Hội thảo "Bài toán Trung Quốc đối với Việt Nam"

Một cuộc hội thảo nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Trung Quốc tìm cách áp đặt chủ quyền trên một phần đất - biển của Việt Nam, đã được một nhóm tranh đấu cho dân chủ tổ chức ở Hoa Kỳ hôm thứ Bảy vừa qua.
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
2008.07.15
Youth-Vietnamese-protest-China-12092008-305.jpg Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc hôm 9-12-2007 để phản đối việc Bắc Kinh hợp thức hóa việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Photo courtesy of Dũng Đô Thị's blog.

Mấy năm vừa qua người Việt trong và ngoài nước nhiều lần công phẫn trước những thông tin Trung Quốc áp đặt chủ quyền trên một phần đất - biển của Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình của dân chúng đã diễn ra ở Việt Nam lẫn hải ngoại, nhất là sau khi Bắc Kinh có quyết định thành lập khu hành chính Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Mới đây, tại hải ngoai, cuộc hội thảo về vấn đề Trung Quốc và Việt Nam được một nhóm tranh đấu cho dân chủ tổ chức ở Miền Đông Hoa Kỳ. Nhã Trân có mặt tại chỗ và ghi nhận sau đây.

Tham vọng bá quyền của Bắc Kinh

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tổ chức cuộc hội thảo với tiêu đề "Bài toán Trung Quốc đối với Việt Nam" ở Mason District Governmental Center, tại thành phố Annandale, Bang Virginia, chiều thứ Bảy 12-7 vừa qua.

Cuộc hội thảo quy tụ khoảng 100 nhân sĩ của cộng đồng tổ chức người Việt, hầu hết ở Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng có một số khách đến từ Châu Âu và Canada, trong đó có các nàh hoạt động dân chủ và các nhà báo.

Lược thuật về vị trí chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế hiện nay, ông Nguyễn Văn Hiệp, người phát ngôn của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và cũng là Chủ Tịch Phân Bộ Bắc Mỹ của tổ chức này, nói rằng sau Thế Chiến II thì Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và trở thành một mối nguy cho thế giới vì tham vọng bá quyền, đặc biệt đối với Việt Nam.

Đối với Việt Nam, bài toán với người láng giềng khổng lồ Phương Bắc đã được đặt ra từ ngàn xưa. Lời giải cho bài toán cũng biến thiên qua dòng lịch sử thăng trầm hơn bốn ngàn năm của dân tộc, luôn gắn liền với lợi ích của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Hiệp

Bắc kinh đã và đang lấn chiếm nhiều phần lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, thế nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa có phản ứng thích đáng. Vì vậy người dân Việt mọi nơi cần đoàn kết để tìm giải pháp đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc:

Ông Nguyễn Văn Hiệp nói: “Đối với Việt Nam, bài toán với người láng giềng khổng lồ Phương Bắc đã được đặt ra từ ngàn xưa. Lời giải cho bài toán cũng biến thiên qua dòng lịch sử thăng trầm hơn bốn ngàn năm của dân tộc, luôn gắn liền với lợi ích của dân tộc, dưới nhiều triều đại sáng suốt. Ngày hôm nay có một sự khác biệt giữa khoảng cách thế hệ.”

Ông Nguyễn Gia Kiểng, thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở Pháp, tác giả của nhiều bài tham luận chính trị, cho hay Việt Nam đã mất nhiều phần đất - biển cho Trung Quốc.

Việt Nam là một nước nhược tiểu đối với Trung Quốc, theo ông Kiểng, là vì những lý do cả về chính trị lẫn kinh tế, xã hội. Vì địa vị đảng phái, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đặt quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc và tổ quốc, thoả hiệp với Trung Quốc mà không kể tới sự vẹn toàn lãnh thổ.

Huy động sức mạnh toàn dân

Lý giải cặn kẽ, thuyết trình đoàn cho rằng hoà giải hoà hợp dân tộc là yếu tố để tạo sức mạnh hầu đối phó với thế lực ngoại bang và sự xâm lược từ bên ngoài.

Đại diện cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, ông Nguyễn Gia Kiểng nói  đây là đường lối đúng đắn và tất yếu: "Chúng ta có hai con đường, một là chúng ta hoà giải để cuộc sống chung tiếp tục, hai là chúng ta không hoà giải. Hoà giải là một phản ứng tự nhiên của dân tộc."

Hiện tình kinh tế và chính trị của Trung Quốc được minh hoạ qua phần trình bày slideshow cho thấy nói chung thì Trung Quốc đã tiến nhanh và mạnh. Từ vài mươi năm qua Bác Kinh đã khôn khéo vừa phát triển kinh tế vừa tạo thế lực chính trị.

Trước hành vi của Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa hồi đầu năm nay, công luận người Việt trong và ngoài nước đã bất bình và nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra. Đặc biệt, thanh nỉên trong nước đã mạnh dạn xuống đường bày tỏ bất mãn.

Ông Phạm Việt Tinh, thành viên Ban Lãnh Đạo - Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nhận định rằng đây là một chứng minh cho thấy lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam rất mạnh, tuy nhiên, sự phản kháng trong nước chưa đạt kết quả mong muốn.

Phong trào chống đối của quần chúng có tính cách tự phát hơn là được tổ chức một cách chặt chẽ, đồng thời chưa xác định chính xác đối tượng.

Thanh niên - sinh viên đã chống đối nhà cầm quyền Bắc Kinh thay vì nhà cầm quyền Hà Nội là đối tượng chính trong việc để mất chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Giải đáp cho bài toán Trung Quốc đối với Việt Nam, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng dân chủ, các quyền tự do, sự đoàn kết là những yếu tố không thể thiếu. Ông Nguyễn Gia Dương lưu ý là Việt Nam cần nhận thức được rằng Trung Quốc vẫn có những nhược điểm, nhiều nan đề xã hội và kinh tế như sự chống đối của dân nhiều vùng vì sự hà khắc của chính quyền địa phương, vấn đề tam nông, đô thị hoá, đã và đang làm Trung Quốc thật ra là một người khổng lồ mong manh.

Ông Nguyễn Gia Kiểng thì nói Việt Nam phải tìm cách làm thế nào để không mất thêm đất - biển vào tay người láng giềng Phương Bắc và lấy lại những vùng bị xâm chiếm. Cần có một số giải pháp nâng cao sức mạnh dân tộc, giúp quốc gia hùng cường, từ đó dễ dàng giải quyết mối hoạ Trung Quốc.

Vai trò của người Việt hải ngoại

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Á Châu Tự Do rằng người Việt ở nước ngoài có thể làm gì để đối phó với mối hoạ Bắc Kinh, ông Nguyễn Gia Kiểng nói tận dụng lợi thế mà người trong nước không được hưởng, tức dùng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin để đánh động dư luận quốc tế là điều mà hải ngoại có thể thực hiện.

Vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam là vấn đề mà người Việt ai thấy chuyện đó cũng nhức nhối. Ngày hôm nay tôi được tới để nghe, để mà biết có thể có một cách giải quyết để cho mọi người có thể biết được là mình phải làm cái gì cho vấn đề Biển Đông khá hơn.

Một người Việt ở Canada

Ông Nguyễn Gia Kiếng: “Vấn đề hiên nay là giải quyết song phương giữa hai nước, nhưng mà chúng ta đã thấy nó chỉ là quyết giữa một kẻ mạnh quyết tâm lấn chiếm và một kẻ yếu không dám tự vệ. Chúng ta phải đưa vấn đề ra dư luận quốc tế và tôi nghĩ là chúng ta sẽ được hậu thuẫn.

Chúng ta phải đánh động, phải gióng lên lời cảnh giác với dư luận thế giới, bởi vì hiện nay mặc dầu chúng ta rất là băn khoăn về vấn đề biên giới, rất bức xúc về vấn đề biên giớí nhưng mà dư luận quốc tế chưa biết đến. Chúng ta phải thông báo với dư luận quốc tế rằng có một sự xâm lấn ở tại biên giới Việt Nam.”

Một vị khách đến từ Bang Québec (Canada) bày tỏ suy nghĩ trước việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam và hy vọng trước giải pháp đề nghị do Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đưa ra:

"Vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam là vấn đề mà người Việt Nam ai thấy chuyện đó cũng nhức nhối. Tôi nghĩ là ở Việt Nam họ cũng thấy xấu hỗ chứ không phải không, nhưng họ ở vào thế kẹt, họ không biết làm sao cả. Bây giờ bắt đầu họ cũng có những phản ứng nhưng mà nó không tích cực.

Tôi nghĩ là họ không biết thế nào để giải quyết. Ngày hôm nay tôi được tới để nghe, để mà biết có thể có một cách giải quyết để cho mọi người có thể biết được là mình phải làm cái gì cho vấn đề Biển Đông khá hơn.”

(Nhã Trân tường trình từ Virginia, Hoa Kỳ.)

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
29/12/2009 22:38

truoc sau gi thi cung ve trung quoc thoi.vi cac day to cua dan con ban nghi muu de vet day tui minh.