Nhiệt điện than đi ngược nỗ lực giảm biến đổi khí hậu toàn cầu

Thanh Trúc
2019.09.06
000_1BA2DM.jpg Hình minh họa chụp hôm 27/9/2011: một nhà máy nhiệt điện chạy than ở Belchatow, Ba Lan
AFP

Tăng gia và kéo dài việc dùng than trong sản xuất điện không chỉ làm tăng hiệu ứng nhà kính mà còn vô hiệu hóa nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu của nhiều nước trên thế giới.

Đó là cảnh báo mới nhất từ tổ chức Công Ước Và Khung Hành Động Về Biến Đổi Khí Hậu, tại cuộc họp ở thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm 4 tháng Chín vừa qua với sự tham dự của đại biểu các nước trong khu vực.

Cam kết giảm khí thải nhà kính

Việt Nam có tên trong danh sách các nước đang tăng gia sử dụng nhiệt điện than. Phát biểu tại buổi họp, phó trợ lý điều hành Công Ước Và Khung Hành Động Về Biến Đổi Khí Hậu (tổ chức của Liên Hiệp Quốc), ông  Ovaris Sarmad, cho biết trong lúc những nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam tiếp tục sử dụng nguyên vật liệu rẻ là than để sản xuất điện cung ứng cho nhu cầu năng lượng trong nước, thì có những quốc gia khác trên thế giới quay sang điện tái tạo dù giá thành cao hơn và sản lượng tương đối khiêm tốn so với điện than.

Điều này tạo hiểm họa nghiêm trọng, viên chức Liên Hiệp Quốc khuyến cáo tiếp, vì khí thải từ nhiệt điện than khiến nỗ lực chống biến đởi khí hậu trở thành vô ích, trong lúc hệ quả của biến đổi khí hậu trong những ngày tới là thiên tai đủ loại với mức độ nguy hiểm khó lường.

Trước cảnh báo của ông Ovaris Sarmad, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm Công Nghiệp Môi Trường Việt Nam, cho là quá đúng và quá cần thiết:

Thực ra mà nói cảnh báo đó không sai. Nhiệt điện than phát sinh C02, CO2 rõ ràng làm tăng khí nhà kính trên tầng khí quyển, dẫn đến gia tăng nhiệt độ trái đất.

Các quốc gia Châu Á và một số nước trên thế giới hiện nay, do phát triển tốc độ cao mà trong khi năng lượng cần để phụ trợ cho phát triển lại thiếu. Sợ thiếu điện cho nên phải phát triển nhiệt điện than, một hình thức vừa rẻ vừa nhanh nhưng đấy chính là nguồn phát sinh hiệu ứng nhà kính gây sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việt Nam trước kia có qui hoạch gọi là Qui Hoạch Điện 7, phê duyệt  đề án phát triển nhiệt điện than với công suất t lớn. Tuy nhiên ở Công Ước Paris Về Biến Đổi Khí Hậu COP21 thì thủ tướng chính phủ có cam kết là Việt Nam sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990. Và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính.
-Phó GSTS Phùng Chí Sỹ

Đồng quan điểm với phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biển Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường Và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, nói thêm rằng tác hại môi trường từ nhiệt điện than là điều cần nghĩ đến đầu tiên trước khi đề cập đến biến đổi khí hậu:

Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng như trong Việt Nam đã khẳng định là sử dụng than đá trong các nhà máy nhiệt điện sẽ phát thải ra nhiều khí CO2 và các loại khí độc khác gây ô nhiễm.  Không chỉ Việt Nam mà các nước quanh Việt Nam như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ cũng sử dụng nhiệt điện than, vô tình làm sự phát thải khí nhà kính cả  khu vực, cả khối Châu Á gia tăng lên.

Đứng về mặt kinh tế nhiệt điện than rẻ hơn tất cả những nguồn điện khác. Cái rẻ đó tính từ giá thành, 1Kw nhiệt điện than rẻ hơn so với thủy điện hay điện gió hoặc điện mặt trời. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh cái rẻ đó là tại không tính ra những chi phí về mặt môi trường, chi phí về mặt sức khỏe hay chi phí về mặt xã hội. Nếu tính vào đầy đủ thì chưa hẳn đó là rẻ.

Cuộc họp về biến đổi khí hậu và nỗ lực phòng chống hiện tượng nóng ấm của trái đất ở Bangkok còn cảnh báo là lượng khí CO2 trên toàn cầu tăng chứ không giảm như cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ Thỏa Thuận Paris Về Biến Đổi Khí Hậu Toàn cầu.

Nói một cách khác, vào khi Thỏa Thuận Paris nhắm mục tiêu giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C để tiến tới mức 1,5 độ C là lý tưởng,  thì đáng tiếc chính sách công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến lượng CO2 trên toàn cầu lên gần 3 độ C từ giờ tới cuối thể kỷ.

Những người biểu tình tụ tập gần nhà chính phủ để phản đối việc xây dựng một nhà máy điện than ở Bangkok, Thái Lan vào hôm thứ Ba, ngày 20 tháng 2 năm 2018.
Những người biểu tình tụ tập gần nhà chính phủ để phản đối việc xây dựng một nhà máy điện than ở Bangkok, Thái Lan vào hôm thứ Ba, ngày 20 tháng 2 năm 2018.
AP

Đây là điều cả thế giới đang lo ngại, tiến sĩ Lê Anh Tuấn phân tích:

Thỏa Thuận Paris cố gắng làm sao giảm mức phát thải khí nhà kính trên qui mô toàn cầu để nhiệt độ trên trái đất không vượt qua khỏi 2 độ C, hoặc tốt nhất là dưới 1,5độ C. Mỗi quốc gia đều phải cắt giảm bớt thông qua những chương trình tiêu thụ hoặc sử dụng năng lượng hóa thạch hoặc là sử dụng các động cơ chạy bằng xăng dầu hay những phát thải khác trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Nếu không  tiến tới mục tiêu chung của thế giới, là không vượt quá 2 độ C hoặc tốt nhất 1,5 độ C, thì hệ quả rất xấu cho cả hệ sinh thái toàn cầu. Không tuân thủ cam kết này thì nhiệt độ trái đất có khả năng gia tăng tới 3 độ C từ đây tới cuối thế kỷ này.

Chính sách nào khả thi?

Sự phát triển và sản xuất nhiệt điện than ở Việt Nam như thế nào, Việt Nam có thực sự muốn giảm khí nhà kính từ nhiệt điện than hay không? Phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết:

Việt Nam trước kia có qui hoạch gọi là Qui Hoạch Điện 7. Trong qui hoạch đó chính phủ đã phê duyệt một đề án phát triển nhiệt điện than với công suất phát triển rất lớn. Tuy nhiên vừa rồi ở Công Ước Paris Về Biến Đổi Khí Hậu COP21 thì thủ tướng chính phủ Việt Nam có cam kết là Việt Nam sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990. Và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính.

Thế thì Việt Nam giảm bằng cách gì? Thứ nhất là có chính sách không tiếp tục phát triển năng lượng từ nhiệt điện đốt than nữa, tức là giảm các nhà máy nhiệt điện than. Những nhà máy nào đã được phê duyệt và đang bắt đầu xây dụng rồi thì cho xây dựng tiếp, nhà máy nào chưa được xây dựng thì sẽ không cho phát triển tiếp nữa.

Hiện Việt Nam đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch từ mặt trời, từ gió. Chính phủ đang có chính sách hỗ trợ những dự án phát triển năng lượng tái tạo bằng cách tăng giá điện. Bình thường giá điện đốt than Nhà Nước chỉ mua vào 4,5 cents Mỹ cho một kilowatt, còn nếu điện bằng năng lượng mặt trời thì chính phủ mua giá hơn gấp đôi, 9 hay 10 cents/kilowatt. Xem như vậy thì rất nhiều tỉnh trong thời gian này đang phát triển mạnh năng lượng mặt trời. Người dân đầu tư vào năng lượng mặt trời thì chính phủ sẽ hổ trợ, mua lại giá điện ấy gấp đô so với gia điện đốt than.

Nhìn chung về kế hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt là nhiệt điện than thường gây ô nhiễm không khí và môi trường, tiến sĩ Lê Anh Tuấn đưa ra một cái nhìn tổng thể:

Trong qui hoạch phát triển năng lượng thì từng có dự đoán Việt Nam sẽ thiếu nhiều nguồn điện cho sản xuất và đời sống trong tương lai. Vì thế Bộ Công Thương có qui hoạch phát triển nhiều nhà máy cấp điện để bù cho chỗ thiếu hụt và nguồn than cho các nha máy đó nhập từ nước ngoài.

Như vậy trong tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ mọc lên nhiều nhà máy lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên hiện ở Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ mới xong nhà máy nhiệt điện tại Trà Vinh. Nhà máy ở Sóc Trăng đang xây nhưng hiện bị khựng lại vì liên doanh với Nga, tức nằm trong danh sách bị cấm vận của Mỹ nên không thực hiện được. Trong tương lai sẽ có nhiều nhà máy khác được xây nhưng tùy theo điều kiện đầu tư và kinh tế. Điều đó cũng gây nhiều lo ngại cho người dân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tỉnh Bạc Liêu đã từ chối và yêu cầu không xây dựng nhà máy nhiệt điện than mà thay thế bằng điện gió và điện mặt trời như các tỉnh khác.

Thỏa Thuận Paris cố gắng làm sao giảm mức phát thải khí nhà kính trên qui mô toàn cầu để nhiệt độ trên trái đất không vượt qua khỏi 2 độ C, hoặc tốt nhất là dưới 1,5độ C. Nếu không  tiến tới mục tiêu chung của thế giới,tức không vượt quá 2 độ C hoặc tốt nhất 1,5 độ C, thì hệ quả rất xấu cho cả hệ sinh thái toàn cầu. Không tuân thủ cam kết này thì nhiệt độ trái đất có khả năng gia tăng tới 3 độ C từ đây tới cuối thế kỷ này.
-
Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn

Đối với tiến sĩ Lê Anh Tuấn thì đây là sự giằng co giữa một bên phát triển nguồn điện từ than và bên kia là nguồn điện sạch từ gió hay từ năng lượng mặt trời hoặc các nguồn thiên nhiên khác.

Khuyến cáo nghiêm khắc và mạnh mẽ từ tổ chức Công Ước và Khung Hành Động Về Biến Đổi Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc thì nhân loại không còn bao nhiêu thời gian nữa và nếu không tự mình chuyển đổi như cam kết thì hệ sinh thái của trái đất sẽ bị hủy hoại, nhiều cộng đồng dân cư bị phân tán hay bị tan rã, cả một hệ thống sinh hoạt xã hội bị đảo lộn.

Được biết cuộc họp tại Bangkok, được coi như một hội nghị lớn, diễn ra trước khi có thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở New York tháng Chín này.

Hội nghị tháng Chín ở Hoa Kỳ nhằm chuẩn bị cho sự kiện quan trọng hơn nữa về biến đồi khí hậu COP25 sắp tới, do Liên Hiệp Quốc chủ trì tại Chile tháng Mười Hai năm 2019.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.