Viện phí tăng, người nghèo lãnh đủ

Viện phí có thể tăng từ 8 tới 10 lần theo đề nghị của một số y viện lớn, vì cho rằng mức thu hiện giờ quá thấp, không đủ để đầu tư vào công tác khám và chữa bệnh hữu hiệu.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010.07.16
nhidong1-thuocbietduoc.com.vn-305.jpg Phòng bệnh nhân tại các bệnh viện Nhi đồng 1, 2 TPHCM luôn quá tải
Photo courtesy of thuocbietduoc.com.vn

Tin này gây lo âu cho người dân, nhất là giới lao động tay làm hàm nhai. Dư luận và báo giới nói rằng, vịên phí tăng thì bệnh tình và nỗi lo cũng tăng theo, nhiều gia đình sẽ rơi vào cảnh nghèo khó, khi có người nhà nhập viện.

Chất lượng sẽ tăng?

Với hàng tựa “nín thở chờ viện phí tăng” và “viện phí tăng, nỗi lo tăng”, các báo đưa ra vài con số cụ thể so sánh mức cũ với giá mới như, thay vì bảo hiểm y tế thanh toán 3 ngàn đến 5 ngàn đồng, một lần khám chữa bệnh trước đây, mức thanh toán mới sẽ là 30 ngàn đồng, một lần cho bệnh viện hạng cao, và từ 10 ngàn đến 20 ngàn đồng, một lần cho các bệnh viện tuyến dưới. Giá giường bệnh, một ngày từ 10 ngàn đồng, tăng lên 50 ngàn hay 100 ngàn đồng, tùy theo từng bệnh viện hoặc tuyến điều trị.

Vẫn theo báo đài thì nếu dự thảo về viện phí do bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan chức năng được áp dụng, thì sau này trên 60% bệnh nhân không dám nằm y viện, vì khi nhập viện đã có đủ mọi cách để phải chi tiền và mất tiền. Nay nếu tiền nằm viện sắp tăng gần 10 lần thì dư luận rất hoang mang, mặc dù bộ Y tế giải thích là tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân, vì họ đã có bảo hiểm y tế cùng các chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Phát biểu ý kiến qua RFA về chuyện tăng viện phí đang được dân chúng đặc biệt quan tâm, bác sĩ Trần Tịnh Hiền chuyên gia tư vấn y tế cho viện đại học Oxford, Anh Quốc, nguyên phó giám đốc bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

Vì muốn chất lượng ngày tốt hơn, đủ phương tiện, thuốc men nên nếu thâu ít quá sẽ không đủ, mà thâu nhiều thì rõ ràng là dân khó khăn, thu nhập lao động thấp, không chịu nổi.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền

“Gọi là viện phí nhưng đúng ra là chỉ thâu một phần thôi, thâu đúng thì nó rất cao, nhà nước cũng phải cân nhắc chuyện đó. Vì muốn chất lượng ngày tốt hơn, đủ phương tiện, thuốc men nên nếu thâu ít quá sẽ không đủ, mà thâu nhiều thì rõ ràng là dân khó khăn, thu nhập lao động thấp, không chịu nổi. Trước đây, tôi cũng nhiều lần phát biểu, nếu mình không sử dụng bảo hiểm như các nước khác thì không thể nào trang trải được chi phí.

Bảo hiểm ở Việt Nam chỉ có một số thôi, những người làm việc cho nhà nước, học sinh. Bây giờ tăng lên, người dân không kham nổi, mà không tăng để bù lại thì chất lượng điều trị không bao giờ lên nên rất khó. Ở bệnh viện chúng  tôi vẫn theo nguyên tắc điều trị bệnh nhân là trên hết. Không thể nói, bệnh nhân không tiền, mình không điều trị, có tiền mình mới điều trị. Ngành y ai cũng biết, mạng sống với sức khoẻ là quan trọng.”

Viện phí tăng, thu nhập không tăng

thaythuocbenhvien-250.jpg
Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng trong Ngày Thầy Thuốc 27/2/2010. Photo courtesy of nhidong.org.vn
Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng trong Ngày Thầy Thuốc 27/2/2010. Photo courtesy of nhidong.org.vn
Trả lời câu hỏi, làm sao dung hòa được việc tăng viện phí và giải toả nỗi lo âu của người bệnh, bác sĩ Trần Tịnh Hiền đáp:

“Trong xã hội cần có sự đóng góp của nhiều người, để mà sử dụng cho số ít, đó là nguyên tắc của bảo hiểm y tế, cái đó mình phải triển khai cho mạnh, cho rộng khắp, thì mới có đủ tiền để mà điều trị. Hàng trăm người đóng tiền cho một người sử dụng thì mới đỡ được, chứ còn thể nào một gia đình, một cá nhân mà có thể chịu được viện phí, nếu tính một cách đùng và đủ.”

Sau câu chuyện với một chuyên gia y tế cao cấp, chúng tôi hỏi thăm một công nhân viên sống bằng đồng lương cố định, gia cảnh trong hoàn cảnh kinh tế không mấy thoải mái, về tin sắp tăng viện phí, chị Trang cho biết:

“Ở Việt Nam, bệnh viện có 2, 3 loại hình, vừa của nhà nước, vừa của tư nhân, không biết trên báo người ta nói là của tư hay công, các bác sĩ có tiếng thì mở bệnh viện tư. Các bệnh viện tư hay bệnh viện nước ngoài, nhà nước không quản lý giá cả, người ta tự thu, tự chi, miễn sao có đủ lợi nhuận đóng thuế cho nhà nước. Dịch vụ y tế đó phục vụ cho những người có mức sống cao, nếu tăng thì tăng khoản đó thôi, chứ còn viện phí của nhà nước hay bảo hiểm y tế thì bình thường chứ chưa nghe nói tăng.”

Chị hy vọng thông tin đó chỉ là một sự thăm dò, chứ chưa phải là điều trở thành hiện thực:

“Nói chung là chỉ mới có thông báo, chứ thực tế nếu viện phí có lên thì đó chỉ là thăm dò dư luận, xem người dân phản ứng như thế nào chứ chưa hẳn sẽ áp dụng đâu. Thực tế nếu tăng viện phí như thế người dân cũng lo, vì mức thu nhập của mình không tăng, được cái là bên này đi làm thì có bảo hiểm y tế, cũng lo như không đến nỗi nào.”

Thực tế nếu tăng viện phí như thế người dân cũng lo, vì mức thu nhập của mình không tăng, được cái là bên này đi làm thì có bảo hiểm y tế, cũng lo như không đến nỗi nào.

Chị Trang, người dân

Lên tiếng về tin tăng viện phí mới, giáo sư, viện sĩ Phạm Song, nguyên bộ trưởng Y tế nói rằng, người ta mắc bệnh đã khổ lắm rồi, còn đối với người nghèo khó thì nỗi khổ tăng theo tỷ lệ thuận với cấp độ của tật bệnh. Còn người dân thì ước mong chuyện tăng viện phí một cách vừa phải, sẽ chấm dứt cảnh nằm chờ ngoài hành lang dài dài, hay 2, 3 người nằm chung giường bệnh, và nhất là sẽ không còn chịu nạn “phong bì” lót tay cho các bác sĩ, y tá nữa.

Dư luận cũng cho rằng, hiện nhà nước có chủ trương bình ổn giá, kiềm giá những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, vì thế tăng viện phí có phải là điều đi ngược lại với đường lối, chính sách nhà nước hay không?

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.