Chung quanh chuyện luật sư tố giác thân chủ

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2017.06.23
judge_gavel_312468.jpg Ảnh minh họa.
Courtesy photo

 

Mặc dù giới luật sư trong các đoàn luật sư nhà nước vẫn chưa có tiếng nói chính thức phản ánh quan điểm của họ, nhưng các trí thức lại hết sức quan ngại về điều luật mới được thông qua tại Quốc hội về việc luật sư phải có trách nhiệm tố giác đối với thân chủ. Bởi đây là câu chuyện hết sức bi hài, nó cho thấy nền lập pháp của Việt Nam tiếp tục đi một bước thụt lùi đáng kể.

Dự báo một cuộc thanh trừng?

Một luật sư trong luật sư đoàn Hà Nội, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Nó phủ nhận cái vai trò của một luật sư mà xưa nay người ta vẫn mặc nhiên thừa nhận về nó. Một luật sư, trong mắt người khác luôn đóng vai thầy cãi, biện hộ cho thân chủ của họ. Giả sử luật sư khi nắm bằng chứng buộc tội thân chủ thì khi ra trước phiên tòa họ có dám cãi để giảm án cho thân chủ của họ không? Hay là lúc đó người ta phải tố cáo tội của thân chủ trước tòa án. Đây là một sự mâu thuẫn rất lớn bởi nó làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào giới luật sư cũng như nó làm cho các luật sư đánh mất vai trò biện hộ của họ đối với thân chủ. Nhìn chung đây là một qui định phi lý và làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin xã hội”.

Theo luật sư này, vấn đề đạo đức xã hội sẽ hết sức nan giải trong thời gian tới, khi mà thành trì của đạo đức, hay nói cách khác là thành trì của những khế ước mà trong đó gồm cả đạo đức, khoa học và tính cân bằng xã hội đã bị đánh sập bởi một điều luật hết sức khôi hài, thậm chí lố bịch.

Đây là một sự mâu thuẫn rất lớn bởi nó làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào giới luật sư cũng như nó làm cho các luật sư đánh mất vai trò biện hộ của họ đối với thân chủ.
- Một luật sư

Và điều này cũng cho thấy sẽ có một cuộc thanh trừng khá nặng nề trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam vào thời gian sắp tới. Bởi hiện tại, hầu hết các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản đều có những cố vấn là các luật sư. Trong đó, các luật sư vừa đóng vai trò tư vấn luật, vừa đóng vai trò bảo vệ cho các quan chức này trong một số trường hợp có liên quan đến tài chính nhà nước và các dự án lớn mang tầm quốc gia.

Một khi điều luật này có hiệu lực pháp luật, tất cả các phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản sẽ có thêm vũ khí để đánh nhau, và lúc đó, các luật sư trở thành vũ khí đắc lực của họ. Chỉ cần khai thác từ phía các luật sư, các phe phái nắm lấy điểm yếu của đối phương và phe nào mạnh sẽ tìm cách trấn áp mềm các luật sư đối phương, biến họ thành công cụ của mình để rồi sau đó, một trận địa được dàn ra với hàng hàng lớp lớp tội danh mà đối phương bước vào đâu cũng thấy cửa tử.

Vị luật sư này bày tỏ thêm nỗi lo của ông rằng đây là điều đáng sợ nhất đối với ông nếu như nó xảy ra. Bởi một khi công lý bị biến thành vũ khí để đấu đá chính trị thì mối nguy về một nền đạo đức xã hội băng hoại sẽ không còn là nỗi lo nữa mà là hiện thực. Khó có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra một khi 434 đại biểu quốc hội đạ diện cho nhân dân lại bấm nút tán thành cho một điều luật hết sức phản khoa học như đã thấy. Điều này còn khẳng định thêm một vấn đề khác là các người tham gia vào cơ quan lập pháp Việt Nam (tức Quốc hội) không có chút kiến thức nào về luật.

Đạo đức sẽ về đâu?

Một nhà nghiên cứu xã hội học, vì lý do nhạy cảm, không cũng không muốn nêu tên, chia sẻ:“Giới luật sư và xã hội rất là phản đối, tôi cũng phản đối thôi. Bởi điều này phản lại tôn chỉ đạo đức của nghề luật sư. Nó làm cho mất niềm tin, đánh mất nền tảng đạo đức của người hành nghề luật sư. Điều này ảnh hưởng nặng đến đạo đức xã hội bởi một bộ luật cho một quốc gia mà quái dị như thế thì bộ luật đạo đức vô hình thì sao nữa, nó có tác động không nhỏ đến đạo đức xã hội...”.

Vị này chia sẻ thêm rằng ông thấy hết sức lo lắng cho đạo đức xã hội trong thời gian sắp tới một khí các sứ mệnh của người làm công tác pháp lý bị đánh tráo. Bởi trong một phiên tòa, có các bộ phận công tố, luật sư bào chữa, hội thẩm nhân dân và chánh án, thư ký tòa án. Mỗi vị trí đều có chức năng, sứ mệnh riêng nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của đạo đức, pháp lý.

Chánh án không thể là người nêu tội của bị cáo, bị can, luật sư không thể là người tố tội thân chủ, hội thẩmnhân dân không thể đóng vai trò hỏi cung giống như công an hoặc công tố viên không thể là người giấu tội của bị cáo, bị can. Nhưng hầu hết các phiên tòa mà vị này theo dõi, mọi chuyện trở nên rối rắm, vị trí bị đảo lộn. Thậm chí, trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư có thể mang quà cáp đến nhà chánh án để xin chánh án đừng bác bỏ các trích lục của mình. Đây là chuyện vừa khôi hài vừa bỉ ổi. Nhưng nó từng xảy ra!

Điều này phản lại tôn chỉ đạo đức của nghề luật sư. Nó làm cho mất niềm tin, đánh mất nền tảng đạo đức của người hành nghề luật sư.
- Một nhà nghiên cứu

Trong lúc tình hình xã hội rối ren, tội phạm ngày càng gia tăng và đáng sợ hơn cả là tội phạm có gốc gác con nhà cán bộ, có lý lịch đỏ đang ngày càng mạnh lên, các thành phần xã hội đen ngày càng lộng hành, đạo đức của nhân viên công lực cũng có vấn đề, giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày càng mọc ra nhiều ung nhột và nguy cơ của nó là kéo theo nhiều thế hệ băng hoại. Trong trạng huống này, luật pháp và sự nghiêm minh của nhà làm luật hay đạo đức của luật sư, nhà báo đóng vai trò những con bù lon chưa bị hoen gỉ, níu kéo hệ thống đạo đức xã hội đang lung lay.

Nhưng hiện tại, các nhà báo thuộc các hội đoàn nhà nước đang ngày càng trở nên nhảm nhí, lá cải không ra lá cải, bồi bút không rõ bồi bút mà liêm chính thì càng không thấy điều này. Tác hại của các bài báo vừa vô bổ vừa xuyên tạc vừa kém phẩm chất của nhiều nhà báo thuộc các hội, đoàn nhà nước đã nhanh chóng trở thành một loại hình cổ xúy cho những chuyện chẳng đâu vào đâu trong giới trẻ, đẩy họ đến chỗ hưởng thụ một cách vô tội vạ, không còn biết quan tâm đến xã hội, đồng loại.

Bây giờ thêm chuyện luật sư bị đánh tráo chức năng, niềm tin của người dân dành cho công lý sẽ tiếp tục bị giảm thiểu và một khi không còn sức mạnh công lý che chở, người ta sẽ hành xử theo bản năng phòng vệ. Mà bản năng phòng vệ lại phát triển theo chiều hướng văn hóa cá nhân. Thử nghĩ, với một phông văn hóa như Việt Nam hiện tại, cộng thêm khuynh hướng phòng vệ và bản năng được kích hoạt thì xã hội này sẽ ra sao? Đạo đức sẽ đi về đâu?

Đó là những câu hỏi của một nhà xã hội học, và đó cũng là trăn trở chung của nhiều trí thức trong nước sau biến cố 434 con người trong Quốc hội Việt Nam bấm nút đồng thuận thông qua qui định luật sư phải tố tội thân chủ. Nhìn chung, phản ứng của các trí thức trước qui định này là thất vọng và ngạc nhiên về trình độ làm luật của các đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.