Đội bóng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, NoU, bị cản trở

RFA
2017.07.26
000_QH7LH Ảnh chụp đội N0-U ngày 9 tháng 7/2017 tại một sân bóng ở Hà Nội, với cờ hiệu phản đối đường lưỡi bò.
AFP

Đội bóng đá NoU- phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) là một ví dụ điển hình cho việc các nhà bất đồng chính kiến sử dụng một hình thức khác để tập hợp và thể hiện mình. Sở dĩ họ làm như vậy vì các phương tiện khác như blog chính trị hay Facebook thường xuyên bị công an theo dõi.
Đó là lời bình luận về đội bóng đá NoU tại Hà Nội, của bà Janice Beanland, người vận động cho tổ chức Ân xá quốc tế tại Việt Nam, Lào, và Cam Pu Chia.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một sáng lập viên của đội bóng nói với hãng tin AFP rằng đội bóng là nơi họ có thể trao đổi với nhau bất cứ chuyện gì một cách tự do.
Đội bóng đá này được thành lập vào năm 2011, sau những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội, Sài Gòn. NoU có nghĩa là không công nhận đường đứt khúc 9 đoạn hình chữ U do Trung Quốc tự vạch ra trên biển Đông để tuyên bố chủ quyền lên đến 90% vùng biển này.
Ngày chủ nhật 9 tháng bảy vừa qua khi đội bóng này đến 1 sân bóng ở Hà Nội thì bị những người được cho là cảnh sát mặc thường phục bố ráp, đuổi ra khỏi sân.
Và đây không phải là lần đầu tiên đội bóng bị bố ráp như thế.
Nhận xét về lời bình luận của bà Janice Beanland, ông Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của đội bóng NoU nói với đài RFA:
Thực ra họ nói như thế là hoàn toàn chính xác, nhưng quan điểm của tôi thì không ủng hộ những chuyện đối đầu với chính quyền. Dù cách này hay cách kia, những việc chúng tôi làm không phải là những hoạt động lật đổ chế độ. Cái quan trọng là chúng tôi mong muốn những hoạt động ôn hòa, trong việc đấu tranh hay lên tiếng, để cho việc mình muốn thay đổi đất nước diễn ra trong một sự êm thắm.”
Tuy nhiên dường như chính quyền tìm cách để ngăn chận hoạt động của đội bóng này, mặc dù các hoạt động của họ như đá bóng, tiệc tùng không mang tính chính trị. Theo ông Thắng thì cơ quan an ninh thường gây áp lực với những người chủ của các sân bóng đá, để không cho đội bóng tập dượt, mặc dù họ đã trả tiền.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, nói rằng ông và các đồng đội giống như đang chơi trò mèo vờn chuột với công an. Các thành viên của đội bóng chỉ thông báo địa điểm sân tập vào giờ chót để tránh bị bố ráp giải tán.
Các thành viên của đội bóng cũng thường xuyên bị nhân viên an ninh quấy nhiễu. Ông Nguyễn Văn Phương, một thành viên khác nói rằng mỗi lần như vậy ông cảm thấy rất tức giận.
Giới quan sát cho rằng việc quấy nhiễu, đàn áp đội bóng NoU này đã tăng lên từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi Việt Nam có một ban lãnh đạo mới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.