Các chương trình “chất lượng cao” đã thực hiện trong quá khứ, đang thực hiện trong hiện tại, và nay đến chương trình này, sẽ thực hiện trong tương lai, đã đối diện với nhiều bình phẩm xôn xao về tính khả thi, tính thực chất, và tính hữu lý của chúng.
“Mục tiêu mà chương trình đặt ra phải là trang bị cũng như đào tạo cho nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải làm… cán bộ nông nghiệp hoặc sau đó lại “ly nông”.”
Báo Sài Gòn Giải Phóng Online
Đào tạo “nông dân chất lượng cao.”
Cần phải nói ngay về mục đích của chương trình đào tạo nông dân chất lượng cao, vì các phản biện sắp được nói tới cũng sẽ đề cập đến định nghĩa của từ “chất lượng.”
Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Cao Đức Phát, nói, và được báo chí dẫn lại, như sau: “Mục tiêu mà chương trình đặt ra phải là trang bị cũng như đào tạo cho nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải làm… cán bộ nông nghiệp hoặc sau đó lại “ly nông”.” [Báo Sài Gòn Giải Phóng Online ngày 25 tháng Hai, 2009]
Và sau đây là một số phản biện.
Trên một blog có tên “Trục Nhật Phi” mà nhiều người tin rằng tác giả là ông Cao Tự Thanh, một nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hoá miền Nam, ông Cao Tự Thanh đã viết một bài phê bình ngắn liên quan đến chương trình “chất lượng cao” này.
Ông Cao Tự Thanh, hiện sống tại Sài Gòn, mở đầu bài viết:
“Đào tạo chất lượng cao, tức là chuyện đào tạo 1 triệu nông dân chất lượng cao mỗi năm mà nghe nói Chính phủ vừa đặt hàng cho Bộ hữu quan. Đây là một chuyện cười chất lượng cỡ nào thì tùy người đối diện, nhưng hiệu quả thì giống như nói chuyện pha trò mà thành chọc cho chúng chửi. Bởi vì chương trình này có nhiều chỗ nghe cứ lơ mơ như trát bùn, mặc dù nếu được thực thi thì sẽ trực tiếp tác động tới số phận của nhiều triệu người trong nhiều năm tới.”
Chẳng hạn, nếu đào tạo nông dân để biến họ thành chất lượng cao, thì có thể có giáo trình nào tổng kết, lý giải và dự kiến cho hết được mọi vấn đề của nông dân hay không?; hoặc là làm thế nào để đào tạo khi, trong nông nghiệp, "kỹ năng và kinh nghiệm của từng cá nhân được hình thành qua thực tiễn lao động?"
Tác giả blog Trục Nhật Phi nêu ra một vài thắc mắc trong bài viết. Chẳng hạn, nếu đào tạo nông dân để biến họ thành chất lượng cao, thì có thể có giáo trình nào tổng kết, lý giải và dự kiến cho hết được mọi vấn đề của nông dân hay không?; hoặc là làm thế nào để đào tạo khi, trong nông nghiệp, “kỹ năng và kinh nghiệm của từng cá nhân được hình thành qua thực tiễn lao động?”
Tác giả cũng đặt câu hỏi: nông dân chất lượng cao là nông dân gì, khác với nông dân chất lượng thấp hay chất lượng chưa cao ở chỗ nào? Và liệu chương trình đào tạo này có tính đến sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp cũng như tình hình “ly nông,” “ly hương” của nông dân hiện nay hay không?
Tác giả viết:
“… Trong môi trường sản xuất nông nghiệp, hoạt động sống và hoạt động sản xuất không tách bạch như trong giới làm công ăn lương; trời không mưa cũng phải lo, nước quá cao cũng phải sợ, Vedan lén xả nước thải cũng chết dở, nhà nước quy hoạch lấy đất cũng buồn thiu, lao động lại không đồng nghĩa với sản xuất, làm ruộng giỏi mà gặp thiên tai cũng mất trắng, chăn nuôi giỏi mà gặp thứ heo Thổ Hành Tôn nuôi cả năm được ba chục ký cũng sạt nghiệp, hàng trăm hàng ngàn nguy cơ rất cụ thể như thế thì giáo trình nào tổng kết, lý giải và dự kiến cho hết được để dạy người ta?”
Nông nghiệp có bản chất tích luỹ kinh nghiệm qua thực tế, nên đừng nói là dạy dỗ người nông dân cách làm nông, mà trước hết là hãy đi đào tạo "các vị thầy bà tương lai kia làm ruộng nuôi heo nuôi cá chăn bò vài mùa" xem sao.<br/>
Người nông dân tích luỹ kinh nghiệm qua thực tế
Tác giả nhận định, vì nông nghiệp có bản chất tích luỹ kinh nghiệm qua thực tế, nên đừng nói là dạy dỗ người nông dân cách làm nông, mà trước hết là hãy đi đào tạo “các vị thầy bà tương lai kia làm ruộng nuôi heo nuôi cá chăn bò vài mùa” xem sao.
“… Trong nông nghiệp, kỹ năng và kinh nghiệm của từng cá nhân được hình thành qua thực tiễn lao động sản xuất gắn liền với một hệ thống điều kiện tài nguyên tự nhiên xác định (thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu...) và một hệ thống sản xuất cụ thể (phương tiện kỹ thuật, quy trình tác nghiệp, quan hệ thị trường...), cho dù là Thần Nông ở Thái Bình mà vào Đồng Tháp Mười làm ruộng không khéo cũng có ngày phải bỏ đất cho chuột coi mà lên Sài Gòn bán giấy số. Chỉ một chuyện chống chuột phá lúa ấy thôi mà hai trăm năm nay bao nhiêu thế hệ nông dân Nam Bộ cũng phải liên tục đào tạo cho nhau đấy, ai cũng là thầy mà ai cũng là trò…”
Xét đến định nghĩa của từ “chất lượng,” tác giả dẫn lời ông Bộ Trưởng Cao Đức Phát, rằng “mục tiêu mà chương trình đào tạo này đặt ra phải là trang bị cũng như đào tạo cho nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải làm cán bộ nông nghiệp hoặc sau đó lại ly nông.” Tác giả phân tích, lời của ông Bộ Trưởng có thể hiểu là “nông dân chất lượng cao sắp được đào tạo đây là loại nông dân có thể làm giàu bằng hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình nên không cần chạy chọt xin làm việc nhà nước để lãnh lương hay bỏ làm ruộng chạy chợ (tức ly nông), thậm chí rời quê (tức ly hương).”
Cao Tự Thanh viết rằng, nói như ông Bộ Trưởng “nghe được,” nhưng, cũng có mấy điểm cần lưu ý!
"… Trong nông nghiệp, kỹ năng và kinh nghiệm của từng cá nhân được hình thành qua thực tiễn lao động sản xuất gắn liền với một hệ thống điều kiện tài nguyên tự nhiên xác định (thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu...) và một hệ thống sản xuất cụ thể (phương tiện kỹ thuật, quy trình tác nghiệp, quan hệ thị trường...)<br/>
Điểm thứ nhất, nông dân có thể chủ động học tay nghề, học tri thức, học cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhưng họ không thể chủ động làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Điểm thứ hai, tác giả viết rằng “việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp và ở nông thôn hiện nay là nhu cầu khách quan mà cấp thiết, nông dân không ly nông thì có ngày chết đói, ly nông mà ly hương thì chết các thành phố. Muốn họ ly nông không ly hương thì phải tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, có đào tạo tay nghề thì đào tạo những cái ấy, chứ đào tạo những thứ kỹ năng cấy lúa làm cỏ chất lượng cao để làm cái gì!”
Hãy đào tạo "chính quyền chất lượng cao" trước
Điều tác giả muốn nhắn nhủ rất rõ: rằng muốn nâng cao đời sống nông dân, quan trọng là chính sách của nhà nước chứ không phải là những chương trình “hoành tráng” nhưng không hiệu quả theo kiểu “đào tạo nông dân chất lượng cao.”
"Chính quyền có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp - tiêu thụ nông sản và bảo vệ công bằng xã hội cho họ thì mấy chục năm nay còn lo chưa xong, lại đi can thiệp sâu vào những chuyện vốn không phải của mình."
Tác giả viết rằng, “nếu chẳng may chương trình đào tạo nông dân chất lượng cao này lại có chất lượng cao thì sau 25 năm nữa Việt Nam sẽ có 25 triệu nông dân xịn, có điều lúc ấy nước biển dâng lên, ruộng đất giảm đi, nông dân cả chất lượng cao lẫn chưa cao không đủ mặt bằng tác nghiệp để thi triển thân thủ đành phải ly nông hay ly hương thì công lao của thầy, công sức của trò, quyết tâm của Chính phủ, tâm huyết của Bộ hữu quan và nhất là kinh phí nhà nước đổ vào chương trình này kể như đổ sông đổ biển chứ gì?”
Một lần nữa, vẫn theo tác giả, điều quan trọng là ở chính sách: “Chính quyền có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp - tiêu thụ nông sản và bảo vệ công bằng xã hội cho họ thì mấy chục năm nay còn lo chưa xong, lại đi can thiệp sâu vào những chuyện vốn không phải của mình.”
Về chính sách, thì thực tế Việt Nam cho thấy, đã có nhiều nghịch lý xảy ra. Chẳng hạn, trong khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, người Việt Nam phải ăn gạo giá đắt, còn doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì lại xuất khẩu với giá … rẻ hơn.
Trên một bài viết được Đài chúng tôi thực hiện cách đây không lâu, tác giả Nam Nguyên viết rằng “với giá lúa thường như giống 2517 hiện bán được từ 4,400đ tới 4,500đ/kg, thì xay ra gạo trắng tới tay người tiêu thụ không dưới 8,000đ/kg. Thế nhưng, theo dõi trang thông tin điện tử của Hiệp Hội Lương Thực VN thì giá gạo xuất khẩu những tuần lễ đầu tháng giêng rất thấp. Cụ thể ngày 12/01/2009 gạo 25% tấm đã ký bán với giá 370 USD/tấn, như vậy 1 Kg gạo xuất khẩu ở hợp đồng này trị giá 6,500đ, ít hơn giá gạo trắng cùng loại trên thị trường nội địa tới 1,500đ/kg.”
Chắc người ta không nghe bên nông nghiệp nói nữa, vụ rồi hôm sạ kêu sạ lúa dài, đừng sạ lúa tròn nhà nước không mua. Nông dân làm lúa dài hết trơn, bây giờ lúa dài mua ngang giá lúa ngang mà năng suất không bằng. Bây giờ không chịu nghe lời mấy người đó nữa.”
Một nông dân ở Cần Thơ
Cũng liên quan đến chính sách, thì một số nông dân đã trả lời với Đài chúng tôi, rằng họ không hài lòng với vụ đông xuân 2008-2009, trong đó ngành nông nghiệp chỉ đạo loại bỏ giống lúa IR50404 và OM576 và khuyến khích gia tăng diện tích lúa thơm và lúa chất lượng cao. Một nông dân Cần Thơ khẳng định là sẽ “không nghe bên nông nghiệp nói nữa.”
“ Chắc người ta không nghe bên nông nghiệp nói nữa, vụ rồi hôm sạ kêu sạ lúa dài, đừng sạ lúa tròn nhà nước không mua. Nông dân làm lúa dài hết trơn, bây giờ lúa dài mua ngang giá lúa ngang mà năng suất không bằng. Bây giờ không chịu nghe lời mấy người đó nữa.”
Việt Nam "hiện cần đào tạo nhiều cái chất lượng cao lắm, nhưng trong đó cái cần đào tạo sớm nhất chính là chính quyền chất lượng cao..."
Trở lại với bài viết của Cao Tự Thanh. Tác giả liên hệ vụ nông dân đến những chương trình “chất lượng cao” trong quá khứ, chẳng hạn chương trình “cử nhân tài năng.”
Ông viết: “Trước đây nghe tới vụ Cử nhân tài năng đã rất chói tai, nhưng ngành đại học kém cỏi lỡ đào tạo ra thứ Cử nhân không có tài năng thấy xấu hổ muốn cải tiến nên chọn đó làm mục tiêu phấn đấu, đào tạo ít năm nếu không thấy có hiệu quả sẽ dẹp tiệm tìm phương án khác, thất bại là mẹ thành công thì tự nhiên thành công là con thất bại, mẹ càng nhiều thì con càng đông, cái gì chứ người muốn làm Cử Nhân xứ này đâu có thiếu, những thanh niên kia chỉ là vật thí nghiệm miễn phí, vì lợi ích trăm năm thì thiệt thòi vài thế hệ nhằm nhò gì, tiếc gì mà không thất bại bừa đi.”
Tác giả kết luận trong bài viết, rằng Việt Nam “hiện cần đào tạo nhiều cái chất lượng cao lắm, nhưng trong đó cái cần đào tạo sớm nhất chính là chính quyền chất lượng cao...”