Ai là thủ phạm vụ nổ ở Boston?

Việt-Long, RFA
2013.04.18
blast Một nạn nhân được cấp cứu sau vụ nổ
AFP photo

Đang truy lùng

3 người chết, 183 người bị thương là con số mới nhất tính tới chiều tối hôm thứ tư về tổn thất do trái nổ tự chế gây ra hôm thứ hai ở Boston.

Báo chí trên khắp thế giới hôm nay cũng đăng hình ảnh phần còn lại của một chiếc lò áp suất sau khi nổ và tung các mảnh kim loại gồm những đinh, ốc, mảnh và bi thép để sát thương tối đa. Cuộc điều tra được coi là còn trong giai đoạn sơ khởi, theo Trưởng phòng FBI tại Boston là Rick DesLauriers.

Theo Cơ quan Điều tra Liên bang FBI thì chưa thể xác nhận thủ phạm là người Mỹ hay người nước ngoài, vụ khủng bố do các phần tử cực đoan của Mỹ gây ra hay tổ chức khủng bố toàn cầu Al Qaeda gây ra. Tuy nhiên hôm qua truyền hình Mỹ cho biết cơ quan công lực đang tìm tung tích một người da đậm màu, mặc áo lạnh có mũ trùm đầu, trước khi nổ đã tìm cách chen vào khu vực hạn chế.

4 giờ chiều thứ hai. các nhân viên điều tra tin rằng họ tìm ra và định căn cước một nghi can thủ phạm, tin này do một nhân viên có lẽ là cao cấp vì là người được thuyết trình về việc đó, đã báo riêng cho CNN biết. Nhân viên an ninh phân tích một đoạn video của một công ty bán lẻ ở gần trái nổ thứ hai đã cho là họ phát hiện thủ phạm. Một video của đài truyền hình Boston cũng đóng góp vào tiến trình này. Nguồn tin không nói rõ thêm chi tiết, nhưng cho rằng đây là một phát hiện rất nhiều ý nghĩa.

Sáng thứ năm, nhà chức trách chú trọng tìm hai người được thấy trong nmáy thu hình. Một trong hai người đã đặt chiếc bao màu đen rồi thoát đi ngay trước khi hai trái bom phát nổ. Cơ quan điều tra cũng không nói cái bao đen có phải là trái nổ thừ nhì hay không.

Ngày hôm sau cơ quan chức năng cho biết đó chỉ là một nghi can có hảnh vi khả nghi, chưa tìm ra tung tích cũng như số điện thoại và nội dung cú điện thoại vào lúc ấy.

Cái “nếp” của hung đồ

Nổ bom chứa trong nồi áp suất là việc mà có lẽ người ta thấy lần đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên cách nay hai năm một tạp chí trên mạng của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã đăng bài chỉ dẫn cách làm bom như vậy. Bom chứa trong nồi áp suất và kích nổ từ xa sẽ gây sát thương nhiều hơn loại trái nổ để trong ống sắt, như sườn xe đạp hay ống nước, mang bề ngoài vô hại.

Kẻ sáng lập tạp chí đó là Awlaki, đã bị máy bay viễn khiển của Mỹ hạ sát tại Yemen năm 2011. Tuy nhiên, một cách dè dặt với 60% xác suất, có thể nói vụ nổ này do các phần tử cực đoan của nước Mỹ gây ra.

Có nhiều dữ kiện liên quan với nhau đưa đến kết luận sơ khởi như trên. Dữ kiện thứ nhất, ngày thứ hai 15 tháng tư là ngày Ái Quốc của tiểu bang Massachussettsm, được ấn định nhằm ngày thứ hai của tuần lễ thứ ba, tháng 4 hằng năm. Xin đừng lầm với ngày Ái Quốc toàn quốc Hoa Kỳ nhằm ngày khủng bố 11 tháng 9.

Tổng thống Obama nói đó là ngày kỷ niệm tinh thần độc lập mạnh mẽ mà thành phố Boston đã chứng tỏ trong lịch sử. Ngày này là để tưởng niệm những trận chiến khai mở cho cuộc chiến tranh cách mạng của người Mỹ để giành độc lập từ tay người Anh. Đó là trận Lexington-Concord ở Massachussetts ngày 19 tháng 4 năm 1775. Các tổ chức và cá nhân cực đoan ở nước Mỹ thường tự nhận là thành phần yêu nước Mỹ và bảo vệ quyền tự do của công dân.

Cuộc chạy đua marathon là tập tục hằng năm của Boston để kỷ niệm ngày Ái quốc. Riêng kỳ marathon năm nay còn mang thêm nhiều ý nghĩa, vì đoạn đường đua dài 26 miles, được tổ chức để tưởng niệm 26 người thiệt mạng tại Connecticut cách đó đúng 4 tháng.

Nhiều vụ thảm sát tại Hoa Kỳ cũng xảy ra trong tháng tư, có thể lược kê: vụ nổ bom khủng bố ở Oklahoma City vào ngày 19 tháng này, năm 1995, vụ tấn công nhóm tôn giáo cực đoan ở Waco, Texas cũng vào ngày 19, là đúng ngày Ái quốc ở Oklahom và Texas vào năm đó. Rồi đến vụ bắn giết ở trường Columbine tại Colorado vào ngày 20.

Còn nữa: cư dân Virginia không thể quên vụ bắn giết ở đại học Virginia Tech vào ngày 16 tháng tư năm 2007. Vụ thảm sát ở Virginia Tech và Waco rơi vào hai ngày thứ hai, là ngày Ái Quốc của những năm đó tại VA và TX. Vụ nổ Boston xảy ra ngày thứ hai vừa rồi, như mang nếp quen thuộc của những vụ tàn sát vừa kể.

Vụ thảm sát gần đây nhất là ở trường tiểu học Sandy Hook tại Newtown, Colorado cách nay đã bốn tháng tròn.

Adam Lanza bắn chết người mẹ của nó tại giường ngủ trước khi tàn sát 26 học sinh và cô giáo ở trường Sandy Hook, rồi quay súng tự sát, chỉ 5 phút sau khi khai hỏa giết người.

Những gương xấu  
Quang cảnh hiện trường chiều 15 tháng 4, 2014 - wset.com photo
Quang cảnh hiện trường chiều 15 tháng 4, 2014 - wset.com photo
wset.com photo

Adam Lanza có thể không mang đầu óc cực đoan, nhưng là điển hình cho những thành phần điên rồ vì vũ khí, làm gương xấu cho kẻ dữ noi theo. Những “kẻ dữ” ở Mỹ đầy rẫy trong những tổ chức cực đoan, chống chính phủ, bí mật hay công khai hoặc bán công khai. trong vòng 4 năm tính tới 2012, những tổ chức này đã gia tăng số lượng gấp gần 10 lần so với năm 2008, lên tới 1 ngàn 360 nhóm. Khó biết về nhân số của mỗi nhóm này được bao nhiêu, có thể chỉ một vài người, có khi lên đến cả trăm người, và hầu hết đều có võ trang. Năm nay người ta dự đoán số nhóm cực đoan còn tăng vọt thêm nữa trước viễn ảnh vũ khí tư nhân sẽ bị chính quyền kiểm soát và hạn chế sử dụng.

Về cách làm bom chứa trong nồi áp suất thì chẳng phải chỉ có Al-Qaeda mới chỉ dẫn, mà ai cũng có thể tìm thấy đầy rẫy trên mạng Internet. Hay nói cách khác nồi áp suất chỉ là một phương tiên để tăng sức công phá của chất nổ, để tung những mảnh kim loại đi mạnh hơn và xa hơn, còn thì điều quan trọng và vấn đề chế tại chất nổ mạnh để bỏ vào trong đó và kích nổ theo giờ.

Vụ nổ này giữa đám đông gây sát thương như vậy thì sức công phá chỉ hơn đô chút so với một trái lựu đạn M26, hay một trái đạn súng cối 81 mm trước đây dùng trong chiến tranh. Vì thế chất nổ có thể là loại thô sơ, tự chế.

FBI nói chất nổ không phải là plastic C4 hay một chất plastic nào khác, nhưng chưa xác định được là loại nào. Nếu chất nổ là plastic C4 thì một nồi áp suất đó có thể phá sập nhà, người đông đảo quanh đó chết hết chứ không phải chỉ có 3 người.

Dân chủ hàng đầu, càng nhiều cực đoan?

Trở lại vấn đề, tại sao ở Mỹ là nước dân chủ hàng đầu của thế giới mà lại có những nhóm cực đoan chống chính phủ nhiều như vậy?

Có ý kiến cho rằng vì dân chủ quá nên mới nảy sinh nhiều phần tử cực đoan chống chính phủ và những kẻ tàn sát tập thể như vậy. Hiến pháp Mỹ cho quyền người công dân được tự do sở hữu vũ khí, cả vũ khí tấn công tối tân,  nên mới xảy ra tàn sát tập thể.  Xưa kia thì động lực là kỳ thị chủng tộc, như tổ chức Ku-Klux-Klan là điển hình, nhưng ngày nay số nhóm kỳ thị và thù ghét, sách nhiễu người di dân da màu và cả da trắng đã giảm tới 90% kể từ năm 2010, chỉ còn 38 nhóm hoạt động.

Những nhóm cực đoan ngày nay gồm những kẻ mệnh danh là những người yêu nước nhưng lại chủ trương vô chính phủ, chống lại luật pháp và cơ quan công lực mà họ cho là công cụ của Nhà nước để tước đoạt quyền tự do cá nhân và quyền công dân

Nếu thủ phạm là một nhóm cực đoan thì động lực gần nhất là muốn lặp lại và nhắc nhở lại những ngày bạo loạn tàn sát trong tháng tư, gần nhất là vụ 26 người chết ở Connecticut, nối tiếp một loạt những vụ tàn sát giết hằng chục người vô tội.

Ngoài ra những kẻ cực đoan có thể đã muốn hành động trước khi các biện pháp kiểm soát và hạn chế vũ khí trở thành luật, do hành pháp Hoa Kỳ chủ trương và thúc đẩy.

Tất cả những điều trình bày kể trên chỉ là giả thuyết và suy đoán với sự dè dặt thường lệ, tuy là dựa trên những dữ kiện thực tế.

Cơ quan an ninh chuyên nghiệp chỉ có thể đưa ra một nghi can khi có những bằng chứng cụ thể và khách quan, mà đến nay chưa tìm thấy một manh mối nào đáng gọi là một sự đột phá.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.