Công an xã đánh tài xế phản đối BOT Sóc Trăng

RFA
2018.01.08
botphunghiep.jpg Hình trạm thu phí BOT Sóc Trăng, tài xế bị đánh (góc trái)
Courtesy of VTC news

Một nhân viên công an xã tấn công các tài xế phản đối trạm thu phí đường bộ (BOT) Sóc Trăng, tại tỉnh Sóc Trăng, trên Quốc lộ 1 vào sáng ngày 8 tháng 1 năm 2018.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi các tài xế đậu xe không chịu qua trạm BOT Sóc Trăng sáng ngày 8/1 thì có một người đàn ông đến ghi bảng số xe của những tài xế này. Khi các tài xế hỏi người đàn ông này về việc ông ta đang làm thì ông ta xưng là nhà báo, sao đó ông ta tấn công các tài xế khi bị họ truy vấn tiếp là làm việc ở tờ báo nào.

Khi xung đột xảy ra thì người đàn ông bị vây đánh trả đã chạy trốn vào nhà điều hành của trạm BOT.

Báo Tuổi Trẻ cho biết rằng người đàn ông này là nhân viên công an địa phương, xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng.

Dư luận cho rằng mỗi khi có phản đối của giới lái xe tại các trạm BOT, thì các trạm này thuê dân lưu manh hành hung các tài xế.

Chưa thấy cơ quan công an địa phương lên tiếng xác nhận thông tin của báo Tuổi Trẻ.

Trạm BOT Sóc Trăng bị giới tài xế phản đối trong hai ngày, 7 và 8 tháng Một, 2018, với nhiều lần xả trạm không thu phí, rồi lại thu phí, gây kẹt xe cả hai hướng trên còn đường quốc lộ số 1 tại tỉnh này.

Trạm BOT Sóc Trăng bắt đầu thu phí từ tháng 6 năm 2017 tại một khu vực có mở rộng Quốc lộ 1 và xây mới một tuyến đường tránh Thành phố Sóc Trăng.

Cách trạm BOT Sóc Trăng 60 cây số là trạm BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp, cũng đã xảy ra chuyện giới lái xe phản đối cho rằng chi phí họ phải trả là không hợp lý.

Các vị lãnh đạo của Thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải, và công ty đầu tư trạm BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp đã bàn với nhau về một phương án miễn giảm phí cho các loại xe qua trạm này, theo đó các phương tiện không kinh doanh sẽ không phải trả tiền qua trạm, và phương án cụ thể sẽ được Thành phố Cần Thơ trình bày lên Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 20 tháng Giêng năm nay.

Trạm này bắt đầu thu phí từ tháng Tư năm 2016, nhưng liên tục từ ngày 2 đến ngày 6 tháng Giêng năm nay, giới lái xe đã đậu xe kín khu vực của trạm, không chịu trả tiền làm cho giao thông hoàn toàn tê liệt.

Tại miền Trung, trong những này qua cũng đã có phản đối của người dân tại hai trạm thu phí BOT Sông Phan, và Sông Lũy của tỉnh Bình Thuận. Theo ghi nhận của báo Thanh Niên trong nước thì người dân phản đối hai trạm này đã lâu, chính quyền sở tại, các công ty thuộc Bộ Quốc phòng đầu tư hai trạm này, và Tổng cục đường bộ Việt Nam đã họp bàn giải quyết nhiều lần nhưng chưa đi đến đâu.

Vụ phản đối gần nhất là ngày 6 tháng Giêng, khi hàng chụ người dân đã kéo nhau đến trạm Sông Phan để phản đối.

BOT là viết tắt từ tiếng Anh là Xây dựng, Vận hành, và Chuyển giao, có nghĩa là các công ty tư nhân sẽ đầu tư sửa chửa đường, hoặc xây dựng đường mới, sau đó thu tiền trong một thời gian rồi chuyển giao cho nhà nước.

Tuy nhiên trong suốt hai năm qua nhiều trạm BOT từ Bắc đến Nam bị dân chúng phản đối rất kịch liệt, với hai lý do là thu phí quá cao, và đặt trạm không hợp lý, tại nơi mà công ty đầu tư không xây đường để thu triệt để tiền phí của nhiều phương tiện giao thông.

Cái lái xe đã dùng nhiều phương cách để phản đối, như chạy chậm, dùng tiền lẻ, gây kẹt xe kéo dài trên quốc lộ.

Vụ việc lớn nhất xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy tại tỉnh Tiền Giang hồi cuối năm 2017, đã khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải can thiệp, ra lệnh dừng hoạt động một thời gian để nghiên cứu một cách thức thu tiền phù hợp hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.