An Giang: người biểu tình tiếp tục bị bao vây

Liên tục trong hai ngày qua, chánh quyền huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đưa một lực lượng an ninh võ trang, đến vây quanh nhóm vài chục người Khmer Kampuchia Krom, tập họp nhiều ngày trên ruộng đất của họ bị trưng dụng.
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
2009.09.12

Sự việc này còn tiếp diễn, nên phóng viên Đỗ Hiếu đài chúng tôi có thêm chi tiết gởi đến quý vị.

Một người có mặt tại chỗ kể rằng, ông bị chánh quyền sở tại xem là “cầm đầu” nhóm dân Khmer Krom khiếu kiện và thuật lại những gì đang xảy ra tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên:

“Chính quyền sở tại đưa thêm bộ đội vô, giờ còn 60 người của 113, khoảng một trăm mấy chục công an đàn áp bà con Khmer Krom. Bây giờ có một số người sợ quá không dám ngăn cản (tức tụ tập khiếu kiện) vì thấy bộ đội đông quá. Giờ còn có khoảng 40 người thôi. Nhà tôi nó đang gác xung quanh.”

Chỉ xin bồi thường

Mấy trăm gia đình bao lần đi khiếu nại đủ mọi cấp nhưng không ai chịu giải quyết, mà tìm cách đưa đẩy lên xuống:

“Tôi và bà con cũng đi theo pháp luật. Mấy năm trước tui đi ủy ban xã An cư rồi nhưng nơi này nói không có pháp luật nào giải quyết cho bà con đâu. Tui nói bây giờ giải quyết hay không thì cứ nhận đơn cho bà con đi. Rồi tôi đi thưa lên huyện thì bên huyện ủy cũng nói không có luật pháp nào mà giải quyết cho bà con hết. Tui lấy đơn lên tỉnh, tỉnh cũng chỉ nhận đơn thôi. Tôi đi tới trung ương (ở Sài gòn) nhiều lần rồi, gần 10 lần đó. Ông ở trên chỉ xuống dưới, ông ở dưới lại chỉ lên trên. Khó quá rồi.”

Tôi đi tới trung ương (ở Sài gòn) nhiều lần rồi, gần 10 lần đó. Ông ở trên chỉ xuống dưới, ông ở dưới lại chỉ lên trên.

Một người dân Khmer Krom

Ông và những người trong cuộc chỉ xin nhà nước bồi thường để có phương tiện canh tác, sinh sống:

“Bây giờ đồng bào chúng tôi chỉ yêu cầu nhà nước bồi thường đất đai hay đất ruộng đất rẫy cho bà con Khmer có đất cày cuốc, vậy thôi, không yêu cầu gì hơn. Tôi xin đất của ba tui lại mà chính quyền nói đất đó đã mất lâu quá rồi đừng có kêu nài nữa. Vậy đó.”

Một nông dân khác, từ huyện Tri Tôn, bên cạnh có mặt trong cuộc tập họp vì ruộng đất ông cũng trưng thu trình bày về hoàn cảnh của mình đồng thời mong chánh quyền phán xét công minh:

Bây giờ em nói là có anh nào ở cấp trên xuống coi sao, ai trật ai trúng thì anh giúp đỡ bà con.”

Đã được giải quyết?

Mọi liên lạc với các quan chức hành chánh, quân sự, công an Tịnh Biên hay An Giang đều bất thành.

Duy chỉ có một nhân viên trực đội an ninh nhân dân thị trấn Tịnh Biên cho đài chúng tôi biết là sự việc người Khmer Krom khiếu nại và đòi bồi thường đã được giải quyết:

“Cái đó chính quyền đã giải quyết xong rồi, không có gì hết. Nói chung là ổn thỏa, không có ai quậy gì hết trơn, bình thường. Không biết ngày mai họ còn đi (khiếu kiện) không nữa.”

Đỗ Hiếu: Mấy chục người Khmer Krom đó không gặp rắc rối gì hả anh? Lực lượng an ninh cũng rút hết rồi, mọi chuyện êm thắm rồi hả anh?

“Không rắc rối gì hết, rất là bình thường.”

Bà con chúng tôi nghèo khổ tới bây giờ luôn, đi làm mướn như đốt than, gánh củi, đi cắt lúa mướn cho bà con người Kinh không đó. Khó sống quá. Chúng tôi chỉ yêu cầu để cho bà con chúng tôi có đất trồng cuốc như bà con người Kinh vậy.

Ông Chat In

Trong khi đó những nhân chứng thuộc thành phần dân oan thì nói hoàn toàn khác:

“Bây giờ họ còn gác ở đó chưa về đâu. Bà con tui bây giờ không biết làm sao, ngăn cản không kịp đâu. Mấy ông đem súng, đem bộ đội, đem cây giật điện (roi điện) rồi chó (săn) đang ở đó, chưa đi đâu. Bà con ở đây không biết yêu cầu ông nào giúp bây giờ. Nó nói tui là người đứng đầu vận động bà con đi ngăn cản.”

“Có công an, có xã đội, có chó (săn) nữa.”

Nghèo khổ vì đất đai bị chiếm

Ông Chat In, người đại diện cho nhóm dân oan ở Tịnh Biên cũng giải thích thêm về cuộc sống chật vật của người Khmer Krom, đất đai bị trưng dụng, không nghề nghiệp nhất định, thường là sống qua ngày bằng những công việc nặng nhọc:

“Dân Khmer Krom còn nghèo khổ vì đất đai bị chiếm. Cả đất rẫy, đất ruộng và đất đào kinh bị nhà nước chiếm. Đào kinh rồi không bồi thường cho dân đâu, như vậy đó. Bà con chúng tôi nghèo khổ tới bây giờ luôn, đi làm mướn như đốt than, gánh củi, đi cắt lúa mướn cho bà con người Kinh không đó. Khó sống quá. Chúng tôi chỉ yêu cầu để cho bà con chúng tôi có đất trồng cuốc như bà con người Kinh vậy.”

Đỗ Hiếu tường trình cùng quý vị từ Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.