Hà Nội hoãn ca nhạc Trung Quốc vào ngày mất Hoàng Sa

RFA
2018.01.19
000_K527E Kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Hà Nội vào ngày 19/1/2017.
AFP

Một buổi biểu diễn văn hóa của một đoàn nghệ thuật thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, nhằm kỷ niệm ngày mở đầu quan hệ ngoại giao Việt- Trung, dự định diễn ra vào tối ngày 19/1 ở Hà Nội,  đã bị hoãn lại với lý do được cơ quan tổ chức là Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch đưa ra là vì lý do kỹ thuật.

Hãng tin AP của Mỹ cũng loan tải sự việc này và đề cập đến sự phản đối của dân chúng Việt Nam vì cho rằng một sự kiện liên quan đến Trung Quốc được tổ chức trong một ngày mất mát của quốc gia như thế là một sự xúc phạm. Ngày 19/1 cũng là ngày kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc mà kết cục là Hoàng Sa đã mất về tay Trung Quốc. Hơn 70 chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong trận hải chiến này.

Hãng AP nói rằng người phát ngôn Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch là ông Nguyễn Thái Bình đã từ chối bình luận về việc này.

Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu Biển Đông ở Sài Gòn cho rằng chính sức ép của dư luận đã làm cho buổi biểu diễn bị hủy bỏ.

Tôi nghĩ là (do) dư luận của nhân dân, lên tiếng của cộng đồng mạng, tất cả, dù thích hay không thích thì lòng yêu nước vẫn là số một, khi đụng đến tự ái dân tộc.”

Ông nói thêm rằng việc tổ chức sự kiện này vào một ngày mất mát của dân tộc là điều không thể chấp nhận được.

Trước đó trên mạng Facebook đã có những dòng chữ yêu cầu Bộ Văn Hóa phải đình chỉ buổi biểu diễn vì đó là ngày kỷ niệm mất Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa đã từng do lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước năm 1975, trấn giữ sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương. Vào tháng Một năm 1974, hải quân Trung Quốc đã tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa và chiếm đóng quần đảo này sau một trận hải chiến đẫm máu.

Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo này cho đến nay. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đang quản lý và trong những năm gần đây tiến hành xây dựng, củng cố những căn cứ quân sự và dân sự trên những đảo thuộc Hoàng Sa, cũng như Trường Sa.

Trong khi đó, vào ngày 19/1, tại Sài Gòn và Hà Nội, một số người tại Việt Nam đã tổ chức buổi tưởng niệm ngày mất quần đảo Hoàng Sa  về tay Trung Quốc 44 năm về trước bất chấp những ngăn cản của chính quyền. Ông Đinh Kim Phúc cho chúng tôi biết tình hình buổi tưởng niệm diễn ra tại Sài Gòn:

Sáng nay trời mưa, rồi có một số người bị canh ở nhà không đi được, nên chỉ có rải rác một vài anh em ra tượng Đức Trần Hưng Đạo thắp nhang, chứ không tổ chức được như mọi năm.”

Theo ông Phúc thì không có việc đàn áp của lực lượng an ninh như đã từng xảy ra một số lần tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa trước đây.

Báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn dịp này cho đăng bài tựa đề ‘Nhật Tảo chiến hạm oai hùng’, kể lại chuyện một chiến hạm của lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã hy sinh trong trận đánh chống lại các tàu chiến của Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1974.

Ông Đinh Kim Phúc nhận xét:

Báo chí Việt Nam trong những năm gần đây được công khai nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Nhưng mà liều lượng mức độ thì tùy theo mối quan hệ Việt- Trung diễn biến như thế nào. Tôi thấy trong bảy năm qua thì đến ngày 19 tháng Giêng thì báo chí địa phương thoải mái nhắc lại, nhưng nhắc ở liều lượng nào thì tùy vào ban biên tập của các báo. Năm nay theo tôi thì không bằng mấy năm trước.”

Ông cho rằng nguyên nhân có thể là do quan hệ Việt Nam- Trung Quốc đang trở nên nồng ấm hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.