Ai đứng sau chuyện dời văn phòng các tổ chức Khmer Krom?

Để đáp ứng yêu cầu của quan chức cao cấp Bộ Nội Vụ Campuchia, các tổ chức Khmer Krom bị buộc phải dời văn phòng ra khỏi chùa với lý do chùa là một nơi yên tĩnh và thờ phượng.
Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2011.03.14
khmer-305-qv.jpg Sư Thạch Ha Saman trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do tại chùa Samaki Raingsey sáng ngày 14/03/2011.
Photo by Quoc Viet/RFA

Nhưng các tổ chức Khmer Krom này cho rằng, đây là động thái tiêu diệt sắc tộc người Khmer Krom từ Việt Nam chạy sang Campuchia.

Các sư sãi và Tổ chức nhân quyền Khmer Kampuchia Krom cương quyết bảo vệ sự tồn tại trụ sở văn phòng của mình tại chùa Samaki Raingsey mặc dù bên Ban quản trị và quyền trụ trì ép buộc phải di dời dưới sự chứng kiến của các công an chính quyền địa phương hồi sáng thứ hai, ngày 14 tháng 3.

Giám đốc Hội Bằng hữu Khmer Kampuchia Krom Thạch Sang cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã nhận được giấy thông báo của ông Thuôn Saren, tự xưng là đại diện Ban quản trị chùa Samaki Raingsey nói rằng Phó Tổng cục Công an Quốc gia Sok Phal và Vụ trưởng Vụ an ninh của Bộ Nội Vụ Campuchia Chhay Sinarith đã chỉ đạo cho ba tổ chức Khmer Krom gồm có Hiệp Hội sư sãi Khmer Kampuchia Krom, Hội Bằng hữu Khmer Kampuchia Krom và Hiệp Hội bảo vệ Nhân quyền Khmer Kampuchia Krom buộc phải dời văn phòng ra khỏi chùa.

Họ nói gì cũng liên quan đến Bộ Nội Vụ, Phó Tổng cục Công an Quốc gia Sok Phal, Vụ trưởng vụ an ninh Chhay Sinarith. Chúng tôi sẽ gửi đơn lên Bộ Nội Vụ để yêu cầu giải thích sự việc, Bộ yêu cầu hay cá nhân họ tự yêu cầu.

Ông Thạch Sang

Ông Thạch Sang nói rằng, các tổ chức Khmer Krom không phải là đảng phái chính trị và họ không bao giờ lợi dụng địa phận chùa Samaki Raingsey để làm chính trị chống đối chính quyền Campuchia hay chính phủ Việt Nam, tuy nhiên các hoạt động tổ chức này là đấu tranh chống sự áp bức và đang vận động nhân quyền cho Việt Nam. Việc ông Thuôn Saren lấy tên lãnh đạo cao cấp trong Bộ Nội Vụ Campuchia kích động dân và sư sãi trong chùa cho phân biệt sắc tộc là động thái đe dọa đến tinh thần sư sãi và các tổ chức nhân quyền Khmer Krom. Đặc biệt, động thái này đang chia rẽ khối đoàn kết giữa chính phủ Campuchia và cộng đồng người Khmer Krom.

Do Bộ Nội Vụ chỉ định?

Ông Thạch Sang nhận định, “Họ nói gì cũng liên quan đến Bộ Nội Vụ, Phó Tổng cục Công an Quốc gia Sok Phal, Vụ trưởng vụ an ninh Chhay Sinarith. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi không làm gì đụng tới Chính phủ. Việc đóng cửa Hiệp Hội sẽ ảnh hưởng đến sắc tộc người Khmer Krom sống ở Campuchia. Chúng tôi sẽ gửi đơn lên Bộ Nội Vụ để yêu cầu giải thích sự việc, Bộ yêu cầu hay cá nhân họ tự yêu cầu. Nếu như chúng tôi vi phạm Luật pháp, và Bộ yêu cầu đóng cửa hoặc di dời, thì chúng tôi sẽ tuân theo.”

khmer-250-qv.jpg
Trụ sở văn phòng Hiệp Hội sư sãi Khmer Kampuchia Krom tại chùa Samaki Raingsey, ảnh chụp hôm 14/3/2011. Photo by Quoc Viet/RFA
Trụ sở văn phòng Hiệp Hội sư sãi Khmer Kampuchia Krom tại chùa Samaki Raingsey, ảnh chụp hôm 14/3/2011. Photo by Quoc Viet/RFA
Sư Thạch Ha Saman, thành viên Hiệp Hội sư sãi Khmer Kampuchia Krom trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do tại chùa trong lúc Ban quản trị và quyền trụ trì đòi di dời văn phòng Hiệp Hội rằng, đại diện Ban quản trị và quyền trụ trì chưa được Ban quản trị và sư sãi trong chùa bầu chọn. Còn việc sử dụng tên quan chức cao cấp để dời văn phòng các Hiệp Hội đang có trụ sở tại nhà chùa là một hành động thiếu khiêm tốn, không tôn trọng tinh thần người Khmer Krom, bất đồng với tất cả sư sãi trong chùa và những thành viên đang sống lưu vong ở nhiều nơi.

Sư Thạch Ha Saman cho biết rằng, có Hiệp Hội Khmer Krom là sắc tộc người Khmer Krom từ Việt Nam chạy sang Campuchia còn tồn tại, đồng thời cũng góp phần chứng minh rằng, Chính phủ Hoàng gia Campuchia tôn trọng nhân quyền, tạo điều kiện cho dân tộc thiểu số Khmer Krom, nắm bắt tình hình, phối hợp giải quyết kịp thời những nảy sinh trong cộng đồng ở những địa bàn, góp phần giúp người Khmer Krom yên tâm, ổn định cuộc sống. Đặc biệt hơn, thế giới sẽ nhìn thấy rằng, Chính phủ không kỳ thị sắc tộc người Khmer Krom trong lúc Việt Nam có tới 20 Hiệp Hội trên 24 tỉnh thành của Campuchia.

Sư Thạch Ha Saman nêu lên vai trò của Hiệp Hội và tổ chức Khmer Krom, “đã giúp người Khmer Krom khá nhiều, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi cho người Khmer Krom từ Việt Nam chạy sang Campuchia. Bảo vệ quyền lợi người Khmer Krom sống ở Việt Nam bị Chính phủ đàn áp, hâm dọa, bắt bỏ tù bằng cách viết đơn khiếu nại lên Sứ quán Việt Nam tại Campuchia, để sứ quán Việt Nam can thiệp, thúc đẩy chính quyền địa phương tôn trọng nhân quyền…”

Đại diện Ban quản trị Thuôn Saren khẳng định, Vụ trưởng Vụ an ninh Bộ Nội Vụ Campuchia Chhay Sinarith chỉ đạo rằng, ông muốn thấy chùa Samaki Raingsey trở thành một nơi yên tĩnh để phật tử thờ phượng và có trường học, chứ không phải là địa danh làm chính trị. Nếu người nào muốn làm chính trị, thì họ nên chọn nơi khác để làm.

Căn cứ vào nhận định trên, đại diện Ban quản trị Thuôn Saren quyết định rằng, kể từ nay trở đi chùa Samaki Raingsey không cho phép có văn phòng hay tổ chức hoạt động của Công ty, Tổ chức-Hiệp Hội hoặc đảng phái chính trị, ngoại trừ việc tổ chức lễ theo nghi thức phật giáo và hoạt động nhân đạo của Hội chữ Thập đỏ. Ông nói rằng, mọi hoạt động phải tuân thủ Luật pháp và tôn trọng lẫn nhau, tránh trường hợp chụp mũ ông là người làm việc cho đảng Nhân dân Campuchia đang cầm quyền hay Chính phủ Cộng sản Việt Nam.

Liên quan lời khẳng định của Ban trị sự chùa, Đài Á Châu Tự Do không thể liên lạc Vụ trưởng Vụ an ninh Bộ Nội Vụ Campuchia Chhay Sinarith, còn Phó Tổng cục Công an Quốc gia Campuchia Sok Phal trả lời rằng, ông đang công tác ngoài nước.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.