Chẳng hạn, sau khi ly thân, ly dị, con cái thường trở nên lầm lì, ít nói. Có em thì bỏ học, hay bỏ nhà ra đi. Cũng có những trường hợp tích cực, các em vùi đầu vào việc học nhưng rồi cũng bị trầm cảm.
Có trường hợp tệ hại hơn thì cha mẹ lại biến con mình thành vũ khí để chống lại một bên, nói xấu cha, hay nói xấu mẹ. Trong chuyên mục Trang Phụ Nữ kỳ này, mời quí vị nghe một số ý kiến của các nhà tâm lý trong và ngoài nước đề cập đến việc ly thân, ly dị ảnh hưởng đối với con cái ra sao.
Ảnh hưởng nặng về tâm lý
Tiến sĩ Nguyễn thị Bích Hồng, giảng viên trường Đại Học Sư Phạm TPHCM cho rằng, khi cha mẹ ly thân, ly dị, chắc chắn, con cái sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý rất nặng nề. Đó là chưa kể về sau này, có thể các em sẽ thay đổi cả về quan niệm sống. Bà nói:
Đầu tiên là nhận thức của đứa trẻ, nó sẽ có những suy nghĩ không tích cực về hôn nhân, tình yêu. Sau này, khi đứa trẻ lớn lên, nó có thể có suy nghĩ lệnh lạc về quan điểm hạnh phúc trong gia đình.
Điều thứ hai, trong trường hợp bố mẹ ly dị mà không có sự ổn định tâm lý nhanh chóng, dẫn đến tình trạng người này hận người kia, thù hằn, ghét bỏ, thường xuyên nói xấu, khích bác, thì sẽ làm cho đứa trẻ sẽ xây dựng một biểu tượng xấu về mẹ hay người cha của mình. Sau này, nó sẽ e sợ tât cả người phụ nữ khác hay tất cả những người đàn ông khác.
<i>Điều thứ hai, trong trường hợp bố mẹ ly dị mà không có sự ổn định tâm lý nhanh chóng, dẫn đến tình trạng người này hận người kia, thù hằn, ghét bỏ, thường xuyên nói xấu, khích bác, thì sẽ làm cho đứa trẻ sẽ xây dựng một biểu tượng xấu về mẹ hay người cha của mình. Sau này, nó sẽ e sợ tât cả người phụ nữ khác hay tất cả những người đàn ông khác.</i>
Tiến sĩ Nguyễn thị Bích Hồng
Ngoài ra, phần lớn trước khi chia tay, cha mẹ thường có xung đột và cãi nhau to tiếng trước mặt các em, do đó, về mặt tình cảm các em sẽ bị tổn thương nặng nề. Đó là chưa kể những trường hợp cha, hay mẹ muốn con đứng về phía mình để lên án người kia. Các em sẽ trở nên hoang mang và rồi để lại trong tâm hồn các em sự buồn rầu, đôi khi dẫn đến sự tự ti mặc cảm. Bà nói tiếp:
Về mặt tình cảm, đứa trẻ sẽ bị tổn thương, bởi vì khi cha mẹ ly dị, đứa trẻ sẽ phải sống khoảng thời gian khá dài trước đó, bố mẹ xung đột trước mặt và khi họ chia tay nhau rồi, thì đứa trẻ sẽ hoang mang vì nó rất khó đứng về một phía.
Nếu nó sống với mẹ, thì thiếu ba, nếu sống với ba thì thiếu mẹ. Đặc biệt là sau khi ly dị mà không dàn xếp tốt với nhau. Đứa trẻ có thể có mặc cảm về gia đình của mình so với những gia đình khác, ví dụ như bạn bè của các cháu.
Các em trong độ tuổi từ 12 đến 17
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Tuấn, ở San Jose, California cũng đồng quan điểm và cho rằng, khi cha mẹ chia tay nhau, các em ở trong độ tuổi từ 12 đến 17 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Anh nói:
Tuổi nhỏ thì các em không biết, tuy nhiên, các em cũng thấy những cái mất mát, thiếu thốn..Còn những em ở tuổi thiếu niên, từ 12 đến 17 thì các em ít nhiều cũng rất giận dữ, khi các em thấy cha mẹ chia tay nhau, cha mẹ cãi nhau…
Có nhiều em không hiểu, nghĩ rằng do mình, tại mình, nên bối rối, rồi cảm thấy mặc cảm tội lỗi, và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của các em. Đầu tiên là việc học. Ở tuổi 12, 13, 14, các em sẽ có những phản ứng giận dữ, còn 16, 17 thì các em sẽ bướng bỉnh, mặc kệ, bực bội, khó chịu, hay gây gỗ người này, người kia…hoặc là lúc nào cũng im lặng, ngồi một mình, một chỗ.
Nếu nói về tâm lý thì các em sẽ dễ rơi vào trầm cảm và ít nhiều ảnh hưởng đến việc học của các em. Có một số em vì buồn phiền khi cha mẹ ly dị, chia tay hay cãi nhau lớn tiếng trước mặt các em, các em sẽ bỏ nhà ra đi, hoặc không đi học, hoặc ra ngoài đường đánh nhau mà cha mẹ cứ tưởng là nó bị làm phiền một chuyện gì đó.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Bích Hồng cũng phát biểu:
Vì ảnh hưởng về mặt tình cảm nên chắc chắn nó sẽ chi phối lên hành vi của đứa trẻ đó, nên nó sẽ sống khác biệt hơn với những đứa bạn sống trong gia đình bình thường. Có thể sẽ e dè, khép kín, lầm lũi hơn. Đó là những em sống nội tâm.
Một số em thì tỏ ra chống đối, sống một cách ngỗ ngược, và nó có hành vi gây hấn với những người chung quanh. Một số khác thì nó tìm ra những cuộc sống viễn tưởng, tức là chuyển sang sống một thế giới khác, và đôi khi tích cực nhưng cũng có khi không tích cực.
Tôi đã chứng kiến có những em dồn nén tất cả nhữg vui thú của nó vào học tập và nó lấy học tập làm niềm vui. Trong trường hợp này thì có lợi cho trẻ về mặt học hành, nhưng nó vẫn bất lợi khi nó vùi quá nhiều vào một lãnh vực thì nó lại không cân bằng ở lãnh vực khác, không có tính hồn nhiên hay kỹ năng sống khác.
Cần phải suy nghĩ thật chín chắn
Nói như thế thì đối với những trường hợp cha mẹ không thể hàn gắn, buộc lòng phải đi đến chỗ chia tay thì sao? Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh, nói:
Sau khi ly dị, thì người nuôi dưỡng vừa phải đóng vai trò người cha, vừa phải đóng vai trò người mẹ. Thế nhưng, nói như thế nghĩa là tôi không khuyên những cặp vợ chồng không hợp với nhau mà vẫn cứ phải gắng gượng sống với nhau vì con cái.
<i>Ngày nay, các cháu rất nhậy bén, nếu như cha mẹ vì con mà không ly dị, vẫn sống và che đậy con cái, thì điều đó rất nguy hiểm cho các cháu. Các cháu sẽ nhanh chóng phát hiện ra mặt không thành thực của cha mẹ, cha mẹ đạo đức giả với nhau, thì sẽ ảnh hưởng cho các cháu về lâu dài, có khi suốt đời của các cháu về sau này.</i>
Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam
Ngày nay, các cháu rất nhậy bén, nếu như cha mẹ vì con mà không ly dị, vẫn sống và che đậy con cái, thì điều đó rất nguy hiểm cho các cháu. Các cháu sẽ nhanh chóng phát hiện ra mặt không thành thực của cha mẹ, cha mẹ đạo đức giả với nhau, thì sẽ ảnh hưởng cho các cháu về lâu dài, có khi suốt đời của các cháu về sau này.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Tuấn, thì cha mẹ nên cố gắng giảm thiểu việc ly thân, ly dị là tốt nhất. Thực vậy, hầu hết, mọi người đều biết rằng, nếu đứa trẻ được sống dưới một mái ấm đầy đủ với cha mẹ thì sẽ được phát triển toàn diện.
Thế nên, vì một lý do nào đó chẳng đặng đừng phải chia tay nhau thì cha mẹ phải chuẩn bị làm thế nào cho cuộc sống các em sau này sẽ không cảm thấy mình thiếu thốn tình cảm của cha, hay mẹ, như lời chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Tuấn phát biểu:
Trong trường hợp cha mẹ nhất định phải chia tay thì nên nói thẳng với con cái. Dù các em ở tuổi nhỏ, hay thiếu niên đều phải nói cho các em, rồi cha mẹ có giận nhau, ghét nhau cũng nên thương yêu con cái, tôn trọng tình cảm của con cái, và phân chia tình cảm sao đó để không bị thiếu thốn tình cảm của cha hay mẹ.
Thí dụ, ngày sinh nhật của các em, cha mẹ vẫn gửi quà cho các em hay vẫn đến với các em. Trong tuần, có những ngày các em đến với cha, có những ngày đến với mẹ, để các em cảm thấy rằng cha mẹ vẫn luôn yêu thương các em, có hình ảnh của cha mẹ trong đời sống các em mặc dù chia tay nhau rồi.
Cha mẹ cũng nên có thời gian đến thăm con, ở với con…cho con cái đến thăm cha mẹ một cách rất tự nhiên. Mẹ cũng nên khuyến khích con đến thăm cha của các em, mặc dù đã ly dị, hoặc là các em đang ở với cha thì cũng nên thăm mẹ thường xuyên. Đó là cách để các em luôn cảm thấy cha mẹ vẫn hiện diện trong đời sống các em mặc dù hai người đã chia tay nhau.
Với tiến sĩ Nguyễn Bích Hồng, điều cần thiết nhất là trước khi quyết định chia tay, cha mẹ cần phải suy nghĩ thật kỹ và chín chắn. Hãy cố gắng dàn hoà êm đẹp trước, và rồi, nếu không cứu vãn được thì phải chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho chính mình và con cái. Bà nói:
Nhìn chung, việc cha mẹ ly thân, ly dị thì nó gây hại nhiều hơn. Khi chúng ta đứng trước một quyết định đó thì chúng ta phải có một sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho chính mình, cũng như cho các con và giải thích tốt cuộc sống sau này, khi mà cha không sống chung với con, hoặc mẹ không sống chung với con. Cố gắng giữ gìn làm sao để quan hệ cha mẹ, con cái không bị ảnh hưởng quá nhiều. Còn vấn đề vợ chồng thì đương nhiên tự giải quyết với nhau rồi.
Quý vị và các bạn vừa nghe một số ý kiến của các chuyên gia tâm lý về việc ly thân, ly dị của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái. Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quý vị vào kỳ sau.