Tìm giải pháp thay thế mua tạm trữ gạo

Chủ trương của chính phủ mua tạm trữ gạo để điều tiết thị trường giúp bảo đảm nông dân có lời 30% không mang lại kết quả. Lựa chọn một giải pháp thay thế hiện đang được tranh luận sôi nổi.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012.08.06
000_Hkg3834108-305.jpg Một nông dân ngồi trên một chiếc ghe chở lúa để bán trên một kênh đào ở Phú Nhuận, miền nam tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Phục vụ quyền lợi nhóm?

Mỗi khi vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ, chính phủ luôn luôn cho mua tạm trữ một khối lượng gạo để kích thích thị trường tránh thừa cung làm rớt giá. Bộ Tài chính cũng ban hành giá thành sản xuất lúa để từ đó Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tính toán giá mua sao cho nông dân được bảo đảm mức lãi tối thiểu 30%. Tuy nhiên mục tiêu này hầu như không thực hiện được, dù mỗi năm ngân sách nhà nước chi phí hàng ngàn tỷ đồng để cấp bù toàn bộ lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp thành viên VFA thực hiện mua tạm trữ. Dư luận báo chí nhiều năm liền phê phán kế hoạch mua tạm trữ có dấu hiệu phục vụ quyền lợi nhóm, tiền nhà nước không thực sự giúp ích cho nông dân.


Hầu hết những kho đó không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để có thể chứa lúa quá 6 tháng chỉ được dưới 3 tháng, không thể đáp ứng được chiến lược lúa gạo.

TS Phạm Văn Tấn

Trong bối cảnh này, các chuyên gia nông nghiệp và đại diện các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất nhiều giải pháp để thay thế phương cách mua tạm trữ gạo do VFA thực hiện. Từ các hội nghị và diễn đàn chuyên đề, có ba hướng đề xuất đáng chú ý đó là khi thị trường rớt giá chính phủ dùng tiền ngân sách mua dự trữ quốc gia với giá bảo đảm nông dân có lãi từ 30%. Khi thị trường có giá tốt chính phủ có thể bán ra thu tiền về. Đề xuất thứ hai là giúp nông dân tự tồn trữ lúa khi được giá mới bán và hướng thứ ba là đa dạng hóa việc tồn trữ lúa gạo.

Trả lời Nam Nguyên, TS Phạm Văn Tấn một chuyên gia về công nghệ sau thu hoạch ở các tỉnh phía Nam nhận định là nông dân khó tồn trữ lúa tại nhà, vì đầu tư máy sấy lúa tốn kém trong khi diện tích nông hộ nhỏ, bình quân một gia đình nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long canh tác trên diện tích 1,1 ha. Đó là chưa kể người nông dân chưa nắm vững công nghệ sau thu hoạch, phơi sấy bảo quản lúa không đúng cách làm giảm giá trị hạt gạo. Tuy vậy, để giúp người nông dân đạt được lợi ích cao nhất trong sản xuất lúa, chia sẻ lợi ích công bằng đối với các đối tượng khác trong chuỗi cung ứng lúa gạo, TS Phạm Văn Tấn góp ý:

“Nông dân có thể chứa lúa tại nhà với điều kiện họ liên kết với nhau, theo hình thức cụm nông hộ liên kết với một đơn vị sấy hoặc xay xát. Như thế , trong một cụm 10-20 hec-ta nông dân hùn tiền đầu tư một máy sấy lúa và 1 kho bảo quản, làm như vậy sẽ có hiệu quả hơn so với mỗi nhà làm một kiểu. Đặc biệt khi nông dân đã tổ chức thành một nhóm lớn thì sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu, của Trường, Viện để hướng dẫn trực tiếp cho những người làm công tác sấy hoặc công tác bảo quản để họ có thể làm tốt công tác của mình. Thực hiện việc này có thể đem lại lợi ích cho người nông dân.”

Hình thức hỗ trợ tạm trữ

Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Mặt khác theo Cổng thông tin điện tử An Giang, ngành công thương Tỉnh này đang tích cực chuẩn bị thực hiện đề án thí điểm tạm trữ lúa tại nhà dân, song song với việc hoàn tất thủ tục cho các doanh nghiệp thiết lập nhà kho nhà máy xay xát.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết địa phương giao Sở Công Thương tổ chức thí điểm tạm trữ lúa tại những hộ dân đáp ứng điều kiện. Tuy vậy ông Phả đề cao mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông nói:

“Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang có nhà máy Vĩnh Bình, họ thực hiện việc sản xuất theo hợp đồng với nông dân. Người nông dân tới ngày thu hoạch báo cho công ty để công ty chở lúa về, công ty chịu trách nhiệm sấy số lúa tươi đó, sấy xong thì tạm trữ trong kho 30 ngày không tính tiền lưu kho. Hàng ngày công ty niêm yết giá bán nếu người nông dân muốn bán thì nhận tiền vì phiếu nhập kho có rồi. Tất nhiên khi cân lúa ướt họ đo ẩm độ rồi cân điện tử qui ra ẩm độ khô theo hợp đồng. Như vậy đó cũng là một hình thức tạm trữ, người nông dân có quyền chọn bán trong vòng 1 tháng đó, giá nào vừa ý thì bán. Rồi sau một tháng thì tính tiền lưu kho và nông dân muốn bán lúc nào thì bán. Hình thức sản xuất theo hợp đồng, thí dụ lưu kho quá một tháng thì doanh nghiệp bắt đầu thu tiền mà Nhà nước muốn tạm trữ thì trả tiền lưu kho cho doanh nghiệp để khi nào nông dân muốn bán thì bán, thí dụ để thêm 1 tháng nữa thì cũng là một hình thức hỗ trợ tạm trữ.


Người nông dân tới ngày thu hoạch báo cho công ty để công ty chở lúa về, công ty chịu trách nhiệm sấy số lúa tươi đó, sấy xong thì tạm trữ trong kho 30 ngày không tính tiền lưu kho.

Ô. Đoàn Ngọc Phả

Ông Đoàn Ngọc Phả đề cao tính tối ưu của mô hình này vì trên thực tế nông dân khó hội đủ điều kiện tài chánh và kỹ thuật để tồn trữ lúa tại nhà. Theo lời ông An Giang đang xây dựng thêm 190.000 tấn kho nữa đủ để các doanh nghiệp có khả năng thực hiện khoảng một nửa sản lượng lúa của tỉnh này theo mô hình sản xuất theo hợp đồng hay cách gọi khác là cánh đồng mẫu lớn. Ông Phả nhấn mạnh, công ty cho tạm trữ như vậy thì người nông dân có phiếu biên nhận của công ty là đã nhập kho. Người nông dân được xác nhận có một lượng lúa gởi kho thì người ta có thể làm thế chấp để giao dịch được tin cậy hơn, thí dụ muốn vay ngân hàng thì người ta biết là có một số lượng lúa trong kho và công ty chịu trách nhiệm số lượng này. Còn để lúa tại nhà dân thì phải đủ điều kiện kiên cố bảo quản không để lúa xuống cấp thì ít người thực hiện được, ngân hàng cho vay cũng khó thẩm định.

Trở lại hướng đề xuất chính phủ thực hiện dự trữ quốc gia để mua tạm trữ lúa cho dân mỗi khi thị trường thừa cung mất giá. Nhiều ý kiến tán đồng nhưng lại không khả thi vì Việt Nam thiếu chuẩn bị và thiếu phương tiện. GS TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Tân Tạo Long An nhận định rằng làm được vậy thì tốt cho người trồng lúa không bị ép giá, tuy nhiên ông  nhấn mạnh rằng mua dự trữ quốc gia như một họat động điều tiết thị trường thì không đúng bản chất của vấn đề và Nhà nước cũng không có đủ kho để chứa lúa gạo.

Về vấn đề này, TS Phạm Văn Tấn giải thích với chúng tôi:

“Theo số liệu thống kê không chính thức, hiện nay có khoảng 2,5 tới 3 triệu tấn kho nhưng là kho chứa gạo, là những kho hai mái như nhà bình thường. Hầu hết những kho đó không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để có thể chứa lúa quá 6 tháng chỉ được dưới 3 tháng, không thể đáp ứng được chiến lược lúa gạo bởi vì chiến lược lúa gạo là phải có thể tồn trữ lúa trên 6 tháng để khi dự kiến biến động giá cả của thị trường thế giới, lúc đó mới có thể điều tiết được lúc nào bán ra nhiều lúc nào hạn chế. Như thế ngành thương mại lúa gạo Việt Nam mới không bị khách hàng quốc tế ép giá.”

Phương thức mua gạo tạm trữ  qua sự thực hiện của VFA dù đã thất bại nhiều năm, nhưng để thay đổi một cách triệt để có lẽ phải mất nhiều thời gian. Hiện nay VFA mua gạo tạm trữ từ thương lái trung gian, nông dân bán lúa tươi cho thương lái tại ruộng, do vậy mức giá bảo đảm bán lúa có lãi 30% khó hiện thực, ngay cả trong trường hợp kế hoạch được thực hiện nghiêm chỉnh.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.