Liên Hiệp Quốc kêu gọi nêu vấn đề nhân quyền tại thượng đỉnh ASEAN

RFA
2017.11.10
000_TD7VK_960.jpg Hình mình họa. Những người biểu tình chống chính phủ mang theo các biểu ngữ phản đối việc giết người trái pháp luật ở một trường đại học tại Manila, Philippines hôm 14/10/2017
AFP

Bốn chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN phải giải quyết những vấn đề nhân quyền cấp bách tại hội nghị cấp cao lần thứ 31 của khối này diễn ra từ ngày 10 đến 14 tháng 11 tại Philipines.

Thông cáo báo chí của Văn Phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva phổ biến vào ngày 10 tháng 11 đưa ra kêu gọi vừa nêu. Theo đó thì các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về tình trạng suy thoái môi trường hoạt động của những tổ chức xã hội dân sự độc lập tích cực trong khu vực.

Những chuyên gia này nhận thấy công tác quan trọng của những tổ chức đó. Tuy nhiên, những nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội, luật sư, nhà báo, truyền thông độc lập và ngay cả những vị dân cử đang cố lên tiếng bảo vệ quyền cho những người khác, đang ngày càng phải đối diện với nhiều mối nguy từ sách nhiễu, đe dọa, cáo buộc, bị bắt cóc hay giết hại.

Các chuyên gia nhân quyền cũng quan sát thấy ngày càng có thêm những trường hợp vi phạm nhân quyền trầm trọng tác động đến những người khác: những người hoạt động bảo vệ nữ quyền, bảo vệ môi trường, đất đai và những luật sư tham gia những vụ án bị cho dính líu đến ma túy.

Những chuyên gia Liên Hiệp Quốc kêu gọi thành viên 10 nước ASEAN hãy sửa đổi hay bỏ những luật lệ và xem xét lại những dự luật đang hay có thể được sử dụng nhằm hình sự hóa hoặc hạn chế hoạt động thiết yếu của tổ chức dân sự độc lập.

Một nhà hoạt động tại Việt Nam, anh Dương Đại Triều Lâm, cho biết ý kiến về thông cáo báo chí vừa nêu của Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc:

“Cá nhân em luôn ủng hộ lời kêu gọi này, em cũng hy vọng ngoài lời kêu gọi thì tổ chức này họ có thể có những cơ chế để giám sát việc thực hiện những quyền, những công ước mà Việt Nam đã ký kết để những tổ chức xã hội, những người hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam được thực hiện những quyền hợp phát mà đã ký kết ở Việt Nam, bởi vì thường Việt Nam ký kết rất nhiều  nhưng họ thực hiện kiểu khác trong nước.  Họ sử dụng những lực lượng không thường phục để họ ngăn cản đánh đập hay họ chặn giữ những người hoạt động đi thực hiện những công việc xã hội của mình. Em hy vọng ngoài lời kêu gọi đó họ có một cơ chế giám sát sự thực hiện của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những công ước, những ký kết mà Việt nam đã ký kết”

Bốn chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra thông cáo báo chí vừa nêu gồm Bà Annalisa Ciampi, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa; Bà Agnes Callamard, Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng hành quyết không đưa ra xét xử; Ông Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của những nhà bảo vệ nhân quyền; và bà Yanghee Lee, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Myanmar.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.