Thi sĩ Bùi Giáng, nhà thơ kỳ lạ

Tháng 10 năm nay kỷ niệm đúng 10 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng, nhà thơ kỳ lạ nhất của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ 20.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008.10.18

bui-giang-200.jpg
Thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998). Photo courtesy of Vietnamnet
Photo courtesy of Vietnamnet
Mặc Lâm gửi đến thính giả bài viết về ông được chia làm hai phần, phần đầu tập trung vào tác phẩm Mưa Nguồn và phần thứ hai sẽ nói nhiều hơn về những góc đời khác của tài thơ trong trạng thái nửa tỉnh nửa điên kéo dài suốt nhiều chục năm trong gió bụi của hè phố Sài Gòn.

Nhà thơ đa tài

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học của Việt Nam, ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa Nguồn.

Thuở nhỏ ông theo học tại học Trường Bảo An tại Ðiện Bàn (Quảng Nam), học trung học ở trường Thuận Hóa (Huế). Tháng 5 năm1952 Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa. Cũng trong năm này Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Ngôn ngữ của Mưa Nguồn trang trọng và tỉnh táo. Đây là một tập thơ được xuất bản đầu tiên của Bùi Giáng vào năm 1963, trong đó chứa đựng cả những bài thơ làm từ mười mấy năm trước đó, tức là khi tác giả còn khá trẻ, chỉ ở trong lứa tuổi hai mươi của cuộc đời thôi.

Nhà văn Phạm Xuân Đài

Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết học trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ “Mưa Nguồn”, xuất bản năm 1963. Bùi Giáng mất ngày 7 tháng 10 năm 1998, tại Sài Gòn, thọ 72 tuổi.

Nhà văn Phạm Xuân Đài, người có liên hệ mật thiết và chia sẻ kỷ niệm với nhà thơ cũng như đã viết nhiều bài về Bùi Giáng nói về tập Mưa Nguồn như sau:

Trang trọng tỉnh táo

Nhà văn Phạm Xuân Đài: Ngôn ngữ của Mưa Nguồn trang trọng và tỉnh táo. Đây là một tập thơ được xuất bản đầu tiên của Bùi Giáng vào năm 1963, trong đó chứa đựng cả những bài thơ làm từ mười mấy năm trước đó, tức là khi tác giả còn khá trẻ, chỉ ở trong lứa tuổi hai mươi của cuộc đời thôi. Ta có thể thấy từng bài được chăm chút rất là kỹ lưỡng, và tác giả đã lựa chọn để đưa vào tập thơ.

Trong Mưa Nguồn bây giờ chúng ta có thể tìm thấy những bài thơ vào hạng nổi tiếng nhất của Bùi Giáng, chẳng hạn như bài “Chào Nguyên Xuân” với những câu bất hủ:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng...

hoặc là câu:

Hỏi rằng người ở quê đâu

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Đó là những câu nhiều người biết.

Hay là bài “Nỗi Lòng Tô Vũ” là một hoạt cảnh bầy dê giữa núi đồi. Bài này hiếm thấy trong thi ca Việt Nam với tâm tình cảm động của người chăn dê với đàn dê của mình. Bài này khá dài, tôi xin đọc 4 câu:

Và giờ đây một lời thề đã thốt

Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta

Cao lời ca bê hê em cùng thốt

Hoà cùng lời anh nhạc nỗi thiết tha.

Âm hưởng Phạn Ngữ lẫn Pháp Hoa kinh

Có lẽ nền văn học Việt Nam sẽ thiếu thốn biết bao nếu không có tên của một thi sĩ mà cuộc đời ông gắn liền với giai thoại, với hào quang, và cả với bóng tối. Tài thơ của ông cũng khác lạ như tính cách sống của ông: ngập ngừng với người này nhưng lại sang sảng và hào phóng với người kia.

Với ai đồng cảm với thi sĩ thì từng chữ từng lời có ma lực quấn quýt không rời, nhưng ngược lại, với những trái tim nhạy cảm với thi ca, quen thuộc với những con sóng thơ mới thì ngôn ngữ của Bùi Giáng sẽ nhanh chóng nạt nộ người đọc bằng những con chữ lạ lẫm dày đặc ma âm của Phạn Ngữ lẫn Pháp Hoa kinh.

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.

Gọi tên là một hai ba,

Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Cái hay của Bùi Giáng trong thơ, tức là ông đã đưa ra một hình thức thơ lục bát rất mới, nó không còn là ca dao nữa mà nó đi vào cái tiến trình triết học hiện sinh.

Nhà phê bình văn học Thụy Khê

Bốn câu nổi tiếng của Bùi Giáng mới đọc lên khác nào tiếng kệ của một chú tiểu ranh mãnh trả lời khách thập phương, nhưng lại man mác hình bóng của Nguyễn Du trong từng góc chữ.

Đó là Bùi Giáng. Là bắt đầu một hành trình mà không thể dùng một từ ngữ nào chính xác hơn: hành-trình-Bùi-Giáng.

Cuộc hành trình này kéo dài cả một kiếp người của thi sĩ trong trạng thái thờ thẫn, mông quạnh dưới sức nóng của một xã hội bị biến đổi đến tận gốc và cô đơn trong trạng thái u uẩn không thể rời ra. Nguyễn Du tự hỏi ba trăm năm sau biết ai còn nhớ tới ông chăng, thì Bùi Giáng lại có một câu trả lời ngộ nghĩnh cho chính mình:

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi gửi lại đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù

Và đó là Bùi Giáng.

Phiêu bồng lãng bãng

Bốn câu sau đây của Bùi Giáng nghe ra khó khăn hơn, u thần hơn nhưng với nhà thơ Đỗ Quý Toàn thì lại có khả năng mở ra một cõi khác trong nhân gian này, cõi của phiêu bồng, của thơ thới, và bảng lãng thu trôi:

Bây giờ xin ngó cụm cây

Chắp hàng viết nốt áng mây về trời

Phiêu bồng sáu cõi thu trôi

Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê!

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn: Bây giờ nếu quý vị đọc bốn câu thơ đó thì quý vị đọc nó giống như là đọc một bài cách trí, một bài luận văn, bảo rằng câu này nghĩa là gì, câu này ý nói sao, thì làm như vậy là quý vị đã giã từ Bùi Giáng rồi, từ chối không có nhận Bùi Giáng vô trong lòng mình nữa rồi. Là bởi vì, tôi xin phép phân tích bốn câu thơ đó, như là một bác sĩ mổ xẻ thì chúng ta sẽ không cảm được cái thơ của Bùi Giáng.

Bây giờ xin ngõ cụm cây: Ai là chủ từ của chữ “xin” đó? Ai là chủ từ của động từ “ngó” đó? Có phải là thi sĩ đang xin người đọc hãy ngó cụm cây? Hay là chính người đọc đang tự nhủ mình là “ta hãy ngó cụm cây”, hay là chính thi sĩ đang nói chuyện với cây rằng “cho tôi ngó một chút”.

Tất cả câu thơ 6 chữ đó chúng ta mà đem phân tích ra và đặt câu hỏi như vậy thì là giết luôn cả thơ. Chúng ta thử đọc “Bây giờ xin ngó cụm cây - Chắp hàng viết nốt áng mây về trời” thế là chúng ta để cho mây bay vào lòng mình, để cho mây bay về trời và tự nhiên trong lòng mình mở rộng ra với cả ông trời.

“Chắp hàng viết nốt”, ai đang chắp hàng viết nốt? Có lẽ chính chúng ta đang đọc thơ và chúng ta đang viết câu thơ đó. Chúng ta viết mấy câu thơ đó lên trên mấy áng mây, chúng ta đưa mấy câu thơ đó theo áng mây về trời. Cảm nhận như vậy chúng ta mới tiếp cận được thi sĩ Bùi Giáng.

“Phiêu bồng sáu cõi thu trôi”, tại sao lại sáu cõi mà không phải là bốn cõi, mười cõi, mười phương chư Phật? Tại sao lại thu trôi? Thế mùa thu nó trôi từ bao giờ? Cái mùa thu có ở đó hay là nó có vĩnh viễn từ ngàn năm và lúc nào cũng trôi ở trên bầu trời?

“Ngàn mưa nhỏ giọt”, mưa ở đâu tới? Tự nhiên mình có thể mở lòng ra và nhận hàng ngàn giọt mưa suốt bao nhiêu đời trong cái vũ trụ này.

Trong khi ông bị tâm thần thì cũng có lúc sáng suốt. Nhưng mà những bài thơ nổi tiếng nhất của ông là những bài thơ làm lúc sáng suốt và những bài thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng cao.

Nhà phê bình Đặng Tiến

Và cuối cùng “trang đời lạnh ghê”,Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê” tự nhiên chúng ta đang bay đi theo mây, theo thơ về trời, theo thời gian về ngàn năm, chúng ta lại trở lại với cái tấm lòng của mình và cảm thấy run lạnh giống như chúng ta run lạnh trước cái vũ trụ bao la.

Và thi sĩ tặng chúng ta tất cả những cái cảm giác đó với bốn câu thơ lục bát, nếu chúng ta không tiếp nhận một cách phiêu bồng, một cách thơ thới thì chúng ta không bao giờ hoà mình được với cái thơ của Bùi Giáng.

Tính cách thơ lục bát mới

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê có những nhận xét tuy ngắn về Bùi Giáng nhưng đã mô tả được nét tổng thể của tài thơ này:

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê: Nói chung nếu khi mà mình đã lựa lọc ra trong tất cả những sáng tác của Bùi Giáng về thơ thì bao giờ cũng kiếm ra được những câu thơ có thể gọi là tuyệt tác. Cái hay của Bùi Giáng trong thơ, tức là ông đã đưa ra một hình thức thơ lục bát rất mới, nó không còn là ca dao nữa mà nó đi vào cái tiến trình triết học hiện sinh.

Thành ra là một phần của Bùi Giáng chúng ta có thể nói như là một cái sự hoà hợp được hai cái dòng tư tưởng Đông Phương và Tây Phương với nhau trong cái lục bát của Bùi Giáng.

Trong thơ của ông, ông vừa vận dụng ca dao, ông vừa vận dụng những hình ảnh của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, nhưng mà đồng thời ông lại cũng đưa thêm vào những hình ảnh rất là hiện sinh, rất là siêu thực; thành ra cái tính cách thơ lục bát của Bùi Giáng đã khác hẳn với lại những cái gì mà chúng ta quen đọc và quen thấy trong ca dao hay là trong thơ lục bát bình thường. Cái công của Bùi Giáng trong thi ca là như vậy.

Một đời khổ hạnh lãng tử

Bùi Giáng sống một đời cùng khổ, bất hạnh dưới cái nhìn của những người bình thường, nhưng lại phiêu hốt lãng tử và hỉ xả với tha nhân dưới cái nhìn của những thiền tông. Cách nhìn nào thì vẫn có cái mộc đóng tên Bùi Giáng bên dưới, Bùi Giáng không thể bắt chước, và cũng không thể bị từ chối. Đó cũng là đặc trưng Bùi Giáng trong đời sống thật cũng như trong thi ca của ông.

Nhà phê bình Đặng Tiến ghi nhận những đóng góp của Bùi Giáng trong thời gian đầu trước khi ông lâm vào trạng thái chìm đắm sâu dần vào hôn mê tri thức:

Nhà phê bình Đặng Tiến: Khoảng từ 1950 đến 1960 thì ông Bùi Giáng làm thơ lúc đầu óc ông rất là sáng suốt. Chỉ từ cuối thâp niên 1960 thì ông mới bị tâm thần một phần nào đó. Trong khi ông bị tâm thần thì cũng có lúc sáng suốt. Nhưng mà những bài thơ nổi tiếng nhất của ông là những bài thơ làm lúc sáng suốt và những bài thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng cao. Tôi đánh giá cao ông Bùi Giáng.

Chiều bên lá lung lay vàng cửa khép

Bóng trời sa trùm phủ tiếng em cười

Vườn cỏ lạnh hoa buồn không nói xiết

Bước chân dừng nghe rã lệ hai nơi

 

Lời hẹn ước em nghiêng đầu tóc xoã

Ðể than van sầu thiên cổ theo nhau

Hồn tuổi trẻ bay trở về giữa dạ

Nhờ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu

 

Trời thuở đó ngần nào em khổ sở

Khóc khi nhìn gió thổi nước sương buông

Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ

Giòng sông em đâu có biết ngọn nguồn.

Bài Dòng Sông mà quý vị vừa nghe qua giọng đọc của Việt Long xin được làm câu kết vì nói về Bùi Giáng thì biết sao cho hết, nhất là đi sâu vào những uẩn khúc ngữ nghĩa mà ông còn liến thoắng móc vào những câu lục bát thần tình của ông.

Trong chương trình kỳ tới, chúng tôi sẽ trình bày những hội chứng Bùi Giáng cũng như những giai thoại chung quanh ông sau khi ông đã giao phó Mưa Nguồn cho một cõi trần ai...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.