Rào cản trình độ học vấn
Mặc dù là nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, sản xuất nông nghiệp đóng góp gần 1/5 tổng sản phẩm nội địa GDP, nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn lạc hậu chậm phát triển. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản và trái cây, vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi, đồng bằng sông Cửu Long chưa được chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực, hàng triệu lao động nông thôn bị dư thừa trong quá trình mất đất vì đô thị hóa.
Một người làm lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long mô tả thực trạng:"Ở nông thôn tiền thuê nhân công giá rẻ, với lại nhân công dư thừa. Thanh niên trai tráng đi ra các khu công nghiệp, hãng xưởng làm việc. Nông thôn chỉ còn những người già cả, trung niên. Cũng có một số thanh niên ở lại làm thuê hoặc làm ruộng nhà."
Chúng tôi nêu câu hỏi với TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông Thôn, về việc giải quyết tình trạng lao động dư thừa ở nông thôn và được ông giải đáp. Theo đó, về lý thuyết một mặt những người giỏi, có học, có sức khỏe có thể đi ra thành phố làm việc thậm chí có thể tham gia xuất khẩu lao động đi nước ngoài, song song với quá trình đó là các hoạt động dịch vụ đặc biệt là du lịch, các hoạt động phát triển kinh tế nông thôn, đưa nhà máy các vùng thành phố vệ tinh về nông thôn. Những điều này diễn ra theo hai chiều, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh:
Điều khó ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, có thể nói là trình độ văn hóa ở đây thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt là thấp hơn mặt bằng chung của đồng bằng sông Hồng.
TS Đặng Kim Sơn
"Điều khó ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, có thể nói là trình độ văn hóa ở đây thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt là thấp hơn mặt bằng chung của đồng bằng sông Hồng. Thứ hai đồng bằng sông Cửu Long không có nguồn năng lượng, đồng bằng sông Hồng có bể than rất lớn, có hệ thống điện tương đối tốt, trong khi đồng bằng sông Cửu Long thì không gần nguồn năng lượng nào cả.
Đã thế nền móng đồng bằng sông Cửu Long rất yếu, việc xây dựng các khu công nghiệp hết sức khó khăn. Mặc dù hiện nay hệ thống giao thông cầu đường mới được xây dựng, nhưng còn xa mới bằng được các vùng đồng bằng khác, vì thế việc phát triển công nghiệp, phát triển đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long khó hơn nhiều so với các vùng khác.
Theo tôi nghĩ, cái đáng ngại nhất chính là năng lực của lực lượng lao động. Ở đây không chỉ nói về trình độ văn hóa, điểm thi vào các trường đại học của học sinh đồng bằng sông Cửu Long trung bình thấp hơn nhiều so với các vùng khác. Nhưng mà có thể nói ngay trong tâm lý người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn không tích cực khuyên răn con cái học hành đặc biệt là các cháu gái. Tỷ lệ bỏ học của các cháu ở đồng bằng sông Cửu Long tương đối cao, đặc biệt chất lượng giáo dục chưa tốt.
Điều đáng ngại nhất chính là tài nguyên con người bởi vì sức mạnh quan trọng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long chính là con người. Tôi nghĩ rằng đây là khâu cả Nhà nước lẫn nhân dân phải thúc đẩy mạnh, thay đổi từ tâm lý tới tập quán, thay đổi từ chính sách tới đầu tư, để tạo ra sức mạnh về nguồn nhân lực. Có sức mạnh này rồi thì mới đi lao động ra khỏi vùng, hoặc là thu hút các ngành kinh tế về vùng này trông cậy vào ở đây."
Giải pháp trước mắt

Đáp câu hỏi, trong khi chờ đợi những giải pháp tổng thể, trong ngắn hạn phải làm gì để cải thiện đời sống cũng như cải thiện giáo dục đào tạo ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, TS Đặng Kim Sơn nhận định:
“Trong ngắn hạn có hai việc phải làm: Thứ nhất tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện nay đã có một số cầu chính, có một con đường rất tốt là đường cao tốc chạy từ Hà Nội tới Trung Lương, nhưng từ đấy trở đi, từ đầu Cần Thơ trở xuống Cà mau đặc biệt sang Kiên Giang lên An Giang thì đường xá ngay cả đường trục chính còn chưa tốt, chưa kể đường trong hệ thống giao thông nông thôn còn rất kém. Hệ thống điện chỉ phục vụ thắp sáng chưa phục vụ sản xuất đặc biệt là tưới tiêu trong nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng thì việc đầu tiên nhà nước nên có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vào.
Thứ hai, tôi nghĩ phải có chính sách đặc biệt để tạo ra những trí thức cho nông thôn Nam bộ, có thể trí thức từ thành thị về, có thể trí thức từ nước ngoài về, có thể là trí thức được đào tạo ngay tại nông thôn và họ ở lại đấy. Có trí thức thì mới tạo ra trí thức trong tương lai, có trí thức trong tương lai thì mới nâng cao đội ngũ lao động, mới làm tốt được chính sách giáo dục. Tôi nghĩ là, cơ sở hạ tầng và chính sách thích hợp để phát triển môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc và có thu nhập tốt ở đồng bằng sông Cửu Long, là những việc cần làm đầu tiên.”
Có trí thức thì mới tạo ra trí thức trong tương lai, có trí thức trong tương lai thì mới nâng cao đội ngũ lao động, mới làm tốt được chính sách giáo dục.
TS Đặng Kim Sơn
Sau hơn hai thập niên đổi mới, việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long nâng cao đời sống người dân đã được tiến hành chậm chạp. Nhưng theo lời TS Đăng Kim Sơn, mọi người đều tin tưởng trong tương lai mọi việc sẽ tốt hơn, người Việt Nam trong thời gian gần đây được cho là một trong những cư dân có niềm lạc quan cao nhất.
Tuy nhiên, theo TS Đặng Kim Sơn thì "Việt Nam đi nhanh hay đi chậm, có thể làm tốt hơn hoặc có khi không bao giờ làm được, đều tùy thuộc hoàn toàn vào chính chúng ta, cả Nhà nước lẫn nhân dân, kể cả người Việt ở nước ngoài nếu họ sẵn lòng đóng góp tri thức của mình."
Theo dòng thời sự:
- Nâng thu nhập bằng vùng nông nghiệp chuyên canh
- Xuất khẩu gạo: Thực trạng và Giải pháp
- Cải tổ xuất khẩu gạo chưa chú ý nông dân
- Bao giờ người nông dân hết nghèo
- Để nông dân được đối xử công bằng
- Việt Nam sẽ mua trữ 500 ngàn tấn gạo
- Nông dân vội vã bán lúa
- Thủ tướng yêu cầu thu mua hết lúa của nông dân
- Cà phê ở Việt Nam mất giá, tồn đọng lớn