Giáo Hoàng kêu gọi đối thoại tại Triều Tiên

RFA
2018.01.08
000_Par7952848_960.jpg Giáo Hoàng Phan Xi Cô nhận một vòng đội đầu làm bằng dây kẽm gai ở biên giới giữa Bắc và Nam Hàn như một món quà khi ông ở Seoul trước khi về Rome hôm 18/8/2014.
AFP

Giáo hoàng Phan xi cô hôm thứ hai ngày 8/1 lên tiếng kêu gọi các nước ủng hộ đối thoại nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới cấm vũ khí hạt nhân.

Giáo hoàng đưa ra kệu gọi vừa nêu trong bài phát biểu hằng năm tại Vatican với các nhà ngoại giao. Kêu gọi được đưa ra chỉ một ngày trước khi hai miền Bắc và Nam Triều Tiên dự kiến có cuộc gặp để thảo luận việc Bắc Hàn tham gia Olympic mùa đông tổ chức ở Nam Hàn.

Ngoài ra, Giáo hoàng Phan Xi cô cũng kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã nói rằng Vatican nằm trong số 122 quốc gia đồng ý với hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái. Tuy nhiên Mỹ, Anh, Pháp và một số nước khác đã tẩy chay những thảo luận về hiệp ước này và chỉ đồng ý với cam kết liên quan đến hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã có từ nhiều thập niên qua. Ông nói thêm rằng một đám cháy cũng có thể bắt đầu chỉ từ một cơ hội hay tình huống không lường trước.

Seoul muốn bàn thêm vấn đề đoàn tụ tại vòng họp với Bình Nhưỡng

Cũng nhân cuộc gặp sắp tới giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên, Nam Hàn dự định sẽ đưa vấn đề nối lại các cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị chia cắt giữa hai miền. Hãng tin Yonhap của Nam Hàn trích lời Bộ trưởng Cho Myoung-Gyon cho báo giới biết như vậy hôm 8/1.

Ông Cho Myoung-Gyon nói Nam Hàn sẽ chuẩn bị để thảo luận về vấn đề các gia đình chia cắt và cách thức để làm giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền.

Cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên hồi thập niên 50 của thế kỷ trước đã khiến nhiều gia đình chia cắt. Hiện vẫn còn khoảng 60.000 người lớn tuổi ở Nam Hàn vẫn nuôi hy vọng có thể gặp lại họ hàng của mình ở miền Bắc.

Lần cuối cùng các gia đình được gặp nhau trong vài ngày diễn ra hồi năm 2015.

Giới chức Bắc Hàn trước đó nói với hãng tin AFP rằng nước này sẽ không cân nhắc có thêm các cuộc gặp đoàn tụ trừ khi Nam Hàn trao trả cho Bắc Hàn những công dân của nước này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.