Lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành đến Việt Nam

Lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, được tổ chức trọng thể tại Đà Nẵng, với sự tham gia của hàng ngàn đại biểu trong nước và hải ngoại. Hai buổi lễ kỷ niệm khác cũng sẽ diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn vào tuần tới.
Đỗ Hiếu- RFA
2011.06.17
Ca sĩ Netina và ca đoàn thiếu nhi- Lễ bế mạc kỷ niệm 100 Tin lành đến Việt Nam. 16 tháng 6, 2011.
Courtesy website hoithanhtinlanhvietnam.org

Poster “Kỷ Niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam” được ban Tổ chức phổ biến đến các Hội thánh và nhà thờ Tin Lành ghi rõ, “đây là cơ hội tốt nhất trong đời để tạ ơn Chúa và nhớ ơn tiền nhân”.

Báo chí ca ngợi Hội thánh Tin lành.

Báo chí Nhà nước nói, 100 năm có mặt tại Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam thường xuyên răn dạy tín hữu một lòng “sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc, sống tốt Đời, đẹp Đạo.” 

Ca đoàn thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây- Lễ bế mạc 16 tháng 6, 2011- Photo website HoithanhTin lanh
Ca đoàn thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây- Lễ bế mạc 16 tháng 6, 2011- Photo website HoithanhTin lanh
Courtesy website hoithanhtinlanh-miennam.org

Được biết, đạo Tin Lành được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 do Hội Truyền giáo Phước âm Liên Hiệp ở Hoa Kỳ sáng lập. Năm 1911 được xem là dấu mốc lịch sử, Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên của việc truyền giáo của Tin Lành vào đất nước Việt Nam. Hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Nam, được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân năm 2001, đến nay có chừng 700 ngàn tín hữu, rải rác ở 34 tỉnh thành phố, từ tỉnh Quảng Trị trở vào Nam. Các cấp hội cũng được chánh quyền tạo điều kiện hoạt động bình đẳng, hàng trăm chi hội và hàng ngàn điểm nhóm thờ phượng Chúa được thành lập ở khu vực Tây Nguyên.
Theo đài Tiếng Nói Việt Nam, VOV, thì Hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Nam là một tổ chức tôn giáo tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội, chia sẻ khó khăn với đồng bào, ngoài ra còn góp phần xây nhà cho người nghèo, giúp phát triển kinh tế gia đình, khám bệnh từ thiện, tặng xe lăn cho người khuyết tật, cấp học bổng cho học sinh nghèo.
VOV cũng nói thêm là trong 100 năm tồn tại và phát triển, Hội thánh Tin Lành Việt Nam được đảng và nhà nước tạo mọi điều kiện tốt nhất để truyền giáo, mở rộng mạng lưới Hội, đào tạo chức sắc. Các hội thánh cũng thường xuyên dặn dò tín hữu tuân thủ, chấp hành mọi nghĩa vụ một công dân Việt Nam, xây dựng một xã hội phồn thịnh, thực hiện những điều tốt đẹp giữa con người với con người.

Những Hội thánh nhỏ lẻ, xa xôi

Qua câu chuyện với RFA, mục sư Nguyễn Hồng Quang, cố vấn Ban Điều hành giáo hội Tin Lành Mennonite, phụ trách trường Cao đẳng thần học Tin Lành ở Saigon giải thích về chủ trương của nhà nước đối với các Hội thánh Tin Lành ở Việt Nam:
“Chính sách của chính quyền Cộng Sản Việt Nam đối với Tin lành là chính sách rất kỹ. Những hệ nhóm Tin lành sinh hoạt lâu năm thỉ được hỗ trợ pháp lý, huấn luyện các chức sắc lãnh đạo. Đồng hành với Nhà nước thì Nhà nước có nỗ lực. Các đại hội Tin lành Mennonite, Baptist Nam phương (?) được nhà nước ủng hộ thì được cho tiền, tổ chức... là chuyện bình thường.  Hay là Hội trưởng Hội thánh Tin Lành “C&A”(?) đang tổ chức 100 năm đó, thì được chính quyền cho gần 50, 000 đô la để mua xe BMW của Đức. Phần lớn chuyện Nhà nước tự hào có những chức sắc Tin lành có cộng tác với Nhà nước trong chính sách tiêu diệt đạo Tin lành; sau khi miền Nam họ mới chiếm thì tính đến hạn chế,từ hạn chế tiến đến thỏa hiệp, từ thỏa hiệp đến lợi ích chung của Tin lành và  chính quyền. Đó là một mô hình đang thịnh hành trong Tin lành. Cho nên việc hằng ngàn, hằng chục ngàn mục sư truyền đạo, chức sắc... được cộng đồng quốc tế huấn luyện hơn 20 năm qua đã trở nên những giáo sĩ những mục sư ra mở rất đông các hệ phái Tin lành truyền giáo đã trở thành niềm tự hào của chính quyền. Hai lợi ích của Tin lành và chính quyền đều được tương đối với nhau”   

không đồng hành với chính quyền trên đất nước này thì bị coi là “xấu”, không cứu xét, chưa cấp (tư cách) pháp nhân hay còn hạn chế. Các chi hội Tin lành thì gặp rất nhiều trở ngại.
\MS Nguyễn Hồng Quang

Theo mục sư Quang, những Hội thánh Tin Lành không thống thuộc chánh quyền, thường xuyên vẫn gặp rắc rối và ông kể ra một vài trường hợp điển hình:
“Chính quyền phân loại những ai chống đối thì sẽ nêu ra danh tánh trên báo chí, sẽ bôi nhọ, cản trở. Vẫn còn một bộ phận Tin lành mà chính quyền cho là chống đối. Ví dụ như mục sư Nguyễn Thành Nhân ở Bình Dương được ghép vào loại vi phạm pháp luật, chống đối, đăng ký năm lần theo chỉ thị 01/ 2005 của chính phủ về đạo Tin lành, cũng đều bị bác hết. Hay như chúng tôi, giáo hội Mennonite và những giáo hội khác, thì coi như những giáo hội Tin lành mà “xấu”, không đồng hành với chính quyền trên đất nước này thì bị coi là “xấu”, không cứu xét, chưa cấp (tư cách) pháp nhân hay còn hạn chế. Các chi hội Tin lành thì gặp rất nhiều trở ngại, cùng với những khó khăn, vẫn còn bị kiểm soát, pháp nhân vẫn theo quy chế “xin cho”, “ban ơn” rất nhiều cảm tính. Còn một bộ phận Tin lành không nhỏ ở vùng cao vùng xa, là một địa phương hay một  nhóm nhánh các mục sư truyền đạo mà dám phát ngôn cho dân oan hay cho hòa bình, công lý, hay có chính kiến về những vấn đề này.... thì bị ghép tội là phản động, chống chính quyền, bị gây khó khăn sách nhiễu rất thường xuyên. Cho nên phải nhìn hết hai vấn đề, chứ không thể nào nhìn cái mặt bên ngoải của nó được. Khó khăn, sách nhiễu vẫn còn trong nhóm Tin lành mà chính quyền cho là phản động, chống chính quyền, là những nhân vật bị cô lập, hạn chế”.        

những người giảng đạo hay nói về Chúa, hay là nhóm lại, những nhóm mới, thi những người đại diện ở địa phương thường nói đó là không hợp lệ.
MS Đoàn Thế Long
Ca đoàn Quảng Nam- Lễ bế mạc 100 năm kỷ niệm Tin Lành đến Việt Nam- 16 tháng 6, 2011
Ca đoàn Quảng Nam- Lễ bế mạc 100 năm kỷ niệm Tin Lành đến Việt Nam- 16 tháng 6, 2011
Courtesy website hoithanhtinlanhvietnam.org

Kế đó, mục sư Josepth Đoàn Thế Long, quản nhiệm một Hội thánh Tin Lành tư gia, hoạt động ‘ngầm” tại Hà Nội cũng nói lên cảm tưởng của ông về sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam:“Theo cái nhìn của tôi thì việc này mỗi vị trí, địa điểm cũng có khác nhau, ví dụ những nơi thành phố thì điểm nhóm được thoải mái,ở những vùng xa thì còn tùy thuộc. Theo sự nhìn nhận của tôi thì sự việc không được như thông báo trên báo chí; như là có bị hạn chế ở một số nơi”.
-Đỗ Hiếu: Nếu không do Nhà nước dựng lên, kiểm soát hay quản lý thì các Hội thánh Tin lành hoặc điểm nhóm gặp khó khăn gì ạ?
-Bây giờ cũng hơi khó nói. Nhìn chung, điểm nhóm mới thường không được tự do, vì theo luật của Nhà nước, sự nhìn nhận mỗi góc độ có khác nhau. Ví dụ những người giảng đạo hay nói về Chúa, hay là nhóm lại, những nhóm mới, thi những người đại diện ở địa phương thường nói đó là không hợp lệ, như chưa có giấy phép hay không có bẳng cấp về truyền đạo...
-Hội thánh Tin lành tư  gia do MS phụ trách thì sinh hoạt ra sao?
-Chỗ tôi cũng không chính thức, không có giấy phép nào cho được nhóm cả. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cứ nhóm lại mười mấy năm rồi.Chúng tôi nhóm nhỏ, có  hơn 20 người thôi.
Theo thông tin phổ biến trên mạng “hoithanhtinlanhvietnam.org” thì hàng ngàn tín đồ, chức sắc Tin Lành trong nước và quốc tế luôn sẵng lòng chung tay, góp sức vì đồng bào Việt Nam trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đạo Tin Lành là một tôn giáo chú trọng đến đời sống tâm linh, đạo đức. Người theo đạo luôn làm việc tốt, việc thiện, để xây dựng một xã hội tốt đẹp và đất nước Việt Nam phồn thịnh giàu mạnh.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều mục sư bị ngồi tù như mục sư Dương Kim Khải, mục sư Nguyễn Công Chính cùng nhiều vị truyền đạo, chức sắc, tín hữu Tin Lành khác, phải chăng vì các vị đó đi “không đúng lề phải” hay “đi nhầm giày”?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.