Hết lạc quan với Syria, các đại cường sẽ làm gì?

Việt-Long,- Thanh Quang- Nam Nguyên, RFA
2013.06.06
Quân chính phủ Syria tiến chiếm al-Qusair, 4 tháng 6, 2013
en.alalam.ir photo

Quân đội Syria vừa tái chiếm thành phố Qusair ở phía bắc Damascus, trong lúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu EU với Nga kết thúc giữa những bất đồng về Syria và về vấn đề năng lượng. Hai sự kiện này có quan hệ như thế nào?

Quả là có mối quan hệ nhân quả giữa vấn đề Syria với thượng đỉnh Nga Âu. Mối bất đồng về Syria giữa Nga với châu Âu và Hoa Kỳ đã tồn tại từ lâu, và càng nổi rõ khi EU quyết định cho lực lượng nổi dậy ở Syria được nhận vũ khí từ bên ngoài đưa vào, và Pháp với Anh tuyên bố có bằng chứng về việc quân chính phủ sử dụng chất độc giết người Sarin. Ttừ lâu nay Nga và Trung Quốc vẫn không muốn Syria rơi vào vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ và châu Âu một khi chế độ Bashar al Assad sụp đổ. Hai nước đã hai lần phủ quyết nghị quyết của HĐBA lên án chính phủ Bashar al-Assad.

Bàn cờ chính trị thế giới

Lý do để Nga bênh vực Syria là Hoa Kỳ và châu Âu đã chiếm ảnh hưởng rộng lớn ở Trung Đông sau cuôc chiến Iraq. Nước xuất khẩu dầu khí nhiều nhất trên thế giới là Á Rập Xê-Út đã là quốc gia Hồi giáo thân Mỹ bậc nhất. Thổ Nhĩ Kỳ ở trong khối NATO. Israel là đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Jordan, Lebannon, Kuweit, Bahrain, Qatar, các Tiểu vương quốc Á Rập thống nhất, đều thân Âu Mỹ hơn với Nga, vì Hoa Kỳ và châu Âu là khách hàng của họ, trong khi Nga là đối thủ cạnh tranh. Với hai nước lớn ở Trung đông là Iran và Syria chống Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc không muốn Âu Mỹ chiếm phần ảnh hưởng ở Syria.

Quốc tế đang lên án chế độ Bashar Al-Assad tàn sát dân của chính họ, mà con số tử vong nay đã lên đến hơn 80 ngàn, nhưng trên bàn cờ quốc tế người ta thường thấy sự lên án như vậy chỉ có ảnh hưởng về tinh thần hay để chuẩn bị cho một sự can thiệp quân sự trực tiếp hay gián tiếp.

Chính quyền và chế độ chính trị bị lên án có tồn tại hay không vẫn tuỳ thuộc vào sức mạnh và sự trung thành với chính phủ của lực lượng quân sự và an ninh của quốc gia đó . Châu Âu không có nhiều lợi lộc ở Syria cho bằng sự khao khát của Israel về sự cáo chung của chế độ độc tài Bashar al-Assad. Nhưng Liên Âu nóng lòng là vì họ cũng như Hoa Kỳ phải bảo vệ Israel trước khối Hồi giáo, vì lý do tinh thần và tôn giáo cũng như lý do địa chính trị và chiến lược.

Riêng Israel thì phải ở vào thế tử thủ để sống còn, tuy thời gian gần đây Syria không tỏ ra chống Israel gay gắt như xưa kia, vào khi Ai cập là nước lân cận đã thoả hiệp sống chung hoà bình với Israel.  Dù vậy Syria vẫn yểm trợ cho lực lượng Hezbollah ở Lebannon. Xứ này thân phương Tây và chấp nhận Israel như một nước láng giềng thân cận, nhưng không trị được lực lượng vũ trang Hồi giáo Hezbollah, một lực lượng quân sự và chính trị mạnh mẽ được Iran yểm trợ. Hezbollah chủ trương chống Israel quyết liệt, yểm trợ cho lực lượng Hamas cực đoan ở Palestine. Hezbollah còn đưa hàng ngàn quân tham chiến bên cạnh quân đội Damascus, và là lực lượng quyết định trên nhiều chiến trường, trong đó mới nhất là trận al-Qusair.

Vi thế hai lần Israel oanh tạc vào lãnh thổ Syria lúc gần đây đều là để ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí nguy hiểm từ Syria sang nam Lebannon, nơi hùng cứ của Hezbollah. Liên Âu và Mỹ cần hoá giải vai trò của Syria, một nhân tố làm xáo trộn tình hình Trung đông.

Yếu tố địa lý chính trị

Ngược lại, Liên Bang Nga cần duy trì quan hệ với Syria như một bạn hàng có nhiều tiền mua vũ khí của Nga; thêm vào đó về phương diện địa chính trị Nga luôn luôn phải giữ vững sự cân bằng chiến lược đối với phương Tây.

Trên bàn cờ chính trị ở Trung đông và châu Phi thì Trung Quốc đứng cùng phía với Nga, vì Trung Quốc là nước khát dầu nhất thế giới, họ cần dầu khí ở Trung đông cũng như ở Nga và cả biển Đông của Việt Nam. Cho nên Trung Quốc và Nga chống lại mọi hành vi can thiệp thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ độc tài Bashar al Assad. Hai nước này đã ba lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo An lên án Syria.

Trong bối cảnh đó, Pháp và Anh vừa lớn tiếng tố cáo Damascus sử dụng chất độc sarin, một hành vi được coi là “vượt đèn đỏ”, tạo lý do cho NATO can thiệp.  NATO có vẻ như đang chuẩn bị can dự vào Syria bằng cách yểm trợ vũ khí và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy, và có thể thiết lập một hành lang cấm bay. Vì thế Tổng thống Bashar al Assad vội tuyên bố Nga đang hay sắp thi hành khế ước bán vũ khí cho Syria, ngụ ý Syria sẽ có hệ thống phòng không S-300, các người hãy coi chừng!

Tuy vậy, sau đó trong thượng đỉnh Nga-Âu Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga vẫn giữ lại vũ khí, chưa vội thi hành hợp đồng đó.  Israel từng sang Moscow để thương lượng việc này, cũng nói Nga sẽ không đưa hệ thống S-300 sang Syria trước năm 2014. Nguyên do và y nghĩa của sự kiện này là gì?

Tổng thống Putin lên án châu Âu làm thay đổi cán cân lực lượng ở Syria khi tạo lý cớ để đưa vũ khí vào cho quân nổi dậy và thúc đẩy Hoa Kỳ lãnh đạo NATO lập hành lang cấm bay, can thiệp giống như ở Kosovo và Libya. Ông Putin nói vũ khí của Nga cũng có thể giữ hay làm mất thế cân bằng lực lượng trong tình thế như vậy, nhưng ông xác nhận là chưa thực hiện hợp đồng vũ khí, sau khi châu Âu cao giọng cảnh báo Nga về việc đưa S-300 vào cho Damascus.

Tổng thống Nga dường như có ý cảnh cáo Israel nhiều hơn là nói với Liên Âu, sau hai lần Israel oanh tạc vào các kho vũ khí trên lãnh thổ Syria để phá vỡ kế hoạch Syria chuyển vũ khí nguy hiệm cho quân Hezbollah.

Trong khi đó thì Damascus nói sẵn sàng tham dự hội nghị quốc tế về Syria, nhưng các lực lượng nổi dậy không chịu tham dự.

Không lạc quan

Khó có thể đưa ra một kết luận tạm cho tình hình tại Syria vào lúc này. Tuy nhiên, khi Hoa Kỳ nói vẫn còn cần thêm bằng chứng về việc Damascus sử dụng vũ khí hoá học, thì NATO khó có thể can thiệp trực tiếp vào Syria. Quan sát tình hình chiến trường cũng như tương quan lực lượng giữa phía nổi dậy chia rẽ và ô hợp so với bên quân đội chính quy của Bashar al Assad có quân Hezbollah yểm trợ, người ta khó nói chế độ của Tổng thống Bashar Al Assadsắp sụp đổ hay thay đổi . Sự yểm trợ của Hoa Kỳ đã khó khăn, thì sự can thiệp của châu Âu cũng sẽ không dễ dàng xảy tới.

Tuy vậy người ta không loại trừ cơ hội của những diễn tiến bất ngờ, khi lực lượng nổi dậy lâm vào thế tuyệt vọng. Những diễn tiến đó có thể là sự can thiệp của NATO mà trong đó Hoa Kỳ đứng ở vị trí yểm trợ gián tiếp. Nhất là hành động can thiệp rộng lớn của không quân Israel một khi quân kháng chiến ở Syria rơi vào tình trạng sắp bị tiêu diệt dưới tay quân chính phủ với sự tiếp trợ hùng hậu của quân Hezbollah.

Dù sao chăng nữa, có thể nói tình hình Syria đến nay không mấy lạc quan cho phương Tây và phía nổi dậy. Thất thủ al-Qusair là một thất bại chiến thuật nặng nề của quân kháng chiến, đã đổi chiều thắng bại trên chiến trường, mà hậu quả kéo dài ít ra cũng trong nhiều tháng sắp tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.