VN - Nga tăng cường quan hệ và ủng hộ luật quốc tế tại Biển Đông

RFA
2017.06.30
000_Q22TM.jpg Chủ tịch nhà nước Việt Nam Trần Đại Quang trong cuộ gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 2), cùng với Ngoại trưởng Sergei Lavrov, tại điện Kremlin ở Moscow vào ngày 29 tháng 6 năm 2017.
AFP

Lãnh đạo Việt Nam và Nga hôm 29 tháng 6 ra tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bao gồm cả vấn đề an ninh quốc phòng, khẳng định việc thực hiện đầy đủ Công ước luật biển của Liên Hợp quốc 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (COC).

Tuyên bố được đưa ra nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nga từ ngày 28/06 - 01/07/2017.

Điểm 13 của bản tuyên bố chung gồm 17 điều viết rằng hai bên cho rằng các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phía Việt Nam cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực dầu khí. Ba tập đoàn dầu khí Nga được nói đến trong tuyên bố bao gồm tập đoàn Gazprom, công ty Zarubezhneft, tập đoàn Rosneft. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác và mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982.

Tuyên bố chung cũng khẳng định nỗ lực xây dựng trật tự quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên nguyên tắc đa phương trong giải quyết các vấn đề cấp thiết, đề cao tính tối thượng của luật pháp, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của các quốc gia.

Hai bên cho rằng an ninh quốc tế là toàn diện và không thể chia tách, không được đảm bảo an ninh của quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của quốc gia khác, trong đó có việc mở rộng các liên minh quân sự - chính trị khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra Nga cũng hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật quân sự, giúp Việt Nam xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.