Miến Điện tiếp tục giam lỏng bà Aung San Suu Kyi

Trong phiên xử vừa kết thúc hồi sáng nay ở Rangoon, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi của Miến Điện bị tiếp tục bị giam lỏng thêm 18 tháng nữa.

AungSanSuuKyi-08112009-250.jpg
Biểu tình trước tòa đại sứ Miến Điện ở Philippines lên án việc Rangoon tiếp tục giam lỏng bà Aung San Suu Kyi. (AFP PHOTO/Nat Garcia)

Bất kể sự chống đối của cộng đồng quốc tế, tòa án Miến Điện xác nhận bà Aung San Suu Kyi đã vi phạm lệnh quản chế và tội chứa chấp một người lạ mặt trong nhà mà không thông báo với chính quyền.

Tòa tuyên phạt Bà 3 năm tù khổ sai, nhưng ngay sau đó Tướng Than Shwe, người điều khiển Hội Đồng Tướng Lãnh đương quyền giảm án xuống còn 18 tháng quản chế tại gia.

Ông John Yettaw, người đàn ông mang quốc tịch Mỹ trốn vào nhà bà bị kêu án 7 năm tù, và hai người phụ nữ giúp việc cho bà Aung San Suu Kyi cũng bị tuyên phạt mỗi người 18 tháng tù.

Một nhà báo của AFP có mặt ở tòa cho biết sau khi nghe đọc bản án, bà Aung San Suu Kyi nghiêm mặt, mỉa mai nói với tòa rằng “cám ơn các ông về bản án” và sau đó bị nhân viên an ninh Miến đưa ra xe chở về nhà.

Tướng Maung Oo, Bộ Trưởng An Ninh Miến Điện nói với báo chí rằng biện pháp mà chính quyền áp dụng với Bà sẽ không thay đổi, giải thích thêm rằng Bà sẽ được hưởng tất cả mọi tiện nghi cần thiết.

Viên tướng này cũng nói với đại ý là chính quyền không quên người mới bị tuyên án là con gái của anh hung dân tộc Aung San, nhưng bản án sẽ tạo ổn định cho dất nước trong thời điểm Miến Điện đang trên đường đi đến dân chủ.

Tuyên bố này hoàn toàn không khác gì những phát biểu mà chính quyền Rangoon đã từng đưa ra trước đây để giải thích lý do tại sao Bà Aung San Suu Kyi tiếp tục bị giam cầm dưới hình thức quản chế trong nhiều năm qua.

Thế giới lên án

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, EU lên tiếng thông báo sẽ có những biện pháp chế tài mới với chính quyền quân sự Miến, vì bản án mà nhà cầm quyền tuyên phạt nhân vật tranh đấu được xem là biều tượng của tự do và dân chủ sẽ ngăn cản không cho Bà tham gia cuộc bàu cử mà Rangoon nói sẽ tổ chức vào năm tới.

Tổng Thống Pháp, ông Nicholas Sarkozy cho hay những biện pháp chế tài mới sẽ đánh thẳng và mạnh hơn vào những khâu thương mại ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của Miến, trong khi Thủ Tướng Anh Gordon Brown và Thủ Tướng Úc Kevin Rudd kêu gọi Liên Hiệp Quốc ban hành nghị quyết cấm bán võ khí võ khí cho chính quyền Miến.

Trên trang blog cá nhân, Ngoại Trưởng Na Uy Jonas Garr Stoere viết rằng “không thể chấp nhận” hành động của giới lãnh đạo quân nhân Miến Điện, nhắc nhở mọi người “điều quan trọng nhất là phải tiếp tục làm áp lực mạnh hơn nữa với Rangoon”.

Ngay chính những nước bạn của Miến Điện ở Đông Nam Á cũng đã bày tỏ quan điểm. Bộ Ngoại Giao Indonesia cho hay “rất thất vọng” về bản án, chính phủ Malaysia yêu cầu ASEAN triệu tập phiên họp khẩn cấp để giải quyết, để giải quyết một vấn đề “có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức”.

Ông John Sanchez, một thành viên của Ủy Ban Quốc tế Vận Động Dân Chủ Cho Miến Điện nói rằng trong lúc giới lãnh đạo Rangoon “tiếp tục rêu rao là đang tiến những bước thật chắc cho tiến trình xây dựng dân chủ và sẽ tổ chức bàu cử tự do, thì rõ ràng bản án cho thấy mục tiêu của nhà cầm quyền vẫn là ngăn chận tất cả các hoạt động của những người bất đồng chính kiến”.

Ông giải thích thêm rằng đây không phải là điều ngạc nhiên, vì quá khứ cho thấy nếu bàu cử công bằng, các tướng lãnh Miến sẽ mất hết quyền hành. Bằng chứng là Liên Đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ do Bà Aung San Suu Kyi thành lập từng chiến thắng vẻ vang sau cuộc bàu cử quốc hội diễn ra hồi 1990, và phe quân nhân cầm quyền không tôn trọng kết quả cuộc bàu cử này.

Từ đó đến giờ đã gần 20 năm trôi qua, và nhân vật tượng trưng cho dân chủ từng lãnh giải Nobel Hòa Binh bị bị nhà cầm quyền quản chế cả thảy 14 năm.

Một nguồn tin đáng tin cậy phát xuất từ Rangoon cũng cho biết ít nhất 50 người ủng hộ Bà Aung San Suu Kyi bị cảnh sát Miến Điện bắt giữ hồi sáng nay, lúc họ đang tập họp trước tòa để chờ nghe bản án.

Trước đó, chính phủ Rangoon đã ra thông cáo nói rõ tất cả những ai có hành động chống đối bản án đều bị truy tố trước pháp luật, và liên tiếp trong nhiều ngày, những bài bình luận phổ biến trên báo chí do nhà nước quản lý đều mang nội dung chỉ trích các chính quyền nước ngoài âm mưu cấu kết để can thiệp vào chuyện nội bộ của Miến.

ỗ Hi ếu t ường trình t ừ Washington).