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi "ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với Hiến pháp và pháp luật". Đơn của ông bị tòa bác bỏ vì cho rằng không thể thụ lý vì pháp luật không cho phép.

Ngày 5 tháng 1 năm 2010 ông bị bắt với lý do tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong đó có đơn kiện Thủ tướng của ông bị cho là vu khống lãnh đạo.

Tết đến nhớ nhà, nhớ tổ quốc Việt Nam nhớ cái nơi mình đã được sinh ra cũng như toàn thể người thân trong gia đình kể cả những người đã khuất. Có thể nói nó vô cùng chộn rộn trong lòng tôi nhưng đó cũng là động lực để thúc đây tôi đấu tranh mạnh hơn nữa.
-TS Cù Huy Hà Vũ

Sang Mỹ trong hai năm qua, mặc dù hoạt động tranh đấu của ông chưa bao giờ ngừng nhưng mỗi khi tết đến xuân về, nhìn bông tuyết bay tràn ngập thủ đô Washington DC, ông và vợ là Luật sư Dương Hà lại nghĩ đến gia đình mà buồn bã.

Tâm trạng một con người bình thường trước đất trời thay đổi báo hiệu một mùa xuân hạnh phúc cho người khác nhưng đối với mình thì hai tiếng hạnh phúc ấy xem ra còn quá xa khi gia đình chưa thật sự sum họp, đất nước vẫn còn trong cơn ly tán. TS Cù Huy Hà Vũ là hình ảnh của một trí thức lưu vong mới nhất sau khi làn sóng vượt biên tìm tự do 40 năm trước bắt đầu.

Chỉ khác một điều ông không chọn lưu vong mà chế độ chọn cho ông. Chấp nhận nó trong hoàn cảnh khó khăn nhất không phải là một chọn lựa dễ dàng:

“Đương nhiên tôi lúc nào cũng rất là nhớ Việt Nam. Nhớ căn nhà mà tôi đã ở từ nhỏ cho tới khi bị bắt vào năm 2010. Tôi nhớ các con tôi bây giờ vẫn còn cháu lớn của tôi là Cù Huy Xuân Đức đang ở tại nhà tôi tại 24 Điện Biên Phủ Hà nội. Tôi nhớ tất cả những người thân của tôi kể cả những người đã mất đó là bố mẹ tôi, nhà thơ Huy Cận và mẹ tôi là bà Xuân Như em ruột nhà thơ Xuân Diệu. Có thể nói Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội, căn nhà của chúng tôi nói riêng nó đi vào máu thịt của tôi rồi thành ra trong mọi trường hợp đi đâu xa nhà năm bữa nửa tháng thì đối với tôi là chuyện vạn củng bất đắc dĩ.

Trong trường hợp tôi đây đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Đấu tranh vì ngày mai của Việt Nam vì mọi người dân Việt Nam sống trong một bầu không khí tự do hạnh phúc. Không có sự lo sợ vì đàn áp từ phía chính quyền.

Có thể nói cuối năm tết đến nhớ nhà, nhớ tổ quốc Việt Nam nhớ cái nơi mình đã được sinh ra cũng như toàn thể người thân trong gia đình kể cả những người đã khuất. Có thể nói nó vô cùng chộn rộn trong lòng tôi nhưng đó cũng là động lực để thúc đây tôi đấu tranh mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa để trong tương lai gần tôi có thể trở về trong tự do trong chiến thắng của nhân quyền.”

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Cùng cảnh ngộ với TS Cù Huy Hà Vũ, nhà báo tự do, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị trục xuất sang Mỹ vào ngày 24 tháng 10 năm 2014 gần ba tuần lễ sau khi TS Cù Huy Hà Vũ đến Mỹ.

Blogger Điếu Cày là thành viên đồng thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do vào năm 2007 tới năm 2008 khi phong trào chống đối Trung Quốc do xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa và Olympic của Bắc Kinh trong năm này có rước đuốc ngang thành phố Hồ Chí Minh, Điếu Cày là một trong hàng trăm người biểu tình chống đối và bị theo dõi, khó dễ sau đó.

Những bài viết của Câu lạc bộ nhà báo tự do bên cạnh việc chống Trung Quốc còn có các nhận định về chính trị, xã hội của Việt Nam đã làm cho Điếu Cày và những người cộng tác với anh như Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải nhận chung bản án tuyên truyền chống đối nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Thực ra công việc nhiều khi nó cũng lôi mình đi để nó bớt thời gian suy nghĩ về đất nước, gia đình, nhưng mà đúng, quả thật là có nhiều khi rất nhớ anh em trong nước nhớ bạn bè, người thân.
-Blogger Điếu Cày

Điếu Cày từng được tổ chức Human Rights Watch trao tặng giải Hellman/Hammett là nhà văn đã bị bách hại vì những bài viết của mình. Ngày 1 tháng 5 năm 2015, blogger Điếu Cày được tổng thống Mỹ Obama mời vào Nhà Trắng tham dự họp báo nhân dịp ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không sống ở thủ đô nước Mỹ nhưng anh lại sống tại trung tâm tỵ nạn của người Việt là Little Saigon nơi có phố Blosa được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn. Tuy vậy nắng ấm Cali không thể nào bằng nắng ấm Saigon trong tận cùng sâu thẳm của nhận thức nhất là khi tết đến xuân về. Nói với chúng tôi về sự thiếu vắng đó, Điếu Cày chia sẻ:

“Chính xác là như vậy! Thực ra công việc nhiều khi nó cũng lôi mình đi để nó bớt thời gian suy nghĩ về đất nước, gia đình, nhưng mà đúng, quả thật là có nhiều khi rất nhớ anh em trong nước nhớ bạn bè, người thân. Đặc biệt là những người cùng chí hướng với mình từ thời gian đầu đã tham gia đấu tranh cùng với mình và bây giờ anh em vẫn còn ở trong nước. Hàng ngày hàng giờ cứ bị theo dõi, đàn áp hoặc gây khó khăn trong cuộc sống của họ.

Mặc dù là ở bên này nhưng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với một số anh em ở bên trong. Những ngày tết đến thấy không khí ở trong ấy đang rộn rã đón xuân nhưng mà cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều anh em vẫn bị canh chừng ở nhà, cuộc sống rất khó khăn. Tiếc là mình không có khả năng để làm được hết mọi việc cho anh em bên trong cho nên cũng suy nghĩ nhiều lắm. Rất là muốn về cùng với anh em ở Sài Gòn, được hưởng cái nắng ở Sài Gòn, gặp gỡ bạn bè cafe vỉa hè. Tất cả những cái đó chỉ là cái niềm mong đợi làm sao sớm được trở về với quê hương.”

Blogger Tạ Phong Tần

Bà Tạ Phong Tần tại phòng thu đài ACTD hôm 21/10/2015
Bà Tạ Phong Tần tại phòng thu đài ACTD hôm 21/10/2015
RFA photo

Tạ Phong Tần là một phụ nữ đặc biệt, một khuôn mặt nổi trội trong hàng chục phụ nữ tranh đấu tại Việt Nam. Nguyên là một sĩ quan công an, Tạ Phong Tần sau khi thấy được bản chất và sự lộng quyền của ngành này trong nhiều lĩnh vực chị đã dứt áo ra ngoài cuộc sống dân sự mặc dù khó khăn bao vây lấy chị không một phút thảnh thơi.

Trên trang blog của mình có tên Công lý và sự thật, Tạ Phong Tần có nhiều bài viết thẳng thắn nêu lên những sai phạm của chế độ và những bài viết này là nguyên nhân đưa đến sự bắt giữ chị vào tháng 9 năm 2011.

Tạ Phong Tần được hai giải thưởng quan trọng, Giải thưởng Báo chí 2013 của Index on Censorship, tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tự do báo chí có trụ sở tại London Anh Quốc. Cũng trong năm 2013 nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, Tạ Phong Tần được Bộ Ngoại giao Mỹ nhìn nhận là một trong 10 người phụ nữ “chứng tỏ sự dũng cảm đặc biệt và khả năng lãnh đạo để vận động cho quyền và sức mạnh phụ nữ, bất chấp rủi ro cá nhân".

Người phụ nữ đầy can đảm ấy cũng bị trục xuất thẳng từ nhà tù sang Mỹ vào ngày 19 tháng 9 năm 2015 và cái tết Bính Thân là cái tết xa quê hương đầu tiên của chị.

Tuy nhiên, là một phụ nữ luôn sống trong thực tế với những cái tết buồn bã trước đây tại Việt Nam, Tạ Phong Tần không mấy quan tâm tới cái gọi là truyền thống khi ngày tết luôn là nỗi lo canh cánh cho mọi người, nhất là chị, cộng với nỗi lo bị công an sách nhiễu.

Trong thời gian ở Việt Nam tôi chưa thấy có cái tết nào vui hết. Nhà mình khó khăn thành ra tết luôn lo toan, chạy vạy đủ thứ. Cái tết năm nay qua bên này mới cảm thấy thoải mái tại vì mình không phải lo cái gì cả. Tết ở Việt Nam buồn nhiều hơn vui. Ở Việt Nam thì đến nhà chị Dương Thị Tân chơi hay là đến nhà thờ Kỳ Đồng chúc tết sinh hoạt chung với anh em tín hữu ở nhà thờ Kỳ Đồng. Thật ra thời kỳ hồi còn ở Việt Nam bọn công an  nó bao vây cấm vận, nó ngăn chặn không ai dám quan hệ qua lại, không ai dám giao tiếp với mình hết chứ không phải như bên này mọi người gặp nhau thoải mái vui vẻ gặp nhau rất đông vui.

Tôi cũng hy vọng rằng trong thời gian tới người dân Việt Nam được hưởng những mùa xuân vui tươi ấm áp, thoải mái vui vẻ giống như những người Việt đang ở Bolsa này chứ không phập phồng lo sợ những chuyện khác.”

Ba con người cùng hoàn cảnh nhưng nhận thức khác biệt và mỗi người một lo âu cho vận mệnh dân tộc, tuy nhiên cái chung của họ là luôn nghĩ về tương lai quê nhà ngay cả khi tương lai của họ trên đất khách không có gì là chắc chắn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.